Wednesday, 28 August 2013

HÃY TUÂN THEO QUY LUẬT ĐỂ TỒN TẠI & PHÁT TRIỂN (Hà Huy Sơn)




Hà Huy Sơn
29/08/2013

Lịch sử đấu tranh của nhân loại không ngoài mục đích vì quyền con người, quyền ấy phải ngày càng được đáp ứng đầy đủ và thỏa mãn ở mức cao hơn. Để đạt được điều này thì chỉ có một phương cách không thể phủ nhận là mỗi xã hội phải tự thiết lập nên một thể chế dân chủ cho chính mình. Thể chế dân chủ là ở đó người dân có quyền tham gia quyết định mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Mà cốt lõi của thể chế dân chủ là một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Đây là tiêu chí cơ bản phân biệt giữa thể chế dân chủ và thể chế toàn trị. Nhưng các thể chế toàn trị lại luôn tự nhận đây là đặc trưng của riêng họ, chỉ có điều ở thể chế toàn trị không có nguyên lý vận hành một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.

Nhà nước là cơ quan quyền lực của xã hội, là công cụ của người dân. Do điều kiện vật chất thực tế nên người dân chưa thể thực hiện được quyền “dân chủ trực tiếp” mà phải thông qua cơ chế “dân chủ đại diện”. Dân chủ đại diện có nghĩa là người dân không thể trực tiếp phúc quyết các dự luật, các vấn đề tổ chức, nhân sự của bộ máy nhà nước, các chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia…

Cho dù ngay cả vấn đề ứng cử, bầu cử người đứng đầu nhà nước hoặc biểu quyết hiến pháp hay các vấn đề trưng cầu ý dân khác nếu có cũng đều chịu sự ảnh hưởng của các đảng phái chính trị trước, rồi sau đó mới là người dân bỏ phiếu. Do vậy, các tổ chức chính trị, các đảng chính trị có vai trò làm người đại diện ý chí chính trị của các công dân. Vai trò đại diện, vai trò trung gian của các đảng chính trị là không thể thiếu trong một xã hội công dân.

Một nhà nước dưới sự lãnh đạo của một đảng thì nhà nước đó không bao giờ là nhà nước của mọi công dân hay nói cách khác nó không phải là một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” cả về nguyên lý lẫn thực tiễn. Nếu nhà nước đó thực sự là nhà nước của toàn dân thì không có lý do gì không nhất thể đảng với nhà nước, khi đó mọi công dân sẽ đều là đảng viên. Nếu không thì rõ ràng nhà nước với đảng không phải là một, công dân với đảng viên không phải là một. Nhất thể đảng với nhà nước để đảng phải tuân theo quy định của pháp luật về ứng cử, bầu cử; phải chịu sự lựa chọn và phế truất của công dân. Không có lý lẽ nào biện hộ, cho phép một đảng được quyền làm ra luật để lãnh đạo nhà nước, mà quyền này chỉ duy nhất là công dân và thuộc về công dân.

Xã hội loài người là một bộ phận của thế giới vật chất. Bản chất của thế giới vật chất là đa dạng; vật chất tồn tại phát triển trong sự cân bằng bởi đối trọng. Lịch sử phát triển của nhân loại là quá trình phát triển của đa nguyên, của tự do, đa dạng hệ ý thức, đa dạng tư tưởng. Thực tiễn đã chứng minh sự phát triển của các nhà nước tiến bộ phải dựa trên căn bản của sự tồn tại quyền bình đẳng của các tổ chức chính trị, các đảng phái chính trị.

Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo đã được Liên Hợp Quốc công nhận và đa số các quốc gia dù thật tâm hay không thật tâm cũng đều công nhận. Tự do tôn giáo là quyền tự nhiên của con người. Vai trò của tôn giáo, của các đảng chính trị, của nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó, tác động lẫn nhau. Nhưng tôn giáo mà lấn sân sang hoạt động của các đảng chính trị, lấn sân sang hoạt động nhà nước hay ngược lại đều dẫn tới sự chia rẽ trong xã hội, gây nên hỗn loạn xã hội. Nếu nhà nước thao túng tôn giáo thì tôn giáo sẽ mất vai trò ảnh hưởng trong xã hội. Ngược lại, nếu tôn giáo thao túng được nhà nước thì nhà nước sẽ mất đi vai trò công cộng của nó. Hoặc nhà nước ngăn cản các đảng chính trị, duy trì sự độc tôn chính trị sẽ là cơ hội để tôn giáo thay thế vai trò của các đảng phái chính trị, để rồi sinh ra mầm họa cho xã hội. Sự tồn tại của một nhà nước của mọi công dân cùng với các đảng chính trị và tự do tôn giáo là một quy luật tự nhiên của xã hội.

Hà Nội, ngày 27/08/2013
H.H.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:14 


No comments:

Post a Comment

View My Stats