Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
Cập nhật: 17:46 GMT - thứ năm, 24 tháng 1, 2013
Cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã không thể tới tham dự màn đấu chính trị có một không hai trên thế giới
- phiên Chất vấn Thủ tướng hàng tuần tại Nghị viện Anh hôm 23/1.
Lý do được đưa
ra là lịch trình và điều kiện thời tiết ở Ý, nơi ông dừng chân trước khi tới
London, khiến nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng 'không được khỏe'.
Thay vào đó, tôi thấy Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ba quan chức
Việt Nam khác tới chứng kiến 30 phút đấu trí ngoạn mục trên võ đài chính trị.
Đoàn bốn quan
chức Việt Nam cùng Đại sứ Vũ Quang Minh được một quan chức Anh đưa vào phòng
họp lúc khoảng 11:40 chừng 20 phút trước khi phiên Chất vấn Thủ tướng, tiếng
Anh được gọi tắt là PMQ, bắt đầu.
Khi đó một bộ
trưởng nội các phụ trách Bắc Ireland đang trả lời câu hỏi của dân biểu và sau
đó là bộ trưởng y tế.
Ngay lập tức bốn
vị khách đeo tai nghe để theo dõi diễn biến.
Thủ tướng David
Cameron xuất hiện lúc 11:58 trong tiếng reo mừng của dân biểu Đảng Bảo thủ của
ông.
Bộ trưởng Y tế
đang phát biểu bị gián đoạn và nói đùa "Tôi không biết là tôi được yêu
thích đến thế".
Chất vấn Thủ
tướng
Đúng 12:00, Chủ
tịch Hạ viện tuyên bố bắt đầu phần chất vấn ông Cameron.
Câu hỏi đầu
tiên, như thường lệ, là về nghị trình làm việc của Thủ tướng trong ngày.
Trước khi trả
lời, ông Cameron khen ngợi lòng dũng cảm một quân nhân Anh vừa thiệt mạng vì
các vết thương khi chiến đấu ở Afghanistan và chia buồn cùng gia đình liệt
sỹ.
Sau một hai câu
hỏi của dân biểu là màn đối đầu kịch tính chừng 10 phút giữa ông Cameron và
lãnh đạo đảng Lao động đối lập Ed Miliband.
Chủ đề tranh
luận duy nhất giữa hai chính trị gia ngồi mặt đối mặt qua chiếc bàn lớn ở giữa
là tương lai của nước Anh trong Liên hiệp châu Âu (EU).
Ông Cameron buối
sáng hôm đó vừa có diễn văn nói về sự cần thiết phải cải tổ châu Âu theo hướng
mở và linh hoạt hơn.
Vị Thủ tướng
cũng hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để người dân đưa ra quyết định có nên
tiếp tục là thành viên của EU nữa không.
Ông Ed Miliband
hỏi đi hỏi lại về chuyện ông Cameron sẽ bỏ phiếu như thế nào trong một cuộc
trưng cầu dân ý như thế nhưng vị Thủ tướng kiên quyết không trả lời thẳng câu
hỏi.
Thay vào đó, ông
Cameron nhấn mạnh ông ủng hộ tư cách thành viên của Anh trong một "châu Âu
được cải tổ và vững mạnh".
Khi bị đối thủ
tiếp tục truy kích về chuyện ông có khuyến cáo người dân bỏ phiếu rời bỏ EU một
cuộc trưng cầu dân ý nếu Anh không đạt được những gì mong muốn trong đàm phán
với EU, ông Cameron dùng tới khiếu hài hước và sự thách thức:
"Trước hết
thật đáng hoan nghênh là ông ấy chấp nhận khả năng Đảng Bảo thủ sẽ thắng trong
cuộc bầu cử sắp tới (Đảng Lao động sẽ không bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý -
chú thích của tác giả)," ông Cameron nói trong tiếng hò reo ủng hộ của dân
biểu Bảo thủ cũng như tiếng cười của quan khách (ở phút thứ 4:45 trong video
trên đây).
Tôi nhìn sang các vị khách Việt Nam,
nét mặt các quan chức vẫn nghiêm túc và một trong số bốn người vẫn tiếp tục ghi
chép.
"...Nhưng tôi đã trả lời câu hỏi
của ông ấy rất rõ ràng rồi.
"Tôi muốn một nước Anh vững mạnh
trong một châu Âu được cải tổ. Chúng tôi có kế hoạch rất rõ ràng... Câu hỏi bây
giờ cho ông ấy là - ông ấy có biết là mình sẽ làm gì không?"
Các dân biểu Bảo
thủ lại được dịp hò reo tán thưởng.
Nhưng lãnh đạo
đối lập không tỏ ra nao núng. Ông nhắc lại tên gọi của phiên họp và nói Thủ
tướng là người phải trả lời các câu hỏi (chứ không phải đi hỏi vặn lại).
Ông Miliband
cũng tố cáo Thủ tướng bị các dân biểu trong Đảng Bảo thủ, vốn không thân EU,
chi phối và buộc phải hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vì quyền lợi của đảng thay
vì quyền lợi của quốc gia.
Nhưng rồi ông
Miliband cũng phải bật cười khi Thủ tướng lại nhắc lại rằng ông muốn thấy một
nước Anh vững mạnh trong một Châu Âu được cải cách và chỉ có lãnh đạo phe đối
lập mới nghĩ rằng mình sẽ thất bại khi đàm phán về EU, còn bản thân Thủ tướng
tin rằng ông sẽ thắng lợi.
Những tiếng hò
reo, cả phản đối lẫn ủng hộ, khi Thủ tướng và lãnh đạo đối lập phát biểu đã
khiến Chủ tịch Quốc hội phải hai lần lớn tiếng hô "trật tự" trong
vòng 10 phút đầu tiên.
Cả hai lần tôi đều để ý thấy đoàn
khách Việt Nam không bày tỏ cảm xúc gì.
Giữ gìn trật tự
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là một ủy viên Bộ Chính trị,
tức một trong số 14 nhân vật uy quyền nhất Việt Nam.
Khi gặp ông chớp
nhoáng trong hành lang Nghị viện sau phiên chất vấn, ông tỏ ra là người không
quan cách.
Có lẽ vị Phó Thủ
tướng cũng đã chứng kiến những phen tranh cãi nảy lửa hồi cuối năm ngoái khi Bộ
Chính trị quyết định đề nghị kỷ luật một thành viên của mình.
Tuy nhiên thay
vì tranh cãi công khai để người dân được biết và tự có đánh giá của mình như ở
Anh, các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ cảm xúc sau những cánh cửa đóng kín.
Sự nghẹn ngào
của Giáo sư Trọng khi đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 là một trong
những khoảnh khắc hiếm hoi.
Nhưng đó cũng là
lúc ông Tổng Bí thư tránh đi vào thực chất của vấn đề.
Điều này cũng
diễn ra khi ông trả lời phỏng vấn BBC nhân chuyến đi.
Ông nói Việt Nam
đã "giữ được ổn định kinh tế vĩ mô" và kiềm chế được lạm phát từ 18%
xuống còn 6-7%" trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng.
Nhưng cả ba nước
mà Tổng Bí thư tới thăm Bỉ, Ý và Anh đều có mức lạm phát dưới 3% trong năm 2012
và họ vẫn đảm bảo được hệ thống an sinh xã hội tốt cho những tầng lớp bị thiệt
thòi nhất trong xã hội.
Ông Trọng có thể
sẽ làm tốt vai trò Chủ tịch Quốc hội Anh, người có trách nhiệm giữ gìn trật tự
tại các phiên họp.
Nhưng tôi không
rõ ông có đủ sự sắc bén và sức chịu đựng để đứng mũi chịu sào như một lãnh
đạo đảng ở Anh trong các phiên Chất vấn Thủ tướng hay không.
---------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment