13-1-2013
Hôm 9 tháng 12 năm 2012, tại Hội
nghị Tuyên giáo toàn quốc, ông Hồ Quang Lợi – Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành
ủy Hà Nội, đề nghị: “Báo chí, truyền
thông cần đưa tin chính xác, kịp thời để ngăn chặn kẻ xấu kích động nhân dân.
Chủ động đối thoại trong các vụ việc liên quan đến tư tưởng, đường lối, không
để họ đối đầu với chính quyền”.
Đúng một thàng sau, ngày 9 tháng
1 năm 2013, trong một Hội nghị Tuyên giáo tòan quốc khác, ông Đỗ Qúy Doãn – Thứ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tiếp tục đề nghị: “Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí, dù đó là thông tin
nhạy cảm”.
Như vậy là chỉ trong một tháng, Đảng tổ chức tới hai Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc. Ở hội nghị nào, chuyện cung cấp thông tin chính xác, đưa tin kịp thời, chủ động đối thoại cũng được đặt lên hàng đầu và được xem là trọng tâm.
1.
Nói láo (cung cấp thông tin sai
sự thật), lừa gạt (giấu diếm thông tin) và khinh miệt dân chúng (không thèm,
ngăn cấm đối thoại), vốn là “chủ trương lớn” của Đảng. Chủ trương này đã và
đang bị những người Việt dùng Internet vô hiệu hóa.
Hồi đầu, khi phải đối diện với
những người mạnh dạn nói những điều họ biết, chia sẻ những điều họ nghĩ, vì lợi
ích chung của cả quốc gia lẫn dân tộc, đề nghị đừng làm như thế này và nên làm
như thế kia, Đảng gọi họ là “kẻ xấu” là “thế lực thù địch, phản động, do hận
thù mà trở thành mù quáng, chống lại lợi ích của Đảng, của nhân dân”.
Lúc “kẻ xấu” càng ngày càng nhiều
và không ít “kẻ xấu” là lão thành cách mạng, cán bộ có nhiều công lao, từng
hoặc đang được tin cậy, trọng dụng, Đảng gọi họ là “những phần tử bất mãn, cơ
hội bị các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động”.
Bất
kể Đảng gọi thế nào, hăm dọa và trừng phạt nhằm “răn đe” ra sao thì số lượng
“kẻ xấu” vẫn tăng vùn vụt. Những thông tin, suy nghĩ mà “kẻ xấu” chia sẻ với mọi người không chỉ
ảnh hưởng trên dân chúng mà còn tác động đến cả cán bộ, đảng viên các ngành,
các cấp. Mức độ tác động càng ngày càng lớn nên bây giờ, ngoài chuyện chống “kẻ
xấu”, Đảng phải chống cả nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
18 tháng trước, các diễn đàn điện
tử, các trang web, blog cá nhân còn bị miệt thị là “luồng gió độc”, “rác rưởi”
trên Internet nhưng lúc này, qua tường thuật và trả lời phỏng vấn của tờ Lao
Động (số ra các ngày 9 và 10 tháng 1 năm 2013), ông Đỗ Qúy Doãn – Thứ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông – đã thừa nhận, “truyền thông xã hội” (một cách khác
để gọi các diễn đàn điện tử, các trang web, blog cá nhân), không chỉ phủ nhận,
mà còn đang loại bỏ vai trò của hệ thống truyền thông chính thống, tạo ra hiện
trạng “thông tin lưu truyền trong xã hội là thông tin từ blog cá nhân”.
Ưu tư của ông Doãn về hiện tượng
“lên tiếng đồng loạt, im lặng đồng loạt”, đề nghị của ông Doãn: “Cung cấp thông
tin kịp thời, chính xác cho báo chí, dù đó là thông tin nhạy cảm”, ước vọng của
ông Doãn: “Cho báo chí có quyền bình luận để định hướng dư luận xã hội”… gián
tiếp chỉ ra rằng, đã đến lúc, Đảng không nên và không thể lấy chuyện nói láo
(cung cấp thông tin sai sự thật), lừa gạt (giấu diếm thông tin) và khinh miệt
dân chúng (không thèm, ngăn cấm đối thoại) làm “chủ trương lớn” được nữa.
2.
Một người được Đảng tin cậy, lựa
chọn, sắp đặt để đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như
ông Đỗ Qúy Doãn, hẳn phải rất “vững vàng về tư tưởng” và rất “kiên định về lập
trường”. Tuy nhiên, thử đối chiếu những ý kiến mà ông Đỗ Qúy Doãn phát biểu hồi
đầu tháng giêng năm nay, với những tuyên bố cũng của chính ông cách nay vài năm
thì
hóa ra, ông Doãn cũng đang… “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hôm
21 tháng 6 năm 2009, khi tham gia đối thoại trực tiếp với khán giả Đài Truyền hình Kỹ thuật
số VTC, độc giả VTC News, VietNamNet, ICT News, mic.gov.vn… về chủ đề “Quản lý
báo chí”, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Doãn đã bảo như thế này: “Báo chí bao giờ cũng là một lực lượng làm
công tác tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể”. Bây giờ, dưới tác động của
“truyền thông xã hội”, đối tượng từng bị miệt thị là “luồng gió độc”, “rác
rưởi” trên Internet, ông Dõan nhận định, hiện tượng “lên tiếng đồng loạt, im
lặng đồng loạt” của hệ thống truyền thông do Đảng lãnh đạo đang “đánh mất niềm tin
của bạn đọc”.
Tương
tự, năm 2009, trong buổi đối thoại vừa dẫn, ông Doãn rất tự tin khi khẳng định: “Ưu điểm lớn
nhất của báo chí chúng ta hiện nay là nội dung phong phú, đa dạng và toàn diện.
Tính chuyên nghiệp của báo chí ngày càng được nâng lên, nắm bắt được những vấn
đề mới mà công chúng quan tâm. Báo chí chúng ta hiện nay cũng đã làm tốt những
đợt tập trung tuyên truyền trọng điểm về những chủ trương, chính sách của Nhà
nước và đạt được những hiệu quả lớn”. Bây giờ, cũng dưới
tác động của “truyền thông xã hội”, ông Doãn nêu thắc mắc: “Tại sao
chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng
trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ ngành. Có tới
17.000 nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc
mà thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân?”.
Nếu
năm 2009, trả lời thắc mắc về “quy hoạch báo chí”, ông Doãn còn thản nhiên
tuyên bố, nguyên văn như vầy: “Quy hoạch của chúng ta là tốt, có
nghĩa là xác định rõ được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí và cũng
hạn chế được những tờ báo không có chức năng cung cấp thông tin, điều đó sẽ góp
phần hạn chế được những vi phạm trong quản lý báo chí”, thì bây giờ, sau khi
quan sát, đối chiếu thực tế, ông Doãn nhận ra: “Nếu thông
tin báo chí đầy đủ thì vấn đề định hướng dư luận, về những vấn đề mà xã hội
quan tâm chắc chắn sẽ rất thuận lợi”.
“Tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” vốn dĩ là quy luật, hiện hữu trong quá trình tiến hóa của nhân loại và
thúc đẩy xã hội loại người văn minh, tiến bộ hơn trước đó. Đã là quy luật thì
không thể chống nhưng chẳng hiểu tại sao, lãnh đạo Đảng vẫn nhất định phải
chống cho bằng được, kể cả sau khi đã học và bắt nhiều người cùng học “duy vật
biện chứng”, “duy vật lịch sử”.
Tội nghiệp Karl Marx, đáng thương
cho Friedrich Engels, sau khi đã bị mang ra bán sỉ trên toàn cầu, nay tiếp tục
được mời chào, bán lẻ rộng rãi tại Việt Nam!
3.
Trở lại với Hội nghị Tuyên giáo
toàn quốc được tổ chức hồi cuối năm ngoái và chuyện ông Hồ Quang Lợi – Trưởng
Ban Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội, loan báo: Hà Nội đã thành lập một đội
“Tuyên truyền miệng” với 900 thành viên. Tổ chức một “nhóm chuyên gia” đấu
tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet, mở hơn
400 tài khoản trên mạng. Các tờ báo của Hà Nội cũng đã thành lập tổ “Phóng viên
bấm nút” phản ứng nhanh…
Tuyên bố của ông Hồ Quang Lợi
khiến mình nảy ra vài thắc mắc:
900
thành viên của đội “Tuyên truyền miệng”, nhóm “chuyên gia đấu tranh trực diện –
tham gia bút chiến trên mạng Internet”, rồi các tổ “Phóng viên bấm nút” của Hà
Nội sẽ nói những gì và nói với ai?
Họ có thể nói khác những điều mà
các ông Nguyễn Thế Kỷ (Phó Ban Tuyên giáo Trung ương), Trần Đăng Thanh (Phó
Gíáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Giảng viên Học viện Chính trị – Bộ Quốc
phòng), Nguyễn Thế Bình (Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ) đã nói hay không?
Chắc là không! Còn nếu họ chỉ nói những điều mà các ông này – những chuyên gia
cao cấp về “tuyên truyền miệng”, “đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên
mạng Internet” – đã nói, đã viết thì tốt nhất là đừng nói, đừng viết gì thì
hơn. Nói hoặc viết như thế chẳng khác gì “bấm nút”, kích động công chúng phẫn
nộ hơn. Lợi bất cập hại.
Mình cũng mong ông Lợi lưu ý thêm
là ông Kỷ, ông Thanh chỉ nói chuyện với cán bộ, đảng viên đã được lựa chọn kỹ
càng, chứ không phải nói với dân, mà “thân vẫn bại, danh vẫn liệt” đấy! Tuy ông
Kỷ chỉ “tuyên truyền miệng” với lãnh đạo các cơ quan truyền thông, ông Thanh
chỉ “tuyên truyền miệng” với lãnh đạo đảng, lãnh đạo các đoàn thể của khối các
trường Đại học – Cao đẳng ở Hà Nội nhưng người nghe, dù “đồng đảng” vẫn không
“đồng tình”. Không đồng tình nên người ta mới ghi âm, nhờ công bố để cho bàn
dân thiên hạ tỏ tường các ông ấy ngu như thế nào và láo ra sao.
Không
nói thật, làm đúng, chỉ lăm le dối gạt, vẫn nuôi ý định dùng bạo lực để cưỡng
buộc mọi người nghĩ theo, nói theo, làm theo thì không còn và chẳng bao giờ có
“đồng chí” thật sự đâu.
No comments:
Post a Comment