Posted on Tháng Một 21, 2013 by gocomay
Mù quáng được từ điển Tiếng Việt định nghiã như sau:
“Thiếu trí sáng suốt tới mức không biết phân biệt phải trái, hay dở… ”
Chính vì vậy tôi không tin, một ông nghị có ăn có học
đàng hoàng từ thời VNCH như ông Hoàng Hữu Phước (TP Hồ Chí Minh) lại phê phán
nặng nề cuốn sách Bên thắng cuộc (BTC) của Huy Đức khi “không thèm” đọc tác
phẩm. Phải chăng đây là tuýp tiêu biểu của hạng người “mù quáng giả” chăng?
Ta thử coi ý kiến của ông Phước, viết trên blog cá nhân
xem sao: Tôi đã không thèm đọc bất kỳ trang nào của cái “tác phẩm” mà Huy Đức từ Mỹ mới tung ra trên mạng. Song, những âm thanh ồn ào của phía
hồ hởi hân hoan tận dụng và bên nghiêm chỉnh phán phê đã khiến tôi, người học
trò của bậc kỳ tài, đang tu theo cái thần và cái dũng của thánh nhân không thể
không yêu cầu nhân viên kể tóm lược nội dung và tôi đã nhận ra ngay chân tướng
sự việc khiến phải viết ra đây sự thật trụi trần” (*)
Cũng giống như y chang Nghị Phước, hàng trăm công dân cũ
của VNCH đang tỵ nạn cộng sản ở Mỹ đã tụ họp biểu tình vào chiều ngày
19.01.2013 tại Westminster, California, trước cửa trụ sở Nhật báo Người Việt.
Trong đó đa phần chưa coi (hay “ không thèm đọc”) với lý do tác giả có
xuất xứ Việt Cộng và Nhật báo Người Việt là thân cộng, là sản phẩm của Nghị
quyết 36 của VC…
Những lời của họ bày tỏ trước phóng viên Nhật báo Người Việt thế này:
Ông Ngô Kỷ, thành viên tích cực tại bất kỳ cuộc biểu tình chống
cộng nào tại địa phương. (Hình: Dân Huỳnh/NV)
- “không có nhu cầu đọc quyển sách đó nhưng biết cuốn
sách đó viết cái gì”; “Ðối với tôi, khi mình đọc một quyển sách thì mình phải
nhận định nó một cách rõ ràng. Nghĩa là nhìn tựa là thấy nó chỉ có một phía
thôi, không thể nói lên toàn diện được. Nó có nói những chuyện nhiều người
biết, nhưng có những chuyện nhiều người cần biết thì nó chưa bao giờ nói, vì nó
không biết để nói. Vì vậy đối với tôi quyển sách đó không có giá trị gì hết”;
“Tôi có mặt trong đoàn biểu tình là để làm bổn phận của một công dân, một người
tị nạn sinh sống ở đây, để chứng minh rằng cuốn sách đó không cần thiết. Chỉ
vậy thôi.” (ông Lê Ba, cư dân thành phố Garden Grove, có mặt trong số những
người biểu tình)
- “chưa đọc Bên Thắng Cuộc”; “nghe trên đài nói thì
tôi cũng hiểu một phần nào… Chỉ cần đọc mấy chữ ‘Bên Thắng Cuộc’ là đã biết
những người viết trong cuốn sách không hiểu gì hết, không hiểu gì về VNCH, chứ
không cần phải đọc hay đi sâu vào đọc”. (Bà Thương Trương, cư dân thành phố
Garden Grove)
“Cái đồ này tôi đọc làm cái gì! Nhưng mà tôi biết là nó
xuyên tạc, nó bênh vực Việt Cộng mà thứ Việt Cộng là tôi không chơi, vậy thôi.”
(một biểu tình viên không xưng danh)
- “Tôi không đọc quyển sách và tôi muốn nói rằng cuộc
biểu tình hôm nay không phải là vì cuốn sách.” (Ông Phan Kỳ Nhơn, đại diện
Ban Tổ Chức) (**)
Như vậy, cả những người chống cộng hăng hái ở Hải ngoại
và các tờ báo VC thứ thiệt ở trong nước như: Pháp Luật Thành Phố (PLTP); Dân
Việt (DV); Sài Gòn Giải Phóng (SGGP); Công An Thành Phố (CATP)… và những tác
giả rất tiếng tăm như Nghị Phước; Nguyễn Đức Hiển; Đông La; Song Huy – Ngọc
Điệp; Lưu Đình Triều… cùng có chung quan điểm lập trường nhằm chống lại sự xuất
hiện của BTC? Có khác chăng những người ở bên này (phe Việt Cộng) thì nguỵ
biện, chối bỏ lịch sử, tiếp tục bưng bít sự thật để ngu dân. Nhóm này là đám mù
quáng giả?
Còn phía đối diện (phe chống cộng) thì do còn nặng lòng
thù hận, định kiến đã không còn tỉnh táo và sáng suốt để phân biệt đâu chính
đâu tà. Do không còn kiểm soát được hành vi của mình, họ trở thành đám người mù
quáng thật?
“Khi mình ở trong một xứ dân chủ thì phải đánh giá cuốn
sách qua nội dung của nó chứ chưa đọc cuốn sách mà nói là cuốn sách này thân
cộng, làm lợi cho cộng sản… trong khi báo Công An Thành phố đang chửi và đánh
ông tác giả này thì tôi nghĩ đây là một chuyện không hay.
Bao giờ cũng vậy, dân chủ phải đi song song với trách
nhiệm. Thành ra muốn chỉ trích hay muốn khen thì phải dựa trên những chứng cớ
rõ ràng. Vì vậy chúng ta phải thoát khỏi cái cùm, khi nghe tới cộng sản thì
thấy sợ rồi.
Nhiều người hiện nay cũng đã về Việt Nam lấy vợ rồi cộng
sản hết hay sao? Đối với tôi bao giờ cũng vậy tự do phải đi song song với trách
nhiệm và khi mình muốn khen hay chê, chỉ trích gì thì phải dựa trên nội dung mà
mình làm”.
Đó là ý kiến rất công tâm của tiến sỹ Đinh Xuân Quân, một
kinh tế gia về phát triển và tổ chức cơ chế. Ông từng bị tù cải tạo, vượt biển
tìm tự do tại Hoa Kỳ để rồi sau đó có dịp về làm việc tại Việt Nam trong chương
trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP). (***)
Còn ý kiến của một cư dân mạng trên Dân luận thì cho
rằng:
“đám biểu tình và Hoàng Hữu Phước có cùng điểm tương
đồng: Không đọc nhưng mà cứ chống. Giống như chuyện 2 thằngmù cùng phê phán
người đẹp, thằng nào cũng cóc thấy, thậm chí chưa sờ tới nhưng cứ lu loa!
“Người VN mình nó thế!”
Thật ấu trĩ nhảm nhí …..” (**)
Thật ấu trĩ nhảm nhí …..” (**)
Cá nhân tôi, mới đọc xong quyển I (Giải Phóng), đã thấy
cuốn sách rất có giá trị. Mặc dù nhiều sự kiện tôi đã biết qua các cuốn hồi ký
của Đoàn Duy Thành; Trần Độ và Trần Quang Cơ. Nhưng qua sự tổng hợp rất khoa
học và nghiêm cẩn của Huy Đức, độc giả đã được ngắm lại bức tranh toàn cảnh đa
sắc màu. Dưới một cái nhìn điềm tĩnh, vô tư của một nhà báo đầy tâm huyết.
Có ý kiến chưa thật thoả mãn. Cho rằng cuốn sách mới khắc
hoạ được 1/3 sự thật của lịch sử. Nhưng khắc hoạ lịch sử của một dân tộc, không
chỉ bởi một cuốn sách, dù của bất kỳ ai mà thành được. Nó cần nhiều sự đóng góp
(cả chính thống và phi chính thống) cùng bắt tay vào thực hiện. Với một tiêu
chí bất di bất dịch: tôn trọng sự thật khách quan. Chứ không phải thứ lịch sử
mang tính tuyên truyền cho mục tiêu chính trị của bất kỳ phe nhóm nào. Như sử
quan xưa, trong khi đang chép sử, ngay cả đấng quân vương cũng không được phép
can gián hay bóp méo theo chủ kiến riêng của mình. Từ đó ta có thể hiểu sản
phẩm lịch sử mà các sử gia Mác-xít ở xứ ta làm ra trong hàng chục năm qua là
như thế nào?!
Người không biết lịch sử dân tộc mình như con trâu đi cày
ruộng, cày với ai cũng được mà cày ruộng nào cũng được (lời nhà văn Nguyễn Huy Tưởng)
Việc ru ngủ cả một thế hệ và lường gạt một dân tộc bằng
những thứ lịch sử nguỵ tạo (theo định hướng của kẻ cai trị) thì có khác gì cái
sự cày với ai cũng được và cày ruộng nào cũng được kia chứ?
Trở lại với những chống báng xung quanh Bên thắng cuộc
của Huy Đức, tôi hoàn toàn không giận (chỉ trách) những người do nhận tức còn
hạn chế mà trở thành mù quáng thứ thiệt. Nhưng tôi không thể chấp nhận được
những kẻ có học trí trá dối trên lừa dưới, giả ngô giả ngọng… giả mù giả quáng
nhằm bôi bác và hãm hại người ngay để vinh thân phì gia và bắt cả dân tộc khốn
khổ này mãi lầm than trong kiếp trâu cày!
………………………………
(**) Biểu tình chống sách Bên Thắng Cuộc và chống báo tại
Người Việt – http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=160682&zoneid=3#.UP04fidfCIk
(***) “Bên Thắng Cuộc” dưới cái nhìn của một nhà kinh tế -
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/benthangcuoc-dxquan-ml-01192013130421.html
_____
Xem thêm:
608-Hòa giải, hòa hợp bắt đầu từ đâu?
http://gocomay.wordpress.com/2011/05/15/608-hoa-gi%E1%BA%A3i-hoa-h%E1%BB%A3p-b%E1%BA%AFt-d%E1%BA%A7u-t%E1%BB%AB-dau/
No comments:
Post a Comment