Sunday 6 January 2013

LỄ TƯỞNG NIỆM THI SĨ NGUYỄN CHÍ THIỆN 100 NGÀY MẤT (Nguyên Huy - Người Việt)




Nguyên Huy/Người Việt
Sunday, January 06, 2013 6:15:08 PM

FOUNTAIN VALLEY (NV) - Hơn 100 đồng hương thuộc nhiều thành phần trong cộng đồng người Việt tị nạn ở Nam California đã đến tham dự lễ Tưởng Niệm nhân 100 ngày mất của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, được tổ chức tại đài truyền hình VHN-TV, Fountai Valley, vào chiều Chủ Nhật.

Ban Tù Ca Xuân Ðiềm trình bày những ca khúc phổ thơ Nguyễn Chí Thiện tại lễ Tưởng Niệm nhân 100 ngày mất của cố thi sĩ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ba tổ chức tranh đấu của cộng đồng Người Việt hải ngoại là Mạng Lưới Nhân Quyền, Diễn Ðàn Giáo Dân và ban Tù Ca Xuân Ðiềm đã đứng ra tổ chức và được đài VHN-TV trực tiếp truyền hình đi khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, Canada và Úc suốt từ 2 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều cùng ngày.

Tám diễn giả là Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, nhà văn Huy Phương, Giáo Sư Ðỗ Anh Tài, Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, nhà văn Trần Phong Vũ, nữ Giáo Sư Jean Libby, Giáo Sư Lưu Trung Khảo và một khuôn mặt trẻ của tổ chức “Tuổi Trẻ Yêu Nước” là cô Nam Yến đã lần lượt lên trình bày những cảm nghĩ về một nhà thơ lớn trong văn học Việt Nam, một chiến sĩ can trường tranh đấu không mệt mỏi với ác quyền CSVN trong suốt cuộc đời của ông.

Trước khi mời các diễn giả phát biểu, điều hợp chương trình Ðinh Quang Anh Thái đã sơ lược tiểu sử cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện.

Ông sanh năm 1937, sớm là một đối tượng phải bị đàn áp, diệt trừ của chế độ CSVN cho nên trong suốt 27 năm tù, bị bắt đi bị bắt lại nhiều lần ông đã phải chịu đựng tất cả những hình phạt giam cầm, đầy ải tàn độc nhất của CSVN để trả cái giá chống đối chế độ qua những vần thơ máu huyết của ông. Tên tuổi ông đã lan truyền khắp thế giới và đã được nhiều tổ chức nhân quyền thế giới trao tặng những phần thưởng tinh thần cao quí của nhân loại.

Tiếp đó Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng khai mạc lễ Tưởng Niệm trình bày ý nghĩa buổi lễ hôm nay là để “Chúng ta tuyên dương những đóng góp của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện vào dòng văn học Việt Nam cũng như thế giới, cũng là tuyên dương một người đã suốt đời đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, cho quyền làm người của dân tộc Việt Nam. Ông đã về với cát bụi nhưng tinh thần chiến đấu của ông vẫn mãi rực sáng trong tâm trí mọi người chúng ta.”

Nhà văn Huy Phương nhận định: “Nguyễn Chí Thiện là một nhà thơ lớn, ông đã đem hết tuổi trẻ viết vào thơ để nhắm vào chế độ và Hồ Chí Minh đã đem thảm họa đến cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Nguyễn Chí Thiện xứng đáng có mặt trên văn đàn thế giới.”

Trong dịp này Giáo Sư Ðỗ Anh Tài đã lên đọc lại một bài thơ của cố thi sĩ, bài thơ “Trái Tim Hồng” mà ông Tài cho rằng là một trong những bài thơ khác với hầu hết thơ của ông thường là nặng tính tranh đấu. Bài “Trái Tim Hồng” là một “lời trăn trối cho cuộc đời, cho nhân thế và cho chúng ta. Bài thơ được sáng tác vào năm 1966 trong những ngày tháng thi sĩ phải sa lầy trong chế độ Cộng Sản.”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang tiếp tục trình bày về nhà thơ mà ông cho rằng là “một chiến sĩ nhân quyền dũng cảm nhất đã tranh đấu không ngưng nghỉ cho nhân quyền, dân chủ, cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Giải thưởng Nobel Hòa Bình, Văn Chương thế giới nên được trao cho ông để chứng tỏ sự đóng góp to lớn của ông trong cuộc tranh đấu vì hòa bình của nhân loại.”

Ông Trang cũng nhắc đến sự ghi nhớ vô cùng chính xác của nhà thơ khi phải ghi nhận đến 700 câu thơ sáng tác trong ngục tù Cộng Sản để khi ra được tù đã viết lại quyết tìm dịp gửi ra nước ngoài gióng lên những lời tố cáo bằng tim óc của một con người Việt Nam trong chế độ Cộng Sản.

Và nhà thơ đã thành công khi vào ngày 16 Tháng Bảy, 1979, ông lọt được vào Tòa Ðại Sứ Anh ở Hà Nội, xin tị nạn và nhờ chuyển hộ tập thơ ra hải ngoại cho cộng đồng người Việt. Rất tiếc nhà thơ đã không được nhận sự tị nạn chính trị, cơ quan ngoại giao Anh chỉ nhận chuyển tập thơ thôi. Và sau đó tập thơ của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã đến tay cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và năm 1981 được xuất bản với tên là “Hoa Ðịa Ngục” (cũng còn có một tên khác là “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực”). Sau đó, tập thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nhà văn Trần Phong Vũ phát biểu trong dịp này đã trình bày với đề tài “Qua những vần thơ viết bằng máu, Nguyễn Chí Thiện muốn gửi gấm điều gì?” Ông Vũ tính từ khi Nguyễn Chí Thiện làm thơ từ năm 1958 cho đến 1996, trải qua 40 năm, thi sĩ đã để lại cho đời những tuyệt phẩm. Thơ ông viết vào thơ những thực cảnh không chỉ diễn ra trong thời đại của ông mà cho đến cả ngày nay trên đất nước này. Ông đã sớm nhận ra những nét tàn độc của Cộng Sản nên ông đã trộn máu huyết ông vào thơ để gửi đến dân tộc của ông và đến loài người.

Giáo Sư Jean Libby, một người bạn của nhà thơ khi còn sinh tiền, cũng lên bày tỏ một số chi tiết về hoạt động của cố thi sĩ, được bà rất hân hạnh giới thiệu đến các đại học thu hút được sự chú tâm của giới sinh viên cũng như giáo sư.

Diễn giả sau chót là Giáo Sư Lưu Trung Khảo. Ông nhìn về cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện qua hai hình ảnh, một là hình ảnh của những anh hùng trong lịch sử như Nguyễn Công Trứ, Trần Bình Trọng và Chu Văn An, hai là hình ảnh của Khuất Nguyên bên Trung Quốc.

Cô Nam Yến, đại diện tổ chức “Tuổi Trẻ Yêu Nước,” phát biểu trong lễ Tưởng Niệm cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðặc biệt vào những phút chót, một khuôn mặt trẻ là cô Nam Yến lên phát biểu. Cô nói: “Cuộc tranh đấu của ‘Tuổi Trẻ Yêu Nước’ được tổ chức từ trong ra ngoài nước, chúng tôi cần có một tinh thần cương quyết, chịu đựng và cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là một chiếc gương sáng cho chúng tôi noi theo.”

Trong suốt buổi lễ, ban Tù Ca Xuân Ðiềm đã trình bày nhiều ca khúc phổ thơ Nguyễn Chí Thiện giúp cho chương trình thêm phần ý nghĩa bên cạnh những phát biểu của các diễn giả.

––-
Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats