Sunday 20 January 2013

TS GIÁP VĂN DƯƠNG : SÁNG TẠO ĐÚNG NGHĨA LÀ SÁNG TẠO CÓ TRÁCH NHIỆM (Thanh Niên Online)




TS Giáp Văn Dương  (Thanh Nien Online  )
21/01/2013 5:00

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ hóa học ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo); từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore, tiến sĩ Giáp Văn Dương được xem như một “công dân toàn cầu”.

Trách nhiệm công dân là công việc của giáo dục

Trải nghiệm nhiều môi trường giáo dục hiện đại trên thế giới, quan niệm của anh về mục tiêu hướng đến của giáo dục là gì?
- Giáo dục là câu chuyện muôn thuở của nhân loại, vì nó là câu chuyện về con người, của con người. Đằng sau câu hỏi mục tiêu của giáo dục là gì chính là câu hỏi con người là gì. Chỉ khi nào có được hình dung rõ ràng về con người mà xã hội mong đợi ra sao thì mới có thể thiết kế một hệ thống giáo dục tương ứng có hiệu quả. Đây là trường hợp lý tưởng nhưng rất khó triển khai trong thực tế.

Tôi nghĩ tạo nên con người tự do là đích đến của giáo dục, bởi tự do là khát khao muôn thuở của con người. Điều này không chỉ đúng với mỗi cá nhân, mà còn với cả các quy mô dân tộc. Lịch sử đã chứng kiến biết bao cuộc chiến vùng dậy của các dân tộc bị áp bức để giành lấy tự do mà Việt Nam là một dân tộc điển hình. Tự do cũng là đích đến của văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo... Trong tự do, con người có cơ hội được khám phá và thể hiện mình một cách trọn vẹn. Về mặt hình thức, đây là kết quả của việc cá nhân tách khỏi đám đông để nhìn nhận lại mình, và từ đó tự phát triển mình theo hướng tối ưu. Như vậy, tự do là điều kiện cho mỗi cá nhân hoàn thiện thành người theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Vì thế, tự do phải là đích đến của giáo dục.




Trên thực tế, liệu con người có thể tự do đến mức không hề liên quan đến lợi ích của người khác và lợi ích của xã hội?
- Con người không từ trên trời rơi xuống, cũng không thể tồn tại và trưởng thành mà không có sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng. Nói cách khác, ngay từ khi được sinh ra, con người đã có mối liên hệ với những người khác, mà sớm nhất là với cha mẹ của mình. Càng trưởng thành, những liên hệ mang tính xã hội này ngày càng nhiều. Với mỗi cá nhân, dù ở trạng thái tự do, thì cũng không thể tách biệt khỏi cộng đồng hoàn toàn. Những liên kết và tương tác của cá nhân và cộng đồng tạo ra một sự ràng buộc tương đối lẫn nhau. Sự ràng buộc này đòi hỏi cá nhân phải có một trách nhiệm chung với xã hội. Đó là trách nhiệm công dân. Sự ràng buộc của cá nhân và xã hội là không thể tách rời mà tự do của cá nhân luôn đi cùng với trách nhiệm công dân. Vì thế, bên cạnh con người tự do thì trách nhiệm công dân cũng là công việc của giáo dục.

Như vậy, câu chuyện về con người tự do và trách nhiệm công dân là rõ ràng và không mâu thuẫn. Những rắc rối chỉ xảy đến khi hai khía cạnh này bị đẩy đến cực đoan. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là khi một hệ thống xã hội nhân danh trách nhiệm công dân tìm mọi cách để bóp nghẹt con người tự do. Khi đó con người cá nhân không còn điều kiện tự hoàn thiện mình nữa, sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là xã hội rơi vào trạng thái suy đồi, vì xã hội, suy cho cùng cũng chỉ là tập hợp của các cá nhân và tương tác giữa họ.

Ngược lại, nếu con người tự do được đẩy đến cực đoan thì ban đầu có thể gặp một số rắc rối về mặt xã hội, do sự vùng thoát của các cá nhân ra khỏi ràng buộc chung. Nhưng sự rắc rối này chỉ là tạm thời, vì với tư cách một con người trưởng thành, cá nhân sẽ tự điều chỉnh mình một cách tự nguyện để tương thích với các chuẩn mực chung, trước hết để tự bảo vệ mình và quyền lợi của chính mình, sau nữa để duy trì xã hội như một sự cần thiết tất yếu mà con người không thể tránh được. Đây chính là lý do để luật pháp ra đời, và nhà nước pháp quyền phát huy tác dụng.

Đạo đức là trọng tài phân xử

Ai là trọng tài phân xử mâu thuẫn giữa con người tự do và trách nhiệm công dân, trong một trường hợp cụ thể là giữa mong muốn cá nhân và luật pháp? Liệu cá nhân có nhất thiết phải luôn tuân thủ luật pháp hay không?

- Câu trả lời chính là đạo đức. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa con người tự do và trách nhiệm công dân, hay giữa mong muốn cá nhân và quy định của luật pháp, thì đạo đức sẽ là cái thứ ba đứng ra làm trọng tài phân xử. Theo nghĩa đó, đạo đức đứng cao hơn luật pháp. Vấn đề còn lại là làm sao để có được những chuẩn mực đạo đức của xã hội, đủ tốt và đủ mạnh để bảo vệ cả cá nhân và xã hội. Câu trả lời sẽ dẫn ta đến cơ sở hình thành đạo đức, mà truy đến cùng thì vẫn là ở con người. Vì thế, các giá trị đạo đức chỉ khả tín nếu cơ sở của nó khả tín, tức được đặt trên nền tảng của những con người hoàn thiện.

Theo anh, cơ sở nào để sự sáng tạo có thể thăng hoa?

- Sáng tạo sẽ chỉ đến trong tự do. Nếu không có tự do sẽ không có sáng tạo. Lý do đơn giản là khi không có tự do, anh sẽ không có nhiều lựa chọn và sẽ không thể tạo ra cái mới. Những thứ anh tạo ra sẽ chỉ là những khuôn mẫu cũ. Để hướng đến sáng tạo, trước hết cần hướng đến tự do. Và để nuôi dưỡng sáng tạo, trước hết cần nuôi dưỡng tự do. Như đã nói ở trên, con người tự do luôn đi kèm với trách nhiệm công dân như hình với bóng. Một sự sáng tạo đúng nghĩa là một sự sáng tạo có trách nhiệm. Nếu sáng tạo mà không có trách nhiệm, đặc biệt nếu vi phạm những quy chuẩn đạo đức, thì đó là sáng tạo hủy diệt, cần loại bỏ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats