Việt
Nguyên
Saturday, January 19, 2013 9:20:11 PM
(Viết
nhân dịp Sinh Nhật thầy Trần Ngọc Ninh)
Giáng
sinh năm nay tôi có món quà qúy. Cặp mắt của tôi theo tuổi già bị mờ vì cườm
trắng đục được giải phẫu thành công. Những tháng vừa qua, nhìn cuộc đời qua màn
sương trắng, những buổi sáng mặt trời lên chói sáng lại là những giây phút khó
chịu, hạnh phúc ngồi trong phòng làm việc viết bài, đọc sách đã bị mất đi khi
ánh mặt trời chiếu sáng qua tấm mành. Ngũ quan của con người như Phật Thích Ca
dạy “không toàn hảo” nay thị giác không toàn hảo đã gây nhiều ngộ nhận, mắt
người bị cườm nhìn mọi vật dưới ánh sáng mặt trời bị “lòa”, không nhận được
người đối diện trước cửa kính với ánh sáng đằng sau như máy chụp hình bị
“contre soleil”, dễ bị hiểu lầm như “ông nay nổi tiếng nên khinh người, không
nhận ra bạn bè”, hay một đêm làm việc mờ mắt sáng ra đọc tin trên mạng đài BBC,
câu chửi tục của trung tá công an Vũ văn Hiển “Tự Do là cái con C…” đọc thành
“Tấn Dũng là cái con C…” có thể khiến ông Hiển bị tù hay bị khiển trách.
Màu
sắc qua lăng kính trắng đục của thủy tinh thể bị thay đổi, đỏ thành hồng, xanh
đậm thành xanh nhạt, tất cả màu nhìn như bị một màu trắng tuyết tạt vào. Hình
ảnh trên máy điện toán và Ipad bị nhoè, phải đoán mò, ban đêm lái xe rõ hơn ban
ngày, đôi khi bị những ảo giác, đoàn xe bên đường trông như đoàn xe đang di
chuyển trên xa lộ, lái xe không an toàn là lý do chính nên mắt phải cần giải
phẫu.
Ở
vào thời đại y khoa tân tiến thế kỷ 21, so với 37 năm trước ngày tôi tốt nghiệp
y khoa, giải phẫu mắt cườm đã tiến một bước vĩ đại, phẫu thuật nhanh chóng
không đau với những tiến bộ về gây mê nhưng tâm lý người bệnh không thay đổi.
Từ vai trò thầy thuốc nay thay đổi vị trí thành người bệnh, tôi cũng đi vào
những bước thắc mắc, chờ đợi, như những bệnh nhân khác trong khi đặt tất cả
niềm tin vào người bác sĩ điều trị.
Buổi
sáng hôm đến phòng khám mắt của trường đại học Baylor khu trung tâm y khoa
Texas, khung cảnh đại học với những người áo trắng đã khiến tôi nhớ về một bệnh
viện nhỏ nói tôi được mẹ tôi dẫn đến lần đầu để khám mắt sau khi bị thương tích
do tai nạn chơi đùa giữa hai anh em.
Bệnh
viện Bình Dân nằm ở góc đường Phan Thanh Giản và Cao Thắng, nơi tôi đã sống một
cuộc đời sinh viên y khoa và nội trú với các thầy của tôi, những giáo sư y khoa
Thạc sĩ nổi tiếng. Giáo sư Nguyễn Đình Cát, thạc sĩ mắt, đem trường hợp của
tôi, giảng dạy cho các sinh viên y khoa về trường hợp điển hình máu chảy ở
phòng trước mắt của một cậu bé 12 tuổi. Mười năm sau, ông lại nhìn vào mắt của
tôi để dạy cho các bạn cùng nhóm, trong đó có Đỗ Hoàng Ý sau này đi theo vết
chân của thầy, về một trường hợp mắt cườm nằm phía sau thủy tinh thể điển hình
của mắt cườm thương tích. Ngày nằm trên giường bệnh đợi đến phiên mổ, nhìn lên
hai ngọn đèn chiếu sáng trên trần tôi nhớ lại những lời của thầy tôi giáo sư
Đào Đức Hoành: “không có bệnh, chỉ có người bệnh” để dạy chúng tôi đối xử nhân
bản với bệnh nhân.
Người
thầy có tâm Phật không bao giờ giận học trò đã có những lời khuyên giống như
giáo sư Phạm Biểu Tâm, người thầy đã cầm dao dạy thuật giải phẫu cho bao thế hệ
sinh viên, đã dặn chúng tôi “các anh phải xem bệnh nhân như là người nhà, phải
đối xử với họ như là thân nhân, cha mẹ, anh em của các anh khi họ phải vào nằm
trong bệnh viện.”
Những
vị thầy đã ảnh hưởng đến cuộc đời hành nghề y khoa của tôi phần lớn là các giáo
sư đã có công xây dựng bệnh viện Bình Dân, từ ngày di cư vào Nam năm1954, từ
bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội, với bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ. Các giáo sư Nguyễn Hữu,
Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy, Đào Đức Hoành, Nguyễn Đình Cát, Trần Ngọc Ninh, đã
biến bệnh viện Bình Dân thành bệnh viện ngoại khoa nổi tiếng nay đã về với
những người muôn năm cũ trừ giáo sư Trần Ngọc Ninh.
Giáo
sư Trần Ngọc Ninh
Năm
nay vào tháng 11 năm 2012, ông đã thọ 90 tuổi. Ông là một trong những Đại Giáo
Sư (Grand Professeur) của trường đại học y khoa Saigon qua nhiều thế hệ trong
đó có tôi. Tôi đã học rất nhiều từ thầy, nhưng mỗi lần nghĩ về thầy Ninh tôi
lại cảm thấy buồn cười, cả đời tôi rượt theo thầy, một người bạn thân của giáo
sư Đào Đức Hoành.
Tôi
biết ông lần đầu tiên năm tôi học đệ nhị trường Chu Văn An (CVA), ông đến thăm
trường với tư cách tổng trưởng văn hóa giáo dục. Dáng ông cao lớn, giọng nói
điềm đạm nhưng có uy khiến người nghe kính nể, ngỗ nghịch như học trò CVA vẫn
phải lắng nghe ông mặc dù ông rất khiêm nhượng nói rằng ông là một người học
trò CVA cũ về thăm lại các bạn.
Năm
ấy ông chủ trương phát triển phong trào thanh niên và đưa hướng đạo vào trường
học, nhờ tinh thần của ông mà Lê Khuê Hiệp lúc ấy là Tổng thư ký ban đại diện
và tôi đứng ra lập đoàn hướng đạo của trường CVA.
Hơn
một năm sau, tôi lại có dịp nhìn thấy ông trong năm Tết Mậu Thân 1968 tại bệnh
viện Nhi Đồng. Tôi và đoàn hướng đạo vào bệnh viện Nhi Đồng làm việc tình
nguyện băng bó các vết thương, săn sóc cho các trẻ khi bệnh viện thiếu điều
dưỡng, đi theo các bà sơ và các anh sinh viên y khoa năm thứ tư, Nguyễn Chấn
Hùng và Nguyễn Lương Tuyền trong khu giải phẫu tiểu nhi khi ấy tôi mới biết ông
là đại giáo sư giải phẫu tiểu nhi, nhìn thái độ cung kính của bác sĩ Trần Xuân
Ninh và các bác sĩ điều trị đối với ông, tôi biết ông là một người thầy đáng
kính.
Năm
ấy là một năm đánh dấu khúc quanh của đời học sinh ngỗ nghịch của tôi. Ấn tượng
về ông và những người mang áo choàng trắng cũng như những ngày đến nhà người
bạn hướng đạo đã vào y khoa trước tôi một năm, Trần Thế Kiệt với cuốn Atlas
Gray’s Anatomy, đã khiến tôi quyết định chọn ngành y khoa và sau này, ngành
giải phẫu.
Có
thể nói, nhờ giáo sư Trần Ngọc Ninh mà tôi đã đậu vào y khoa, ông đã đặt nặng
phần kiến thức tổng quát hơn các môn khác như vạn vật, những câu hỏi như: Tựa
cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của bà Margaret Mitchell tên tiếng Pháp
là gì? đối với một học sinh hay trốn học, xem xi nê, đọc tiểu thuyết như tôi là
một câu đố vui dễ dàng!
Đậu
vào y khoa rồi tôi mới hiểu, người thầy y khoa, đã tốt nghiệp ở Hà Nội rồi sang
Pháp du học với giáo sư Merle d’Aubigné ở bệnh viện Cochin về ngành giải phẫu
chỉnh trực và với giáo sư Pierre Petit về ngành giải phẫu tiểu nhi ở bệnh viện
St Vincent De Paul và qua Anh tu nghiệp giải phẫu tiểu nhi với giáo sư Seddon,
đã dạy chúng tôi “muốn trở thành người y sĩ giỏi các anh phải biết nhiều về mọi
phương diện không chỉ y khoa”.
Người
y sĩ hoàn toàn ấy, thầy của chúng tôi thạc sĩ y khoa Pháp, cũng là một người
thầy trong văn học. Thập niên 1960 ông dạy văn hóa và văn minh đại cương tại
đại học Vạn Hạnh trong khi ông đang giữ chức tổng trưởng văn hóa giáo dục. Cuốn
sách tôi thích đọc là cuốn “Đức Phật giữa chúng ta” (năm 1972) cho thấy kiến
thức của ông về Phật Giáo trong khi ông cũng thông thạo triết của Lévi-Strauss.
Ông là người có kiến thức rộng với vầng trán cao trí thức, giáng điệu cương
nghị, ông luôn khiến tôi nhớ đến câu của triết gia Francis Bacon “Kiến thức là
sức mạnh” (Knowledge is Power).
Đọc
lại cuộc đời qua cuốn tự thuật của ông, ông là một mẫu sinh viên điển hình yêu
nước trong thời Pháp thuộc. Theo Tây học, học y khoa chương trình Pháp, đi du
học ở Pháp nhưng thế hệ của ông là thế hệ của những sinh viên yêu nước tranh
đấu giành độc lập theo gương của các cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu. Trong
lúc làm nội trú nhà thương Phủ Doãn, ông đã cùng với bạn cùng lớp bác sĩ Khả và
bác sĩ Hoành rải truyền đơn chống Pháp, khác với giáo sư Hoành về sau không
hoạt động chính trị, giáo sư Trần Ngọc Ninh tham gia đảng phái và hoạt động
chính trị trong cả cuộc đời.
Vào
y khoa rồi, tôi cũng như các sinh viên y khoa khác, muốn gặp ông vẫn thật là
khó, vẫn phải “kính nhi viễn chi”, nhìn thầy từ xa… Năm thứ hai bắt đầu đi thực
tập lâm sàng, chúng tôi cũng chỉ học qua các anh nội trú khu giải phẫu chỉnh
trực ở bệnh viện Bình Dân cho mãi đến năm thứ tư các sinh viên y khoa mới được
đi thực tập ở khu giải phẩu tiểu nhi bệnh viện Nhi Đồng và chỉnh trực ở bệnh
viện Bình Dân đồng thời được nghe thầy giảng bài ở đại giảng đường trường y khoa.
Ở
giảng đường thầy lúc nào cũng chững chạc từ giáng điệu đến y phục. Ông giảng
bài với kiến thức rộng lớn của ông hợp với những người có ý tự học và muốn tìm
hiểu rộng hơn ngoài sách vở, khi giảng bài ông hay ngửng mặt nhìn lên, người
ngoài nhìn nghĩ là ông khinh các cậu sinh viên nhưng có lẽ đó là đặc điểm của
một người hay suy nghĩ. Ông giảng với trình độ cao khác hẳn với trình độ của
một giáo sư trung học. Sinh viên trong giờ học của ông thường yên lặng. Nhờ ông
mà sinh viên thích tìm tòi học hỏi đọc sách và hiểu biết ngoài môn học căn bản,
từ giải phẫu tiểu nhi đến chỉnh trực, ông đi qua lãnh vực nhân chủng học nhờ
vậy chúng tôi có những hiểu biết căn bản về tiến hóa của loài người từ Homo
Erectus đến Homo Sapiens để sau này đọc thêm sách tiến hóa của Darwin.
Tôi
có lúc mê thầy, sau giờ học đôi khi đi xe Honda chở bạn chạy trên những con
đường cây dài bóng mát yên tĩnh Tú Xương, Yên Đổ, bắt gặp chiếc xe Pegeot 404
màu trắng của thầy đi trên đường Phan Đình Phùng, là chạy theo sau xe ông đến
tòa soạn Bách Khoa.
Thời
ấy tôi mê đọc sách, mê tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa và mê những bài khảo cứu
khô khan của ông trong Bách Khoa như “Tinh thần đại học”, “tư tưởng chính trị
Việt Nam”, “Hành trang và hành trình vào văn hóa”. Cái thời sinh viên của tôi
chỉ mê thầy, mê sách mà không mê ca sĩ!
Ở
bệnh viện, sinh viên sợ cái uy của ông nhưng ông cũng có cái điểm yếu là nếu
thương sinh viên nào thì ông ít “quay” còn sinh viên nào kém là bị ông mắng cho
nên sinh viên “sợ” trình “ca” bệnh cho ông thầy khi ông đi qua giường bệnh.
Tôi
còn nhớ một kỷ niệm ở bệnh viện Nhi Đồng, một anh bạn trên tôi một lớp trình
“ca” cho thầy, khi nghe xong ông trầm ngâm nhìn bạn tôi hỏi một câu: “anh bao
nhiêu tuổi?” anh bạn xanh mặt, ấp úng trả lời: “thưa thầy năm nay con 22 tuổi”.
Ông thầy phán một câu: “tôi nghĩ anh còn thì giờ để đổi nghề!”
Ông
thường hay nói với học trò: “các anh là sinh viên của tôi chứ không phải là học
trò của tôi, học trò của tôi phải là nội trú, phụ tá cho tôi như ngày xưa Tử
Cống Tử Lộ hầu Khổng Tử”.
Học
trò của ông như vậy không nhiều, nổi tiếng có bác sĩ Vũ Văn Nguyên sau qua học
Mayo Clinic ở Minesota, có bác sĩ Trần Xuân Ninh qua bệnh viện Nhi Đồng ở
Chicago, có bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền giáo sư tiểu nhi đại học McGill, Montreal
Gia Nã Đại và còn lại ở Việt Nam là bác sĩ Võ Thành Phụng và Nguyễn văn Quang.
Quan niệm thầy trò của ông quả là khó hơn của thẩy tôi giáo sư Đào Đức Hoành và
khó hơn cả Khổng Tử: “nhất tự vi sư bán tự vi sư” chỉ dạy nửa chữ cũng là thầy
hay “tam nhân đồng hành…” một trong ba người cùng đi có người là thầy ta.
Năm
thứ tư, tôi cũng bắt chước Tử Cống, Tử Lộ, đến phòng ngoại chẩn khu chỉnh trực
ở bệnh viện Bình Dân, lúc một giờ, giờ mọi người ngủ trưa, đến với Tuấn “gà
mái” trên tôi một lớp để xem ông khám bệnh và giảng dạy có khi cho bác sĩ Võ
Thành Phụng có khi cho bác sĩ Nguyễn văn Quang hai giảng nghiệm viên của ông.
Tôi đứng khoanh tay chầu riết rồi ông thầy cũng nhận được mặt quen vì tôi cũng
thích đọc sách y khoa Mỹ có thể trả lời những câu anh Phụng, anh Quang không
trả lời được như: mạch máu nhỏ nuôi máu lớn là gì, mạch máu nhỏ nuôi thần kinh
tên gì?
Năm
thứ năm y khoa, sau khi đậu kỳ thi tuyển vào nội trú các bệnh viện, tôi về khu
ung thư bệnh viện Bình Dân với giáo sư Đào Đức Hoành. Bệnh viện nằm gần nhà,
quen thuộc với tôi từ năm thứ nhất, cứ mỗi hai ba đêm sau khi ở trường về nhà,
ăn tối, đến nhà bạn, đi café rồi ghé vào bệnh viện đi theo anh nội trú Nguyễn
Chấn Hùng trên tôi năm lớp, trực suốt đêm, sáng lại vào lớp. Thời kỳ học nghề
mổ xẻ, đi từ những thủ thuật nhỏ, may vá vết thương, săn sóc vết thương chiến
tranh cho đến phụ mổ các trường hợp cấp cứu, mổ ruột dư v.v… với các anh nội
trú và các giảng viên như các anh Hồ Tấn Phước, Nghiêm Đạo Đại, Nguyển Đình
Tuyến…
Bệnh
viên Bình Dân có không khí gia đình với tình anh em chia xẻ cùng một đam mê y
học và lý tưởng. Bệnh viện nhỏ tôi quen từng góc cạnh. Từ ngoài cửa đi đến
phòng trực, qua khu giải phẫu tổng quát với văn phòng giáo sư Phạm Biểu Tâm bên
phải, bên ngoài là khu mắt của giáo sư Cát, đi thẳng qua phòng mổ cấp cứu đến
phòng hậu giải phẫu, bên trái là khu quang tuyến, phòng thí nghiệm, nhà thuốc,
đến khu tiết niệu, khu da liễu, khu hàm mặt, phía sau là khu tai mũi họng, khu
ung thư nằm ở dãy nhà mới, đi lên lầu là phòng mổ, lên lầu ba là phòng các nội
trú. Các phòng của các đàn anh Hùng, Phụng, Tuyền, Ân, Quang, tôi đã quen thuộc
trước khi vào nội trú. Trong bốn năm sinh viên đi theo các anh để tự học thêm,
cho đến ngày đậu nội trú tự nhiên bỗng trở thành “ông thầy” quan trọng mỗi lần
y tá, y công từ phòng săn sóc hậu giải phẫu hay phòng cấp cứu lên đập cửa mời
đi xem bệnh.
Thời
kỳ nội trú không biết ngày đêm, nhờ sự đam mê mà quên hết những cực khổ nhọc
nhằn của nghành y. Phòng mổ là nơi thi thố tài năng, là trung tâm điểm của các
y sĩ giải phẫu cho nên ngày xưa ở Anh phòng mổ được gọi là phòng diễn xuất
(theater room). Ở phòng mổ, giáo sư Trần Ngọc Ninh được tiếng là mổ đẹp và cẩn
thận, ông không làm mất máu, nơi vết mổ của ông bao giờ cũng sạch sẽ. Cách mổ
chứng tỏ được cá tính của con người.
Giáo
sư Phạm Biểu Tâm mổ ngay ngắn, cẩn thận, không dư nét giống như cách nói với
học trò của ông, kỷ luật, thẳng thắn.
Giáo
sư Ngô Gia Hy mổ nghiêm túc, cần người phụ mổ hợp với thầy như bác sĩ Đặng Phú
Ân.
Giáo
sư Đào Đức Hoành mổ ung thư, vết mổ bao giờ cũng rộng, cắt nhiều, mỗi lần thầy
mổ chúng tôi phải chuẩn bị toán phụ chờ đợi khi cần phải chạy lên phòng mổ.
Tôi
chưa thấy thầy Nguyễn Hữu mổ, ông đi Pháp trước khi chúng tôi lên năm thứ nhất,
nhưng mẹ vợ tôi “chị Vân lớn” là người phụ mổ chính cho thầy nói rằng thầy mổ
đẹp, nhanh, cẩn thận, sau này học trò của thầy là bác sĩ Nghiêm Đạo Đại cũng mổ
đẹp như thầy Nguyễn Hữu (bác sĩ Đại sau làm giáo sư giải phẫu ghép cơ quan ở
Đại Học Pittsburg Hoa Kỳ có phẩu thuật ghép tụy tạng nổi tiếng). Bác sĩ giải
phẫu cần phải có người phụ mổ giỏi nên các thầy cần các nội trú giỏi. Hai người
hợp nhau như đi cùng một vũ điệu trong im lặng, bình tĩnh, người phụ mổ phải
thuộc từng “bước”, trước khi mổ đọc lại sách cơ thể học, đọc lại phương pháp
giải phẫu, tác động nhịp nhàng không cần phải nhắc, bàn tay mặt giơ ra là đã có
kềm, kéo, kim may sẵn, “cắt, buộc, hút máu, chấm máu, banh vết mổ” các động tác
làm kịp thời trong yên lặng dưới ánh đèn của phòng mổ.
Sau
ngày “mưa sa trên nền cờ đỏ” 30 tháng 4, 1975, tôi gần các thầy hơn. Các bác sĩ
giảng nghiệm viên bị đi học tập cải tạo, ở bệnh viện còn lại trên là các thầy
dưới là các nội trú.
Cảnh
đời thay đổi, xã hội chủ nghĩa làm cách mạng muốn đưa con người về trước thời
kỳ con người biết đứng thẳng (Homo Erectus), trong hoàn cảnh ấy tôi vẫn khâm
phục thầy Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh, hai ông vẫn giữ tư cách của người
trí thức. Ở bệnh viện, lao công làm chủ, vợ chồng anh Được quản lý còn các bác
sĩ đi lau nhà. Giáo sư Phạm Biểu Tâm bưng xô nước lau nhà té bầm cả cánh tay
mặt. Ông tâm sự: “trong đời tôi có hai lần đổi đời, năm 54 và năm 75, hồi 54
tôi còn trẻ còn năm 75 tôi đã già rồi!”
Giáo
sư Ninh vẫn giữ nét mặt kiêu ngạo, ngày 1 tháng 5 vào trường bàn giao cho ban
quân quản mới, ông ngẩng mặt nhìn biểu ngữ “không gì quí hơn độc lập tự do”,
tránh đi qua bên đường vào văn phòng hành chính thay vì phải đi qua biểu ngữ.
Các ông thầy mỗi ngày đi xe đạp đến bệnh viện, phải ngồi nghe y sĩ Năm Lực từ
trong rừng dạy cách mổ cho đến ngày giáo sư Tôn Thất Tùng vào Nam thăm bệnh
viện.
Tháng
8 năm 1977, giáo sư Trần Ngọc Ninh vượt biên, chuyến đi như cuộc du ngoạn có
chuẩn bị, vài ngày đến đảo Pulau Besar Mã Lai.
Tháng
10 cùng năm, tôi “rượt” theo ông, đến đảo Pulau Besar sau 42 ngày lênh đênh,
đến đảo thì ông đã đi Mỹ. Cái lều tôi ở tạm là lều cũ của thầy. Qua Mỹ, tháng 2
năm 1979, tôi nhận được thơ ông viết giới thiệu để đi thực tập các bệnh viện
khi ông đang làm ở bệnh viện Đại học Pittsburg. Các sinh viên nói với nhau,
thầy thay đổi khi qua Mỹ không còn khó tính như xưa nhưng với kinh nghiệm riêng
của tôi, thầy có bộ mặt nghiêm khắc nhưng thương học trò.
Sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975 có lần trong buổi giao ban buổi sáng ở bệnh viện Bình
Dân, bác sĩ Văn Tần và Năm Lực đưa “ca” tôi mổ đêm hôm trước khi tôi là xếp “
tua gác”. “Ca” áp xe ruột dư, tôi mổ không biến chứng nhưng vết mổ Mc Burney
thay vì vết mổ ngay giữa bụng. Tôi không có mặt trong buổi giao ban (gác đêm
xong sáng sớm tôi liền đi uống café, bất cần đời!) giáo sư Ninh nói: “phải là
người cầm dao mới quyết định cách mổ, chúng ta không thể chỉ trích nếu chúng ta
không có mặt lúc ấy”.
Ông
là ân nhân của các bác sĩ tốt nghiệp từ sau 1976, nhờ ông can thiệp với hội AMA
mà họ được công nhận để được thi lấy bằng tương đương hành nghề ở Hoa Kỳ.
Một
lần khác vào năm 1974, ngày hội thảo giáo dục y khoa do phái bộ AMA tổ chức
cùng với ban đại diện sinh viên với Trần Thế Kiệt làm chủ tịch, các sinh viên
trẻ chỉ trích tinh thần thiếu dân chủ của giáo sư Ninh và thầy không dạy đúng
kiểu Mỹ. Trần Thế Kiệt: “các thầy phải nhận phê phán, trong lịch sử nhân loại,
có hai người là đã có phê bình”. Giáo sư Ninh đã đỏ mặt lớn tiếng nhưng sau đó
ở hành lang trường trước mặt tôi và các sinh viên năm thứ tư chỉ trích thầy,
ông đã ôn tồn đứng thảo luận một cách rất dân chủ.
Hè
năm 1995 tôi có dịp về thăm bệnh viện Bình Dân. Buổi tối về nhà bác sĩ Nguyễn
Chấn Hùng, anh nói với tôi “em vào Bình Dân mà các nhân viên gọi điện thoại qua
các nhà thương khác nói giáo sư Trần Ngọc Ninh về thăm!” Tôi cũng không hiểu
tại sao có sự lầm lẩn buồn cười giữa tôi và thầy!
Mùa
hè năm 2008, tôi có dịp đến thăm thầy và tặng ông tập sách “Từ bàn viết Houston”
của tôi. Hai thầy trò nói chuyện với nhau hơn hai giờ mà thầy vẫn lưu luyến giữ
lại.
Ông
tặng lại tôi hai cuốn sách của ông, cuốn “Cơ cấu Việt Ngữ” đồ sộ, công phu
nhưng “chỉ bán được có ba cuốn” và tập “Tuyết Xưa” một quyển sách giá trị về
văn hóa tựa đề đến từ câu thơ của Francois Villon “Mais òu sont les neiges
d’antan?”(Tuyết năm xưa bây giờ ở nơi nào?).
Câu
thơ được nhắc đi nhắc lại dưới bốn đoạn thơ. Giòng thời gian qua mau, tôi nhìn
mái tóc thầy đã trắng như tuyết, đến thăm thầy có nhà báo Đỗ Qúi Toàn và vợ
tôi, Quỳnh Giao, cho nên tôi không có dịp tranh cãi với thầy: “qua bao mùa
tuyết xưa, bây giờ thầy có xem con là học trò hay chỉ là sinh viên của thầy?”
No comments:
Post a Comment