Thứ Năm, 15/08/2013
Sống ở nước ngoài đã lâu, tôi
ít có điều kiện về thăm quê, nên một số từ ngữ tiếng Việt không hay dùng, đôi
lúc cũng quên quên, nhớ nhớ. Ấy vậy mà nhìn thấy màu đỏ, hay nghe ai đó nhắc
đến từ đỏ, cờ đỏ, đội cờ đỏ là tôi giật mình thon thót. Có lẽ, ai có những giây
phút ám ảnh này, mới hiểu, thông cảm cho Phù Thăng và thấy được cái hay, đồng
cảm với truyện ngắn Hạt Thóc của ông.
Thế hệ chúng tôi, sinh ra và
lớn lên ở miền Bắc, chắc chắn không ai có thể quên nhiệm vụ đội cờ đỏ, được làm
quen ngay từ ngày đầu đến lớp (vỡ lòng). Đội cờ đỏ của lớp, của trường do tuyển
chọn, hoặc phân công từng tổ thay nhau làm trong tuần. Đội này, được phát băng
đỏ đeo trên tay. Nhiệm vụ chính giám sát hành vi của các bạn cùng lớp, cùng
trường, báo cáo lại thày cô giáo chủ nhiệm, hoặc ban giám hiệu chấm điểm thi
đua. Nó là cơ sở để thày cô, ghi hạnh kiểm vào học bạ cuối năm.
Hồi học lớp hai, lớp ba gì đó,
tôi cũng được phân công làm cờ đỏ một tuần. Công việc của tôi, giữ trật tự cho
việc chào cờ đầu tuần và có quyền cho tổ, bàn nào ra khỏi lớp trước, khi tan
học. Thường tổ nào trật tự, chăm chỉ học tập, cờ đỏ cho ra đầu tiên, còn lại tổ
nghịch ngợm, điểm kém ra sau cùng. Ngay buổi sáng nhận băng đỏ, mấy thằng ngồi
cuối lớp, nghịch và lười học, nhưng lại con nhà giầu, rủng rỉnh tiền ăn quà
sáng, dúi ngay vào tay tôi gói xôi nóng hổi, bảo: Hôm nay, mày phải cho tổ tao
ra đầu tiên đấy!
Đang đói vàng cả mắt, mùi của
hương nếp đập thẳng vào mũi. Có là thánh cũng chẳng cưỡng lại được, tôi đút tọt
gói xôi vào cặp. Cả giờ học đầu tiên, rình khi cô giáo quay mặt lên bảng, tôi
lại gục mặt xuống bàn, véo, vặt, giải quyết nhanh gọn gói xôi, chẳng còn một
chút tâm trí nào cho bài học. Hết buổi học, sau khi hô cả lớp đứng nghiêm chào
cô giáo, tôi cho tổ mấy thằng hối lộ quà sáng, ra đầu tiên. Tất nhiên có gặp sự
eo xèo của các tổ khác, nhưng với tôi lúc này, tiếng nói phản đối đó, làm sao
giá trị bằng gói xôi nóng hổi kia.
Bây giờ, ngồi nghĩ lại, nếu như
mấy chục năm trước, không phá bĩnh bỏ việc, bỏ học, có máu ăn hối lộ từ thuở
còn mặc quần thủng đít, với một chút lươn lẹo, có lẽ tôi trở thành thằng cờ đỏ
có mấu có cạnh chứ chẳng chơi. Nhưng nhìn những nhát chém thuê của các đồng chí giáo sư cờ đỏ Phong
Lê, Nguyễn Văn Lưu và đám bậu sậu, theo đóm ăn tàn Đông La (Nguyễn Huy Hùng) về
luận văn thạc sỹ của Nhã Thuyên, tôi lại giật mình kinh hãi.
Thật ra, cờ đỏ không chỉ gác
cổng trong học đường, chỉ điểm trong giới văn học nghệ thuật, mà nó đã chui tận
xó bếp, cũng như sinh hoạt của mỗi gia đình, phường xóm. Bố tôi, học trường
thuốc từ thời Tây, nhưng không hiểu sao, sau năm 1954, ông không làm việc trong
bệnh viện. Đến ông chú tôi cũng vậy, dù đã đỗ tú tài, không chịu học tiếp, hoặc
làm việc cho nhà nước, quanh năm với cái hòm cắt tóc, dạo quanh Hải Phòng để
kiếm sống. Bố tôi làm đủ thứ nghề, nhưng (tịnh) không thấy ông nhắc đến cái
nghề y đã học bao giờ. Sau này, các y, bác sỹ trẻ ở gần nhà, sang nhờ đọc cho
cái hướng dẫn sử dụng thuốc, bằng tiếng Pháp, ông mới nói chuyện rôm rả về nó.
Thỉnh thoảng, đêm hôm, hàng xóm có người ốm đau đến nhờ, ông buộc phải giúp.
Sau này, nhiều người bệnh tìm đến, đội cờ đỏ đánh hơi, rình mò cảnh cáo ông,
không được chữa chui, chữa lậu. Thật ra, chữa bệnh cho toàn người nghèo, ông có
nhận tiền đâu. Nếu như tính công, họ cũng chẳng có tiền để trả. Nhiều lần cờ đỏ
xộc vào nhà bắt ông, khi đang khám bệnh. Họ thu dụng cụ, thuốc men, áp giải ông
ra tiểu khu làm kiểm điểm.
Chứng kiến những cảnh đó, tôi
thấy sợ. Sự ám ảnh từ tuổi thơ đó, in hằn mãi trong tôi. Sau đó, nhiều lần được
cử làm cờ đỏ của lớp, của trường, nhưng tôi đều viện lý do, từ chối. Lúc này,
giá trị của sự dị ứng cờ đỏ và sợ hãi lớn hơn những gói xôi nóng hổi kia trong
tôi rất nhiều.
Nhìn những cảnh cờ đỏ bắt bớ,
đánh đập người biểu tình chống Tầu, những người dân mất đất, mất nhà gần đây,
tôi thấy quyền lực, tổ chức của bọn này, ngày càng được củng cố tăng cường. Và
dường như hiện nay, ngoài cờ đỏ xuất đầu lộ diện, còn một thứ cờ đỏ luẩn quất
đâu đó, dân dã quen gọi là thứ âm binh. Bọn này, có lẽ còn nguy hiểm, kém nhân
cách hơn cờ đỏ lộ diện. Trong văn học nghệ thuật cũng vậy. Ngoài những cờ đỏ
gác cổng có tên tuổi, chai lỳ còn có những cờ đỏ ma, bịt mặt, ẩn mình trong
những bí danh đọc lên cứ như những điệp viên 007 vậy.
Hôm rồi, ông bạn hàng xóm,
nguyên là giáo viên trường đảng cao cấp, đưa cho tôi, mấy bài viết của Đông La
và bảo: Cái tay Đông La này, làm thơ rỗng tếch, văn viết chưa sạch nước cản,
nhưng kiểu chửi của hắn rất giống mấy bà ở quê khi bị mất cắp gà. Nhân sỹ, trí
thức từ trong đến ngoài nước cứ dính vào chống Tầu và khai thác Boxit là hắn
cho là trí thức bầy đàn. Hắn chửi tuốt tuồn tuột từ nhà văn Nguyên Ngọc… cho
đến nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chỉ vì can tội viết thật, nói thật
những suy nghĩ của mình có lẽ làm phật ý bề trên của hắn.
Trước khi ra khỏi cổng, ông bạn
còn ngoái lại: Ông đọc đi, rồi viết một bài, chứ ở trong đến ngoài nước chẳng
ai có ý kiến gì, thế này thì loạn mất.
Hôm rồi, viết bài về cuốn sách Nỗi
Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, tôi có nhắc đến đoạn phê bình KHÔNG
CHÍNH NHÂN của Đông La với cuốn sách này. Bài vừa lên mạng, có nhiều bạn bè và
người đọc viết thư, đề nghị tôi hãy gạch bỏ đoạn về Đông La đi, vì họ không
muốn nhìn, đọc cái tên này. Có bác căng hơn bảo, cái tên Đông La làm bẩn cả bài
viết. Tôi tuy không đồng ý với Đông La về bài viết này, nhưng không có cái suy
nghĩ cực đoan như vậy. Nhưng điềm đạm như ông bạn cựu giáo viên, đã đào tạo lý
luận cao cấp cho nhiều cán bộ lãnh đạo của đảng, đưa cho, dứt khoát tôi phải
đọc.
Đọc xong, tôi còn đọc tiếp một
số bài thơ và văn khác trên Blog của chính chủ Đông La. Qủa thật, nếu như ai đã
nói, văn tức là người, thì văn thơ của Đông La mang dáng dấp của người không có
gốc. Tức là ít (không) có truyền thống giáo dục gia đình. Chỉ thấy lấp ló những
từ ngữ xáo mòn, tự hão huyền về tài năng, với cái đầu rỗng tếch và mớ kiến thức
nghèo nàn của mình. Tôi cho đây là những suy nghĩ không được bình thường, nếu
như không muốn nói, Đông La nên đến nhà thương Biên Hòa để kiểm tra lại. Với
những từ ngữ chợ búa đầy sát khí của mớ lý thuyết hoang đường này, không ai
muốn lên tiếng phản bác lại Đông La là phải.
Tôi không hề có ân oán với bác
Đông La và cũng chẳng quen biết nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, (thỉnh thoảng có
đọc một vài bài viết của anh. Gần đây nhất bài về luận văn của Nhã Thuyên, nhóm
Mở Miệng). Nhưng công tâm mà nói, Đông La muốn làm thơ có hồn, viết văn thật,
lý luận thật, hãy cởi cái áo cờ đỏ ra, rũ sạch những tâm khí đen ngòm cho tâm
hồn thanh thản, rồi cắp sách đến Phạm Xuân Nguyên, làm lại từ đầu.
Là người viết lý luận chuyên
nghiệp, giáo sư Phong Lê thừa biết luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành
thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa" của Nhã Thuyên là đề tài
khoa học, nghiên cứu về một hiện tượng văn học trong xã hội. (Nói như giáo sư
Trần Đình Sử: Là hiện tượng văn học ngoại biên). Nhưng sao GS Phong Lê, Nguyễn
Văn Lưu… hùa nhau, vung đại đao chính trị chém tới tấp vào người nghiên cứu và
người hướng dẫn luận văn như vậy? Dù trước đây vài năm, một số trường, học viện
quân sự có mấy luận văn Tiến sỹ trùng nhau, đại vớ vẩn, đại tầm phào: Lợi ích
của việc bộ đội tắm sông… hay gì... gì đó. Các bác lại ngậm tăm, ngâm thóc
giống vậy. Có người cho rằng, các bác ăn cơm chúa thì phải múa cho hay là điều
đương nhiên. Tôi không nghĩ như vậy, nhưng chưa tìm ra lời biện giải.
Có lẽ nào, các bác bán linh hồn
một cách rẻ mạt cho vài ba cái tầm thường đó?
Nghề văn và văn học vốn là sang
trọng, cao quí. Nếu như nhà thương, bệnh viện là nơi cứu sống con người, thì
văn thơ sẽ vá lại những linh hồn rách nát ấy. Chỉ có kẻ lợi dụng văn thơ, đạt
đến mục đích nào đó, mới đẻ ra thứ quái thai, tầm thường mà thôi. Và đúng như
một lần, tôi đã viết: Không hiểu văn thơ nó có bùa mê thuốc lú gì, khi khố rách
áo ôm, cấm thấy bác nào nhòm ngó, ấy vậy mà lúc có tý chức quyền, tiền bạc, lăn
xả vào cứ như ma ám. Có bác đánh đùng một phát đẻ đến năm, bảy tập, thơ chẳng
ra thơ, vè chẳng ra vè, thế rồi thuê các bình luận gia ùa vào bóng kích. Ông
khác chức cao, nhiều tiền hơn, thuê hẳn mấy bác phó lẩy nhạc, cho các em chân
dài ca chơi. Thế mới kinh! Bác nào chập cheng quá, thì thuê người viết. Không
thuê được, các bác giở trò luộc nấu. Kẻ thô lỗ bảo hành vi đó là trộm cắp,
người lịch lãm hơn gọi là đạo văn, thó văn...
Gần ba mươi năm nay, tôi không
được hưởng không khí tết ở Việt Nam. Nên ngày đầu năm cứ bài văn, bài thơ nào
có chữ xuân, chữ tết là tôi đọc tuốt tuồn tuột, của bất kỳ ai và không cần biết
hay, dở. Trường hợp bác Nguyễn Văn Mạc (Magdeburg-CHLB Đức) thó văn (Đêm Giao
Thừa Nhớ Mẹ) của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tôi bắt gặp trong hoàn cảnh như vậy.
Khi bài viết lên mạng được vài tiếng, tôi nhận được điện thoại của mấy ông bạn
hỏi, thù ghét gì ông Mạc mới sáng mùng một đã nhởi dữ vậy? Các ông buồn cười
thật, ngay cái tên Nguyễn Văn Mạc lần đầu tôi mới nghe, làm gì có thù với chả
hằn. Bác ta ghi trong bài văn thó cả địa chỉ, số điện thoại, tôi gõ Google mới
biết ông ta làm giám đốc giám điếc, chủ tịch chủ tiếc gì đó thôi. Luộc nấu
ngang nhiên như vậy, bác Mạc chứ Tổng thống, Thủ tướng tôi cũng phải nhởi như
thường. Mà cái số ông Mạc này cũng xui, thó đúng vào cái bài viết về Mẹ hay
nhất của Trần Mạnh Hảo, tôi lại vừa có bài viết về nó, nên ngứa mồm không chịu
được. Thật ra, nếu tôi không ù suông trước, sẽ có người khác lôi cổ cái bài văn
thó này ra thôi. Rút kinh nghiệm, lần sau bác nào có tính táy máy, nên chọn bài
tầm tầm, tác giả ít người biết đến may ra thoát. Chứ cân đai mũ mã đến như bác
chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, chẳng biết có cầm nhầm bài thơ của nữ
sĩ người Đức hay không, bị các cháu sinh viên trường sư phạm Hà Nội, móc mói,
hỏi han, ngượng chết đi được.
Vâng! Nhân cách con người là
sản phẩm của chế độ xã hội đương thời. Một xã hội giả tạo với những cơn lên
đồng bệnh hoạn này, ai sẽ giữ lại được linh hồn đích thực của kẻ sĩ?
Wien, ngày 14-8-2013
Đỗ Trường
No comments:
Post a Comment