LỊCH
SỬ VIỆT NAM THẾ KỶ XX TỪ GÓC NHÌN QUỐC TẾ HÓA - BÀI 1
Cao Tự Thanh
16/01/2013 -
05:05
Tiếp sau Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên (xuất
bản năm 2011, tái bản 2012), tháng 12-2012, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã
ra mắt Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ.
Trong lời giới thiệu đệ thất kỷ, anh đã đưa ra vấn đề
mới là từ thời Pháp thuộc trở đi, lịch sử Việt Nam bị tác động bởi
tiến trình quốc tế hóa và hiện đại hóa, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc
trao đổi với anh về
vấn đề này.
vấn đề này.
. Anh
nghĩ gì về việc đã kết thúc việc phiên dịch Đại Nam Thực lục?
+ Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Tôi chỉ nghĩ dịch hai bộ sử
đó là việc phải làm, mình làm được thì cứ làm hết sức, còn kết thúc hay không
thì có hề gì, chuyện chung thiên hạ ai mà độc quyền được. Với lại kết thúc một
cái gì đó thì phải mở ra một cái gì đó, nếu không mở ra được thì cái kết thúc
ấy có giá trị gì đâu.
Tư liệu lịch sử đang bị thả nổi
. Anh
không lạc quan về việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, lịch sử triều Nguyễn hiện
nay à?
+ Vài ngàn trang tư liệu trong hai bộ sử chữ Hán tôi dịch có thể
cũng quan trọng nhưng còn hàng triệu trang tư liệu chữ Hán, chữ Pháp và cả chữ
quốc ngữ khác chắc chắn cũng quan trọng nhưng thử hỏi có bao nhiêu người làm sử
lâu nay nhìn tới. Mà tư liệu chỉ là một phần của sử học. Ví dụ nhiều năm nay lịch sử Việt
Nam thế kỷ XX bị đồng nhất với sử Đảng, không khắc phục được sai lầm sử học này
thì còn lâu chúng ta mới có được một bộ quốc sử đúng nghĩa, ít nhất là về thế
kỷ XX.
. Có
vẻ như anh gặp nhiều khó khăn trong việc tập hợp tư liệu tham khảo?
+ Có đấy! Tôi biết bản in 26 tờ mộc bản của bộ Đệ thất kỷ
có bản dập ở TP.HCM, cũng đã chép lại phần Phàm lệ trong đó từ hơn 10
năm trước nhưng gọi điện thoại xin qua xem lại thì người lãnh đạo cơ quan lưu
trữ ở TP nói không có, cứ lên Đà Lạt đọc. Sau đó có một người bạn ở Viện Hán
Nôm vào TP công tác, tôi nhờ hỏi giúp thì nhân viên ở đó nói có lệnh của cấp
trên không cho đọc bản dập mộc bản. Cô ấy ra Hà Nội xin đủ giấy tờ liên hệ thì
người lãnh đạo lưu trữ ở Đà Lạt nói cô ấy nghiên cứu Đông y chứ không phải
nghiên cứu lịch sử, không cho sao chụp. Mớ mộc bản ấy đều thuộc loại tư liệu
lịch sử được tham khảo, mà người đọc cũng chỉ cần xem bản dập nhưng cô ấy là
người nhà nước, có đủ giấy tờ còn không được đụng tới thì kẻ thảo dân như tôi
biết tìm ai chứng nhận mình nghiên cứu cái gì để được đọc cái gì, cho dù có lên
Đà Lạt mà họ không cho đọc thì cũng hết chuyện. Họ không cho đọc tôi cũng chẳng
mất gì, có điều nếu trong 26 tờ mộc bản, tức bản in chính thức ấy có chỗ nào
khác với bản Đệ thất kỷ chép tay của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp thì
người đọc không thể trách tôi, thế thôi!
Còn nói thêm thì hệ thống lưu trữ-thư viện ở nước ta rất kém.
Thư ký của tôi đọc tư liệu về cho biết có những bộ báo trước 1945 ở Thư viện
Quốc gia Hà Nội nhiều năm không ai đụng tới, để đứng trên giá lâu ngày cong
quằn thành hình chữ S, mượn ra đọc nhân viên thư viện mới biết là báo nát, sau
đó không phục vụ nữa. Họ không đưa ra phục vụ để giữ gìn tài liệu là phải nhưng
thế thì giữ những tài liệu ấy làm cái gì, thư viện đâu phải là bảo tàng? Cũng
có một số cũ nát được lưu trữ và phục vụ bằng vi phim kiểu những năm 50 của thế
kỷ trước nhưng sử dụng và bảo quản đều rất bất tiện. Phải có kế hoạch và kinh
phí, kỹ thuật này nọ để số hóa các tài liệu ấy chứ. Tôi hy vọng những người có
trách nhiệm quan tâm tới những chuyện loại này để hệ thống lưu trữ-thư viện của
quốc gia làm tròn chức trách của mình với xã hội.
Quốc tế hóa tự nguyện để chống Pháp!
.
Trong phần giới thiệu Đệ
thất kỷ, anh có nói lịch sử Việt Nam từ thời Pháp thuộc trở đi bị chi phối
bởi hai tiến trình quốc tế hóa và hiện đại hóa, trong đó tiến trình quốc tế hóa
đi trước và chia thành hai dòng quốc tế hóa cưỡng bức và quốc tế hóa tự nguyện.
Xin anh giải thích rõ hơn về hai tiến trình này?
+ Trong lịch sử, sự tiếp xúc và giao lưu giữa các dân tộc và
quốc gia luôn luôn diễn ra nhưng chủ yếu trong phạm vi nhỏ, không toàn diện và
nhiều khi mang tính chất ngẫu nhiên. Nếu không có kinh tế hàng hóa tư bản chủ
nghĩa thì không thể có phong trào quốc tế hóa như một quy luật phát triển của
lịch sử thế giới từ thế kỷ XIX trở đi. Hiện nay người ta gọi đó là toàn cầu
hóa, vì tính chất cưỡng bức đã giảm đi rất nhiều và quan trọng hơn là mang tính
đa phương, đa chiều chứ không phải chủ yếu là một chiều như trước Chiến tranh
thế giới thứ hai.
Tôi có viết trong lời giới thiệu Đệ thất kỷ rằng: “Khác
với hiện đại hóa, cơ bản là sự thay đổi các tổ chức, thiết chế, quan hệ trong
cấu trúc kinh tế-xã hội theo hướng hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu và xu
thế trước hết của các hoạt động sản xuất cả vật chất lẫn tinh thần trong quốc
gia, quốc tế hóa chủ yếu là sự tiếp thu các mô hình, chuẩn mực, giá trị nước
ngoài trên phạm vi rộng và với quy mô lớn để thích ứng trước hết với sự giao
dịch thế giới. Tiến trình quốc tế hóa do đó dễ phát triển theo đường hướng ly
khai truyền thống, ít nhiều tách rời với những điều kiện có thật và tạo ra
những mâu thuẫn trong tiến trình văn hóa-xã hội của đất nước”.
Dĩ nhiên đó chưa chắc là một cách hiểu thật chính xác, vì đây là
một vấn đề lịch sử và sử học rất lớn, phải có nhiều người cùng quan tâm và tìm
hiểu mới làm rõ được. Nhưng tôi giới thiệu Đệ thất kỷ, chủ yếu chỉ nói
đến thời điểm 1925 thì xác định nội hàm của khái niệm như vậy là tạm đủ để làm
việc rồi. Còn quốc tế hóa tự nguyện là tôi muốn nói tới việc nhiều tổ chức và
lực lượng yêu nước trước 1945 tiếp nhận các kinh nghiệm, chuẩn mực, giá trị
nước ngoài để chống Pháp, ví dụ Phan Bội Châu và nhiều chí sĩ Đông Du từng qua
Nhật học tập với ý định tiến tới cầu viện Nhật Bản. Cái chính thống góp phần
quy định cái phi chính thống, đã có quốc tế hóa cưỡng bức của Pháp thì sẽ có
quốc tế hóa tự nguyện để chống Pháp, đó là một logic của lịch sử Việt Nam thế
kỷ XX.
Dễ nhầm lẫn giữa quốc tế hóa và hiện đại hóa
. Như
vậy hiện đại hóa và quốc tế hóa có quan hệ với nhau như thế nào,
thưa anh?
+ Có hai điểm phải nói thêm. Thứ nhất là trên bề mặt thì quốc tế
hóa và hiện đại hóa có rất nhiều nét giống nhau nên nhiều khi người ta tưởng là
mình hiện đại hóa nhưng thật ra là đang quốc tế hóa. Giáo dục Việt Nam nhiều
năm nay là một ví dụ, nhiều trường ĐH theo chương trình tiêu chuẩn quốc tế này
nọ mà có đáp ứng được nhu cầu của đất nước đâu. Cho nên phải nhìn vào bản chất
và chức năng, tôi có nói qua ở đoạn trích trên kia rồi.
Thứ hai là quốc tế hóa và hiện đại hóa cơ bản không mâu thuẫn
với nhau nhưng ở Việt Nam thế kỷ XX thì ách đô hộ của ngoại nhân đến năm 1945,
rồi chiến tranh liên miên từ năm 1945 đến 1975 đã tạo ra giữa hai tiến trình
này một sự lệch pha. Sự lệch pha ấy dẫn tới nhiều mâu thuẫn về nhận thức xã
hội, ảnh hưởng bất lợi tới sự phát triển đất nước. Ví dụ sau giải phóng thì
nhiều yếu tố văn hóa thị dân trong vùng tạm chiếm ở miền Nam trước đó bị đồng
nhất với văn hóa thực dân mới, từ đó phát sinh các hành vi rọc quần loe,
cắt tóc dài, cấm truyện võ hiệp; chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc đúng
đắn thời bấy giờ lẽ ra đã đạt được hiệu quả xã hội cao hơn rất nhiều nếu không
có sự lạc hậu như thế về nhận thức.
*
*
Bộ Đệ thất kỷ này anh làm trong bao lâu?
+ Nó ngắn hơn bộ Đệ lục kỷ Phụ biên
nhưng tôi phải làm mất tám tháng. Vì nhiều chuyện mà nó ghi chép cũng được
nhiều sách báo tài liệu đương thời ghi chép, không đối chiếu với những tài liệu
ấy thì không thể hiểu rõ và dịch đúng được. Ngay từ cuối năm 2011 đầu 2012, thư
ký của tôi đã phải ra Hà Nội hai lần trong hai tháng để tìm đọc và sao chép tư
liệu trong một số báo chí, sách vở thời gian 1916-1925, đây là chưa kể tới công
sức và thời gian của những người đã giúp đỡ tôi. Ví dụ phía Trường Viễn Đông
Bác cổ Pháp (ở Paris) mà không vui lòng chụp giúp cho nguyên bản thì tôi lấy
gì mà dịch. Họ hỗ trợ người khác với tinh thần khoa học chứ có phải với cung
cách thư lại như ở xứ ta đâu!
CTT
ANH
KIỆT
thực hiện
*
*
LỊCH SỬ VIỆT NAM THẾ KỶ XX TỪ GÓC
NHÌN QUỐC TẾ HÓA - BÀI 2
Cao Tự
Thanh
17/01/2013 - 05:40
Trong
bài trước, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã giới thiệu khái quát về tác
động của xu hướng quốc tế hóa trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
Trong
bài này, cũng trên góc nhìn quốc tế hóa, anh nhận xét về quyển sách
Bên thắng cuộc đang ít nhiều gây chú ý trong dư luận.
. Có thể vận dụng
cách nhìn quốc tế hóa để phân tích lịch sử Việt Nam trước và sau 1975 không?
+
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Tiến trình hiện đại hóa ở Việt Nam trước
1945 chỉ đạt được kết quả phiến diện và nửa vời, vì nó được hướng tới phục vụ
cho lợi ích của ngoại nhân chứ không phải cho nhân dân Việt Nam.
Kinh
tế-xã hội Việt Nam năm 1945 còn rất lạc hậu, tiến hành chiến tranh chống Pháp
xong đã chết dở nên qua thời kỳ 1954-1975, lực lượng ở hai miền đều phải dựa
vào nước ngoài. Nhiều tài liệu gọi đó là “cuộc chiến tranh hai phe”, tức tính
chất quốc tế hóa của lịch sử Việt Nam thời gian 1954-1975 đã được xác nhận rõ
ràng.
Về
nội dung thì cuộc chiến tranh chống Mỹ là nhằm giành độc lập dân tộc và thống
nhất đất nước nhưng đồng thời nó còn là một cuộc đấu tranh giữa hai đường hướng
và cách thức quốc tế hóa khác nhau.
Sau
1975, tiến trình quốc tế hóa về chính trị ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển
mặc dù là quốc tế hóa tự nguyện trong khi vấn đề hiện đại hóa về các mặt kinh
tế, văn hóa và xã hội tức nền tảng vật chất, cơ sở xã hội của chính trị không
được quan tâm đúng mức.
Từ
thời đổi mới đến nay, kinh tế có sự phát triển nhảy vọt nhưng cũng tiềm ẩn
nhiều nguy cơ, nhiều người nhắc nhở chuyện phát triển bền vững thật ra là nói
tới việc hiện đại hóa, tức phát triển trên cơ sở tái sản xuất mở rộng sức mạnh
của chính đất nước. Nhưng từ thời đổi mới, trong nhiều lĩnh vực văn hóa và xã
hội, tốc độ quốc tế hóa lại nhanh hơn tốc độ hiện đại hóa. Nhiều giá trị, chuẩn
mực nước ngoài dần dần chiếm ưu thế trong khi mặt bằng dân sinh và dân trí chưa
phát triển đủ mức cần thiết để tiếp nhận và sử dụng chúng một cách chủ động và
có hiểu biết. Tôi cho rằng
nếu chúng ta không điều chỉnh được sự lệch pha này thì đó sẽ là một đại họa của
dân tộc Việt Nam.
. Mới đây, cuốn Bên thắng cuộc gây ra nhiều ý kiến đánh giá trái
chiều. Với cách nhìn nói trên thì anh đánh giá thế nào về quyển sách này?
+
Về tư liệu thì quyển sách ấy nêu ra nhiều chuyện tôi không biết. Nhưng chỉ tư
liệu thì không thể làm nên diện mạo của lịch sử. Để phản ánh chính xác, chân
thực lịch sử còn phải có tri thức, phương pháp và bản lĩnh của người ghi chép.
Cùng
một số tư liệu như nhau nhưng trình bày khác nhau sẽ dẫn tới hiệu ứng thông tin
khác nhau. Ví dụ một ông lãnh đạo cơ quan nhận xét cán bộ rằng: “Anh A năng
lực chuyên môn cao nhưng vô kỷ luật” thì y kẹt rồi nhưng nếu ông ta nói: “Anh
A vô kỷ luật nhưng năng lực chuyên môn cao” thì y sẽ dễ sống hơn. Hay tôi
có một đứa cháu con người bạn, lớn rồi mà ham học nên không lo chuyện vợ con,
cứ xin cha mẹ cho đi du học hết Úc lại tới Trung Quốc. Có lần tết y về, tôi tới
chơi gặp y bèn vu cáo: “Sao mày không lo lấy vợ mà cứ ham ra nước ngoài chơi
bời thế hả? Chú xem Niên giám thống kê của Trung Quốc thấy từ năm mày qua học
bên đó thì tình trạng nạo phá thai ở các trường đại học tăng vọt, mày vừa phải
thôi chứ”, ba má y cứ bò ra cười. Tóm lại những sự kiện có thật là một
chuyện, cách sắp xếp những sự kiện ấy để đưa người đọc, người nghe tới kết luận
mình muốn là chuyện khác. Nhưng logic của sử học phải ăn khớp với logic của
lịch sử, nếu ăn khớp rồi thì nó sẽ trở thành một sức mạnh độc lập chặn người
làm sử lại trước những ngã rẽ chủ quan, những ngõ cụt thiên kiến để đi tới và
nếu cần thiết thì điều chỉnh mục tiêu học thuật của mình. Không có được cái
công cụ phương pháp luận ấy thì tác phẩm sử học đồ sộ công phu cỡ nào cũng có
yếu tố ngụy thư. Tương tự, nếu đánh giá tác phẩm sử học từ góc độ
quyền lợi và tâm lý của mình hay nhóm mình bất kể sự thật và logic lịch sử thì
khen hay chê cũng đều có thể sai lầm, có nhân danh cái gì vĩ đại cao cả cũng
vẫn thế thôi.
Quyển
sách ấy phủ nhận nhiều chuyện trước kia được coi là đúng đắn hay tất yếu,
chuyện đó thì bình thường. Có điều phủ nhận cái gì là một chuyện, phủ
nhận để làm gì là chuyện khác. Nói ra những cái sai của Đảng Cộng sản,
của chính quyền Việt Nam sau 1975 thì dễ thôi, ngay Đảng Cộng sản và chính
quyền Việt Nam cũng từng nói tới nhiều cái trong nhiều lần rồi. Điều quan trọng
là nêu ra được nhận thức thế nào mới là đúng, hành động thế nào để khắc phục
tối đa hậu quả của những cái sai ấy mới là hay, sử học có là sử học, có là kho
lưu trữ những kinh nghiệm quá khứ, có là chất gắn kết quá khứ với hiện tại và
tương lai hay không là ở chỗ ấy chứ đã rắp tâm ca tụng, tung hô hay công kích,
phủ nhận thì cần gì phải có học thuật.
Tôi mới đọc phần đầu quyển sách ấy nên
không thể có ý kiến chính xác. Nhưng về tư duy sử học thì phần đầu quyển sách ấy có
vẻ không khác với nhiều cái tôi đã đọc, chưa thấy tác giả xác lập được cái
logic sử học phù hợp cần có để thực hiện đề tài rất khó và rất lớn này.
. Trong bối cảnh
phức tạp như hiện nay, chúng ta nên có thái độ, cách nhìn, lý giải lịch sử như
thế nào cho phù hợp với sự phát triển và giảm thiểu tổn thương cho dân tộc đã
bị quá nhiều thương tổn?
+
Nhiều người làm sử và đọc sử không quan tâm tới cái logic của lịch sử Việt Nam
nói chung và thế kỷ XX nói riêng, nên trước nay có nhiều ngụy thư mà cũng có nhiều
lời khen chê kiểu đạo đức luận, chán lắm.
Từ
1930 đến nay, Đảng Cộng sản là một lực lượng góp phần làm ra lịch sử Việt Nam
nhưng chính lực lượng ấy cũng là một sản phẩm cụ thể của lịch sử Việt Nam, ngay
từ lúc mới hình thành cũng mang nhiều yếu tố thuộc địa nửa phong kiến, phần
đông đảng viên yêu nước là chính chứ có được bao nhiêu người thật sự hiểu chủ
nghĩa Marx. Vì họ không có điều kiện tự khắc phục hạn chế của chính mình trong
mấy mươi năm chiến tranh nên sau 1975, những khiếm khuyết trí mạng ấy mới bộc
lộ toàn diện, tiếp tục bao cấp đã sai mà mở cửa đổi mới cũng có nhiều cái chưa
đúng.
Cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đương chức từng phát biểu công khai trên báo chí, đại
ý là càng giữ chức vụ cao hơn ông càng thấy ít tự do hơn. Đủ thấy một cá nhân
luôn bị giới hạn bởi tổ chức trong đó họ hoạt động, còn một tổ chức luôn bị
giới hạn bởi hoàn cảnh lịch sử trong đó nó tồn tại. Không nên đánh giá thấp vai
trò cá nhân nhưng phải giải thích lịch sử bằng chính lịch sử chứ không thể quy
kết vào ý chí hay đạo đức của một số cá nhân được. Cái mà nhiều người gọi là
phải công bằng với lịch sử chính là như thế.
. Xin cảm ơn anh.
*
*
“Khác
với hiện đại hóa, cơ bản là sự thay đổi các tổ chức, thiết chế, quan hệ trong
cấu trúc kinh tế-xã hội theo hướng hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu và xu
thế trước hết của các hoạt động sản xuất cả vật chất lẫn tinh thần trong quốc
gia, quốc tế hóa, chủ yếu là sự tiếp thu các mô hình, chuẩn mực, giá trị nước
ngoài trên phạm vi rộng và với quy mô lớn để thích ứng trước hết với sự giao
dịch thế giới.
Tiến
trình quốc tế hóa do đó dễ phát triển theo đường hướng ly khai truyền thống, ít
nhiều tách rời với những điều kiện có thật và tạo ra những mâu thuẫn trong tiến
trình văn hóa-xã hội của đất nước.”
Trích lời giới
thiệu Đại Nam Thực lục
Chính biên Đệ thất kỷ
ANH
KIỆT
thực hiện
--------------------------------
Dịch giả Cao Tự Thanh (tên
thật là Cao Văn Dũng) sinh năm 1955, tốt nghiệp ngành Hán Nôm khoa Ngữ văn
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977. Hiện ông đang dịch hai bộ Đại Nam Thực lục cuối cùng của triều Nguyễn, tức
Thực lục chính biên đệ
lục kỷ phụ biên viết
về hai đời Thành Thái - Duy Tân và Thực lục chính biên đệ thất kỷ viết về đời Khải Định. Văn bản gốc
của hai bộ này ở Pháp, ông phải nhờ chụp lại gởi về để dịch, vì ở Việt Nam mới
dịch tới bộ Thực
lục chính biên đệ lục kỷ viết
về đời Đồng Khánh.
Bìa sách Đại
Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ.
http://phapluattp.vcmedia.vn/zmFXaMf02iyYngijCf8krGuUCNG8J4/Image/2013/Thang-1/16-1/8-chot-5c7cc.jpg
XEM THÊM (cùng nội dung) :
Thứ
năm, ngày 17 tháng một năm 2013
Hôm nay, dư luận và cộng động mạng xã hội có nhiều ý kiến
về bài viết của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đăng trên báo Pháp luật TP.HCM,
nhất là những đoạn liên quan đến cuốn sách mới Bên thắng cuộc của nhà
báo Huy Đức.
Bạn bè đã lâu với ông Thanh, tôi có
thể khẳng định mà không sợ sai rằng ông là một nhà nghiên cứu nghiêm túc, cẩn
trọng; những phát ngôn hoặc bài viết của ông thường thể hiện sự suy nghĩ chín
chắn, đầy đủ, vừa bao quát vừa có chiều sâu, và đặc biệt khách quan, bày tỏ
thái độ cũng như cách đánh giá rõ ràng. Tuy nhiên, trong bài đăng báo Pháp
luật nói trên, tôi thấy không toát lên điều ấy.
Cũng vừa may, chiều tối, ông Cao Tự Thanh gọi cho tôi bảo rằng ông đang rất phiền lòng vì bài gốc đã bị cắt xén, lược bớt, thay đổi cho phù hợp với ý đồ của người biên tập và tờ báo. Tôi đề nghị ông cho tôi bài gốc đã được ông chấp nhận trước khi đăng báo, và ông đã chuyển cho tôi, vậy xin đưa lên đây để mọi người cùng rõ quan điểm đầy đủ của một nhà nghiên cứu cẩn trọng.
17.1.2013
Nguyễn Thông
Xem tiếp :
No comments:
Post a Comment