Friday, August 09, 2013 4:19:00 PM
VINH
(NV) .- Chim tuy bị nhốt trong lồng nhưng vẫn được chăm
sóc. Chó dù bị xích cũng được cho ăn và không bị ngược đãi. Tù nhân trong nhà
tù CSVN vẫn bị đối xử như trước: thua cả chim, chó.
Đó là một trong những nhận định của cựu tù chính trị
Nguyễn Xuân Anh. Ông Nguyễn Xuân Anh là một trong 14 thanh niên, Công giáo, Tin
Lành, bị cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.
Cuối năm ngoái, trong phiên xử sơ thẩm, ông Anh bị
Tòa án Nghệ An tuyên phạt ba năm tù. Cuối tháng 5 vừa qua, tại phiên xử phúc
thẩm, Tòa án Tối cao quyết định giảm cho ông Anh sáu tháng tù. Ông Anh vừa mãn
hạn tù và mới tiết lộ một số thông tin về nhà tù cộng sản.
Trong 30 tháng ở tù, ông Anh bị chuyển qua ba trại
giam. Đầu tiên là trại tạm giam của Bộ Công an. Kế dó là trại giam Nghi Kim của
Công an Nghệ An và trại giam số 6 của Bộ Công an, đặt tại tỉnh Thanh Hóa.
Trừ trại tam giam của Bộ Công an Việt Nam, phòng giam
ở hai trại còn lại đều chật chội, đông đúc, thiếu khí trời. Nước sinh hoạt thì
bị ô nhiễm nặng nề nhưng vẫn phải dùng nên rất nhiều tù nhân mắc các bệnh ngoài
da. Thực phẩm thiếu và mất vệ sinh nên sức khỏe tù nhân suy kiệt rất nhanh.
Điều kiện ăn, ở tồi tệ, trái hoàn toàn với các qui định pháp luật liên quan tới
việc bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm cho người tù, nên tù chính trị thường xuyên
tranh đấu bằng nhiều hình thức để đòi cải thiện chế độ lao tù.
Giống như nhiều người tù chính trị, trong tù, ông
Anh đã nhiều lần gửi đơn tố cáo, khiếu nại, đòi giải quyết những bất hợp lý.
Cho tới khi ông được trả tự do, các giám thị trại giam vẫn chưa trả lời và họ
hứa sẽ gửi thư trả lời về… nhà.
Đánh đập tù nhân là chuyện xảy ra thường xuyên tại
các trại giam. Xâm phạm thân thể người tù để ép cung là chuyện không hiếm nên
ông Anh thường xuyên được chứng kiến.
O ép người tù là một cách để các giám thị trại giam
kiếm tiền. Chẳng hạn, theo lời ông Anh, các phòng giam ở trại giam Nghi Kim,
tỉnh Nghệ An được chia làm bốn loại. Phòng loại một gọi là “sĩ quan”. Phòng
loại một có giường, ti vi, quạt máy, nhà vệ sinh riêng nhưng muốn được giam ở
phòng loại một phải nộp mỗi tháng 5 triệu đồng.
Phòng loại hai được gọi là “vệ sinh”, người ở những
phòng này có thể ra vào tự do, để được giam ở phòng loại này, mỗi tháng phải
đóng 3 triệu đồng. Những người được giam trong các phòng “vệ sinh” có thể gỡ
lại những khoản đã đóng bằng cách lấy thù lao khi đi mua đồ ở canteen giúp cho
những tù nhân khác hay “xin đểu”.
Phòng loại ba gọi là “thường dân”, đi lại tuy bị hạn
chế, không có ti vi nhưng có quạt máy, để được giam ở phòng loại này, mỗi tháng
phải đóng 2 triệu đồng. Phòng loại bốn là loại phòng phổ biến, giam những tù
nhân không có khả năng đóng tiền phòng và đó là nơi mà người tù bị đối xử tệ
hơn cách người ta đối xử với một con vật.
Theo ông Anh, phải ở trong tù thì mới hiểu được cảm
giác của một người bị giam trong nhà tù cộng sản. Ông kêu gọi mọi người cầu
nguyện cho những người tù có thể trở về bình an. Những người yêu chuộng công lý
và hòa bình sẽ hỗ trợ cho những người tù và những người tranh đấu cho tự do,
dân chủ đang bị giam cầm.
Theo ông, nhờ những ngày tháng bị giam cầm trong tù,
ông có thời gian chiêm nghiệm về những điều ông đã làm và những gì mọi người đã
làm cho ông. Trước khi ở tù, ông là một người dân bình thường, một người con
của đất nước và của Giáo hội Công giáo nhưng bây giờ thì ông đã nhận ra mình là
ai và cần làm những gì trong thời gian sắp tới. (G.Đ)
------------------------------------------
HT, VRNs
Đăng bởi lúc 2:24 Sáng 9/08/13
VRNs
(09.08.2013) – Sài Gòn – Vào
lúc 15 giờ ngày 07.08, tù nhân lương tâm chính trị Phêrô Nguyễn Xuân Anh, một
trong 14 TNCG và TL vừa mới được mãn hạn tù tại trại giam Thanh Hóa và trở về
nhà ở Nghệ An. Anh Xuân Anh tiếp tục bị 3 năm quản chế ở địa phương.
Anh Xuân Anh nhớ lại những ngày tháng ở trong tù.
Anh Xuân Anh kể: “Tôi bị chuyển trại giam
3 lần. Ở trại giam của Bộ thì người ta đối xử có thể chấp nhận được. Rồi chuyển
về trại giam ở [Nghi Kim] Nghệ An thì mọi điều kiện rất khó khăn, rất khổ và
thiếu thốn đủ điều. Ở trại giam này, 7 – 8 anh em chúng tôi bị nhốt trong một
cái buồng quá nhỏ và chật chội, chỉ có một cái lỗ thông hơi nhỏ xíu khoảng 30 –
40 phân, thì anh em chúng tôi không thể nào chịu nổi cứ như là muốn phát điên
lên vì thời tiết nóng bức. Còn nguồn nước sinh hoạt trong trại thì bị ô nhiễm
nặng bởi vì trại giam nằm gần bãi rác của thành phố. Chúng tôi không dùng được
nhưng chúng tôi vẫn phải dùng vì thế rất nhiều anh em tù nhân bị các bệnh ngoài
da. Nước tắm thì nhỏ giọt. Cơm ăn thì quá tệ và thức ăn không đầy đủ nên sức
khỏe của các anh em chúng tôi bị giảm sút rất nhiều. Anh em chúng tôi có lên
tiếng nhưng họ không giải quyết. Rồi, khi tôi bị chuyển qua trại giam ở Thanh
Hóa, nhiều thứ tôi không được hưởng và tôi khiếu nại nhưng họ không giải quyết.
Tôi tiếp tục yêu cầu cán bộ trại giam giải quyết nhưng họ vẫn không giải quyết.
Đến ngày mãn hạn tù, tôi yêu cầu họ giải quyết thì họ cũng không giải quyết, và
họ nói là họ sẽ trả lời cho tôi bằng văn bản và sẽ gửi về địa phương cho tôi
cho nên tôi đang đợi.
Tôi nghĩ, con chim nhốt trong chuồng còn được người ta chăm sóc, cho ăn
và vuốt ve, con chó được người ta cho ăn cơm thừa và đàng hoàng, còn người tù
thì không được bằng như thế. Nói chung ở trại có rất nhiều vấn đề và tôi đã
trình bày trong đơn khiếu nại của tôi và tôi đang chờ người ta giải quyết đơn
khiếu nại.”
Quyền con người của người tù bị xâm phạm một cách
nặng nề trong trại giam. Anh Xuân Anh nói:
“Ở trong tù, tôi chứng kiến nhiều anh em bị đánh đập ngay trước mặt tôi. Trong
quá trình điều tra có những tù nhân bị ép cung và bị xâm phạm cơ thể.”
Chính đời sống tâm linh và các giá trị tinh thần đã
giúp anh Phêrô Xuân Anh vượt qua những khó khăn đầy cay đắng tủi nhục của một
người tù trong trại giam. Anh Xuân Anh chia sẻ: “Những ai đã từng ở trong tù thì mới hiểu được cảm giác của một người
tù và bị người ta đối xử như thế nào. Nhưng tôi luôn tin tưởng vào công lý và
hòa bình, tin tưởng vào những ai vì lòng yêu thương và tình con người thì họ sẽ
ủng hộ tôi và các anh em chúng tôi. Tôi là con của Thiên Chúa nên tôi luôn phó
thác và trông cậy vào Chúa vì thế tôi yên tâm cuộc đời của tôi ở trong tay
Chúa. Những ngày tháng ở trong tù, tôi có thời gian cảm nghiệm những việc tôi
đã làm và những gì người ta làm cho tôi. Trước đây, tôi là một người dân bình
thường, người con của đất nước và người con của giáo hội nhưng bây giờ tôi đã
nhận ra mình là ai và cần làm những gì trong thời gian sắp tới.”
Về Tương lai, anh Xuân Anh băn khoăn “Khi ra khỏi tù thì vật chất sẽ được tốt và
thoải mái hơn nhưng tinh thần vẫn chưa được ổn định lắm. Bây giờ tôi bị quản
chế 3 năm đi đâu cũng phải xin phép cho nên tôi cảm thấy quyền của tôi bị hạn
chế, nên cũng không biết làm việc gì vì chẳng được đi đâu, cứ ở nhà như thế này
thì không biết nuôi sống gia đình như thế nào đây? Cuộc sống tương lai chưa xác
định được điều gì? Khi tôi trở về địa phương thì phải làm rất nhiều thủ tục
quản chế.”
Anh Xuân Anh gửi lời nhắn đến tất cả mọi người: “Có một người bạn tù ở cùng với tôi, muốn xin
một thánh lễ cho tất cả những người đang bị giam cầm. Rất mong mọi người cầu
nguyện cho mọi người đang ở trong tù được trở về trong hòa bình và bình an.”
Cuối cùng anh Xuân Anh gửi lời cám ơn đến tất cả mọi
người đã thương yêu và nâng đỡ gia đình anh trong những ngày tháng anh Xuân Anh
ở trong ngục tối. Anh Xuân Anh bộc bạch: “Tôi
xin cảm ơn tất cả mọi người đã động viên quan tâm, giúp đỡ, động viên hỏi thăm
gia đình tôi trong giai đoạn tôi đang ở trong tù. Rất mong cộng đồng dân Chúa
và những người yêu chuộng công lý và hòa bình sẽ ủng hộ cho chúng tôi và cho
tất cả những ai vì nên dân chủ đất nước đang bị giam cầm.”
Anh Phêrô Nguyễn Xuân Anh bị Tòa án nhân dân tỉnh
Nghệ An cáo buộc vào điều 79 BLHS “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
và bị kết án 2 năm tù giam và 3 năm quản chế. Anh Phêrô Nguyễn Xuân Anh bị công
an bắt vào ngày 07.08.2011.
Một nguồn tin khác, cũng ra khỏi tù ở Nghệ An cách
nay ít lâu cho biết, trại giam Nghi Kim thuộc công an tỉnh Nghệ An là nơi có
nhiều vấn đề vi phạm pháp luật.
Các phòng giam được chia làm bốn (4) loại. Loại một
gọi là “sĩ quan”. Ai muốn ở phòng này thì một tháng phải nộp 5 triệu. Trong
phòng này có nhà vệ sinh riêng, ti vi, quạt, giường đầy đủ. Nói chung là như ở
nhà. Loại hai gọi là “vệ sinh”. Ai muốn ở đây thì đóng 3 triệu một tháng. Những
người ở đây có nhiều cơ hội “tham nhũng”, vì họ được ra căn tin hàng ngày, được
mua đồ giúp cho các tù nhân. Khi mua đồ thì họ có thể ăn chặn, hoặc “xin đểu”
những tù nhân khác. Loại ba là “thường dân”. Ai ở phải đóng 2 triệu. Các phòng
này không có ti vi, nhưng có quạt mát. Còn loại bốn là loại chung của các tù nhân
không đóng tiền phòng. Những tù nhân này thường xuyên bị thay đổi phòng ở, tuỳ
theo ý muốn của giám thị và các cai tù.
HT,
VRNs
No comments:
Post a Comment