18-1-2013
Bản dự thảo hiến pháp sửa đổi lần
đầu tiên xuất hiện Quyền con người. Đây có thể là một tiến bộ. Tuy nhiên đó
cũng có thể chỉ là sự làm đẹp trên danh nghĩa cho những văn bản mà không thực
sự kéo theo những tiến bộ thực chất trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con
người tại Việt Nam.
Hiến pháp hiện hành dù không trực
tiếp dùng từ quyền con người nhưng cũng đã hiến định không thiếu các quyền dân
sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa giống như được quy định trong hai công
ước Quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị và về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn
hóa của Liên Hiệp Quốc mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký gia
nhập từ năm 1982. Nhưng đã hơn 30 năm qua từ khi gia nhập và 20 năm từ lúc bản
hiến pháp1992 có hiệu lực mà những quyền đó vẫn thiếu vắng trầm trọng trong thực
tế cuộc sống của công dân Việt Nam. Cá nhân tôi, một người hay đọc và cũng có
điều kiện để đọc và nghe, chỉ được biết đến hai công ước nói trên từ năm 2010
trong những bài viết, quyển sách mà con tôi viết. Tôi cũng chỉ bắt đầu hiểu rõ
được về quyền con người nhờ các tài liệu đó. Nhưng con tôi đã cầm tù vì đã viết
nên những tài liệu để tuyên truyền cho quyền con người như vậy. Trong khi đó dù
được nghe nhà nước tuyên truyền hằng ngày, mọi lúc mọi nơi về đủ thứ điều được
cho là tốt đẹp nhưng tôi chẳng bao giờ nghe thấy đến quyền con người, giáo dục
và hướng dẫn cho người dân hiểu và sử dụng quyền con người trong cuộc sống hằng
ngày của mình. Thay vào đó là các giá trị về chủ nghĩa, về tư tưởng, về đạo đức
vốn càng làm cho người dân mê muội và lệ thuộc.
Trong khi đó hai từ nhân quyền lại
bị phát biểu, nhận định, phê phán theo những cách mà chúng khiến cho người dân
cảm nhận như là một điều sai trái, là phản động, là thế lực thù địch, là lợi
dụng quyền tự do dân chủ, v.v… Nói chung là làm người dân sợ hãi khi nghĩ đến
nhân quyền. Nói chi đến sử dụng các quyền đó. Mới đây thôi, ngày Quốc tế Nhân
quyền 10 tháng 12 năm 2012 mà bản tin thời sự 19h00 của đài truyền hình trung
ương VTV tuyệt nhiên không nhắc đến một chút gì đến sự kiện này. Còn báo Nhân
dân, cơ quan trung ương phát ngôn của đảng Cộng sản Việt Nam thì lại có một bài
viết theo kiểu phải cảnh giác chống những luận điệu sai trái, xuyên tạc, lợi
dụng nhân quyền,… Chỉ cần như thế thôi cũng đủ đánh giá được thành ý của đảng
và nhà nước về quyền con người như thế nào.
Còn những nỗ lực tuyên truyền quyền
con người của các tổ chức dân sự, các phong trào vì quyền con người thì bị ngăn
chặn, thậm chí là đàn áp. Phong trào Con đường Việt Nam ngay sau khi ra đời đã
dành những nguồn lực hiếm hoi của mình để biên soạn quyển sách “Câu chuyện quyền
con người” nhằm giới thiệu những quyền cơ bản, bất di bất dịch, phổ
quát mà Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã trịnh trọng tuyên
bố và bảo vệ các quyền đó cho nhân dân toàn thế giới. Cuốn sách cũng phân tích
về những quyền như vậy đã được quy định thế nào trong hai công ước Quốc tế mà
Việt Nam đã ký kết, và hiến định ra sao trong hiến pháp. Đây là một nỗ lực rất
lớn để hướng dẫn cho người dân Việt Nam nắm bắt được quyền con người một cách
dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống thường ngày của mình.Đó cũng là sự đáp ứng lời
kêu gọi của Liên Hiệp Quốc đến với từng công dân và quốc gia trên thế giới cần
nỗ lực để tuyên truyền và giáo dục về quyền con người cho nhân loại. Nhà nước
Việt Nam đã hoàn toàn thiếu sót với trách nhiệm đó nhưng lại thừa thải những
quyết tâm để ngăn chặn nỗ lực của người khác thực hiện trách nhiệm này.
Dù còn non trẻ nhưng với sự giúp đỡ
của những người ủng hộ, phong trào Con đường Việt Nam đã hoàn thành được cuốn
sách nói trên bằng tiền túi của những người sáng lập và khởi xướng phong trào.
Sau đó nó được in ấn ở Mỹ và tổ chức ra mắt tại đó để kêu gọi những tấm lòng tương
trợ của đồng bào hải ngoại giúp để có kinh phí nhằm phát hành với số lượng lớn
để người dân Việt Nam có được một tài liệu thân thiện, dễ hiểu về quyền con
người. Thế nhưng việc làm đó bị cho là phi pháp ở Việt Nam. Chỉ vì anh Lê Thăng
Long nhận được vài chục cuốn sách này từ Mỹ để gửi tặng cho một số người thân
quen và dự định dùng nó làm mẫu để đăng ký xuất bản ở Việt Nam mà đã bị cơ quan
an ninh làm việc và yêu cầu chấm dứt. Lý do duy nhất mà họ đưa ra là cuốn sách
đó chưa được kiểm duyệt văn hóa phẩm nhập khẩu nên tặng một quyển sách như vậy
là phạm pháp, dù chính họ cũng thừa nhận nội dung của quyền sách là tốt và
không có vấn đề gì. Nhiều năm làm công tác đối ngoại tại sở Văn hóa thông tin
TPHCM, tôi chưa từng nghe thấy một nhận định vô luật vô lối như vậy. Nếu như
thế thì phải có hàng tá quan chức phạm pháp khi đi nước ngoài mang về những
quyển sách được tặng chưa được kiểm định văn hóa, ngay cả đối với những cuốn ca
ngợi Hồ Chí Minh.
Việc sử dụng quyền con người của
các cá nhân cũng bị ngăn chặn có hệ thông và đàn áp thẳng tay không chỉ đối với
những người muốn tham dự những phiên tòa để ủng hộ những người bị xét xử vì đã
dũng cảm sử dụng quyền con người mà còn với cả những người đã từng sử dụng
những quyền đó để xuống đường và góp phần xây dựng nên chế độ này vì lý tưởng
tự do và độc lập. Nhưng cái mà họ nhận được bây giờ không chỉ là sự đàn áp mà
còn bị xúc phạm nhân phẩm - giá trị cao nhất mà quyền con người hướng đến. Đó
là chưa kể hàng triệu việc vi phạm nhân quyền xảy ra hàng ngày khắp mọi nơi
trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Học sinh không được đảm
bảo giờ nghỉ ngơi, nông dân không được đảm bảo quyền sở hữu ruộng đất, công
nhân không được đảm bảo quyền đình công và tự lập công đoàn, người dân và doanh
nghiệp không được tự do mua bán vàng miếng, v.v… là những việc không tôn trọng
quyền con người vốn là những nguyên nhân tạo ra các vấn nạn hiện nay - từ kinh
tế yếu kém đến tham nhũng, khiếu nại đất đai, xét xử oan sai, giáo dục, đạo đức
xuống cấp, chủ quyền quốc gia bị đe dọa, v.v…
Căn nguyên của những vấn đề trên là
do người dân không được hướng dẫn và tạo điều kiện để sử dụng quyền con người
của mình. Thế nhưng một cuộc thi tìm hiểu quyền con người đầu tiên ở Việt Nam
nhằm khơi dậy hiểu biết và ý thức này cho nhân dân thì không những không được
khuyến khích mà còn bị ngăn chặn. Trong một lần làm việc với sĩ quan an ninh,
tôi không nghe họ đưa ra được cơ sở pháp lý nào để chứng minh được rằng một
cuộc thi như vậy là phạm pháp hoặc cần giấy phép. Điều mà họ viện dẫn để quy kết
là những tờ rơi cổ động cho cuộc thi chính là truyền đơn. Không hiểu họ suy
nghĩ thế nào, nếu tờ rơi đó bị cho là để tuyên truyền chống chế độ thì chế độ
đó xem quyền con người là kẻ thù, là thù địch rồi. Đó là chưa kể các giám khảo
cuộc thi bị gây áp lực thường xuyên đến mức một vị đã phải xin lỗi rút lui. Một
số thí sinh dùng tên thật cũng bị đe dọa để phải xin rút lại bài dự thi.
Nhiều đêm tôi đã bị mất ngủ nghĩ về
vận mệnh dân tộc này sẽ như thế nào trong một đất nước mà những quyền cơ bản
của nhân dân dễ dàng bị xâm phạm và không một ai phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật cho những sự vi phạm đó - vi hiến, vi phạm luật Việt Nam lẫn quốc tế.
Chúng được thực hiện một cách có tổ chức, hệ thống mà không có bất kỳ cá nhân
hay tổ chức tội phạm xã hội nào có được. Người vi phạm còn được trả lương và
thưởng nếu có thành tích tốt.
Tuy nhiên đọc những bài dự thi
“Quyền con người và Tôi” thì trong tôi lại sáng lên những niềm hy vọng. Những
bài viết đó chứng minh một sự tồn tại tự nhiên trong sâu thẳm của từng con
người về quyền con người và khát vọng đối với những quyền thiêng liêng đó. Họ
có thể không biết về Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, về các Công ước Quốc tế về
Quyền con người hay cả Hiến pháp Việt Nam. Nhưng họ vẫn hiểu được rằng những
quyền đó thuộc về họ và họ đã bị tước đoạt. Họ khát khao tự do và nhân phẩm của
mình cũng như mong muốn những giá trị đó cho người khác. Không cần lý luận phức
tạp nhưng họ cũng biết được những vấn nạn mà họ gặp phải trong cuộc sống hằng
ngày là điều liên quan đến sự thiếu tôn trọng quyền con người. Tích cực hơn, họ
nhìn thấy được giá trị của quyền con người trong mục tiêu làm cho cuộc sống của
mình và đất nước tốt đẹp hơn.
Dù không nhiều, được 42 bài dự thi
nhưng tôi tin đó là những hạt giống đầu tiên đã nảy mầm và sẽ nhanh chóng đơm
hoa kết trái rồi lan tỏa đến hàng ngàn rồi hàng triệu những hạt giống khác. Gần
đây người dân nói và hành động vì quyền con người nhiều hơn hẳn so với trước. LỜI KÊU GỌI THỰC THI QUYỀN CON NGƯỜI THEO HIẾN PHÁP
TẠI VIỆT NAM đã có hơn 2000 chữ ký là một điểm son đáng trân trọng.
Với tôi những nỗ lực của các cá
nhân và tổ chức nhằm khơi dậy ý thức và thúc đẩy sự tự tin sử dụng quyền con
người cho nhân dân thì quan trọng và thiết thực hơn nhiều so với việc sửa đổi
hiến pháp mà không đi kèm với thực tâm thay đổi nạn cường quyền, lối hành xử
coi thường nhân quyền của các cơ quan công quyền. Nỗ lực trước thì chắc chắn sẽ
dẫn đến sự thay đổi thực chất và tốt đẹp cho xã hội, trong khi cái sau sẽ chỉ
là lợi dụng quyền con người để tạo ra một vật trang sức mà thôi.
Vì xét cho cùng, Freedom is not
free, tự do không tự nhiên mà có, nó đòi hỏi từng người phải mong muốn nó và
giành lấy nó bằng sự tự tin sử dụng quyền con người của mình. Đó cũng là lý do vì
sao kẻ thù của nó luôn phải làm cho con người sợ hãi. Đó cũng là một tội lỗi
nghiêm trọng nhất vì nó hủy diệt tiền đồ của cả một dân tộc.
Trần Văn Huỳnh
No comments:
Post a Comment