Thursday 22 August 2013

BỘ TRƯỞNG QUANG & NHỮNG "CÚ SỐC" (Đào Tuấn)




Tháng Tám 22, 2013

Họ sẽ phải rời nông thôn muôn đời luôn trong trẻo “không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc” trở thành những món hàng trong chợ người thành phố?

Thiên tai. Dịch bệnh. Biến động thị trường. Thuế phí. Nợ nần. Ốm đau. Mất đất. Thất nghiệp. Đây là những từ ngữ tuy rời rạc, nhưng lại có một mối liên hệ chung: Chúng là những nguyên nhân gây ra các “cú sốc”- từ dùng trong một báo cáo về “bức tranh nông thôn, nông dân” vừa được công bố hồi tháng 6.

“Cả xã nông dân” trở thành tay trắng sau chỉ một cơn bão! Nông dân nghèo thêm sau mỗi năm… được mùa. Thuế phí đè nặng lên hạt lúa củ khoai con heo con gà khiến càng trồng càng lỗ, càng nuôi càng nghèo. Nhưng cú sốc lớn nhất, nhưng nghịch lý nhất vẫn là câu chuyện những người nông dân không có đất.

Hình như nông dân không có đất thì không được gọi là nông dân nữa.

Hôm qua, đối diện với tư lệnh ngành đất đai, ĐBQH tỉnh lúa Thái Bình Đỗ Văn Vẻ đã 3 lần chất vấn về câu chuyện “sau 68 năm và sau 20 năm”. 68 năm sau ngày độc lập, cuộc cách mạng “người cày có ruộng” đã khiến 2 triệu nông dân bấy giờ lần đầu tiên được sở hữu ruộng đất, đối với nông dân, là ước mơ ngàn đời, là tư liệu sản xuất, và là yếu tố để được gọi là nông dân. Còn 20 năm? 20 năm sau ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực, đang tồn tại tình trạng “9,6% tức hơn 6 triệu nông dân không có đất”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định rằng “Quan điểm là không chia lại đất nông nghiệp”. “Chúng ta đặt vấn đề người sinh ra cần có đất trong khi đất thì không sinh ra”- ông nói. Còn việc giải quyết đất cho hơn 6 triệu nông dân, Bộ trưởng nói đến việc “chuyển dịch cơ cấu”. Và ông cũng nói thêm rằng “không thể ngày một ngày hai”.

“Không chia lại đất” vì không thể giải quyết bất ổn này bằng một bất ổn khác. “Người sinh ra trong khi đất không sinh ra”- Điều này ai cũng có thể nói và nói trúng phóc. Giải quyết bằng “chuyển dịch cơ cấu” kinh tế, và qua đó, chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp. Bộ trưởng nói đều đúng cả. Duy chỉ có điều, nói như thế cũng có nghĩa “không thể ngày một ngày hai” giải quyết được vấn đề ruộng đất và việc làm cho hơn 6 triệu nông dân không có đất.

Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng có một thực tế là 9,6% hay hơn 6 triệu nông dân không đất trong hoàn cảnh diện tích sử dụng bình quân của 283 khu công nghiệp trên toàn quốc chỉ chừng 60%. 128.000 ha đất bỏ hoang. 2399 dự án với 71.000 ha, hơn 16 ngàn căn chung cư và 1,6 triệu m2 đất nền đang trở thành nơi nông dân… “khai hoang”.

Chính Bộ trưởng Quang cũng nhận thấy việc “Chúng ta chạy theo phong trào nhiều, thu hồi đất của dân rồi không sử dụng tạo ra vấn đề XH rất bức bách”.

Nhưng 6 triệu nông dân đang bức bách trong “ngày một ngày hai” làm gì để kiếm miếng đút miệng? để tránh cú sốc lớn nhất đối với một người nông dân là không có đất?

Hay họ sẽ phải rời nông thôn muôn đời luôn trong trẻo “không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc” trở thành những món hàng trong chợ người thành phố, để nếu may mắn, trở thành một công nhân khoan điện bất đắc dĩ, và vào một ngày nào đó, có thể bất thần “cháy như đuốc”?


No comments:

Post a Comment

View My Stats