Thursday 8 August 2013

ĐẠI ÚY XỨ WALES, CA SĨ XỨ HÀN & CẬU HỌC TRÒ XỨ VIỆT (Đào Tuấn)




Tháng Tám 8, 2013

Pháp luật không thể chỉ “vô tình” với một thủ khoa, nhưng là con của một nông dân thuộc diện hộ cận nghèo với chỉ “mấy sào ruộng”, từng phải bán cặp bò nuôi con ăn học.

Tháng 3 năm ngoái, “binh nhì” Bi Rain sang Việt Nam trong một không khí được mô tả là “nóng 1000 độ”. Khoác trên mình bộ đồ nhà binh, anh đến Việt Nam với tư cách là một binh sĩ thuộc đoàn nghệ thuật quân đội Hàn Quốc giao lưu theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Bi đã nhiều lần xin hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Và, trong đời chứ không phải trong phim, anh khoác lên người bộ đồ nhà binh khi đã 29 tuổi, khi đã trở thành một ngôi sao tầm cỡ thế giới, khi đã xuất hiện trong top những người ảnh hưởng nhất thế giới của Time, của People. Các fan của anh tính rằng từ khi bước vào con đường nghệ thuật năm 20 tuổi, độ tuổi theo luật phải “đi lính”, mỗi năm, Bi dành khoảng 6-7 giải thưởng lớn trong 2 lĩnh vực mà anh tham gia là âm nhạc và điện ảnh.

Theo hiến pháp Hàn Quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng hai năm là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc đối với toàn bộ công dân nam có đủ sức khỏe. Nhưng may cho Rain là anh chưa phải nhập ngũ trong giai đoạn đầu sự nghiệp.

Trước đó, năm 2005, cả thế giới lên cơn sốt khi Hoàng tử của đế chế Anh, Harry nhập ngũ. Và dù là “đại úy xứ Wales”, Harry vẫn phải trải qua 44 tuần huấn luyện. Trở thành thành viên lực lượng kỵ binh ngự lâm mũ nồi xanh. Học lái trực thăng chiến đâu Apache. Từng có mặt tại chiến trường nóng bỏng Afghanistan. Và căn cứ không quân của “Đại úy xứ Wales” tại Helmand đã bị Taliban tấn công, trong một cuộc tấn công mà quân đội Anh cáo buộc là “nhằm vào Harry với mục đích chính trị”.

Câu chuyện về “Đại úy xứ Wales”, hay chàng ca sĩ xứ Hàn đang cho thấy một điều rằng nghĩa vụ với tổ quốc là thiêng liêng, và đã gọi là luật nghĩa vụ quân sự thì một ngôi sao không thể đi du học, Mỹ chẳng hạn, thay cho việc đi lính, hay nghĩa vụ của con một nữ hoàng thì khác với nghĩa vụ con một nông dân.

Ở Việt Nam, suốt một tuần qua, chủ đề nóng nhất trên tất cả các diễn đàn, mạng xã hội là trường hợp của cậu bé thủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến. Thật khôi hài, trong khi ĐH Y đang “xin ưu tiên” để tránh nguy cơ những trường hợp “27,5 điểm, (tức hơn ba điểm 9 bình quân), vẫn trượt đại học” thì thủ khoa lại có nguy cơ không được nhập học, vì đã nhận giấy báo nhập ngũ.

Theo Thông tư 13 của Bộ Quốc Phòng, quy định mới nhất về nhập ngũ, trong cùng một thời điểm nếu nhận được giấy báo nhập học và lệnh nhập ngũ thì phải chấp hành lệnh nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Với lý do “theo luật”, với những cao cả, thiêng liêng, vinh dự, thậm chí, cả với triết lý “Quân đội là trường đại học lớn nhất”, không phải không có lý khi rất nhiều ý kiến cho rằng Tiến nên nhập ngũ, trước khi nhập học, để trở thành “không chỉ là thủ khoa trong văn hóa mà còn là thủ khoa trong trách nhiệm”.

Nhưng cũng không phải không có lý, và cả có tình, khi vô vàn những ý kiến khác đồng ý rằng nên coi Tiến, cậu học trò từng đạt giải nhì học sinh giỏi cấp thành phố môn toán, một trong 140 học sinh tiêu biểu của thủ đô và hiện là thủ khoa ĐH Y là một ngoại lệ, có thể được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Tạm hoãn chứ không phải không thực hiện nghĩa vụ.

Bạn hãy trả lời một cách công bằng: Một “bác sĩ Ứng Hòa” sau vài năm nữa sẽ tốt cho đất nước, tốt cho xã hội, tốt cho quân đội, tốt cho gia đình, và tốt cho chính một nhân tài tiềm năng như Tiến hơn, hay là một binh sĩ thấp bé nhẹ cân như hiện tại?

Bạn hãy trả lời một cách trung thực: Nếu là cha mẹ Tiến, bạn muốn con mình dang dở giấc mơ để thực hiện nghĩa vụ mà vô số những người khác đã không thực hiện?

Vừa năm ngoái, ngôi sao Hàn Quốc đang thi đấu cho CLB Asenal Park Chung Young được cho phép hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian 10 năm, tới năm 2022. Điều gì sẽ xảy ra nếu ngay bây giờ một ngôi sao sân cỏ đang ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp phải ngừng đá bong để nhập ngũ? Câu trả lời là một ngôi sao sân cỏ 18, hay 2 năm không xỏ giày thì sau đó, hẳn nhiên anh chỉ có thể ra sân trong tư cách một… cổ động viên.

Hàn Quốc không có ngoại lệ, dù đó là một cầu thủ biểu tượng của đất nước, dù đó là một ngôi sao ca nhạc tầm cỡ thế giới. Nhưng trong sự khắt khe “luật là luật”, nhưng trong sự “vô tình” của pháp luật, vẫn có những quy định nhằm đảm bảo sự hợp tình, hợp lý.

Hãy thử nghĩ xem, nếu luật nghĩa vụ quân sự Việt Nam được thực hiện một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ có một thực tế: 18 tuổi mới tốt nghiệp để thi đại học. 18 tuổi là độ tuổi gọi nhập ngũ. Và nếu luật được thực hiện nghiêm sẽ chỉ có nữ sinh viên ở độ tuổi 18? Hãy thử nghĩ xem khi trong thực tế, ngay ở xã Phương Tú của Tiến, có những người rớt đại học thì không “được” gọi nhập ngũ, còn thủ khoa ĐH Y thì nhập ngũ. Ngay trong gia đình Tiến, Tiến nhận giấy gọi còn người anh em song sinh với cậu thì không? Phải chăng, pháp luật có ngoại lệ hay không lại phụ thuộc vào “ông xã”, mà chính xác hơn là phụ thuộc vào quan hệ với ông xã?

Chẳng lẽ chúng ta phải “cố tìm một hạt nhân tích cực” rằng biết đâu việc cậu thủ khoa nhập ngũ sẽ tạo ra một cơ hội cho một tân sinh viên khác, cũng ở độ tuổi cậu, nhưng không phải nhập ngũ khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học.

Điều cuối cùng, chắc các bạn sẽ đồng ý: Nếu Tiến không thể trở thành một ngoại lệ, thì mong trường hợp của cậu thủ khoa ĐH Y sẽ thành một tiền lệ để những hoàng tử, thiếu gia, muốn du học, muốn ra nước ngoài, muốn thành ông nọ bà kia, thì cứ hẵng nhập ngũ đi đã. Pháp luật không thể chỉ “vô tình” với một thủ khoa, nhưng là con của một nông dân thuộc diện hộ cận nghèo với chỉ “mấy sào ruộng”, từng phải bán cặp bò nuôi con ăn học.



No comments:

Post a Comment

View My Stats