Friday 11 January 2013

NGÂY THƠ VÀ KHÔNG TƯỞNG (BS Hồ Hải)




Thứ sáu, ngày 11 tháng một năm 2013

Mấy hôm nay, dân tình xôn xao chuyện một ông ủy viên trung ương đang là bí thơ, kiêm chủ tịch một thành phố lớn miền Trung ra trung ương làm quan lo chuyện nội bộ để hợp thời với tình hình xây dựng đảng. Hầu hết, trai, gái, trẻ, già đều kỳ vọng ước ao ông này lo được việc lớn, đưa nước nhà đến chỗ sáng tươi.

Nhưng cũng có người bảo, ông ấy đến tuổi hưu rồi, đã làm 2 nhiệm kỳ cho thành phố nhà rồi, không lo lót để đi lên thì về hưu thôi. Ở nhà cũng không còn cái gì để mà sống, vì quy hoạch đất đai cũng đã hết thời, vì bất động sản đã đóng băng. Nên ra trung ương chỉ để mà ra, còn chức tước có thể chỉ là tấm khiêng che chắn lúc tuổi già bóng xế hạ cánh an toàn cho những gì đã làm sai trong quá khứ.

Tôi thì tôi nhìn sự việc dưới góc nhìn khoa học xã hội. Nhà nước Việt là nhà nước điều hành kinh tế chính trị bằng, nghị quyết, nghị định, và quy định do ban nghiên cứu trung ương soạn thảo. Sau đó, các ủy viên trung ương họp để sửa chữa, rồi trình cho quốc hội xem xét thông qua. Tất cả đều do các đảng viên cao cấp của đảng cầm quyền làm việc này. Nên việc điều hành đất nước là việc của tập thể, mà hay nghe nói là "sở hữu toàn dân" kể cả trong điều hành đất nước. Vì thế, trách nhiệm không của riêng ai, và trách nhiệm cá nhân lại càng không tưởng. Và một cá nhân ông ủy viên kia không thể bẻ nạng chống Trời.

Thứ nữa, cái tư tưởng 2 phàm là của Mao chủ tịch, là chiến lược xuyên suốt trong sự nghiệp đoàn kết trong đảng cầm quyền. Hai cái phàm là này tôi đã từng việt trên blog này. Nó rất đơn giản, nhưng vô cùng chặt chẽ và đúng cho một hình thái chính trị kiểu nửa phong kiến, nửa quân phiệt. Một là, Mao và đảng nói là đúng. Hai là, cán bộ của đảng phải có tỳ vết. Tỳ vết là cái để cán bộ luôn phải biết giữ gìn sự đoàn kết và trung thành tuyệt đối với đảng cầm quyền. Ai đi ra khỏi cái đường ray định hướng, chiến lược sẽ bị cái phàm là thứ hai nghiền nát.

Nên chuyện ông ủy viên trung ương ra cung đình làm ông Bao Công thời nay ở nước Việt là, chuyện không tưởng. Vì tiếng đồn ông cũng không thơm tho gì, cái tỳ vết khi ông còn làm ở địa phương sẽ là cái vòng kim cô làm ông ngồi đó, chờ thời, an hưởng tuổi già khi đảng cho phép ông hạ cánh về vườn. Ai tin ông này làm được chuyện Bao Công thì thật ngây thơ và đáng thương.

Asia Clinic, 7h48' ngày thứ Sáu, 11/01/2013


Xin góp ý về Mô hình chính trị VN gần với thực tế:

Nhà nước Việt là nhà nước điều hành kinh tế chính trị bằng nghị quyết, được cụ thể hóa bằng các nghị định theo nguyên lý tập trung (*). Trung ương đề ra ý tưởng và ban nghiên cứu trung ương cụ thể hóa bằng soạn thảo văn bản. Về mặt hình thức, mọi văn bản luật đều đưa ra (nói chữ là trình) cho quốc hội xem xét (**) thông qua.

(*) Sau khi các cơ quan chức năng trình (đây mới là đệ trình thực sự), các ủy viên trung ương họp để sửa chữa, xem xét thông qua. Quyết định cuối cùng là sự nhất trí của Bộ Chính trị, trong đó mỗi đ/c UV BCT có quyền phủ quyết (veto).

(**) Quốc hội VN được thành lập theo nguyên tắc cơ cấu, cơ cấu này do Trung ương Đảng quyết định. Giống như đá bóng, tính quyết đấu của đội bóng đến đâu là do tuyển trạch viên (HLV) lựa chọn thành phần cầu thủ.

Những thông tin từ quốc hội đến được với công chúng thông qua hệ thống báo chí của Đảng. Trung ương chỉ cho các đại biểu phản biện đến mức độ nào Trung ương muốn. Những tranh luận trên diễn đàn quốc hội mà bị chệch hướng sẽ được điều chỉnh bằng cách không phát hành những thông tin đó ra báo chí, các đại biểu chệch hướng biết mình phải làm gì.

Có bài viết của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh về ông này LAN MAN VỀ SỰ KIỆN NGUYỄN BÁ THANH (tt) cũng đủ thấy ông này tỳ vết đầy mình.

Biển Đông thì giặc Tàu hãm hiếp. Phía Tây Trường Sơn thì hôm nay, người anh em Lào xây dựng thủy điện để ngăn nguồn nước cho dòng Cửu Long. Phía Tây đồng bằng Nam bộ thì Miên nghe theo Tàu không ký hiệp ước trên biển. Còn trên đất liền thì lòng dân oán thán, cán bộ hũ hóa, tham nhũng. Và Tây sở hữu sâu hơn ở kinh tế Việt Nam.

Tình hình như vậy thì cháy nhà đến nơi rồi còn gì để mà chữa chạy nhỉ?





No comments:

Post a Comment

View My Stats