Tuesday 15 January 2013

NÔNG DÂN & NHỮNG CUỘC CƯỠNG CHẾ ĐẤT (Huỳnh Văn Úc)




Huỳnh Văn Úc
Thứ ba ngày 15 tháng 1 năm 2013 7:44 PM

Các sự kiện mà tôi dẫn ra sau đây được liệt kê theo thứ tự thời gian: Đồng Nọc Nạn (tháng 8/1928), Ô Khảm (tháng 12/2011), Tiên Lãng (tháng 1/2012) và Văn Giang (tháng 4/2012). Bốn sự kiện đó có điểm chung là người nông dân mất đất vào tay bọn cường hào nhưng diễn biến câu chuyện lại xảy ra theo những chiều hướng khác nhau. Vì vậy tôi dẫn ra sau đây để độc giả so sánh và suy ngẫm.

Đồng Nọc Nạn là một vụ án tranh chấp đất đai xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu giữa một bên là nông dân-ông Biện Toại và bên kia là giới địa chủ cường hào. Biện Toại là người thừa kế 20 hecta đất ở Đồng Nọc Nạn do cha ông khai phá từ đầu thế kỷ 20 để lại. Việc thừa kế là hợp pháp nhưng chính quyền chỉ mới cấp một chứng từ gọi là bằng khoán tạm. Mã Ngân là một Hoa kiều giàu khét tiếng ở Bạc Liêu mua một phần đất giáp ranh với ruộng nhà Biện Toại. Là người thông hiểu luật pháp, biết Biện Toại chỉ mới có bằng khoán tạm nên trong hợp đồng mua đất Mã Ngân ghi luôn cả phần đất Biện Toại đang sử dụng và coi đó là phần đất mình bỏ tiền ra mua. Tranh chấp xảy ra, Mã Ngân đốt chòi canh ruộng và giết trâu của Biện Toại. Thấy sự tranh chấp có thể đi xa hơn, Mã Ngân bán lại phần đất đã mua cho gia đình quan phủ. Từ đó gia đình quan phủ coi Biện Toại là tá điền của mình, bắt phải nộp tô. Biện Toại không chịu nộp tô. Sáng ngày 16/2/1928 hai viên cảnh sát người Pháp là Tournier và Bouzou dẫn lính đến làng Phong Thạnh để cưỡng chế gia đình Biện Toại nộp tô. Gia đình Biện Toại chống lại, trong cuộc xô xát giữa súng ống của lính với gậy và dao của dân viên cảnh sát Tournier bị thương nặng và ngày hôm sau chết ở bệnh viện. Gia đình Biện Toại chết ba người và một người bị thương. Ngày 17/8/1928 vụ án được xét xử ở Tòa Đại hình tỉnh Cần Thơ. Công tố viên Moreau trong phần luận tội nói rằng ông Biện Toại bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) cướp đất và đề nghị tòa tha bổng bị cáo. Vụ án kết thúc thật có hậu.

Thôn Ô Khảm thuộc làng Đông Hải huyện Lục Phong tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Từ năm 1990 đến năm 2011 hơn 43% nông dân Trung Quốc bị chính quyền cưỡng chế trưng thu đất đai để bán lại cho những nhà đầu tư công nghiệp và địa ốc. Các quan chức trở thành những người hưởng lợi khi bồi thường cho nông dân một số tiền tượng trưng rồi sau đó bán lại cho các nhà đầu tư với giá gấp 50 lần. Nông dân phản kháng. Riêng trong năm 2010 ước tính có 180.000 vụ phản kháng. Từ ngày 21 đến ngày 23/9/2011 sau khi các quan chức bán đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư mà không đền bù thỏa đáng hàng nghìn người dân Ô Khảm đã xuống đường. Họ căng các biểu ngữ: “ Trả lại đất cho chúng tôi!”, “Hãy để cho chúng tôi tiếp tục canh tác!”. Khi trong đám đông có ai đó kêu lên: “Công an đã giết chết một đứa trẻ “ cuộc biểu tình biến thành một cuộc bạo loạn. Quần chúng tấn công một đồn công an và một tòa nhà của đảng bộ Đảng Cộng sản ở địa phương. Để giảm căng thẳng chính quyền chấp nhận nói chuyện với 13 đại diện của dân. Đầu tháng 12/2011 sau khi có tin một đại diện của dân là ông Tiết Cẩm Ba chết ở đồn công an trong một tình huống đáng ngờ, dân làng kéo đến chất vấn. Các quan chức và công an bỏ trốn. Ngày 14/12/2011 một nghìn cảnh sát bao vây làng, cắt điện và nước, ngăn chặn không cho thực phẩm và hàng hóa đưa vào làng. Tỉnh ủy Quảng Đông nhận ra vấn đề và không muốn cuộc nổi dậy đi xa hơn. Xuất phát từ quyết định của Bí thư Tỉnh ủy-ông Uông Dương, đại diện làng Ô Khảm và các quan chức cấp tỉnh đã đạt một thỏa thuận hòa bình. Những yêu sách của nông dân được đáp ứng. Hơn nữa, người lãnh đạo cuộc nổi dậy là Lâm Tổ Luyến đã trở thành Bí thư Đảng ủy thôn Ô Khảm. Báo New York Times đã so sánh những sự kiện ở Ô Khảm với Công xã Paris và gọi những hình thức đấu tranh ở đó là chiến tranh nhân dân.

Đoàn Văn Vươn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo. Hai mươi tuổi đi bộ đội, hết nghĩa vụ quân sự tiếp tục học đại học. Sau khi có tấm bằng kỹ sư nông nghiệp anh đưa cả nhà ra bãi bồi hoang hóa sình lầy Cống Rộc, xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng. Bao nhiêu công sức và vốn liếng đổ ra để be bờ đắp đập chắn sóng. Từng cây tràm, cây tre cắm xuống để giữ đê. Hai mươi năm lăn lộn đất không phụ lòng người, hơn bốn mươi héc ta Cống Rộc đã thành đầm nuôi thủy sản, có bở đê cao chắn sóng, chắn gió, có vườn chuối, vườn cây ra trái đầu mùa. Thành quả của Vươn khiến các quan tham tối mắt. Với lý do thu hồi đất cho dự án sân bay Tiên Lãng 40 hec ta đất của Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế thu hồi với giá đền bù rẻ mạt. Đoàn Văn Vươn khởi kiện nhưng Tòa án xử thắng cho UBND huyện Tiên Lãng. Chính quyền tổ chức cưỡng chế để thi hành bản án mà Tòa án nhân dân huyện đã tuyên. Cuộc cưỡng chế diễn ra sáng ngày 5/1/2012. Hàng trăm cảnh sát và bộ đội với súng AK, B40, chó nghiệp vụ và dân quân do Đại tá Đỗ Hữu Ca-Giám đốc công an thành phố Hải Phòng cùng với Bí thư và Chủ tịch huyện Tiên Lãng đích thân chỉ huy. Một trận đánh đẹp! Đoàn Văn Vươn và thân nhân chống lại với hai khẩu súng hoa cải và một kíp nổ đặt dưới bình ga. Đoàn Văn Vươn cùng các anh em Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh và Đoàn Văn Thoại bị tống giam. Sau một năm ngày 4/1/2013 Viện KSND TP Hải Phòng tống đạt cáo trạng số 10/CT-P1A truy tố Đoàn Văn Vươn và các anh em tội giết người theo Điểm d Khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là chung thân hay tử hình.

Tôi sẽ không mô tả chi tiết vụ Văn Giang mà chỉ nêu lên những hình ảnh và sự kiện nổi bật. Ngày 24/4/2012 hơn ba nghìn công an, cảnh sát cơ động và dân quân thực hiện cuộc cưỡng chế 72 hecta đất thuộc ba xã Cửu Cao, Phụng Công và Xuân Quan để giao cho dự án khu đô thị Ecopark. Gậy gộc và bom xăng đối đầu với dùi cui, lựu đạn cay và súng AK. Cuộc đàn áp diễn ra từ hơn bốn giờ sáng và kéo dài đến đầu giờ chiều. Hơn mười người dân bị bắt giam. Sau đó lực lượng đàn áp mang khoảng 100 máy xúc và máy ủi xới tung và cày nát khu đất. Mồ mả của tổ tiên bị xới lộn lên, xương trắng, sọ người và tiểu sành phơi khắp cánh đồng. Thật không có gì vô nhân và tàn ác hơn cuộc cưỡng chế đã xảy ra ngày hôm đó.

Bốn sự kiện có chung một nguyên nhân nhưng lại có những đoạn kết khác nhau. Đoạn kết của Vụ án Đồng Nọc Nạn thật có hậu. Công tố viên Moreau trong phiên tòa đại hình tuy là một tên thực dân nhưng đã bênh vực và tha bổng ông Biện Toại. Có lẽ khi làm như thế ông ta đã nhớ đến khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của Cách mạng Pháp năm 1789. Nhờ sự thức thời của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông-ông Uông Dương mà cuộc nổi dậy ở Ô Khảm cuối cùng đã đi đến một kết cục hòa bình. Còn về vụ Tiên Lãng và Văn Giang tôi nhường lại sự suy ngẫm về nhân tình thế thái cho độc giả khi đọc bài viết này.

Ảnh của blogger Nguyễn Xuân Diện: Công an, cảnh sát cơ động tràn ngập thôn xóm trong cuộc cưỡng chế đất ở Văn Giang.






No comments:

Post a Comment

View My Stats