Saturday 19 January 2013

VIỆT NAM TUẦN QUA ( RFA )




RFA
19.01.2013

Thêm một người bị kết án tù, một người nữa sắp bị đưa ra tòa xét xử về các tội chống chế độ. Trong những ngày đầu năm 2013, hầu như tuần nào ở Việt Nam cũng diễn ra các vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc "hoạt động lật đổ chính quyền".


Ông Võ Viết Dziễn trong phiên tòa ngày 15 tháng 1, 2013 ở Tây Ninh.  ảnh báo "Người Nổi Tiếng" của Việt Nam.


Chuỗi các vụ án “chống chế độ”
Hôm thứ Hai 15 tháng 1, trong một phiên xử chớp nhoáng tòa án tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt ông Võ Viết Dziễn, một nhà hoạt động dân chủ 41 tuổi, 3 năm tù giam cộng với 3 năm quản chế, về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, ông Võ Viết Dziễn đã nhiều lần sang Thái Lan và Singapore tham dự các khóa huấn luyện của tổ chức Phục Hưng Việt Nam trong âm mưu “lật đổ chính quyền Việt Nam”.

Tại tòa, ông Dziễn còn bị qui kết thêm các tội phát tán truyền đơn, lôi kéo người dân tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, gây chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, v.v…

Tuy nhiên hãng thông tấn AP, khi loan tin về vụ xử ông Võ Viết Dziễn, cho rằng: Việc chính quyền tuyên án tù nhà hoạt động dân chủ này nằm trong khuôn khổ một chiến dịch trấn áp mới nhắm vào những người tranh đấu cho các quyền tự do tại Việt Nam.

Hãng AP nhân vụ này cũng nhắc lại sự kiện hồi tuần trước, 14 thanh niên và sinh viên Công Giáo – Tin Lành cũng đã bị tòa án tại Vinh tuyên phạt các bản án tù nặng nề với tội danh tương tự.

Ông Nguyễn Quốc Quân (trái) trong một lần cùng Cộng đồng Việt Nam biểu tình yểm trợ giáo xứ Thái Hà tại California. Photo courtesy of nguoiviet


Và cũng trong chuỗi các vụ án “chống chế độ” này, đầu tuần tới tòa án tại thành phố HCM sẽ đưa ra xét xử TS Nguyễn Quốc Quân, một Việt kiều Mỹ và là thành viên của đảng Việt Tân, về tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do trước phiên xử TS Nguyễn Quốc Quân, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân có trụ sở tại bang California cho rằng những cáo buộc mà chính quyền Việt Nam đưa ra với cá nhân TS Nguyễn Quốc Quân và đảng Việt Tân là không có cơ sở, đồng thời cho rằng chiến dịch bắt bớ, bỏ tù các nhà hoạt động tại Việt Nam hiện nay thực chất là để giải tỏa các vấn đề nội bộ trong đảng CSVN.

Tưởng cũng xin được nhắc lại, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, bị công an chận bắt tại phi trường Tân Sơn Nhất hôm 17/04/2012, với cáo buộc ông Quân xâm nhập Việt Nam nhằm thực hiện kế hoạch phá hoại lễ kỷ niệm 30 tháng 4 tại Sài Gòn và một số tỉnh, thành phố khác.

Ban đầu, ông Nguyễn Quốc Quân bị ghép vào tội “khủng bố”, nhưng sau đó được đổi thành “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

Trước đó vào cuối năm 2007, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân cũng đã từng bị công an bắt giam, và đến tháng 5/2008 thì được thả ra dưới áp lực của Bộ ngoại giao cũng như Quốc hội Hoa Kỳ.

Đất đai là của nhà nước
Cùng với các vụ án “chống chế độ”, Việt Nam Tuần Qua cũng ghi nhận những tranh luận chung quanh Dự luật sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam, trong đó vấn đề sở hữu đất đai thu hút rất nhiều sự quan tâm chú ý của người dân.
Theo dự thảo luật đất đai được đưa ra để lấy ý kiến người dân, nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì “đất đai là sở hữu của toàn dân”, như một cách khẳng định quyền sở hữu đất đai là của nhà nước.

Trả lời Nam Nguyên về việc tại sao Đảng và Nhà nước cứ phải duy trì đất đai sở hữu toàn dân mà không thể thay đổi trong dịp sửa hiến pháp năm nay, trong khi nhu cầu cải cách là bức thiết và rất nhiều ý kiến người dân đều mong muốn được trả lại quyền sở hữu đất đai cho họ; Cựu Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam, TS Nguyễn Đình Lộc nhận định:
 “Hiện nay đất đai thuộc sở hữu toàn dân có rất nhiều biến dạng, đất đai phân hóa và có nhiều người đang nắm những tài sản lớn. Bây giờ tư hữu hóa đất đai trở lại thì có những hệ quả không thể lường trước được cho nên sẽ có những bất ổn.
Có những vấn đề đang rất lúng túng, cho nên trước mắt phải thực hiện cái sở hữu toàn dân nhưng mà Nhà nước sẽ có những chính sách mềm dẻo để khuyến khích mọi người gắn bó với ruộng đất, nhưng đồng thời tránh lạm dụng.”

Tuy nhiên, với tình hình xã hội bất ổn, hàng chục ngàn vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, thu hồi cưỡng chế sai luật, đền bù không thỏa đáng, không ít vụ chống đối đòi công lý nhưng bị đàn áp tạo ra bộ mặt rất xấu cho chính quyền, thế nhưng dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ qui định đất đai là sở hữu toàn dân, liệu Việt Nam có giải quyết được những bất ổn do tranh chấp đất đai gây ra hay không?

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến:
“Tôi rất tiếc về việc cho đến bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn muốn thiên về hướng duy trì quyền sở hữu Nhà nước về đất đai. Tôi ở trong số những người có đề xuất khi tiến tới sửa đổi Luật Đất đai, theo đó nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau.
Trong đó vẫn duy trì sở hữu Nhà nước với một số loại đất đai thuộc sử dụng công, thí dụ như đất đai dùng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các công trình công cộng… hoặc trụ sở các cơ quan Nhà nước… còn thì nên công nhận sở hữu tư nhân cho đất đai thí dụ của nông dân.”

DVD Asia 71 bị cấm

Bìa DVD Asia 71- 32 Năm Nhìn Lại.

Và cuối cùng, người Việt cả trong và ngoài nước đang bàn tán xôn xao về chuyện chính quyền thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã ra lệnh cấm đối với DVD ca nhạc của Trung tâm Asia có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ.

Lệnh cấm được ban hành hôm 10 tháng Giêng, một ngày trước khi Trung tâm Asia chính thức phát hành DVD “Asia 71 – 32 năm nhìn lại”.

Mặc dù lệnh cấm của chính quyền thành phố không nêu cụ thể nội dung của tác phẩm bị cho là phản động, nhưng tất cả những ai đã từng coi qua video này đều nhận ra rằng: Sở dĩ DVD Asia 71 bị cấm là vì 2 nhạc phẩm “Triệu Con Tim – Một Tiếng Nói” của Nhạc sĩ Trúc Hồ và “Bạn Thân” của nhạc sĩ trẻ Việt Khang, hiện đang bị giam cầm trong nhà tù tại Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments:

Post a Comment

View My Stats