Trần
Quốc Việt dịch
Tuần
qua Ai Cập đã "chào mừng" kỷ niệm hai năm ngày cách mạng bằng các
cuộc bạo động, hơi cay và biểu tình phẫn nộ chống lại chế độ càng ngày càng
chuyên chế. Một vài ngày trước đấy, quân đội Tunisia được điều đến vùng phía
nam quốc gia để chống lại những người biểu tình mà nhân dịp kỷ niệm hai năm
ngày cách mạng của họ đòi hỏi muốn biết tại sao cuộc sống của họ đã không cải
thiện. Dự liệu những gì sẽ xảy ra nhân dịp kỷ niệm cuộc cách mạng Libya vào
ngày 17 tháng Hai, chính quyền kêu gọi cảnh giác và tăng cường các biện pháp an
ninh. Hãng hàng không Lufthansa đã ngưng các chuyến bay đến thủ đô Tripoli.
Bắc
Phi đã thay đổi nhiều kể từ mùa đông năm 2011. Nhưng còn rất nhiều thứ vẫn
không thay đổi. Để hiểu điều này, ta nên xem xét các nước khác mà cũng đã trải
qua những thay đổi căn bản tương tự. Chẳng hạn, ở Châu Âu hậu cộng sản, những
nước đối mặt với những vấn đề tương tự đã đi theo những con đường rất khác nhau
sau khi họ bầu ra các chính quyền dân chủ vào năm 1990. Tuy nhiều nước trong số
này rơi vào cảnh kinh tế trì trệ hay chính trị bất ổn nhưng những nước khác lại
rất thành công.
Chỉ
riêng chính trị hay chỉ riêng kinh tế thôi không giải thích được tại sao có
những sự khác biệt như thế. Ngược lại, nhân tố quan hệ mật thiết nhất với sự ra
đời của ổn định và phát triển chính là con người: những nước nào có một
"tầng lớp tinh hoa thay thế" - tức một nhóm nhỏ những người đã làm
việc chung với nhau trong quá khứ, những người đã từng suy nghĩ về chính quyền
và những người ở mức độ nào đấy sẵn sàng nắm lấy chính quyền - thì có thể dễ
dàng thực hiện những cải cách căn bản và thuyết phục dân chúng chấp nhận những
cải cách ấy. Hungary, Ba Lan - và ở mức độ thấp hơn, Cộng Hòa Czech, Slovakia
và các quốc gia vùng Baltic-tất cả các nước này đều có lợi nhờ sự hiện diện của
những người trong thời gian rất dài đã suy nghĩ đến sự thay đổi và đã tổ chức
thực hiện sự thay đổi ấy. Đối lập Ba Lan đã tạo ra công đoàn Đoàn Kết vào đầu
thập niên 1980. Tại Tiệp Khắc, Vaclav Havel đã cổ vũ các giá trị dân chủ ngay
từ thập niên 1970. Các nhà kinh tế Hungary và Ba Lan đã dành hơn thập niên để
thảo luận cách thức để có thể phi tập trung nền kinh tế kế hoạch tập trung.
Tại
những nơi khác, các nhóm đối lập đã không đoàn kết được như thế hay sự trấn áp
đã diễn ra khốc liệt hơn. Vì vậy khi Liên Xô giải tán, những người cộng sản cũ
- có lẽ khoác áo những người dân chủ xã hội hay những người theo chủ nghĩa dân
tộc - lên nắm quyền bính trở lại. Người thì tốt hơn, kẻ thì tệ hơn. Nói chung
họ đã không muốn thúc đẩy sự thay đổi căn bản - vì sự thay đổi căn bản không có
lợi cho họ.
Khi
các nước Mùa Xuân Ả Rập kỷ niệm hai năm ngày cách mạng của họ thành công, ta
nên ghi nhớ tiền lệ này trong đầu. Thật ra ở Ai Cập vào thời trước cách mạng đã
có nhiều nhà bất đồng chính kiến khác nhau, như lời của một chuyên gia nói với
tờ báo Foreign Policy tuần này. Nhưng "họ bị đàn áp gần như ở khắp mọi
nơi, ngoại trừ trong thánh đường Hồi Giáo và trên sân bóng đá. Với hai thể chế
này, số lượng thành viên quá lớn và những xúc cảm họ thể hiện quá cuồng
nhiệt". Kết quả: Huynh Đệ Hồi Giáo là "đảng" chính trị duy
nhất ít nhiều có khả năng tổ chức sau năm 2011. Và các câu lạc bộ bóng đá là
các tổ chức duy nhất người ta tin tưởng có thể tạo ra những cuộc biểu tình lớn
như những cuộc biểu tình họ tổ chức gần đây. Tầng lớp tinh hoa thay thế khác đã
không có sẵn.
Cũng
không có những nhà kinh tế Bắc Phi tương tự như những nhà kinh tế Ba Lan và
Hungary sẵn sàng hành động với những kế hoạch để sửa đổi mọi sự một khi họ có
cơ hội. Huynh Đệ Hồi Giáo đến với quyền lực mà không có những ý tưởng rõ ràng
về kinh tế của Ai Cập. Ở Libya, nơi nền kinh tế chủ yếu được tổ chức vì lợi ích
cá nhân của gia đình Gaddafi, giới lãnh đạo mới- xuất thân từ cộng đồng lưu
vong và từ những nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng vũ trang-đang bắt đầu phân
tích và tìm hiểu quốc gia của họ hầu như lại từ đầu. Ở Tunisia, nơi cả đảng Hồi
Giáo, Ennahda, và các nhà dân chủ cấp tiến bị đàn áp nặng nề trong quá khứ,
người ta nghĩ bạn bè và người thân của gia đình cai trị cũ hiện vẫn còn kiểm
soát ngầm phần lớn nền kinh tế. Thay đổi căn bản không có lợi cho họ.
Từ
những quan sát này người ta thật không dễ dàng rút ra những kết luận về chính
sách. Dù sao, thời gian giúp tạo ra tầng lớp tinh hoa thay thế cách đây đã ba,
năm, hay, thậm chí đến 10 năm. Nhưng ngay cả lúc ấy, tầng lớp tinh hoa thay thế
thực sự không thể nào hoàn toàn được tạo ra từ bên ngoài, bởi những người lưu
vong hay bởi người nước ngoài: nếu những nhà lãnh đạo đối lập không phải là
những người trong nước hình thành từ sự thôi thúc phải tạo ra những thể chế
thay thế - các đảng chính trị, hội từ thiện, báo chí, tổ chức nhân quyền - thì
họ sẽ không có ảnh hưởng chính trị để thông qua nhanh chóng các cải tổ căn bản
khi họ có cơ hội. Tuy nhiên tại nhiều nước Ả Rập, cơ hội bắt đầu như thế chỉ
xuất hiện vào năm 2011, cho nên tầng lớp tinh hoa thay thế chỉ bây giờ mới đang
hình thành.
Hãy
cẩn thận với những ai nói, trong vài tuần tới, các cuộc cách mạng Ả Rập sắp kết
thúc: có lẽ các cuộc cách mạng này mới vừa bắt đầu.
Tác
giả Anne Applebaum chuyên viết về đối ngoại cho tờ báo Washington Post.
Nguồn:
Washington Post ngày 7 tháng Hai 2013
Bản
tiếng Việt:
No comments:
Post a Comment