Du Tử Lê
Wednesday,
January 23, 2013 3:41:22 P
Một
người cầm bút thận trọng với chữ nghĩa của mình là điều bình thường. Nhưng, một
người cầm bút có được sự trân trọng với tác phẩm của kẻ khác, mỗi khi được
những tác giả đó nhờ giới thiệu tiểu sử hoặc, nói về tác phẩm của họ, theo tôi,
có dễ không ai cẩn trọng bằng Phạm Xuân Ðài.
Nhà văn Phạm Xuân
Ðài. (Hình Uyên Nguyên/Người Việt)
|
Tôi
muốn nói, họ Phạm không chỉ đọc từ trang đầu đến chữ cuối những tác phẩm ông
nhận giới thiệu! Với tôi, dường như ông còn cất công tìm kiếm trong tác phẩm
những điều tốt đẹp mà, chính những tác giả kia cũng không thấy...
Nói về sự thận trọng với chữ nghĩa của mình, ở trường
hợp Phạm Xuân Ðài, tôi không thể không đề cặp tới bút ký, đậm đặc tính nghị
luận “Hà Nội Trong Mắt Tôi” của ông. (1)
Trong “Lời nhà xuất bản” trước khi vào tác phẩm, khởi
đầu như sau:
“Cuối năm 1989, báo
Người Việt xuất bản ở Quận Cam, California nhận được một bài viết mang tựa đề
'Hà Nội Trong Mắt Tôi' từ Việt Nam gửi sang, tác giả là Phạm Xuân Ðài. Ðó là
lần đầu tiên tên Phạm Xuân Ðài và bài viết của ông xuất hiện trên báo chí hải
ngoại.”
“Từ đó về sau, thỉnh
thoảng bài viết của ông đến với độc giả nước ngoài, như các bài ‘Chùa Là Cái
Thiện Của Làng’ (Báo Thế Kỷ 21), ‘Chuyện Trong Quán Cà Phê’ (Người Việt, Xuân),
‘Kẻ Cuồng Sĩ Trong Vườn Cây’ (Phật Giáo Việt Nam, Los Angeles)... mà một số báo
ở các nơi đã đăng lại hoặc trích đăng nhiều lần. Riêng bài ‘Chùa Là Cái Thiện
Của Làng’ đã được nhà xuất bản Trăm Hoa, năm 1992, tuyển in trong cuốn Những
Vấn Ðề Việt Nam cùng với nhiều tác giả khác trong và ngoài nước...”
Tôi
không biết vô tình (liệt kê theo thời gian), hay cố ý mà, những bài ký sự nghị
luận của Phạm Xuân Ðài được nhà xuất bản Thế Kỷ nhắc tới, lại là những bài viết
đáng chú ý nhất trong tập “Hà Nội Trong Mắt Tôi” của tác giả này.
Như đã nói, bên cạnh tính thận trọng với chữ nghĩa, họ
Phạm còn cho thấy ông có óc quan sát tỉ mỉ, so sánh sắc bén làm nổi bật nhiều
hình ảnh tương phản về những nơi chốn ông đã đi qua - Về, những sự kiện được
ông chú ý, ghi nhận.
Ngay trong bút ký đầu tiên của tác phẩm, bút ký chính
được chọn làm nhan đề chung: “Hà Nội Trong Mắt Tôi,” họ Phạm viết: (2)
“...Hà Nội là một
thành phố đẹp. So với những thành phố khác mà người Pháp đã xây dựng trên nước
ta như Sài Gòn, Ðà Nẵng, Ðà Lạt thì Hà Nội được xây dựng với một chủ đề văn hóa
rõ rệt và công phu nhất. Họ xây dựng công thự, khu hành chánh, những 'khu phố
Tây', nhưng đồng thời cũng trân trọng giữ lại phần Hà Nội cổ với khu buôn bán,
khu cổ thành và các di tích...” (Sđd. Tr. 21).
Ghi nhận của tác giả về Hà Nội, là những điều mà, những
người sinh trưởng tại Hà Nội, có thể cũng không nhìn ra.
Ở
một đoạn khác, ông viết:
“Tại Hà Nội công
trình có tính cách quốc gia duy nhất xây dựng từ các triều đại trước còn lại
nguyên vẹn cho đến ngày nay có lẽ là Văn Miếu. Các đền đài lăng tẩm ở Huế mặc
dù hoàn chỉnh hơn, rực rỡ hơn vẫn không cho ta một cảm giác sâu thẳm về thời
gian, niềm hãnh diện về văn hiến và tình cảm về tổ tiên mạnh mẽ như Văn Miếu.
Di tích Huế chỉ mới như một kẻ vào độ tráng nhiên, trong khi Văn Miếu là một cụ
già thông thái và hiền từ râu tóc bạc phơ đang mỉm cười với con cháu. Bước vào
cổng tam quan đi dưới bóng cây cổ thụ um tùm, qua một lớp thành nữa, rồi đến
hồ, bia đá và rùa đá sắp hàng, rồi một lần cổng, rồi sân đá rộng thênh thang,
rồi đền thờ, cứ vào, vào mãi như cái đi vào hun hút của lịch sử, như lần đến vùng
thông tuệ của tiền nhân. Nói dân tộc Việt Nam là một dân tộc có văn hiến là một
điều rất trừu tượng, nhưng đi vào Văn Miếu thì tức là đắm mình vào và hít thở
chính cái văn hiến ấy...” (Sđd. Tr. 24 & 25).
Chỉ
với hai trích đoạn ngắn kể trên, người đọc đã có thể cảm nhận bản chất nhậy
cảm, khao khát lội ngược thời gian, để gặp được hồn tính tiền nhân, hồn tính
dân tộc... Những yếu tố căn bản làm thành truyền thống nghìn năm một đất nước
của tác giả.
Cũng thế, ở bài viết “Chùa Là Cái Thiện Của Làng,” (cụm
từ họ Phạm rút ra và, khai triển từ một đoạn văn của nhà văn Nguyễn Khải trong
truyện ngắn Người Ở Làng Pháo,) (2) Phạm Xuân Ðài viết:
“Cái làng pháo mà
tác giả tả là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam sau mấy mươi năm trong chế
độ cộng sản: cái gốc bị phai mờ, tình cảm tốt đẹp nhân hậu giữa người với người
không còn, kinh tế kiệt quệ, người chửi rủa nhau, hãm hại nhau, chia bè, chia
cánh, cường hào (tức cán bộ lãnh đạo đảng và chính quyền địa phương nổi lên thi
nhau bách hại dân chúng...)” (Sđd. Tr. 177 &178).
Chi
tiết hơn, ở một đoạn khác, họ Phạm nhấn mạnh:
“Tôn giáo có cái
công dụng thực dụng mà nó đem lại cho xã hội: vì sợ hãi sự trừng phạt ở thế
giới bên kia mà người dân hiền lành hơn, không làm việc ác. Nhưng sức mạnh
chính của tôn giáo không phải là răn đe, dù là một cách êm dịu. Sức mạnh đó là
‘cảm hứng về thể nghiệm điều thiện nhờ việc hành đạo.’ Các lý thuyết chính trị,
xã hội, triết học (kể cả môn đạo đức học) dù có khao khát cũng không làm điều
đó được - tức làm tự thân con người vươn cao một cách tự giác - vì chỉ đụng đến
vùng lý trí chứ không phải vùng tâm linh của con người. Lý trí chỉ biếu cho con
người sự hợp lý để phục vụ đời sống, trong khi thể nghiệm tâm linh giúp cho con
người bay bổng, như sự khác nhau giữa một bài luận chứng kinh tế và một bài
thơ. Tôn giáo là cái cửa mở lên trời của ngôi nhà nhân loại. Nhờ cái cửa ấy,
ánh sáng nội tại trong con người được khêu lên làm rực rỡ ngôi nhà của mình...” (Sđd. Tr. 179 &
180)
Tôi
tin, bất cứ ai một khi đã đọc “Hà Nội Trong Mắt Tôi” của Phạm Xuân Ðài, cũng sẽ
nhận ra tấm lòng rất mực tha thiết tìm về nguồn gốc, bản chất dân tộc. Và từ
đó, những trang văn của họ Phạm sẽ dẫn chúng ta tới chỗ sinh lòng quý mến ông:
-Một nhà văn, một
trái tim tận hiến cho nỗ lực ngược dòng ghi lại những cái đẹp của đất nước.
Du
Tử Lê
(Calif. 22 tháng 1,
2013)
Chú
thích:
(1)
Phạm Xuân Ðài, bút hiệu của Phạm Phú Minh, sinh năm 1940 tại Ðông Bàn, Ðiện
Bàn, Quảng Nam. Cựu học sinh các trường Trần Quý Cáp, Hội An; Trương Vĩnh Ký và
Chu Văn An, Saigon. Ông tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm năm 1964. Tỵ nạn tại Hoa Kỳ
1992... “Hà Nội Trong Mắt Tôi” do nhà Thế Kỷ, California, xuất bản năm 1994.
(2) Ðọc thêm “Chùa
Là Cái Thiện Của Làng,” trang 177, sđd.
No comments:
Post a Comment