Nhật Bình
Gửi cho BBCVietnamese.com từ London
Cập nhật: 16:08 GMT - thứ tư, 19 tháng 9, 2012
Nicholas
Bequelin, một nhà quan sát chuyên về Trung Quốc đã từng nói nước này có
Trung Quốc A, Trung Quốc B để phản ánh sự phân chia tầng lớp xã hội sau sự kiện
“Thiên An Môn” năm 1989.
Ông cho rằng sau
biến cố Thiên An Môn, tại Trung Quốc hình thành thế giới: Trung Quốc A của
những thành phố lớn, nơi ở của những doanh nhân và nơi các quan chức ngoại giao
nước ngoài đến thăm.
Ở Trung Quốc A
chỉ hiện hữu những vấn đề thường thấy ở bất kỳ một thành phố phát triển nào,
như kẹt xe, tội phạm gia tăng.
Còn Trung Quốc
B, vốn chiếm phần lớn dân số cũng như diện tích lãnh thổ, là những vùng kém
phát triển, nghèo nàn, chất lượng giáo dục kém với những thiếu thốn về điều
kiện sống cơ bản như nước, đất, tài nguyên kinh tế, cơ sở hạ tầng.
Việt Nam, với mô
hình Đổi Mới gần giống với Khai Phóng của Trung Quốc, với mục đích xây dựng
"nền kinh tế theo định hướng xã hội" với doanh nghiệp nhà nước đóng
vai trò chủ đạo nhưng cũng cho tư doanh được sản xuất, đã và đang đối diện
những vấn đề tương tự.
Hai thập niên
xây dựng quan hệ với phương Tây và Đông Á giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng
đáng khen và đưa hơn 28 triệu người thoát nghèo, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58%
năm 1993 xuống 12% trong năm 2011.
Tuy nhiên, điều
rõ ràng là trong khi chuyển sang kinh tế thị trường, khoảng cách thu nhập ngày
càng tăng đang biến Việt Nam thành một đất nước với hai thế giới tách biệt.
Khoảng cách ngày càng lớn
Chỉ số
Gini-coefficient của Việt Nam, mặc dù thấp hơn một số nước trong khu vực như
Malaysia, Thái Lan nhưng có dấu hiệu tăng đều qua các năm qua kết quả nghiên
cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế của Đại học Liên Hiệp Quốc
(UNU-WIDER).
Chỉ số này được
sử dụng để do khoảng cách giàu nghèo ở mỗi nước, với phạm vi từ 0 đến 1.
Con số
Gini-coefficient gần đây nhất của Việt Nam được công bố là vào năm 2010, ở mức
0,43.
Tổng Cục Thống
kê Việt Nam (GSO) cho biết, chỉ số Gini-coefficient trên 0,4 được xem là báo
động ở mức nguy hiểm đối với khoảng cách thu nhập tại một quốc gia.
Chỉ số
Gini-Coefficient của Việt Nam
Chỉ số
Gini-coefficient gần nhất của Trung Quốc là ở mức 0,412 từ năm 2000. Đã hơn 11
năm nay, Chính phủ Trung Quốc từ chối công bố chỉ số về khoảng cách giàu nghèo
của mình.
Theo báo cáo của
Cục thống kê Quốc gia Việt Nam cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa người giàu
và nghèo tại Việt Nam đã tăng từ 8,9 lần trong năm 2008 lên 9,2 lần trong năm
2011.
Thu nhập trung
bình của khu vực thành thị như thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2012 là 300
đôla/tháng, cao hơn gần gấp 10 lần thu nhập trung bình dao động ở mức 30
đôla/tháng của nhóm thu nhập thấp.
Khảo sát của GSO
cũng cho thấy chi tiêu giáo dục của tầng lớp giàu có tại Việt Nam cao hơn 6
lần, khoản chi tiêu cho y tế cao hơn 3,8 lần và các khoản chi tiêu vào giải
trí, thể thao, văn hóa cao hơn đến 131 lần so với tầng lớp thu nhập thấp.
'Việt Nam B'
Sản xuất lúa gạo
vẫn đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Việt Nam, với số lượng lao động chiếm
gần 30% tổng số lao động cả nước.
Cho đến đầu năm
2012, Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, đưa nước này thành nước xuất khẩu gạo
thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu gạo
của Việt Nam lên hơn 3,5 tỷ đôla, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt
Nam.
Ngân hàng Thế
giới nhận xét: "Nông dân Việt Nam được giao nhiệm vụ nuôi cả dân tộc. Họ
đã làm được và vượt mục tiêu này".
Tuy nhiên hiện
tại đến 90% những người nghèo tại Việt Nam (3/4 dân số) sống ở khu vực nông
thôn, cơ quan này đánh giá.
Ngân hàng Thế
giới cũng ghi nhận đa số hộ trồng lúa ở Việt Nam có quy mô rất nhỏ.
Ở Đồng bằng Sông
Cửu Long, nếu tính trên cơ sở 30% lợi nhuận từ làm lúa giữ lại, thu nhập của
mỗi người nông dân trồng lúa chỉ ở mức 316.000 đồng/tháng, thấp hơn cả mức thấp
nhất của ngưỡng nghèo hiện nay (400.000 đồng/tháng).
Giống với Trung
Quốc, Việt Nam không có hệ thống kiểm soát sự cân bằng đầu tư giữa thành thị và
nông thôn.
Khu vực nông
thôn luôn phải chịu những bất cập về nguồn nước sạch, giáo dục, cơ sở hạ tầng
và diện tích đất canh tác cũng như việc làm ngày càng bị thu hẹp trong quá
trình công nghiệp hóa.
Thống kê của Bộ
Lao Động Thương binh Xã hội nói Việt Nam những năm qua đã mất khoảng
200.000 ha đất cho các dự án công nghiệp, sân golf, căn hộ, biệt thự.
Điều này có
nghĩa là gần 2,5 triệu lao động mất việc làm và người nông dân có tới 3-4
tháng nông nhàn mỗi năm.
Nông dân sau khi
mất đất cũng không được giải quyết việc làm triệt để.
Một ví dụ ở Vinh
cho thấy trong tổng số hơn 3000 lao động nông nghiệp được giải quyết việc làm,
chỉ có khoảng 1/10 được vào làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp với mức
thu nhập từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu đồng.
Lao động nông
thôn ra thành thị làm bị trả công rẻ mạt và thường xuyên phải làm việc trong
điều kiện rất kém.
Đây là hệ quả
của điểm giống nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, hệ thống “hộ khẩu” (hukou
trong tiếng Trung).
Nicholas
Bequelin, làm việc cho Human Righst Watch, đã lên án sự cố ý phân biệt đối
xử với lao động nông thôn bằng cách không cho phép người nông dân đăng ký hộ
khẩu tại thành phố qua hệ thống này: “Đây là một sự phân biệt lớn trong hệ
thống đăng ký thường trú."
“Điều này giải
thích tại sao Trung Quốc có thể tập trung nhiều tiền của và phát triển tại các
thành phố, những tòa nhà hào nhoáng mà chúng ta thấy ở khắp nơi, tất cả sự
thịnh vượng, trật tự và sạch sẽ này; bởi vì họ đã bỏ mặc tất cả những người góp
phần xây dựng chúng."
Khát vọng công bằng
Những tấm hình
chụp những người tàn tật, già cả hay những em bé hành khất trên những con đường
sầm uất, cạnh những tòa cao ốc hiện đại của các thành phố lớn ở Việt Nam có thể
được tìm thấy ở bất cứ đâu trên mạng.
Và cũng không
phải là khó để tìm thấy hình ảnh con cái hoặc những người có quan hệ thân cận
với những quan chức cấp cao trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản trong những bộ cánh
sang trọng, dù là ở những bữa tiệc, họp báo hay khảo sát một công trình của
công ty mà họ được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo ở độ tuổi còn rất trẻ.
Giáo sư Carl
Thayer, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về Việt Nam bình luận:"Có một sự phẫn
uất ngày càng tăng cao từ những người nghèo đối với tầng lớp giàu có."
Nhận xét hệ
thống Trung Quốc A, Trung Quốc B, Nicholas Bequelin nói:
"Chính phủ
Trung Quốc nghĩ rằng có thể hy sinh một phần dân số. Họ hiểu rằng phép màu của
nền kinh tế Trung Quốc đến từ đội ngũ lao động trẻ, đông đảo và rẻ mạt với khả
năng đáp ứng lại nhu cầu của các tập đoàn sản xuất cũng như các loại công việc
cần được đáp ứng ở các thành phố và khu vực phát triển."
"Việc không
chấn chỉnh hệ thống hộ khẩu phục vụ một mục đích: xây dựng một đội ngũ hạ lưu
dễ nhân nhượng khi không có quyền thường trú ... Họ sẽ đến, sẽ làm việc và
hưởng những khoản lương bèo bọt."
Giới phân tích
nhận xét suốt những năm qua, tăng trưởng Việt Nam cũng đã dựa vào lực lượng lao
động trẻ dồi dào với giá rẻ mạt.
Và cho đến nay,
trước hệ thống hộ khẩu hiện tại và hoạt động thu hẹp đất nông nghiệp liên tục
những năm qua, dường như nguồn cung cấp lực lượng này không hề thiếu.
Sự thao túng của
Nhà nước trong chính sách kinh tế, xã hội, chính trị đang gần như không cho
người dân một sự lựa chọn.
Phó thủ tướng
Đức, ông Philipp Roesler trong chuyến thăm Việt Nam đã phát biểu tại trường Đại
học kinh tế Quốc dân ngày 18/9 rằng “Với những người không được tự do để
chọn cho mình cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có
kinh doanh, và thiếu tự do kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội,”
“Một đứa trẻ
mồ côi thời chiến tại Việt Nam được nhận làm con nuôi (nói về ông) mà
có cơ hội vươn lên trong một xã hội dân chủ như vậy, và gánh vác
trách nhiệm lớn thì đó là bằng chứng nền dân chủ có thể tạo ra
sức mạnh như thế nào.”, ông Roesler nói thêm.
Nhà báo Thomas
Fuller có lẽ cùng đồng ý với những ý kiến trên khi kết bài viết về khoảng cách
giàu nghèo trên tờ New York Times trong tháng Chín bằng câu ca dao Việt Nam:
“Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa lại quét lá đa,
Khi nào dân nổi can qua,
Con Vua thất thế lại ra quét
chùa."
No comments:
Post a Comment