Tuesday 15 January 2013

VÌ SAO PHÁP CAN THIỆP QUÂN SỰ VÀO MALI ? (RFI)




Đức Tâm – RFI
Chủ nhật 13 Tháng Giêng 2013

Chiều tối thứ Sáu, 11/01/2013, tổng thống François Hollande thông báo là đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của tổng thống lâm thời Dioncounda Traoré, quân đội Pháp đã can thiệp vào Mali. Các tiêm kích Mirage cùng trực thăng đã tham chiến nhằm ngăn chặn đường tiến quân của các nhóm khủng bố đang tràn xuống phía nam Mali, uy hiếp thủ đô Bamako.

Nằm ở trung tâm Tây Phi, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp, bao bọc bởi nhiều nước có quan hệ hữu hảo với Paris, Mali có đường biên giới chung với Algeri ở phía bắc và đông bắc, phía đông với Niger, phía nam với Côte d’Ivoire, Burkina Faso, phía tây nam với Sénégal, Guinea Conakry và Guinea Bissau, phía tây với Mauritania.
Paris lo ngại là Mali, đặc biệt là vùng phía bắc nước này, trở thành sào huyệt của các tổ chức khủng bố. Trên đài truyền hình Pháp vào sáng hôm qua, 12/01, thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault cho biết, chiến dịch quân sự có mục đích « ngăn chặn mối đe dọa khủng bố » ngay tại cửa ngõ nhiều nước châu Phi và của cả « nước Pháp và châu Âu».

Chiến dịch quân sự tại Mali, mang tên Serval – Mèo rừng châu Phi, dựa trên cơ sở nghị quyết 2085 được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/12/2012, cho phép triển khai một lực lượng quốc tế tại Mali, có tên là MISMA.

Phía bắc Mali là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng người Touareg và họ luôn luôn mơ ước được độc lập. Trong thời gian qua, một số người Touareg còn chạy từ Libya sang, sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ. Tháng Giêng năm ngoái, các chiến binh thuộc Phong trào quốc gia giải phóng Azaward (tức bắc Mali) – MNLA - của người Touareg, đã tấn công vào các vị trí của quân đội Mali.

Ngày 22/03/2012, đại úy Amadou Aya Sanogo lên cầm quyền tại Bamako nhân một cuộc nổi dậy của quân đội và tuyên bố sẽ tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Thé nhưng, điều trái ngược đã xẩy ra : Chỉ trong vòng có hai tuần, chiến binh của MNLA đã chiếm được toàn bộ phía bắc Mali. Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức vũ trang khác, cạnh tranh với MNLA, đã xuất hiện trong vùng và tuyển dụng chiến binh. Theo Paris, một số nhóm này có liên hệ với Al Qaida ở Bắc Phi – AQMI, chiếm giữ một diện tích rộng lớn trong vùng, áp dụng luật Hồi giáo hà khắc charia. Như vậy, vấn đề vượt quá phạm vi biên giới Mali : Các tổ chức Hồi giáo cực đoan có nguy cơ cắm rễ và phát triển lâu dài tại vùng Sahel, từ Mauritania đến Nigeria, ở phía nam Niger.

Trong lúc lực lượng quân sự của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (CEDEAO) đang được huấn luyện để can thiệp vào Mali thì hôm thứ Năm, 10/01, phiến quân tiến hành tấn công xuống phía nam, chiếm được khu vực Konna và đe dọa khu Mopti, nơi có khoảng 100 000 dân. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian nhận định : Tình hình tại Mali trở nên nghiêm trọng và đã xấu đi nhanh chóng trong những ngày qua. Các tổ chức khủng bố, tranh thủ thời gian lực lượng quốc tế triển khai, đã mở cuộc tấn công nhằm gây bất ổn trên toàn lãnh thổ Mali. Cần phải hành động ngay trước khi quá muộn.

Mặc dù quân đội Mali, với sự hỗ trợ của quân đội Pháp đã chiếm lại được Konna, nhưng sự kiện này đặt ra vấn đề về khả năng hành động của quốc tế và đặc biệt là của Pháp, trong việc hỗ trợ một quốc gia đồng minh bị khủng bố đe dọa.

Câu hỏi mà công luận Pháp quan tâm hiện nay là cuộc khủng hoảng Mali sẽ kéo dài bao lâu ? Nói một cách khác, cho đến bao giờ thì quân đội Pháp chấm dứt can thiệp tại Mali ? Theo giới chuyên gia, Paris chủ trương thúc đẩy phong trào MNLA đàm phán với chính quyền Bamako. Nếu đạt được thỏa thuận, thì việc can thiệp lên phía bắc Mali, truy diệt các tổ chức khủng bố sẽ dễ dàng hơn. Để thúc đẩy đàm phán, thì cần phải gia tăng áp lực quân sự. Đó là lý do vì sao Pháp đã thuyết phục được Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 2085. Để ngăn cản xu hướng đàm phán, các chiến binh Hồi giáo cực đoan đã mở cuộc tấn công xuống phía nam Mali.

Đằng sau chiến dịch quân sự, Pháp muốn có một giải pháp chính trị cho Mali, thông qua thương lượng giữa chính quyền Bamako và phong trào MNLA cũng như với các tổ chức không phải là khủng bố. Giải pháp này đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử tại Mali.

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không nêu ra lịch trình, thời hạn can thiệp quân sự của lực lượng CEDEAO. Cần phải đợi nhiều tháng nữa thì mới có thể tiến hành các hoạt động quân sự phối hợp giữa các nước châu Phi. Trong khi chờ đợi, quân đội Pháp sẽ tiếp tục phối hợp với quân đội Mali và tham chiến. Thách thức đối với quân đội Pháp là rất lớn : Diện tích Mali rộng gấp đôi nước Pháp và hai phần ba phía bắc Mali là sa mạc.

Thanh Hà & Tú Anh  -  RFI
Thứ hai 14 Tháng Giêng 2013

Quân đội Pháp tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Mali với nhiều đợt oanh kích trong 24 giờ qua nhắm vào hậu cần, trung tâm huấn luyện và trại quân của các nhóm Hồi giáo võ trang. Tuy nhiên, phong trào « thánh chiến » đã tung ra một trận phản công và lên tiếng đe dọa sẽ đánh vào « trái tim » của Pháp.
Theo AFP, trên chiến trường miền bắc Mali, phe Hồi giáo võ trang đã phản công vào thành phố Diabali, cách thủ đô Bamako 400 km . Một nguồn tin của an ninh Mali cho biết một toán chiến binh Al Qaida Bắc Phi gọi tắt là Aqmi, sau khi bị oanh tạc đã phải chạy sang Mauritanie nhưng sau đó đã quay trở lại và tấn công vào Diabali.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vào hôm nay 14/01/2013 đã nhìn nhận rằng tuy phe Hồi giáo đã « rút lui » ở mặt trận phía đông, nhưng ở mặt trận phía tây vẫn còn « nhiều chốt chận ».
Trong ngày hôm qua, phi cơ Mirage và Rafale của Pháp đã thực hiện nhiều phi vụ oanh kích Gao, Kidal ,các vị trí hậu phương của Hồi giáo võ trang.
Nhiều vị trí của Hồi giáo võ trang ở Nampala cách Diabali 50 cây số và một trung tâm huấn luyện gần biên giới Mauritanie cũng bị oanh kích. Tuy nhiên, lực lượng thánh chiến Hồi giáo vẫn tập trung quân tấn công vào Diabali vào hôm nay. Một thủ lãnh của Phong trào thánh chiến tây Phi (Mujao), qua điện đàm với AFP, đe dọa sẽ trả đũa « tấn công vào quyền lợi trọng yếu của Pháp ở Mali, ở châu Phi cũng như tại châu Âu.
Paris cho biết chiến dịch oanh kích sẽ kéo dài nhiều tuần lễ để chuẩn bị cho lực lượng đa quốc gia châu Phi can thiệp. Chiều nay, theo yêu cầu của Pháp, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có một cuộc họp tai New York đđược Paris thông báo tình hình.

Đức loại trừ khả năng đưa quân sang Mali
Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa thông báo cụ thể tham gia vào chiến dịch quân sự tại Mail dưới hình thức nào. Trước mắt Bruxelles duy trì kế hoạch điều từ 400 đến 500 chuyên gia đến quốc gia này trong khuôn khổ một chương trình đào tạo cho quân đội Mali. Nhưng kế hoạch này của Liên Hiệp Châu Âu được dự trù khởi động vào tháng 9/2013.
Về phần nước Đức, Ngoại trưởng Guido Westerweller khẳng định là Berlin loại trừ khả năng đưa quân đến Mali. Berlin kêu gọi quốc tế nhanh chóng tìm kiếm một giải pháp chính trị để giải quyết xung đột Mali.
Trái với thái độ của Berlin, ngay từ hôm qua 13/01/2013 chính quyền Anh đã thông báo hỗ trợ hậu cần cho quân đội Pháp trong nhiệm vụ đẩy lùi quân Hồi giáo vũ trang Mali. Tuy không điều các đơn vị võ trang sang Mali nhưng hai chiếc máy bay quân sự C17 của Anh chở trang thiết bị cho quân đội Pháp vào hôm nay sẽ đáp xuống phi trường Bamako.
Trong chiến dịch quân sự đẩy lùi các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mali, Paris có thể trông chờ vào sự yểm trợ của một đồng minh khác là Hoa K. Một quan chức Mỹ xin được giấu tên cho biết Washington « hỗ trợ chiến dịch quân sự của Pháp chống lại các phần tử Hồi giáo cựu đoan tại miền bắc Mali ».
Riêng các quốc gia châu Phi, thượng đỉnh các nước thuộc khối CEDEAO Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi- đặc biệt để bàn về tình hình Mali được dự trù vào ngày 19/01/2013. CEDEAO trên nguyên tắc phải huy động lực lượng 3.300 quân như điều đã được nghị quyết Liên Hiệp Quốc quy định. Trên nguyên tắc Nigeria sẽ triển khai 600 lính đến Mali. Burkina Faso, Niger, Senegal những thành viên khác của CEDEAO cam kết đưa 1500 lính sang Mali.






No comments:

Post a Comment

View My Stats