Thứ sáu 16 Tháng Tám 2013
Sáng 15/08, các thanh niên nhóm học tiếng Anh đến trụ sở công an phường để
đòi lại đồ dùng cá nhân. Trong ảnh, anh Hồ Ngọc Thanh bị một nhân viên công an
lôi đi. Theo Facebook Gió Lang Thang/Lan Lê
Ngày 13/08/2013 vừa rồi, xẩy ra một sự việc bất ngờ đối
với công luận : Công an phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đột nhập
vào một lớp học nhóm tiếng Anh tại nhà riêng, gồm nhiều bạn sinh viên trẻ, dùng
vũ lực bắt đi 7 người và tước đoạt nhiều vật dụng cá nhân. Ngày 15/08, khi 4
người đến trụ sở công an đòi lại các đồ dùng, thì đều bị bắt giữ.
Theo một số nhân chứng, việc bắt người và thu giữ các đồ
dùng cá nhân nói trên đã được công an thực hiện mà không có bất cứ một giấy tờ
hợp pháp nào. Thực tế cho thấy mục tiêu chính của công an trong vụ trấn áp
các sinh viên học nhóm tiếng Anh tại nhà anh Trần Quang Trung (số 20 ngõ Giếng
Mứt, phường Trương Định, Hà Nội) có thể là nhằm tìm kiếm các thông tin liên
quan đến hoạt động của các bạn trẻ. Hiện tại, một số điện thoại di động và máy
laptop của các thành viên nhóm tiếng Anh vẫn đang bị công an thu giữ "trái
phép".
Ngày 14/08, các thành viên nhóm học tiếng Anh ở phường
Trương Định đã viết đơn khiếu nại gửi Cơ quan điều tra Công an quận Hai Bà
Trưng để yêu cầu can thiệp trước các hành vi phạm pháp của công an phường
Trương Định.
Là người theo dõi sự việc này, ông Nguyễn Văn Dũng (tức
blogger Dũng Aduku) cho RFI biết cụ thể.
Nghe
(08:02) : Ông Nguyễn Văn Dũng (Phú Thọ) 16/08/2013
RFI : Xin chào anh Nguyễn Văn Dũng. Ngày 13/08 vừa
rồi, có sự việc gây bất ngờ đối với công luận là công an một phường ở Hà Nội
đột nhập vào một lớp học nhóm tiếng Anh, gồm nhiều bạn sinh viên trẻ, dùng bạo
lực bắt họ đi và tước đoạt các vật dụng cá nhân. Được biết anh có mặt trong
cuộc biểu tình tại trụ sở đồn công an để đòi trả tự do cho các bạn trẻ, vậy xin
anh cho thính giả biết tình hình cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Dũng : Tôi là bạn của những anh em trẻ học tiếng Anh. Tôi biết là anh em có lớp
tiếng Anh ở chỗ đấy. Một vài lần thì tôi cũng qua chơi, thì tôi thấy anh em học
hành rất là sôi nổi. Có độ 3, 4 người có trình độ nổi bật hẳn lên thì thay nhau
làm giáo viên, thì khi một người làm giáo viên thì những người kia lại làm học
viên, để chủ yếu tạo ra một không gian nói tiếng Anh với nhau. Chứ nó cũng
không học hành gì quá là chuyên sâu cả.
Tôi rất mừng cho anh em. Qua lớp học tiếng Anh, thì anh
em lại có những trao đổi thân tình, vui vẻ hơn.
Tôi cũng không hiểu tại sao là hôm ấy công an lại ập vào
trong một lớp học tiếng Anh, nó không có một cái gì sai phạm. Không có một lý
do nào để có thể phá rối cái lớp học đó. Ngoài chuyện học hành nó không vi phạm
pháp luật, thì khi công an xâm phạm tư gia của người khác, khi không có lệnh,
rồi đánh người thuê nhà ở đấy, bóp cổ, xông lên tịch thu tất cả tư trang của
mọi người... Thậm chí cả một cái xe máy của một học viên cũng bị đem ra đồn
công an. Không có bất cứ một lý do nào cả. Cái đấy nó vi phạm pháp luật, cũng
như là vi phạm nhân quyền.
Tôi cũng rất là bất bình. Hôm ấy tôi ở cách đó khoảng 100
km. Trong đêm tôi cũng xuống trước cửa đồn để cùng với mọi người, để chờ tin và
yêu cầu công an làm rõ ràng mọi việc. Trước áp lực của mọi người biết chuyện
đến trước đồn và trên mạng thông tin dư luận rất là nhanh, chính quyền đã buộc
phải thả các em ấy ra. Giờ thả người cuối cùng là 2 giờ 30 đêm, giờ Việt Nam.
Hôm sau, thì có hai em đến đòi đồ, thì họ cứ để cho hai
em chờ một tiếng, hai tiếng đồng hồ, rồi cuối cùng họ trả đồ cho hai em ấy. Còn
năm em còn lại, thì hôm sau (15/08) lên, thì họ cưỡng chế, bắt tất cả vào làm
việc để nhận đồ, nhưng sau đó họ giữ tất cả lại. Thu tất cả điện thoại và giữ
đến khuya, khoảng 22 giờ, 22 giờ 30, và chỉ thả dần từng người một vào thời
điểm đó.
Thậm chí họ còn đánh một anh có xe máy đi kèm. Anh ấy có nick
Facebook là Hồ Đức Thanh. Họ bảo phải xuất trình giấy tờ xe. Anh ấy đấu
tranh pháp lý rất là kiên quyết với công an. Công an đuối lý đã đánh anh ấy.
Khi thấy anh ấy làm mạnh mẽ quá thì công an áp giải anh ấy lên một xe khác, đưa
về số 6, Quang Trung để khủng bố. Vừa khủng bố tinh thần anh ấy và khủng bố
tinh thần mọi người để làm nghiêm trọng hóa cái sự việc, mà thực ra cũng chẳng
có gì cả.
Hôm qua tôi cũng đến tận số 6, phố Quang Trung, chỗ Bộ
Công an, sau tôi gọi điện thoại về gia đình, được xác nhận là anh ấy đã về.
Còn tại Trương Định, nơi ba người còn lại bị giữ, thì
những người ủng hộ tập hợp rất là đông. Mọi người đã tổ chức biểu tình đòi
người. Trước áp lực của những người thấy sự vi phạm pháp luật rất là ngang
nhiên của công an. Công an buộc phải thả các bạn ra.
RFI : Xin anh cho
biết thêm về những thanh niên của lớp học tiếng Anh, hiện nay ra sao, sau khi
được trả tự do ?
Ông Nguyễn Văn Dũng : Hiện tại, tôi không liên lạc điện thoại được với mọi người, tại vì công
an vẫn còn giữ điện thoại của một số người. Có một vài người tôi biết là được
trả điện thoại rồi, nhưng mà công an vẫn còn tiếp tục gây áp lực với gia đình,
đến gặp gỡ gia đình, dọa nạt thông báo về địa phương. Thậm chí còn có những gia
đình còn lo ngại, có khi còn chưa cho anh chị em dùng điện thoại. Vì đây toàn
là những người trẻ, có những người là sinh viên, thậm chí học sinh. Thế nên là
họ dọa nạt bằng rất nhiều cách. Ngoài tại hiện trường lớp học, họ còn dọa nạt
về phía gia đình và cả phía nhà trường nữa. Trước đấy họ đã đến trường, họ nắm
tình hình thế nọ, thế kia, (khuyên bảo) đừng đi theo những đối tượng ‘‘nhạy
cảm’’ hay gì đó.
Trong khi, đa số các anh em lớp học tiếng Anh chỉ có hoạt
động nổi bật nhất thường xuyên là đi ra sân xem đá bóng, đội bóng NO-U FC (đội
bóng của những người phản đối yêu sách đường chữ U hay đường lưỡi bò của Trung
Quốc trên Biển Đông) thôi. Một vài năm gần đây thì thỉnh thoảng đi biểu tình
chống Trung Quốc, toàn những cái hoạt động đúng pháp luật và rất đáng khuyến
khích.
Tôi không hiểu tại sao, những người chú ý đến chủ quyền
lãnh thổ, chú ý đến đời sống chính trị lại bị công an làm những trò rất là xấu,
rất là bẩn, vô pháp luật như vậy.
Đáng ra những người như thế thì cần phải khuyến khích,
đặc biệt là các bạn trẻ. Dường như, tôi cảm thấy là họ muốn làm thui chột lòng
yêu nước, những nhận thức chính trị nơi những người trẻ tuổi.
Đợt gần đây họ rất là lo ngại những người trẻ tuổi ở Việt
Nam. Vì ngày càng nhiều người dám đứng lên chống Trung Quốc, và dám nói thẳng
nói thật những điều chướng tai gai mắt trong xã hội. Hình như là, cái hệ thống
của họ chỉ thích khen, còn những người nói thẳng nói thật, thì họ ghét hay sao
?...
Tôi thấy quá vô lý, tôi thấy là bất bình, nên mấy hôm
nay, tôi đều theo sát ở cửa đồn. Chúng tôi rất là ôn hòa, đúng pháp luật. Có
lúc họ đàn áp anh em, họ đánh anh em, mọi người bức xúc thì có to tiếng thôi.
Còn kể cả lúc biểu tình, cũng rất là trật tự, không tràn ra lòng lề đường, đứng
ở sát ngay đồn công an và hô đòi thả người, phản đối bắt người trái pháp luật.
RFI : Vâng, xin cảm ơn
anh rất nhiều. Anh có chia sẻ gì thêm với thính giả trước khi chia tay ?
Ông Nguyễn Văn Dũng : Nói chung, những anh em trẻ yêu nước, có quan tâm đến chính trị ở Việt
Nam ngày càng nhiều. Tôi rất hay chơi với các anh em trẻ, chú ý đến các anh em
trẻ, tôi thấy rất tin tưởng vào tương lai của đất nước, khi có những người trẻ
yêu nước và họ cũng rất là hiểu biết và cầu tiến.
Và họ lại có cái lòng nhân hậu, họ đề cao tinh thần hòa
hợp, hòa giải, mặc dù họ cũng rất thẳng thắn, kiên quyết với những cái sai trái
trong xã hội. Nên tôi nghĩ là bất kể chuyện gì xẩy ra với những người trẻ, cuối
cùng họ sẽ vượt qua được, mặc dù chắc chắn sẽ có nhiều vấp váp, sẽ có một vài
những cái, mà có thể là mọi người thấy là đáng tiếc, nhưng mà mọi người cũng
nên tin tưởng, lúc nào cũng nên chú ý hỗ trợ anh em trẻ.
Người trẻ là tương lai của đất nước và tôi thấy có thể
tin tưởng vào họ.
Bảy người bị bắt hôm 13/08 gồm các sinh viên : Phạm Văn
Tiến (Facebook VN.Motherland), Hoàng Minh Trang (Facebook Trang Red), Đỗ Minh
Trọng, Vũ Thị Thùy Linh (Facebook Tâm Bão), Hồ Đức Thanh (Facebook Ho Duc
Thanh), Vũ Ngọc Thắng (Facebook Thang Vu) và Trần Quang Trung. Anh Hồ Đức Thanh
là người bị bắt lại vào ngày hôm qua 15/08 và là người cuối cùng được trả tự do
vào đêm khuya cùng ngày.
No comments:
Post a Comment