Sunday 4 August 2013

BAN RỒI RÚT ! (Vũ Đức Sao Biển)




Vũ Đức Sao Biển
04/08/2013 8:36

Thông thường, các bộ ngành hay địa phương muốn ban hành một văn bản cỡ như thông tư, nghị định, quy định, quyết định thì những người tham mưu dự thảo văn bản tính kỹ dữ lắm.

Họ phải ngó tới ngó lui, tham khảo các bộ luật, nghiên cứu thực tế cuộc sống, chọn từng chữ từng câu để viết thành dự thảo. Viết xong dự thảo, họ trình lên cho lãnh đạo duyệt, lắng nghe dư luận xã hội, ý kiến nhân dân và có thể sửa đi sửa lại. Một văn bản luôn quan tâm đến hai điều chính yếu: nội dung của nó có vi phạm pháp luật hay không và có thể thực hiện được hay không. Chắc ăn cả hai điểm đó thì cơ quan chủ quản mới dám ban hành.


Về lý thuyết thì nói cho oai vậy chứ trong thực tế, có cả ngàn văn bản chỏi tông với pháp luật, bị Bộ Tư pháp “tuýt” còi yêu cầu thu hồi. Điều này nói lên trình độ nhận thức pháp luật của cơ quan chủ quản còn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, khía cạnh pháp luật của văn bản chỉ là khía cạnh thuần lý. “Đau” nhất là về khía cạnh thực tế, có những nội dung văn bản không thể thực hiện được, trở thành đề tài đàm tiếu của nhân dân và tốn khá nhiều giấy mực của giới báo chí. Người ta gọi đó là những nội dung văn bản phi thực tế.
Trong thời gian qua, ta thấy có nhiều nội dung văn bản phi thực tế như vậy. Tương đối xa xưa, có nội dung cấm người thấp bé nhẹ cân dưới 40 kg không được chạy xe gắn máy 50 phân khối; chỉ được bán thịt heo lẻ trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ; muốn làm giấy khai sinh cho con thứ ba và thứ tư phải “tình nguyện” đóng tiền từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.

Tương đối gần gũi có các nội dung: không được xây dựng những công trình mô phỏng kiểu kiến trúc cổ của Pháp và châu Âu; phạt những người đi xe gắn máy không chính chủ; phạt những người đội mũ bảo hiểm dỏm đi xe gắn máy... Gần đây nhất có nội dung cộng điểm thi đại học cho thí sinh là bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Những văn bản có nội dung ngộ nghĩnh như vậy đã không được thực hiện bởi dù nhân dân ngoan ngoãn cách mấy, muốn thực hiện cũng không thể làm được. Cơ quan chủ quản đành ngậm ngùi lên tiếng rút lại.

Có những người bi quan, yếm thế hình dung anh em cán bộ, công chức làm công tác tham mưu dự thảo văn bản đông đảo quá, dường như rảnh việc nhiều, bèn đổi nghề sang làm “họa sĩ” dù chưa học hội họa ngày nào. Họ cứ suy nghĩ và vẽ ra những nội dung quái chiêu, không có trong sách vở và không ăn nhằm gì vào thực tế cuộc sống nhân dân cả. Có người bạo gan hơn, cho rằng các vị bề trên không có thì giờ đọc kỹ văn bản, hoặc có đọc cũng không nắm rõ được; cấp dưới trình lên cứ gật đại nên mới ra cái nông nỗi rút. Nói gì thì nói, việc ban hành những nội dung văn bản bất khả thi cuối cùng đành rút lại đã tạo ra những hệ quả xã hội đáng tiếc.

Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Cuộc sống của nhân dân bình thường đã có lắm mối lo, đặc biệt là mối lo cơm áo gạo tiền trong giai đoạn kinh tế rất khó khăn này. Ban hành thêm một vài nội dung quy định phi thực tế sẽ khiến nhân dân lo thêm; lòng trở nên bất an. Sống mà lòng cứ nơm nớp bất an vì sợ bị phạt, bị làm phiền thì sướng ích cái nỗi gì?

Một tổ chức tốt bụng nào đó có nhã ý đánh giá chỉ số hài lòng của người Việt Nam khá cao có lẽ do họ chưa đọc được những quy định có vẻ hài hước như phạt xe không chính chủ hoặc cấm người nặng dưới 40 kg không được đi xe gắn máy. Xin lỗi, những người bị bệnh Down, những người bị thương tật cố gắng lắm mới mua được chiếc xe gắn máy. Cấm họ đi xe gắn máy thì họ phải đi xe gì? Mà cũng chưa có một kết luận y học nào khẳng định người dưới 40 kg không xử lý tình huống giao thông linh hoạt bằng người 41 kg.

Những nội dung xa lìa thực tế cuộc sống của các văn bản còn khiến cho dư luận bất bình. Đáng lẽ các cơ quan chức năng trị anh làm mũ bảo hiểm dỏm để hướng nhân dân vào chuyện mua mũ bảo hiểm có chất lượng cao thì lại đi phạt người dân nghèo mua mũ dỏm. Vả chăng, dân trí của chúng ta cũng cao lắm, không ai muốn đem cái đầu mình ra mà đùa giỡn với mặt đường. Chẳng qua là người ta công khai bày bán bán mũ rẻ và tâm lý người dân cứ thấy cái gì rẻ thì mua. Trị như vậy là chỉ trị cái ngọn mà quên trị cái gốc.

Hành động vội vã ban hành các văn bản có nội dung bất khả thi rồi sau đó tuyên bố rút lại cũng làm nên lắm nụ cười trong thiên hạ. Nhân dân cười vì chủ nghĩa quan liêu bao cấp đã được xóa đi từ khi chuyển sang thời đổi mới nhưng tinh thần quan liêu của cán bộ công chức soạn thảo văn bản thì vẫn còn tươi hơn hớn như đám rau sau cơn mưa. Rõ ràng, tư duy của họ không theo kịp cuộc sống, không phù hợp cuộc sống cho nên mới đẻ ra được những quy định trên mây, lãng mạn và phiêu bồng hơn sương khói. Qua những nội dung bất khả thi như vậy, người dân giảm niềm tin vào trình độ chuyên môn của cán bộ công chức và ngành chủ quản.

Rút lại một văn bản được xem là kịp thời sửa sai. Sửa sai là tốt nhưng không làm sai để phải sửa thì vẫn tốt hơn. Trước nay, não trạng xem sửa sai là tốt phần nào đó đã cho phép người ta nghĩ sai, làm sai. Cuộc sống bây giờ đặt ra yêu cầu nghiêm nhặt hơn nhiều: Không được làm sai, nhất là không được cứ việc nhắm mắt làm sai để sau đó sửa sai. Điều này cũng tương đương với chuyện phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bởi một khi bắt tay vào việc sửa sai thì những tổn thất (và tổn thương) do sự sai lầm tạo ra là không có gì bù đắp được.

Tóm lại, phần lớn những nội dung văn bản quái chiêu ban hành trong thời gian qua đã được rút lại. Một vài nội dung còn lại không ai thực hiện được bởi có muốn nghiêm túc thực hiện cũng không làm được. Thí dụ như chuyện quy định dành cho người bán hàng rong, quà vặt. Đối với những bà con lao động nghèo này, ta chỉ có thể kêu gọi, nhắc nhở họ tuân thủ những nguyên tắc vệ sinh thực phẩm, không được phép buôn bán trong một số nơi cấm quà vặt, hàng rong. Và chỉ có thể làm được như vậy. Hai thành phố Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng làm rất tốt công việc này.

Còn chuyện bán hàng rong, quà vặt có từ đời tám hoánh. Người ta chỉ nghe nói thực phẩm của nhà hàng, các tiệm ăn sang trọng, các công ty thầu nấu cơm gây ra ngộ độc thực phẩm chứ chưa nghe nói đến gánh hàng rong. Cuộc sống còn người nghèo có nhu cầu ăn uống thì còn những người bán hàng rong.





No comments:

Post a Comment

View My Stats