12/01/2013
Dân số
đông, nhiều Tiến sĩ, nhưng số ấn phẩm khoa học Việt Nam công cố trên thế giới
còn rất thấp so với các nước khu vực. Việt Nam phải hơn nửa thế kỷ nữa để đuổi
kịp năng suất hiện tại của Thái Lan – Bùi Du Dương.
*
Theo chúng tôi biết, trong đào tạo bậc Tiến sĩ, chưa nói đến việc
khuyến khích đăng bài trên các tập san quốc tế, ở Việt Nam hiện nay có nhiều
chuyện... tạm gọi là “cải lùi” rất khó hiểu. Chẳng hạn, về khoa học xã hội,
bỗng dưng đưa ra quy định, mỗi luận án Tiến sĩ chỉ được viết tối đa 150 trang
khổ A4 chữ to. Chúng ta đều biết các vấn đề lý thuyết của khoa học xã hội không
phải như những công thức toán lý. Phải diễn đạt các luận điểm một cách tỉ mỉ
bằng ngôn từ. Mà diễn đạt tỉ mỉ bằng ngôn từ chỉ trong phạm vi 150 trang thì
còn nói gì đến những phát hiện này khác. Rút cục, luận án chỉ là một đề cương
sơ lược, tuyệt không thể nào có cái gì đóng góp được cho khoa học. Cho nên dù
nghiên cứu sinh không muốn, vẫn cứ phải tiến hành mọi thao tác theo kiểu trả
lời các câu hỏi được đặt sẵn và cũng đã có kết luận sẵn. Muốn chống từ chương,
muốn thực học, mà đành bó tay, có cách nào chống nổi được đâu.
Là một người có trách nhiệm đào tạo lâu năm trong vài bộ môn khoa
học xã hội, tôi rất hiểu về thực chất, các thế hệ Tiến sĩ ra lò lâu nay số
lượng yếu kém vẫn vượt trội số lượng xuất sắc; nhưng chắc chắn, với việc “ra đề
hạn vận” như vừa nói, các thế hệ Tiến sĩ sẽ ra lò hàng loạt sắp tới còn yếu kém
hơn nhiều. Và cái mục tiêu âm thầm đặt ra, dù không ai nói, là việc rút ngắn
khoảng cách so với những thế hệ được đào tạo bài bản tại Pháp, các tên tuổi
Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Văn Huyên... vào những năm 30 đến 40
của thế kỷ trước, sau hơn 8 thập niên hóa nên ngày càng vô vọng.
Không phải các thế hệ thanh niên hiếu học nước ta thiếu tài năng,
mà thiết nghĩ, chính vì tầm vóc và bản lĩnh những kẻ đứng đầu ngành giáo dục -
đào tạo quá thấp, và họ lại tiếp nối nhau theo xu thế mỗi ngày còn thấp hơn một
ít, chỉ được trang bị một mớ kiến thức chính trị thời thượng chứ không cơ bản,
đến nỗi có cái nhìn đại khái, nông cạn và thô thiển, hay đúng hơn là không có
một tư duy chiến lược nào về giáo dục và khoa học cả, ngoài việc lo cho “đủ số
lượng bằng cấp”, để cho vào bảng thành tích hàng năm của ngành, thế thôi.
Chả trách những hành vi đáng xấu hổ mà người trí thức có lương tri
không ai làm vẫn cứ thấy xuất hiện công khai trên báo chí, coi như đó là đạo lý
xã hội bình thường, thậm chí còn có thể “nêu gương” cho người khác, chẳng hạn,
người lãnh đạo quyền lực đã ở tít trên đỉnh cao vẫn cố tranh bằng được 2 suất
nhà giáo ưu tú, v.v. Từ đó, cũng chẳng trách được việc một ông PTT lo toan về
giáo dục và khoa học, có trong tay khá nhiều bằng cấp, vậy mà càng lo càng
hỏng, cuối cùng làm được một việc lại không thể đặt trong thành tích của ngành
giáo dục, là... ra quy định kẹp chì cho lồng gà chính chủ. Nói gì hạng bằng dỏm
đầy dẫy rộ lên một thời gian rồi sau đó im bẵng, hình như chẳng một ai bị động
chạm đến một mảy lông chân nào.
Nguyễn Huệ Chi
----------------------------------
Việt Nam tụt hậu 50
năm so với Thái Lan về công bố khoa học
Bùi Du Dương
Tiến sĩ Bùi Du Dương, học giả ở Trường Đại học quốc gia Singapore
phân tích về thực trạng khoa học Việt Nam so với các nước khu vực và bài học từ
các nước Đông Á với sự phát triển vượt bậc về công bố quốc tế trong những năm
qua.
Cùng với xu thế hội nhập, số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học
quốc tế trở thành thước đo quan trọng, chỉ số khách quan phản ánh sự phát triển
khoa học công nghệ cũng như hiệu suất khoa học của mỗi quốc gia. Với bản thân
nhà khoa học, các công bố quốc tế không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân như cung
cấp các chứng từ ghi nhận thành quả nghiên cứu, tạo dựng cơ hội hợp tác chuyên
môn, thúc đẩy hội nhập quốc tế mà còn là nghĩa vụ cần chia sẻ, đóng góp vào tri
thức nhân loại, nâng cao sự hiện diện của khoa học nước nhà. Công bố khoa học
quốc tế thường được hiểu là các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học,
sách và các phát minh sáng chế được quốc tế công nhận.
Khoa học Việt Nam đang ở đâu?
Có nhiều phân tích trong nước và quốc tế cho thấy số lượng ấn phẩm
khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn, khiến cho những ai quan tâm đến cảm thấy
lo lắng. Thực trạng thấp kém không chỉ so với các nước tiên tiến trên thế giới
có nền tảng khoa học phát triển lâu năm mà ngay cả khi so với các nước trong
khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê Viện Thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm qua
(1996-2011) Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san
quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng một phần năm của Thái Lan (69.637), một phần
sáu của Malaysia (75.530), và một phần mười của Singapore (126.881). Trong khi
đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, ba lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái
Lan.
Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 Giáo sư và Phó giáo sư, 24.000
Tiến sĩ và hơn 100.000 Thạc sĩ mà số ấn phẩm khoa học của cả nước trong vòng 15
năm qua chưa bằng 1/5 số công bố của Trường ĐH Tokyo (69,806 ấn phẩm) và một
nửa của Trường ĐH quốc gia Singapore (28,070 ấn phẩm).
Đồ thị dưới đây của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South
Wales, Australia mô tả số lượng và năng suất công bố khoa học của Việt Nam so
với các nước trong vùng cho thấy với tốc độ hiện tại, chúng ta cần đến hơn nửa
thế kỷ nữa để đuổi kịp năng suất hiện tại của Thái Lan, Malaysia chứ chưa nói
gì đến Singapore hay các nước tiên tiến khác trên thế giới.
Sự hiện diện của khoa họcViệt Nam trên trường quốc tế còn khiêm
tốn
Không chỉ khiêm tốn về số lượng, chỉ số ảnh hưởng của các công
trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp nhất so với những nước trong
khu vực vừa được đề cập. Thứ hạng khiêm tốn này cũng nhất quán với số bằng sáng
chế được đăng ký ở Mỹ và chỉ số sáng tạo do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới
WIPO xếp hạng.
Thật ra, nước ta có nhiều công trình nghiên cứu xứng đáng chia sẻ
với cộng đồng khoa học thế giới, nhưng rất tiếc, cho đến nay các công trình đó
vẫn loanh quanh trong các báo cáo nghiệm thu, đóng gói không chia sẻ, hoặc công
bố trên những tạp chí trong nước chưa được quốc tế công nhận và hệ quả là làm
thiệt thòi cho khoa học nước nhà.
Nhiều phân tích nêu ra những nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng
trên như phân phối ngân sách cho nghiên cứu chưa thỏa đáng, rào cản về ngôn ngữ
tiếng Anh, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công bố quốc tế, thiếu
kinh nghiệm và chưa có thói quen (văn hóa) công bố, thiếu chính sách đãi ngộ,
khuyến khích nhà khoa học công bố quốc tế, rất ít những tập san khoa học trong
nước bằng tiếng Anh, chưa xác lập những chuẩn mực đánh giá hiệu quả khoa học
phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ở đó công bố quốc tế được sử dụng làm thước đo
khách quan. Tuy nhiên, đến nay gần như vẫn chưa có giải pháp nào đáng kể để cải
thiện tình hình.
Bài học từ các nước Đông Á
Bản đồ thế giới về ấn phẩm khoa học quốc tế đang thay đổi nhanh
chóng trong vài thập niên gần đây, với sự hiện diện của các “cường quốc mới”
càng ngày càng gia tăng, đặc biệt là các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực
Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Số liệu thống kê mới nhất của
SCImago tiến hành xếp hạng cho 147 nước và vùng lãnh thổ có công bố khoa học
cho thấy Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ hai trên thế giới về số ấn phẩm khoa
học trên các tập san quốc tế chỉ sau Mỹ, vượt qua rất nhiều nước có lịch sử
khoa học phát triển lâu năm như Đức, Nhật, Anh, Pháp, Canada.
Theo phân tích từ số liệu ISI, trong vòng 15 năm gần đây số lượng
ấn phẩm khoa học mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố hàng năm tăng gần 14
lần, từ 27.549 (hạng 9/147) năm 1996 đến 373.756 bài (hạng 2/147) năm 2011.
Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh (Royal Society) dự báo trong vòng hai năm tới số
công bố khoa học của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ.
Các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan
cũng có bước tiến rất ấn tượng. Nếu năm 1996 chỉ có Nhật Bản và Trung Quốc lọt
vào top 15 của thế giới về số ấn phẩm khoa học thì năm 2011 đã có cả Hàn Quốc
và Đài Loan lọt vào danh sách này.
Bằng cách nào mà họ có những bước tiến ngoạn mục như thế?
Đầu tư thỏa đáng: Các nước và lãnh thổ trên đều
coi giáo dục, khoa học công nghệ là bộ phận không thể thiếu trong chiến lược
phát triển kinh tế, hiện đại hóa quốc gia họ. Ví dụ, từ những năm 90, Trung
Quốc đầu tư khoản tiền khổng lồ (so với GDP của Trung Quốc vào thời điểm đó)
hàng chục tỷ USD cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, và nghiên cứu khoa
học với các chương trình trọng điểm quốc gia như dự án 211 (1995), dự án 985
(1998), dự án 111 (2005).
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác cũng nỗ lực đầu tư khoản khổng
lồ không kém nhằm cải thiện số lượng và chất lượng công bố khoa học quốc tế mà
điển hình là chương trình trọng điểm quốc gia “Brain Korea 21 (BK21)”, Hàn Quốc
hay chương trình “Xây dựng trường đại học và trung tâm nghiên cứu đẳng cấp quốc
tế” của Đài Loan.
Quốc tế hóa nhân sự khoa học: Các nước hiểu rõ con
người là nhân tố quyết định cho thành công. Một mặt họ đầu tư tài chính để lôi
cuốn được những Giáo sư quốc tế đến công tác hoặc hợp tác với khoa học trong
nước, một mặt họ có chủ trương thu hút những trí thức trong nước đã được đào
tạo từ các nước phương Tây về nước nghiên cứu và giảng dạy.
Hàn Quốc xây dựng các cơ sở hợp tác chiến lược với các đại học
nước ngoài (đặc biệt là Mỹ) và thuê các nhà khoa học, quản lý hàng đầu thế giới
đến làm việc. Năm 2008, Hàn Quốc đưa ra “chương trình các đại học đẳng cấp thế
giới” nhằm "nhập khẩu" các Giáo sư nước ngoài đến giảng dạy và nghiên
cứu, giúp sức “để chuyển đổi các trường đại học Hàn Quốc thành những viện
nghiên cứu đẳng cấp thế giới”. Tính đến năm 2009, Hàn Quốc đã thu hút được hàng
trăm Giáo sư nước ngoài hàng đầu đến làm việc ở Hàn Quốc trong đó có 9 nhà khoa
học đã từng đạt giải Nobel. Đồng thời, Hàn Quốc khuyến khích gửi các nhà khoa
học và sinh viên trong nước sang học tập ở các nước phương Tây. Theo báo cáo
năm 2008 của Viện Giáo dục Fulbright (Hoa Kỳ), trung bình cứ 7 sinh viên quốc
tế ở Mỹ thì lại có 1 sinh viên Hàn Quốc.
Không chỉ đầu tư thu hút giảng viên và nhà nghiên cứu, các nước
cũng nỗ lực thu hút sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên sau đại học
thông qua nhiều chương trình trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo, chương trình
hợp tác nghiên cứu, cung cấp học bổng.
Quốc tế hóa tiêu chuẩn đánh giá khoa học: Ở các
nước Đông Á, chức danh khoa bảng như Giáo sư, Phó giáo sư, giảng viên đều được
đề bạt và đánh giá dựa vào số lượng công trình khoa học quốc tế công nhận thay
vì các tiêu chí khác như thâm niên công tác, nền tảng gia đình hay mối quan hệ
cá nhân. Hơn nữa, các cơ quan quản lý và nhà tài trợ đều hướng đến việc sử dụng
công bố khoa học quốc tế là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá xem xét việc
cấp tài trợ hay nghiệm thu các đề tài nghiên cứu.
Các nước chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đặc
biệt là năng lực sáng tạo và đổi mới của nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nghiên cứu
sinh tiến sĩ thường được yêu cầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế trước khi có
thể bảo vệ luận án. Các học viên cao học cũng khuyến khích công bố trên các tạp
chí và các hội nghị khoa học quốc tế trước khi bảo vệ luận văn.
Hàng năm, các nước tiến hành xếp hạng các trường ĐH theo tiêu
chuẩn quốc tế như THE, ARWU ở đó số lượng công bố khoa học quốc tế là một trong
những tiêu chí quan trọng của bảng xếp hạng.
Quốc tế hoá tập san khoa học: Các nước chú trọng xây
dựng ngày càng nhiều các tập san khoa học trong nước bằng tiếng Anh với hệ
thống bình duyệt theo tiêu chuẩn quốc tế mà vào hệ thống ISI công nhận. Các bài
báo khi đăng ở các tạp chí được ISI công nhận sẽ được tính trong hệ thống khi
xếp hạng quốc tế. Ở đây, ta chưa nói đến vấn đề chất lượng mà chỉ bàn đến vấn
đề thay đổi ngôn ngữ xuất bản và quy trình bình duyệt của các tập san sao cho
phù hợp với chuẩn của các tập san quốc tế.
Cải thiện cơ cấu tổ chức: Không chỉ đầu tư mạnh về tài
chính, với các nước có cơ cấu tổ chức khoa học chưa phù hợp với xu hướng thế
giới như Trung Quốc đã tiến hành những cải tổ quan trọng. Họ thực hiện tái cấu
trúc các trường đại học, xây dựng trường đại học tổng hợp, thiên hướng nghiên
cứu thay vì các mô hình trường đại học chuyên ngành chủ yếu giảng dạy của Xô
Viết cũ. Nhà nước Trung ương cũng chủ trương xây dựng các phòng nghiên cứu
trọng điểm quốc gia và đặt tại các trường đại học theo mô hình các trường đại
học nghiên cứu ở Hoa Kỳ thay vì duy trì các viện nghiên cứu độc lập nằm ngoài
trường đại học mà Trung Quốc áp dụng trong những năm 50.
Các nước khuyến khích tăng dần tỷ lệ của học viên sau đại học so
với sinh viên đại học ở các cơ sở đào tạo, từ đó cho phép xây dựng những nhóm
nghiên cứu chuyên ngành với thành viên đông đảo là các sinh viên Thạc sĩ và
Tiến sĩ làm việc ở các phòng nghiên cứu.
Chính sách khen thưởng thỏa đáng: Các nước đều có chính
sách đãi ngộ, thưởng cũng như hình thức khuyến khích tài chính cho các nhà khoa
học có công trình công bố trên các tập san quốc tế uy tín cao. Ví dụ, các viện
nghiên cứu và đại học ở Trung Quốc có chính sách thưởng tiền đáng kể (lên tới
32.000 USD ở Trường Đại học Y Quảng Đông cho công bố đăng trên Nature hay
Science) cho các nhà khoa học nếu họ công bố công trình trên các tập san quốc
tế uy tín có chỉ số ảnh hưởng cao.
Có chung rào cản về ngôn ngữ Tiếng Anh, gần gũi về đặc điểm văn
hóa, cũng như sự tương đồng về điều kiện kinh tế, giáo dục lúc xuất phát điểm,
các quốc gia Đông Á đã thành công, thì không có lý do gì chúng ta không áp dụng
những biện pháp trên để nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường
quốc tế.
B.D.D.
Nguồn: vnexpress.net
No comments:
Post a Comment