Sunday, 13 January 2013

[TRUNG QUỐC] PHẢI DÂN CHỦ HÓA hay là CHẾT (Yasheng Huang, Foreign Affairs)




(Tại sao ĐCSTQ phải cải tổ, nếu không sẽ đối đầu với cách mạng)
Yasheng Huang, Foreign Affairs, tháng Giêng/tháng Hai 2013

Trần Ngọc Cư dịch
14-1-2013

YASHENG HUANG là Giáo sư Kinh tế Chính trị và Quản lý Quốc tế tại Trường Quản lý Sloan thuộc Đại học MIT và là tác giả cuốn Capitalism With Chinese Characteristics: Entreneurship and the State (Chủ nghĩa tư bản mang đặc tính Trung Quốc: Doanh nghiệp và Nhà nước).


Năm 2011, đứng trước Hội Hàn lâm Khoa học Anh (the Royal Society), Thủ tướng Trung Quốc Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo) tuyên bố: “Trung Quốc tương lai sẽ là một nước thể hiện đầy đủ dân chủ, pháp trị, công bằng và công lý. Không có tự do, thì sẽ không có dân chủ thực sự. Nếu các quyền kinh tế và chính trị không được đảm bảo, thì sẽ không có tự do thực sự”. Trong số Foreign Affairs này, bài viết của Eric Lee, nhan đề “Sức sống của Đảng” (The Life of the Party) không hề dùng những từ ngữ đầu môi chót lưỡi như vậy đối với vấn đề dân chủ. Thay vào đó, Li, một nhà xuất vốn đầu tư (venture capitlist) hiện làm việc tại Thượng Hải, tuyên bố rằng cuộc tranh luận về tiến trình dân chủ hóa Trung Quốc đã trở nên lỗi thời: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không những còn nắm quyền lực, mà sự thành công của nó trong những năm tới sẽ “củng cố mô hình độc đảng và, do đó, sẽ thách thức những quan niệm thông thường của phương Tây về vấn đề phát triển chính trị”. Có lẽ Li đã đánh cuộc quá sớm.

Li viện dẫn sự đồng thuận cao của công chúng đối với hướng đi tổng quát của Trung Quốc như là một bằng chứng cho thấy người dân Trung Quốc chấp nhận tình hình chính trị hiện nay (the political status quo). Tuy nhiên, trong một nước thiếu tự do ngôn luận, việc đòi hỏi người dân trực tiếp đánh giá thành tích của lãnh đạo cũng chẳng khác gì đưa ra một bài thi trắc nghiệm mà chỉ cho thí sinh lựa chọn một câu trả lời duy nhất (a single-choice exam). Những cuộc thăm dò mạnh dạn hơn, nhưng khéo đặt câu hỏi trong những cung cách làm giảm bớt tính nhạy cảm chính trị, đã trực tiếp dẫn đến kết luận trái chiều với ông Li. Theo những cuộc thăm dò vào năm 2003 được trích dẫn trong cuốn How East Asians View Democracy (Người Đông Á nhìn dân chủ như thế nào) do các nhà nghiên cứu Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew Nathan, và Doh Chull Shin biên tập, 72,3 phần trăm dân chúng Trung Quốc được phỏng vấn nói rằng họ tin tưởng chế độ dân chủ “là điều mà đất nước chúng tôi mong muốn” và 67 phần trăm cho rằng thể chế dân chủ là “phù hợp với đất nước chúng tôi hiện nay”. Hai con số này phù hợp với những số liệu được ghi nhận trong các chế độ dân chủ đã ổn định tại Đông Á, như Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan.

Hiện có những tiếng nói đòi hỏi nới rộng dân chủ tại Trung Quốc. Đúng là, khối chống cải tổ trong Đảng đã nắm thế thượng phong kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Nhưng gần đây, những tiếng nói đòi cải tổ chính trị từ nội bộ ĐCSTQ đã và đang lấy được sức mạnh, một phần lớn nhờ có sự cộng hưởng của những tiếng nói phát xuất từ hàng trăm triệu công dân mạng Trung Quốc đang kêu đòi tính lương thiện, tính minh bạch, và trách nhiệm giải trình trước dân chúng. Các lãnh đạo mới của Trung Quốc chí ít cũng có vẻ chịu chấp nhận một giọng điệu ôn hòa hơn các vị tiền nhiệm của mình, những người trước đây đã cảnh giác gay gắt đối với việc “Tây phương hóa” hệ thống chính trị Trung Quốc. Cho đến nay, trở ngại chính đối với dân chủ tại Trung Quốc không phải là do thiếu nguồn cầu (lack of demand), mà là do thiếu nguồn cung (lack of supply). Có khả năng khoảng cách giữa cung và cầu sẽ bắt đầu khép lại trong mười năm tới.

BỨC TRƯỜNG THÀNH KHÔNG LỚN LẮM
Li nhìn nhận Trung Quốc có nhiều vấn đề, chẳng hạn, mức tăng trưởng kinh tế đang khựng lại, tình trạng bất cập trong việc cung ứng các dịch vụ xã hội, và nạn tham nhũng, nhưng ông lại cho rằng ĐCSTQ có khả năng hơn bất cứ một chính phủ dân chủ nào trong việc chỉnh sửa các tệ nạn nói trên. Li lý luận, ĐCSTQ sẽ đủ sức đưa ra những quyết sách khó khăn và theo đuổi chúng đến nơi đến chốn nhờ khả năng tự sửa sai, nhờ cơ cấu tuyển chọn nhân viên dựa vào tài năng, và nhờ tính chính đáng của Đảng đối với nhiều bộ phận dân chúng rộng lớn.

Trong sáu thập kỷ cầm quyền, ĐCSTQ đã trải qua mọi thử nghiệm, từ tập thể hóa ruộng đất, đến Bước nhảy vọt Vĩ đại và Cách mạng Văn hóa, đến tư hữu hóa. Theo Li, điều đó đã biến ĐCSTQ thành “một trong những tổ chức chính trị có khả năng tự cải tổ nhất trong lịch sử thế giới cận đại”. Tiếc thay, vị Thủ tướng Trung Quốc không chia sẻ quan điểm của Li rằng Bắc Kinh đã học hỏi kinh nghiệm từ những đại họa trong quá khứ và có thể chỉnh sửa sai lầm trong tương lai. Tháng Ba năm ngoái, phản ứng trước vô số tai tiếng về tham nhũng và chính trị, Wen Jabiao [Ôn Gia Bảo] đã cảnh báo rằng nếu không chịu cải tổ chính trị, thì “những thảm kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa vẫn có thể tái diễn”.

Trung Quốc có vẻ đã ra khỏi Bước nhảy vọt Vĩ đại và Cách mạng Văn hóa, vốn là những đại họa của đất nước, cả nhiều năm ánh sáng. Nhưng Đảng chưa bao giờ công khai bác bỏ hai biến cố này hay chấp nhận lỗi lầm về chúng, cũng như chưa bao giờ giải quyết vấn đề là làm thế nào để ngăn chặn những đại họa tương tự trong tương lai. Trong một hệ thống chính trị thiếu trách nhiệm giải trình (accountability) hay thiếu các cơ chế kiểm soát và quân bình lẫn nhau giữa các ngành trong Chính phủ (checks and balances), những lo lắng của Wen Jabiao [Ôn Gia Bảo] – hay của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đã chịu đựng những cảnh hãi hùng của hai biến cố lịch sử này – là thành thật và chính đáng.

Sau khi ca ngợi khả năng thích ứng của ĐCSTQ, Li tiếp tục ca ngợi chế độ tuyển chọn nhân tài (meritocracy) của Đảng. Ở đây, ông kể ra trường hợp của Qiu He, một nhân vật, nhờ chính sách công sáng tạo của mình, đã vươn lên từ vị trí một đảng viên tầm thường của một huyện hẻo lánh đến chức Phó bí thư Tỉnh ủy Vân Nam. Sự kiện hệ thống chính trị Trung Quốc đủ linh động để cho phép một người như Qiu thử nghiệm một số cải tổ là một lý do khiến hệ thống này chưa sụp đổ sớm. Nhưng, việc Li dùng trường hợp của Qiu He để phản bác thể chế dân chủ mới là điều kỳ lạ. Chính những đặc điểm trong hệ thống chính trị Trung Quốc đã cho phép Qiu He thử nghiệm các sáng kiến về chính sách, nguyên tắc tản quyền (subsidiarity – một nguyên tắc tổ chức theo đó các vấn đề phải được xử lý ở cấp thẩm quyền thấp nhất nếu có đủ khả năng giải quyết chúng) và chủ nghĩa liên bang, thực sự là nền tảng của bất cứ một thể chế dân chủ hữu hiệu nào trên thế giới. Khác với Trung Quốc, là nơi chính quyền trung ương dùng sắc lệnh để thể hiện sự tản quyền và chủ nghĩa liên bang, hầu hết các nước dân chủ đảm bảo nguyên tắc tản quyền chính trị một cách trân trọng qua Hiến pháp.

Còn có một vấn đề khác nữa trong câu chuyện mà Li đưa ra để dẫn chứng: cứ mỗi một họ Qiu được thăng tiến theo chế độ tuyển dụng nhân tài, thì có vô số chính khách khác của Trung Quốc được thăng quan tiến chức xuyên qua ĐCSTQ nhờ những lý do thiếu tích cực. Các dữ liệu thu thập có hệ thống không chứng minh được quyết đoán của Li khi ông cho rằng toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc là một chế độ ưu đãi nhân tài (meritocratic). Trong một phân tích kỹ lưỡng các dữ liệu kinh tế và chính trị, những nhà nghiên cứu chính trị Victor Shih, Christopher Adolph, và Mingxing Liu không tìm ra bằng chứng nào cho thấy những viên chức Trung Quốc đạt thành tích kinh tế tốt đẹp mà được thăng chức dễ dàng hơn những viên chức có thành tích kém cỏi. Yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc là chế độ ô dù (patronage) – điều mà Wu Si, một sử gia và là nhà biên tập nổi tiếng tại Trung Quốc, gọi là “qui luật ngầm” (hidden rule) của hệ thống thăng thưởng.

Li tranh luận rằng một người với thành tích ít ỏi như Barack Obama trước khi ông đắc cử tổng thống Mỹ sẽ không tiến xa trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Li nói đúng, nhưng nói ngược lại cũng đúng vậy. Ta hãy xét đến trường hợp Bo Xilai (Bạc Hi Lai), cựu Ủy viên Bộ chính trị ĐCSTQ, người có vợ đã tự thú về tội sát nhân, người có đủ tiền bạc một cách bí ẩn để chi trả học phí rất đắt cho con trai ăn học ở nước ngoài bằng đồng lương “đầy tớ nhân dân” của mình, và là người đã chủ trì một chiến dịch khủng bố đỏ nhắm vào các ký giả và luật sư, cho tra tấn và bắt giữ vô số công dân không thông qua một mảy may thủ tục pháp lý. Không một người nào với thành tích như Bo Xilai [Bạc Hi Lai] có thể tiến rất xa trong xã hội Mỹ. Nhưng, tại Trung Quốc, ông có cùng một thứ quyền lực không bị kiểm soát như Qiu, một thứ quyền lực mà ông đã sử dụng để làm sống lại những yếu tố của cuộc Cách mạng Văn hóa mà Wen (Ôn Gia Bảo) đã lên tiếng cảnh báo.

Một luận cứ khác của Li có liên quan đến tính chính đáng của ĐCSTQ trước nhân dân. Nhưng nạn tham nhũng và nạn lạm quyền đang hủy hoại tính chính đáng ấy. Đây là một trong những bài học mà các lãnh đạo Đảng đã rút ra từ vụ Bo Xilai (Bạc Hi Lai). Điều đáng lưu ý là, cả Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), vị Chủ tịch nước hết nhiệm kỳ, lẫn Xi Jinping (Tập Cận Bình), vị Chủ tịch nước vừa nhậm chức, gần đây đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng, rằng tham nhũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng và Nhà nước. Họ có cái nhìn đúng đắn, nhất là trong tình hình kinh tế Trung Quốc đang khựng lại. Điều này không có nghĩa là một số cá nhân lãnh đạo ĐCSTQ không còn được đa số nhân dân Trung Quốc kính trọng. Nhưng những lãnh đạo này từng là những nhà cải tổ của Đảng, chẳng hạn Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), người đã khởi động những cải tổ thị trường tại Trung Quốc vào cuối thập niên 1970, và Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang), Tổng bí thư ĐCSTQ trong thời gian Deng nắm quyền lãnh đạo. Sự kiện những nhà lãnh đạo này hiện nay vẫn còn được người dân yêu chuộng đã cung ứng cho ĐCSTQ một cơ hội: Đảng có thể chủ động theo đuổi một nghị trình cải tổ nhằm tạo ra một thời kỳ quá độ tuần tự và hòa bình để chuyển sang thể chế dân chủ, tránh được những tình trạng hỗn loạn và xáo trộn đang trùm lên Trung Đông. Nhưng vấn đề then chốt là phải bắt đầu những cải tổ này ngay từ bây giờ.

SỰ THẬT TẠI CÁC NƯỚC KHÁC
Sau khi trình bày những điểm tích cực của hệ thống chính trị Trung Quốc, Li bắt đầu bàn về những vấn đề đang diễn ra trong hệ thống chính trị phương Tây. Li coi tất cả mọi vấn đề của phương Tây – từ giai cấp trung lưu đang tan rã, đến cơ sở hạ tầng hư hỏng, đến tình trạng nợ nần, đến các chính trị gia đang bị các nhóm lợi ích đặc biệt khống chế – như là hệ quả của thể chế dân chủ tự do (liberal democracy). Nhưng thật ra, những vấn đề này là không riêng gì cho các chính phủ dân chủ tự do. Các chế độ độc tài cũng trải nghiệm chúng như thường. Hãy nhớ lại cuộc khủng hoảng kinh tế đã đánh vào các chế độ quân nhân tại châu Mỹ-La tinh trong những thập niên 1970 và 1980 và cả Indonesia năm 1997. Lịch sử cho thấy, những chính phủ độc tài duy nhất có thể tránh được các cuộc khủng hoảng tài chính là những chính phủ có nền kinh tế hoạch định, trung ương tập quyền (centrally planned economies), vốn thiếu hẳn các hệ thống tài chính. Thay vì phải kinh qua các thăng trầm gay gắt có định kỳ, loại hình kinh tế hoạch định thường dẫn đến tình trạng bế tắc kinh tế dài hạn.

Li trích dẫn dữ liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế để tranh luận rằng nhiều quốc gia dân chủ còn tham nhũng hơn Trung Quốc. Bất chấp tính cách mỉa mai của việc dùng dữ liệu của một tổ chức có quyết tâm theo dõi tính minh bạch để biện hộ cho một hệ thống độc tài thiếu minh bạch (opaque authoritarian system), lý luận của Li phơi bày một luận điểm còn sâu sắc hơn nữa. Việc tố cáo tham nhũng đòi hỏi phải có tự do thông tin. Trong một hệ thống độc đảng, thông tin trung thực vừa bị dập tắt vừa rất hiếm hoi. Tại Ấn Độ, Website “Tôi đã hối lộ” (I Paid a Bribe) được thiết lập năm 2010 như một cách để người dân Ấn Độ đăng bài nặc danh báo cáo những trường hợp mà họ cần phải đút lót cho một ai đó để được hưởng một dịch vụ của Chính phủ. Cho đến tháng Mười một 2012, Website này đã ghi nhận được 21.000 lượt báo cáo tham nhũng. Nhưng khi công dân mạng Trung Quốc cố gắng thiết lập những website tương tự, chẳng hạn I Paid a Bribe (Tôi trả tiền hối lộ) và www.522phone.com, thì Chính phủ lập tức ra lệnh triệt hạ. Vì thế, thật là vô bổ khi đem so sánh 21.000 vụ tham nhũng được báo cáo tại Ấn Độ với không có vụ nào tại Trung Quốc để kết luận rằng Ấn Độ tham nhũng hơn. Tuy nhiên, đây chính là điều mà Li đã làm.

Chắc chắc là, có nhiều chế độ dân chủ tham nhũng. Như Li đã nêu ra,Argentina,Indonesia, vàPhilippinescó những hồ sơ tham nhũng đáng sợ. Nhưng các nhà độc tài quân nhân tàn bạo đã cai trị mỗi một trong những nước này hàng thập kỷ trước khi chúng bắt đầu cởi mở. Những chế độ độc tài ấy đã tạo ra các hệ thống tham nhũng mà hiện nay các chế độ dân chủ mới mẻ phải đối phó. Các chính phủ dân chủ phải nhận lãnh trách nhiệm vì đã không tiêu diệt được nạn tham nhũng, nhưng ta không nên lẫn lộn triệu chứng với nguyên nhân. Trên toàn thế giới, hiển nhiên là, các chế độ độc tài nói chung là tham nhũng hơn các chế độ dân chủ rất nhiều. Như bản báo cáo năm 2004 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy, ba quan tham hàng đầu trong hai thập kỷ qua là Suharto, người thống trị Indonesia cho đến năm 1998, Ferdinand Marcos, nhà lãnh đạo Philippines cho đến năm 1986, và Mobutu Sese Seko, Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo cho đến năm 1997. Ba nhà độc tài này đã cướp đoạt tổng cộng 50 tỉ Mỹ kim từ nhân dân nghèo đói của mình.

Kể từ năm 1990, theo một báo cáo được đăng trong thời gian ngắn ngủi cách đây vài tháng trên Website của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, quan chức tham nhũng Trung Quốc – vào khoảng 18.000 người – đã tuồn ra nước ngoài tổng cộng khoảng 120 tỉ Mỹ kim. Con số đó tương đương với toàn bộ ngân sách giáo dục Trung Quốc từ năm 1978 đến 1998. Ngoài sự thất thoát thuần túy tài chính, nạn tham nhũng cũng đưa đến các hồ sơ an toàn thực phẩm cực kỳ tồi tệ, vì quan chức nhà nước bị mua chuộc để không thi hành luật lệ. Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á năm 2007 ước tính có khoảng 300 triệu người dân Trung Quốc mắc bệnh do thực phẩm gây ra mỗi năm. An toàn thực phẩm không phải là tệ nạn duy nhất. Tham nhũng còn đưa đến các vụ sập cầu và sập cao ốc làm thiệt mạng nhiều người và các vụ rò rỉ các nhà máy hóa chất làm ô nhiễm môi trường Trung Quốc – và dẫn đến những hành vi che đậy các tai họa ấy.

Vấn đề ở đây không phải là Trung Quốc đã nhẹ tay với nạn tham nhũng. Chính phủ cũng thường xử tử các viên chức sai phạm. Và một số là quan chức cao cấp, chẳng hạn Cheng Kejie, người từng là Phó chủ tịch Quốc hội trước khi ông bị xử tử năm 2000, và Ziang Xiaoyu, Giám đốc Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước, người bị xử tử năm 2007. Vấn đề ở đây chính là sự thiếu vắng các cơ chế kiểm tra và quân bình quyền lực đối với họ, và đặc biệt là, thiếu sự kềm hãm hữu hiệu nhất đối với nạn tham nhũng, đó là tính minh bạch và tự do báo chí.

DÂN CHỦ ĐANG LÓ DẠNG
Thậm chí khi Li tranh luận rằng hệ thống độc đảng của ĐCSTQ là thể chế tốt đẹp nhất mà Trung Quốc có thể có được, ông cũng trình bày một số cải tổ hợp lý để cải thiện Đảng. Ông đề xuất những tổ chức phi chính phủ nhằm giúp Chính phủ cung ứng những dịch vụ tốt hơn cho người dân, những phương tiện truyền thông độc lập hơn nhằm giúp Chính phủ chặn đứng tham nhũng, và những yếu tố cơ bản của cái gọi là dân chủ trong nội bộ đảng (intraparty democracy) nhằm phơi bày “những mặt tiêu cực trong Đảng và ngăn chặn những hành vi bất xứng”. Li nhận định đúng. Mỉa mai là, đây chính là những thành tố nòng cốt của một thể chế dân chủ hoạt động hữu hiệu.
Không một nước nào có khả năng chấp nhận những yếu tố dân chủ nền tảng này mà cuối cùng không chấp nhận toàn bộ thể chế dân chủ. Không một nước nào có thể tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ sinh động (vibrant primary elections) và các cuộc họp lãnh đạo để chọn ứng viên (caucuses) như tại bangIowa[của Mỹ], mà lại có một chính phủ trung ương tập quyền cai trị kiểu Stalin. Hãy xét đến trường hợp của Đài Loan, nơi mà thể chế dân chủ đã tiến hóa từng bước qua thời gian. Vào đầu thập niên 1970, Chiang Ching-kuo [Tưởng Kinh Quốc], người sẽ trở thành Tổng thống năm 1978, bắt đầu cải tổ đảng cầm quyền, Quốc dân đảng, cho phép tổ chức những cuộc tuyển cử có tính cạnh tranh ở cấp địa phương, cho phép người Đài Loan bản địa ra tranh cử (trước đó, chỉ có những người Trung Hoa lục địa mới được phép ra tranh cử những chức vụ quan trọng), và cho phép công chúng kiểm tra tiến trình ngân sách của Đảng. Chiang còn thả tù chính trị và tỏ ra khoan dung đối với báo chí và các tổ chức phi chính phủ. Khi đảng đối lập, Đảng Dân chủ Tiến bộ, ra đời năm 1986, đây chỉ là một bước phát triển tự nhiên từ những cải tổ mà Chiang Ching-quo thực hiện trước đó. Trong trường hợp Đài Loan, cuối cùng người ta không còn hình dung ra được đường ranh giới giữa dân chủ một phần và dân chủ toàn bộ. Sự kiện này cũng sẽ diễn ra tại Trung Quốc.

Và đó là một điều tốt đẹp. Đúng như Li nhận xét, Trung Quốc đã đạt được những thành quả kinh tế và xã hội vô cùng to lớn trong vài thập kỷ vừa qua. Nhưng Trung Quốc cũng tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế cho mọi thành phần xã hội, bài trừ tham nhũng, và ngăn chặn thiệt hại môi trường. Đã đến lúc Trung Quốc phải cho thể chế dân chủ một cơ may thử nghiệm. Như các học giảDavidLakevà Matthew Baum đã chứng minh, giản dị là các chế độ dân chủ thành công hơn các chính phủ độc tài trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng. Và những nước chuyển đổi qua chế độ dân chủ sẽ trải nghiệm một sự cải thiện rất nhanh chóng. Chính Trung Quốc cũng đang thấy một số hiệu quả này: Nancy Qian, một nhà kinh tế tại Đại học Yale, đã cho thấy rằng việc thực hiện các cuộc bầu cử ở cấp xã tại Trung Quốc đã cải thiện trách nhiệm giải trình trước người dân (accountability) và gia tăng các khoản chi tiêu cho dịch vụ công cộng.

Một Trung Quốc dân chủ có thể không hơn được Trung Quốc ngày nay về tăng trưởng GDP, nhưng ít ra sự tăng trưởng ấy sẽ mang lợi ích cho nhiều thành phần xã hội hơn. Những lợi ích này sẽ không chỉ chảy vào tay chính phủ và một thiểu số tư bản có cánh thế, mà còn đến tận tay đại đa số dân chúng Trung Quốc, vì một chế độ dân chủ hữu hiệu sẽ theo đuổi những lợi ích lớn nhất cho đông đảo quần chúng nhất, càng nhiều càng tốt.

Có hai khía cạnh của nền kinh tế Trung Quốc báo trước con đường dẫn đến tiến trình dân chủ hóa. Một là mức thu nhập GDP đầu người. Người dân Trung Quốc đã vượt qua mức thu nhập mà các nhà nghiên cứu xã hội coi là cái ngưỡng mà qua đó hầu hết các xã hội phải bắt đầu dân chủ hóa – trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 Mỹ kim một năm. Như Minxin Pei, một nhà nghiên cứu tình hình Trung Quốc, đã cho thấy, trong 25 nước thiếu tự do hay chỉ được một ít tự do với lợi tức đầu người cao hơn Trung Quốc, thì có đến 21 nước nhờ vào tài nguyên thiên nhiên. Trừ nhóm nước ngoại lệ này ra, các nước khác trở nên dân chủ khi chúng trở nên giàu có hơn.

Điều kiện cấu trúc thứ hai báo hiệu tiến trình dân chủ hóa sắp xảy ra là mức tăng trưởng kinh tế ào ạt của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ khựng lại, làm gia tăng các xung đột nội bộ và khiến nạn tham nhũng trở nên một gánh nặng to lớn hơn trước. Khi kinh tế tăng trưởng, người dân dễ dàng khứng chịu một mức độ tham nhũng nào đó. Nhưng khi kinh tế không còn tăng trưởng, cùng một mức độ tham nhũng như vậy cũng trở nên không thể chịu đựng được nữa. Nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì nguyên trạng chính trị (political status quo), các xung đột nội bộ có khả năng leo thang nhanh chóng, và nạn đưa vốn ra nước ngoài, hiện đang gia tăng vì giới đầu tư mất lòng tin ở tương lai kinh tế và chính trị của Trung Quốc, sẽ tăng tốc hơn nữa. Nếu không chặn đứng, tình trạng mất lòng tin của giới tinh anh kinh tế sẽ là cực kỳ nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc và có thể nhanh chóng gây ra những bất ổn tài chính nghiêm trọng.

Chắc chắn là, tiến trình dân chủ hóa nằm trong tay ĐCSTQ. Tuy nhiên, trong lãnh vực này, tình hình cũng đang trở nên tốt đẹp hơn. Thậm chí một số nhân vật trong chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu tin tưởng rằng ổn định chính trị không thể có được nhờ sự đàn áp, mà phát sinh từ sự cởi mở chính trị và kinh tế mạnh dạn hơn. Vào trước hôm khai mạc Đại hội Đảng 18, được tổ chức vào tháng Mười Một vừa qua, một bức thư ngỏ kêu gọi Đảng phải tăng cường tính minh bạch và dân chủ trong nội bộ đảng gây được nhiều tiếng vang trên Internet. Một trong những tác giả bức thư ngỏ này là Chen Xiaolu, con trai út của một trong những vị Nguyên soái có nhiều công trạng nhất trong quân đội Trung Quốc, người từng là Phó thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao và còn là người trợ lý tin cậy của cựu Thủ tướng Zhou Enlai (Chu Ân Lai). Chen và nhiều nhân vật khác trong giới tinh anh Trung Quốc không còn tin rằng tình trạng hiện nay có thể đứng vững.

Từ năm 1989 đến nay, ĐCSTQ chưa chấp nhận bất cứ cải tổ chính trị thật sự nào cả, mà chỉ dựa vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao để duy trì quyền thống trị của mình. Chiến lược này chỉ mang lại kết quả khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng – một sự kiện mà Bắc Kinh không thể cầm chắc trong tay. Câu hỏi cực kỳ quan trọng là, liệu ĐCSTQ có chủ động chấp nhận những cải tổ chính trị hay bị bắt buộc làm điều này để đối phó một cuộc khủng hoảng đầy thảm họa? Tình thế sẽ tốt đẹp hơn nhiều, nếu một hệ thống chính trị tự thay đổi dần dần trong một cung cách được kiểm soát, chứ không thông qua một cuộc cách mạng bạo động. ĐCSTQ có thể lấy lại uy tín của mình bằng cách giành lại sứ mệnh cải tổ đất nước, và Đảng có thể cải thiện hệ thống chính trị Trung Quốc mà không cần phải từ bỏ quyền lực của mình. Ít có chế độ độc tài nào nắm được loại cơ hội độc đáo này, ĐCSTQ không nên phung phí nó.

Y.H.


Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN




No comments:

Post a Comment

View My Stats