Saturday, 17 August 2013

CHUYỆN KỂ TẢN MẠN : "ĐỒ GIẺ RÁCH!" (Hữu Quả)




Hữu Quả
Tháng Tám 17, 2013 at 9:21 sáng

Phố tôi có một hàng cây xanh, trông khá “bắt mắt”, không phải chỉ đối với cư dân bản địa, mà ngay cả khách vãng lai đi đường, ai cũng phải trầm trồ khen; và có người ít thì cũng một hai lần dừng chân dưới tán xanh này để lấy lại sức, giữa cái nắng hè như đổ lửa. Ngày gia đình tôi mới chuyển từ một nơi khác về đây ở, đã có hàng cây này rồi. Bấy giờ, chúng mới cao 4 – 5 mét. Theo thời gian, hàng cây phát triển tự nhiên, cứ dần vươn cao thẳng tắp, cành lá xum xuê, tán tỏa rộng, với một màu xanh ngăn ngắt, mượt mà, đầy sức sống, như những cô gái tuổi dậy thì. Đến năm thứ tư, chúng đã bắt đầu trổ hoa, tăng vẻ hương sắc. Ngày tôi về nhập với cộng đồng cư dân phố này, đến nay đã bước sang năm thứ mười bốn, chứng kiến và chia sẻ bao chuyện buồn vui với bà con; và tất nhiên là, có cả gắn bó kỷ niệm với hàng cây xanh này.

          Cũng như các nơi khác, phố tôi có nhiều trẻ con, rất đông vui, lại cũng vừa mệt hết hơi với chúng, bởi tính hiếu động, nghịch ngợm của lũ trẻ. Ngoài thời gian học ở trường, về nhà hồi ấy (bây giờ có khác rồi), các cháu không có điều kiện vui chơi tập thể thu hút, nên chỉ rủ nhau nghịch ngợm, chơi các trò hơi rồ, như nhặt các vật phế thải tung lên cao, cho vướng bám vào các đường dây điện, đường dây thông tin, lên các cành nhánh của hàng cây xanh kia. Vật chúng dùng để tung lên cao chơi trò chơi này, thôi thì đủ loại, như bao nylon, áo quần cũ rách; có khi là một ống tay áo cũ, một ống quần cũ, một chiếc dép đã tả; thậm chí là cả đồ lót phụ nữ cũ đã bỏ đi. Tóm lại là “đồ giẻ rách”, các vật phế thải. Trong các thứ phế thải mà lũ trẻ dùng để tung lên cao chơi trò chơi này, thì bao nylon vừa trơn, vừa nhẹ, khi gặp gió dễ bay trở lại. Chỉ có các loại giẻ rách là dễ dính và bám chắc, giữ được lâu, gặp gió thổi cũng khó bung bay; chúng như một loài tầm gửi vậy. Thực ra, ban đầu người lớn cũng có quan tâm xử lý, vừa câu móc kéo đám giẻ xuống, vừa nhắc nhở, giải thích cho các cháu, đừng làm vậy, để giữ cho hàng cây xanh được sạch đẹp, bảo vệ môi trường, và đề phòng gây sự cố chập điện. Các cháu cũng hiểu sự cố chập điện là rất nguy hiểm, nên chúng tự bảo nhau, không được tung các thứ lên đường dây điện nữa; nhưng vẫn không bỏ trò chơi nghịch ngợm này, nên “cuộc đánh phá”, được chuyển sang tập trung nhiều giẻ rách, quần áo cũ, thi nhau vun vút liệng lên tất cả các cành nhánh to nhỏ của hàng cây xanh. Với tính hiếu thắng, lũ trẻ thách đố nhau, đứa nào tung được nhiều giẻ lên cành nhánh cao nhất, bám giữ được lâu nhất, là thắng điểm, coi như hảo hớn. Nhìn thấy hàng cây xanh đẹp vậy, mà những “đồ giẻ rách” cứ treo lơ lửng trên đầu, mọi người thấy chướng mắt quá, ai mà chẳng khó chịu một hiện cảnh như vậy. Tệ hại hơn, những ngày tết lễ, cờ treo đỏ rực cả phố, gặp gió cờ tung bay, đám giẻ rách kia cũng cùng tung bay với cờ. Lại nữa, mỗi lần có đoàn cấp trên về kiểm tra “phố văn hóa”, “phố văn minh” gì đó, là dịp làm cho cán bộ khu phố càng ái ngại, lo lắng, sợ mất điểm thi đua, vì mấy cái “đồ giẻ rách” này. Tuy vậy, vào lúc này, việc nhắc nhở các cháu, có lẽ chẳng cần thiết nữa; bởi số các cháu chơi trò nghịch ngợm này, nay cũng đã lớn đến tuổi thanh niên; có cháu đã vào đại học, có cháu đã đi xa làm nghĩa vụ quân sự rồi. Vả lại, bẵng đi một thời gian dài lãng quên, hàng cây xanh kia cũng theo tháng năm, đã vươn cao chừng 14 – 15 mét, quá tầm với của sào và câu liêm, để có thể móc kéo chúng xuống. Kéo chúng xuống không được, để chúng tồn tại và tiếp tục cỡi trên thân cây chủ, leo lên càng cao hơn, càng khó xử lý, ai cũng bức xúc, nhưng đành bất lực chấp nhận, hàng ngày vẫn phải đi dưới dám “đồ giẻ rách” vô tích sự này đang ngự trị trên đầu mọi người! Nói rằng, bà con ta bất lực và thất vọng hoàn toàn, cũng chưa chính xác. Bởi mỗi lần nghe sắp có những đợt gió mạnh, hay bão tố gì đó; đại loại như sự kiện đáng chú ý, lại nhen lên tia hy vọng trong lòng họ rằng, lần này chắc “đồ giẻ rách” kia, sẽ phải rơi rụng, không nhiều thì ít chăng?! Kể ra, bà con ta cũng quá dễ lạc quan đấy chứ. Lạc quan là tốt, nhưng cũng phải lượng định, nhìn nhận đúng thực tế một chút, chứ nếu không rồi lại bi quan, tiêu tan hy vọng quét sạch cái lũ giẻ rách đáng ghét này, nhưng chủ yếu cũng còn thụ động, chờ thời, chờ trời….

          Mấy năm gần đây, tình trạng chung của nhiều thành phố trong cả nước, đang thời gạo châu củ quế, đời sống quá khó khăn, nên bà con lao động nghèo phố tôi cũng ít nhiều vi phạm quy định quản lý trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, bám vào các gốc cây có tán xanh để làm nơi kiếm sống, đắp đổi qua ngày, mưu sinh theo bản năng. Được lợi thế, có hàng cây xanh rợp bóng mát tỏa rộng; chỉ cần sắm một cái bàn nhựa nhỏ, dăm bảy cái ghế nhựa con; với vài lạng chè, một phích nước sôi, một bộ ấm chén, một cái điếu cày, là đã có thể thu hút khách qua đường dừng chân uống chén nước, hút điếu thuốc lào, là có thể có chút thu nhập nho nhỏ, cho tạm duy trì cuộc sống trong ngày. Tại các quán cóc này, người ta vừa uống nước, hút thuốc, vừa nói chuyện phiếm vô tư, thật là sôi nổi, rôm rả, đủ các loại chuyện trên đời, bằng những ngôn ngữ bình dân, chẳng cần quan tâm hoa hòe hoa sói, thanh hay tục; chẳng cần bận tâm câu nệ các chuyện biết được và nói lại cho nhau nghe, có mức độ chính xác đến đâu, như đòi hỏi khắt khe đối với các nhà thám tử điều tra chuyên nghiệp. Nói là họ vô tư, nhưng thực ra, những lúc như thế, là dịp để họ tuôn ra những tâm tư uất nặng trong lòng, có tính xã hội sâu sắc đấy; một lượng thông tin cũng không nhỏ chút nào. Họ nói đến lúc nào chè nhạt, thuốc tàn, mỗi người đi mỗi ngả, lúc ấy trong lòng họ cảm thấy như vợi nhẹ đi được một phần. Từ chuyện giá cả, đời sống, đến chuyện công ăn việc làm; từ chuyện tội phạm, chuyện đạo đức, đến chuyện tai nạn giao thông, chuyện an toàn thực phẩm; rồi chuyện bán trôn, bán quan, mua tước; chuyện khám chữa bệnh; và đằng sau mỗi chuyện kể, là sự lo âu về các ẩn họa rình rập, cuộc sống con người vào thời điểm này sao mà quá ư là mong manh. Tưởng họ là những người lao động, chỉ quan tâm những chuyện của cuộc sống đời thường ngoài đường phố thôi; ai ngờ, cũng có người đề cập cả những chuyện quan trọng, chuyện “thâm cung bí sử”, có liên quan đến việc ở cung đình; liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc;  như các vụ tham nhũng cực lớn, bị bưng bít có bài bản; các nhóm lợi ích tranh giành, sát phạt nhau kiểu ma-phi-a; chuyện tình hình phát triển kinh tế khá ảm đạm, điển hình như các tập đoàn kinh tế quốc doanh đổ bể; chuyện nhân sự như bà này tín nhiệm cao, ông kia tín nhiệm thấp; chuyện người có đức có tài, trung thực, thẳng thắn, không được trọng dụng, có khi còn bị ám hại. Rồi chuyện những kẻ gian bất đức, bất tài, bất nhân, bất nghĩa, leo cao, chui sâu, nhung nhúc như những bầy sâu…. Có thể nói, thông tin ở các quán nước, như một phần nhỏ của mạng “internet” vậy. Tôi chợt nghĩ, công an có cài người vào hàng vạn quán nước kiểu như thế này không nhỉ?

          Một hôm, tôi có việc phải ra ngoài, gần trưa mới trên đường về nhà. Tại một quán cóc bán nước, dưới gốc cây phố tôi, chẳng biết, ngoài chè mạn, thuốc lào ra, họ có bán rượu không, mà sao các ông khách ở đây nói chuyện hăng thế, nghe có vẻ bốc lắm. Vì về gần đến nhà rồi, tôi không có nhu cầu trà lá gì. Nhưng vì tò mò, tất nhiên tò mò là không tốt rồi, tôi vẫn dừng chân ghé quán cóc này, gọi một chén trà mạn, để lấy cớ lắng nghe hết câu chyện của ba ông khách lạ có vẻ thạo tin và có phần hùng biện này. Thoắt trông dáng vẻ bên ngoài, tôi cứ ngờ ngợ, họ như là các cựu chiến binh thì phải. Sau đây, tôi xin ghi lại trung thực nội dung cuộc nói chuyện của ba người khách ở quán nước vỉa hè mà tôi nghe được. Vì không tiện hỏi tên từng người, và cũng chẳng cần nêu tên thật của họ làm gì; tôi đâu phải là tên “Gia-Ve” rình mò đáng ghét, trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, của Vích-To Huy-Gô (nhà đại văn hào Pháp). Tôi xin phép bạn đọc, được tạm đặt tên cho họ là ông A, ông B, ông C, để dễ theo dõi câu chuyện mấy ông khách hàng của một quán nước, dưới gốc cây, bên vỉa hè phố tôi. Theo phán đoán của tôi, đây có thể là phần giữa hoặc cuối cuộc nói chuyện của họ, mà tôi nghe được, là thế này:

- Ông A (trạc tuổi ngoài 60, dáng cao gầy, khắc khổ, có nước da tai tái, trông có vẻ là người từng trải): Theo các cậu, việc soạn thảo sửa đổi hiến pháp lần này, có đáp ứng được điều gì căn bản mà nhân dân ta mong đợi không?

- Ông B (dáng người thấp đậm, tuổi có lẽ ít hơn ông A một chút, nhưng tóc đã có nhiều sợi bạc, lại bị hỏng một bên mắt trái): Theo tôi thì chẳng hy vọng gì đâu, họ chỉ làm hình thức chiếu lệ ấy mà. Ví như chuyện đất đai, điều cốt tử của người nông dân ta mong đợi, thì nghe đâu, vẫn lại là sở hữu toàn dân. Bà con ta sống nhờ ruộng đất, mà không có quyền sở hữu đất, thử hỏi làm sao mà chủ động định đoạt việc kinh doanh sản xuất để tự lo cho cuộc sống vốn đã quá khó khăn của mình. Rồi cứ nơm nớp lo họa rình rập của cái bọn dự án, có thể từ đâu bất ngờ nhảy dù vào chiếm đất của chúng ta. Vì chúng có nhiều tiền, lại có nhà nước đứng đằng sau, sẵn sàng hỗ trợ để cưỡng chế giải phóng mặt bằng, đuổi chúng ta ra khỏi ruộng đất của mình, với một khoản đền bù áp đặt, bất công, cũng phải chịu, ai bảo vệ chúng ta nào? Có khi không may, còn mất cả mồ mả tổ tiên nữa là đất sản xuất; như ở Văn Giang (Hưng Yên) đó thôi.

- Ông A: Cậu nói phải, không chỉ Văn Giang, mình còn nghe nhiều nơi khác trong cả nước, cũng có chuyện tương tự, uất lắm, biết làm sao đây?! Nhiều đêm mình mãi suy nghĩ, lo lắng về cái chuyện sở hữu đất đai mà không ngủ được. Cậu nghĩ xem, mình có ba đứa con, đứa đầu mới cho ra ở riêng, chúng còn chưa thực sự “đủ lông đủ cánh”. Còn lại hai cái “tàu há mồm” nữa, đang đi học, mà cái sự học ngày nay thì ngốn tiền vô kể; trong khi bà xã nhà mình thì nay ốm mai đau, một mình xoay xở đã vất, còn trụ được; nhưng nếu có biến động gì, như kiểu thu hồi đất cho dự án này nọ, thì e chết là cái chắc.

- Ông B (nói theo kiểu tiêu cực, vừa an ủi ông A): Thôi bác ạ, cứ tin rằng “trời sinh voi sinh cỏ” vậy, có lo lắm cũng chẳng giải quyết được gì, lại sinh bệnh thì khổ; bác là cái cột cái của gia đình đấy. Ông B lại nói tiếp, giọng mỉa mai, chua chát: Thôi thì cứ “tuyệt đối tin tưởng” là xong.

- Ông C (tuy trông còn khá trẻ, nhưng tỏ ra am tường thời cuộc nhiều hơn, ngồi trầm ngâm khá lâu, như cố nén điều gì, giờ mới lên tiếng): Các bác cứ nói đến chuyện sửa đổi hiến pháp mà làm gì cho khổ cái thân. Có sửa đổi hay không sửa đổi, sửa đổi nhiều hay sửa đổi ít, đều cũng vậy cả thôi. Các bác cứ nghiệm nghĩ mà xem, có hiến pháp, có pháp luật rồi, nhưng người ta đâu có làm theo hiến pháp và pháp luật đề ra; mà họ làm theo “quyền lực”, “quyền lực” và “quyền lực”, thì đã sao nào? Ai dám làm gì họ nào?

- Ông A (nét mặt đượm buồn, như ngầm công nhận những lời nói của ông C là đúng với sự thật, một sự thật cay đắng; nhưng ông A vẫn gượng gạo chống chế): Nói như cậu có phải quá bi quan, quá tiêu cực  không đấy? Đảng và Nhà nước bảo lo cho dân và vì dân cơ mà?!

- Ông C (cười khẩy, rồi đứng bật dậy như một cái lò xo và tuôn ra một tràng như súng đại liên): Nghe bác nói giống như giọng lãnh đạo cấp cao quá đấy, mà giọng của ngày xưa thôi. Còn ngày nay, ngay những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cũng đã buộc phải chính thức thừa nhận; Đảng đang thoái hóa phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống; tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, là giặc nội xâm rồi; lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ, sa sút; đe dọa nghiêm trọng sự mất còn của Đảng, của chế độ. Nhưng về đánh giá thì họ nói mạnh thế đấy, nhưng chỉ nói suông thôi, chứ đâu có làm gì? Ví dụ tệ tham nhũng, vì đâu có tham nhũng? Nông dân, công nhân có tham nhũng không? Người có chức có quyền, mới có tham nhũng chứ! Chức quyền càng cao, càng có điều kiện tham nhũng lớn, có phải không nào? Thành ra, kẻ tham nhũng nhiều nhất thì càng hò hét lớn nhất chuyện chống tham nhũng; như kẻ vừa ăn cướp, vừa la làng, vậy. Có ai cầm dao tự chặt tay mình chưa? Gần đây, nghe đâu ông Tổng bí thư nhà mình cho thành lập bảy đoàn cấp cao, đi kiểm tra các cơ quan trọng yếu chống tham nhũng; cố tìm hiểu xem tại sao việc chống tham nhũng không có hiệu quả?! Việc này, dư luận đang nghi ngờ về tính mục đích và tính hiệu quả của nó lắm.

Khi ông C đang say sưa tuôn ra một loạt ý kiến về các sự việc, chắc không phải để khoe lòe về hiểu biết của mình; mà theo tôi, thực sự chính ông cũng đang bức xúc về tình hình thế sự, muốn chia sẻ, tìm sự giải tỏa cùng với hai người bạn của ông. Bỗng có một cơn gió mạnh, bất ngờ thổi giật tấm giẻ rách dơ bẩn, gớm ghiếc từ trên một cành cây cao, bay xà xuống như cánh một con quạ đen, rơi đúng giữa bàn nước của ba người khách. Bà chủ quán giật mình, xít xoa, vội thay mấy chén nước mới cho khách; vừa kể chuyện ngọn nguồn về đám giẻ rách trên những cây cao kia, như phân bua sơ xuất không may này. Đang lắng nghe chuyện kể của bà chủ quán nước, chợt có một ý hay vừa lóe ra trong đầu, ông C ngước mắt vừa chỉ tay lên những cành cây cao, nơi đó đang ngự trị mấy đám giẻ rách và nói: Các bác nghĩ mà xem, một bộ phận không nhỏ quan chức ta ngày nay hủ bại, có khác gì đám giẻ rách kia; vừa dốt, vừa tham; nó thuộc loại “đồ phế thải”, nhưng vì chúng có nhiều tiền, chúng vẫn nghiễm nhiên tồn tại, tiếp tục leo cao, đứng trên đầu mọi người; leo được càng cao thì cướp được càng nhiều. Cho nên, người ta nói rằng, trong khi nền kinh tế đất nước tiếp tục khó khăn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu lao động không có việc làm; thì những kẻ mua quan bán chức, là một nghề kinh doanh “siêu lợi nhuận”, mà chỉ có những người giữ các vị trí trọng yếu, nắm quyền lực trong bộ máy công quyền, mới có được cái “đặc ân” này, có phải không các bác? Còn ông A, như người anh cả nhóm ba người này, từ nãy tới giờ ngồi trầm ngâm, lắng nghe ý kiến ông C phân tích về thực trạng tình hình, giờ đây tỏ vẻ tán đồng, buồn bã thở dài, rồi lạnh lùng buông ra một cụm từ: “đồ giẻ rách”, và không nói thêm gì nữa.

Trời cũng đã về trưa. Ba ông khách lạ đứng dậy, trả tiền nước cho bà chủ quán, rồi leo lên hai chiếc xe máy. Một xe, ông B chở ông A. Còn xe ông C đi về một hướng khác. Tôi cũng đứng dậy trả tiền chén nước và lững thững cuốc bộ về nhà; vừa đi, tôi vừa suy ngẫm câu nói thâm thúy, chí lý của ông C; lấy hình tượng “đồ giẻ rách” đem so sánh với một bộ phận quan chức thối nát hiện nay của ta, vừa buồn cười cụm từ này dùng rất đắt, rất hóm, vừa buồn cho thế sự./.

Hữu Quả
(Nguyên phóng viên biên tập qua các thời kỳ: VNTTX, TTXGP, TTXVN).


No comments:

Post a Comment

View My Stats