Tuesday, 22 January 2013

HY VỌNG CÓ THÊM HAI HUY ĐỨC NỮA (Trần Hồng Tâm)




04:36:pm 21/01/13

Có cuốn Quyền Bính trong tay, đọc khoảng 50 trang đầu, tôi đành phone vào hãng cáo bệnh, ngồi nhà đọc một mạch cho đến trang cuối cùng. Việc mổ xẻ các nhân vật và sự kiện trong đó cần nhiều thời gian và công sức. Bài viết này chỉ là những cảm nhận ban đầu.

Câu cuối cùng của Lời mở đầu trong Quyền Bính viết: “Hệ thống chính trị trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng ít có khả năng khắc phục sai lầm. Phải chăng đây là một luận đề, mà tác giả đã dùng phần còn lại của cuốn sách để chứng minh.

Đại Hội
Câu chuyện thường bắt đầu từ Đại hội Đảng. Đại hội đẻ ra Bộ chính trị và Tổng bí thư. Bộ chính trị và Tổng bí thư lại đẻ ra chính sách. Trong chuỗi mắt xích này, quyền bính được sử dụng triệt để nhằm thao túng chính trường ở những cung bậc khác nhau.

Trước Đại hội VI, Lê Duẩn chết, Lê Đức Thọ muốn giành lấy vị trí này. Nhưng Lê Duẩn chỉ đích danh Trường Chinh thay mình. Ông Thọ đã sử dụng quyền bính tuyệt đối của trưởng ban nhân sự Đại hôi để giành ghế. Không được, ông rút lá bài cuối cùng: không ăn được thì đạp đổ. Trường Chinh đã bị ông Thọ ép phải rút lui chỉ vài giờ trước khi Đại hội VI khai mạc.

Ở một hoàn cảnh khác, quyền bính được sử dụng thành bản án để tiêu diệt đối phương. Vụ Sáu Sứ là một điển hình. Phần vì ghen tức với uy tín của Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà, phần vì sợ hai ông này trở lại chính trường, hai tướng Lê Đức Anh và Đoàn Khuê dùng Vũ Chính cùng con rể Nguyễn Chí Vịnh ở tồng cục II dựng lên vụ “âm mưu lật đổ” do tướng Giáp cầm đầu.

May mắn cho tướng Giáp, vụ án được giao cho thứ trưởng công an Võ Viết Thanh là một người tử tế. Ông Thanh lật án, không theo ý kiến chỉ đạo. Lập tức Võ Viết Thanh bị trả đũa. Sự nghiệp chính trị của ông Thanh chấm dứt, thanh danh cá nhân và gia đình bị bôi nhọ. Ông Thanh tâm sự “Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng, tôi đã định kéo khóa rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát.” (Ba ông là Đoàn Khuê, tổng tham mưu trưởng, Võ chí Công, chủ tịch nước, và Nguyễn Đức Tâm, trưởng ban tổ chức trung ương) .

Từ Đại hội Đảng VI năm 1986 đến Đại hội XI năm 2011 là 25 năm với 6 kỳ Đại hội. Càng về sau, Đại hội càng lộn xộn. Cứ trước Đại hội, là có nhiều kỳ án, nhiều tin đồn úp úp mở mở làm xôn xao chính trường. Đại hội sau nhiều án hơn Đại hội trước và mức độ khốc liệt của nó cũng tăng. Những cảnh hạ bệ, thanh toán nhau rất ngoạn mục được trình bày một cách bình tĩnh, rõ ràng và đầy sức thuyết phục.

Nhân Sự
Nếu Đại hội Đảng là mẹ, thì Bộ chính trị là con. Trong Bộ chính trị thì Tổng bí thư là con trưởng, các ủy viên là những đứa con thứ. Mẹ mang bệnh di truyền từ trong nhiễm sắc thể, thì lũ con làm sao tránh khỏi căn bệnh trầm kha.

Trường Chinh được mô tả như là kiến trúc sư của Đổi mới. Ông đoạn tuyệt với quan liêu bao cấp. Ông tập hợp những trợ lý giỏi, tận tụy và nhiệt thành với công việc, mang lại chút hy vọng vào những năm cuối thập kỷ 80. Nhưng âu cũng là số phận. Ông phải “tự” rút. Dân tộc lại trở về với cảnh lầm than.

Nguyễn Văn Linh, kế vị Trường Chinh, bộc lộ ra là một con người thủ đoạn, hẹp hòi, thù vặt, thành kiến, và bảo thủ. Bạn đọc khá dễ dàng tìm được câu trả lời tại sao ông Linh đã trở thành một sát thủ lạnh lùng với Trần Xuân Bách.

Ông Đồng và ông Thọ đưa ông Linh vào ghế Tổng bí thư. Ông Bách phản đối vì ông Linh chẳng có trình độ gì. Khi ông Linh đã thành Tổng bí thư rồi, ông Bách vẫn coi thường ông Linh ra mặt. Cuộc chiến Linh – Bách bắt đầu như vậy.

Rồi ông Linh đánh hơi được là ông Bách sẽ thay mình vào giữa nhiệm kỳ. Thế là ông Linh liên minh với cánh bảo thủ giáo điều Bắc kỳ. Những ngón đòn hiểm nhất được tung ra diệt Trần Xuân Bách không tiếc thương để trừ hậu họa.

Ông Linh còn lập ra nhiều kỳ án để vặt lông bẻ cánh, thậm chí còn muốn cắt tiết Võ Văn Kiệt. Bề ngoài ông Linh lại đóng vai cấp tiến làm mọi người cứ tưởng ông Linh là cánh đổi mới cùng phe với ông Kiệt từ miền Nam ra. Cuộc đọ sức Linh – Kiêt đầy kịch tính và kéo dài đến những năm khi ông Linh đã về hưu.

Đến đời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, di sản đồ sộ của ông để lại cho đất nước là hoán chuyển cán bộ. Những đồng hương Thanh Hóa của ông được cơ cấu, còn những ai không cùng cánh bị đẩy ra.

Tới Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thì phó ban tổ chức Trung ương cũng phải thốt lên: “Tôi thật xấu hổ vì Đảng ta có một tổng bí thư như vậy”. Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định: “Ông Mạnh trình độ yếu lại thiếu bản lĩnh nên gần như không tác dụng gì”. Chính ông Mạnh cũng tự nhận: “Em biết thân phận em rồi, người dân tộc chỉ có thể làm đến thế.”

Ông Mạnh tự biết khả năng của mình, nhưng người ta cứ giao cho ông chức Tổng bí thư. Ông Mạnh đã trở thành ông bình vôi không hơn không kém. Quyền bính càng dễ bị khuynh loát bởi những bóng ma sau hậu trường. Nhóm Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Hồng Anh ra đời trong hoàn cảnh này.

Trong Quyền Bính tác giả có dẫn lời Nguyễn Văn An, ủy viên Bộ chính trị, trưởng ban tổ chức Trung ương: “Ngay từ Đại hội VI chọn ông Nguyễn Văn Linh đã không đúng, Ông ấy không phải là người đổi mới. Ông Linh chọn ông Đỗ Mười cũng không đúng. Ông Mười chọn Lê Khả Phiêu cũng không đúng. Đến khi chọn Nông Đức Mạnh thì sai”

“Không đúng” đồng nghĩa với “Sai”. Nhưng ông An phải dùng từ sai để nhấn mạnh căn bệnh đã vào giai đọan cuối. Nếu mang tài năng và đạo đức của các Tổng bí thư biểu diễn trên đồ thị, thì đó là đồ thị của một hàm số nghịch. Thời gian càng tăng thì đạo đức và tài năng của các vị càng giảm.

Đối Ngoại
Tổng bí thư và Bộ chính trị làm ra và điểu hành chính sách. Vậy, bạn đọc tự đoán ra kết quả. Những nhân sự bệnh hoạn trên không thể sinh ra những chính sách đúng, tất nhiên càng không thể điều hành quốc gia hội nhập vào quỹ đạo của nhân loại.

Nhận thức của cán bộ cao cấp cũng rất thảm hại. Ông Nguyễn Đức Bình tuyên bố “Toàn cầu chỉ mang lại đói nghèo” còn Nguyễn Phú Trọng thì bảo “đó là diễn biến hòa bình”.

Khi Bill Cliton đến thăm Việt Nam, vô tình hay cố ý, mà thời gian ông đặt chân đến Hà Nội và Sài Gòn đều vào lúc nửa đêm. Bộ chính trị chỉ đạo không ai được cười khi tiếp Bill Cliton. Quyền Bính mô tả: Một trợ lý nhắc Thủ tướng: “Người ta đã sang tận đây, tiếc gì anh không nở một nụ cười với họ”. Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời: “Không được đâu mày ơi, Bộ chính trị đã thống nhất là không được cười”.

Khi Bill Clinton đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh viên được quy định khi nào thì được đứng lên, khi nào thì được vỗ tay.

Đón nguyên thủ vào lúc nửa đêm và nền ngoại giao cấm cười ra đời ở xứ ta. Cũng không biết nên cười hay mếu khi đọc những dòng này trong Quyền Bính.

Đường lối ngoại giao với Trung Quốc được thể hiện qua cuộc gặp của Lê Khả Phiêu với Giang Trạch Dân. Cuộc gặp diễn ra không theo nghi thức của Đảng hay Nhà nước một cách công khai, mà lén lút, khuất tất theo đường tình báo.

Chuyến đi gồm bốn vị Lê Khả Phiểu, Trần Đình Hoan, Nguyễn Mạnh Cầm và Nguyễn Chí Vịnh. Nhưng phút chót, Trung Quốc lại ngăn không cho ông Cầm và ông Hoan vào phòng họp, chỉ riêng ông Phiêu và Vịnh được vào. Ông Phiêu thú nhận đã thoả thuận đàm phán song phương vấn đề biển đảo với Trung Quốc.

Chuyện mất đất, mất biển với Trung Quốc là có thiệt. Quyển Bính đã trình bày ngọn nguồn của câu chuyện. Nếu không mất đất, tại sao Đảng lại phải giấu dân? Tại sao lại không công khai nội dung và kết quả đã ký?

Khi biết Việt Nam sắp ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, các ủy viên Bộ chính trị nhận được bức điện tối mật từ Tổng cục II: “Trung Quốc sẽ phản ứng rất xấu nếu ký với Mỹ”.

Đọc đến đây, thú thật tôi phải chửi thề vì quá đau lòng trước những cơ hội đã mất. Tao buôn bán với Mỹ thì mặc mẹ tao, hề hấn gì đến mày mà mày phải phản ứng xấu. Mày lấy tư cách gì mà chúi mũi vào ống khóa nhà tao. Mày phản ứng xấu thì làm đéo gì được tao. Tôi cũng đắng cay tự hỏi: Ai là người để Trung Quốc làm việc đó? Sao các ngài phải sợ cái thằng hàng xóm to xác mà thối bụng đến vậy? Hèn quá. Nhục quá.

Đối Nội
Về đường lối kinh tế và đối nội, Quyền Bính trích dẫn lời ông Đào Duy Tùng: “Kinh tế phải phục tùng chính trị”. Một mệnh lệnh tuyệt cú mèo, xứng tầm ủy viên Bộ chính trị.

Ở Việt Nam chưa hề có đổi mới chính trị, thì làm sao có đổi mới kinh tế. Công cuộc “Đổi mới”của Đảng từ năm 1986 thực ra chỉ nửa vời, nếu không nói là giả tạo, hay nói cho chính xác là một thằng xây nhưng chín thằng phá.

Một nhóm nhỏ người giàu lên là do chộp giựt. Xã hội chưa hình thành một tầng lớp trung lưu thực sự và bền vững. Sức lao động và sự sáng tạo chưa được giải phóng. Vòng kim cô về chủ nghĩa xã hội vẫn đang siết chặt trên đầu. Chệch đường lối thì không vào tù cũng thân bại danh liệt. Khác phe cánh thì không bị cưỡng chế cũng bị thanh tra.
Thiết tưởng, không cần phải bàn thêm gì nữa. Hậu quả đã nhãn tiền. Nền kinh tế và xã hội Việt Nam hôm nay đang là đêm hôm trước của ngày phá sản.

Nụ Cười và Nước Mắt
Bên cạnh những câu chuyện khô khan về đường lối đối kinh tế, Quyển Bính, thảng hoặc, mang lại cho bạn đọc những nụ cười.

Ông Lê Duẩn bảo các chị phụ nữ rằng sao các chị nghe vậy mà không “vả vào miệng” những người nói. Tôi khoái lối nói dân dã của ông, y chang như mấy bà ngoài chợ Đồng Xuân. Ông Đỗ Mười tiếp các nhà báo trong khi quên cài khóa cửa quần. Ông Đoàn Khuê thì vén áo cho Đỗ Mười sờ bụng rồi khoe rằng khối ung thư trong bụng đã tan, ông đủ sức khoẻ đảm nhiệm Chủ tịch nước. Lối xưng hô suồng sã “Mày, Tao” của các vị Tổng, Thủ, Chủ, cũng mang lại nụ cười tủm tỉm.

Rồi người đọc cũng bắt gặp câu chuyện cảm động về số phận của đứa con rơi lưu lạc Phan Thanh Nam.
Bà Hồ Thị Minh, 20 tuổi, con gái miền Nam, nhan sắc mặn mòi, từng làm chủ bút một tờ báo, từng dự hội nghị bên Pháp, biết nhiều ngoại ngữ, được gởi ra Bắc để giúp việc cho Bác Hồ. Chưa kịp giúp Bác, vì Bác đã trên 60 tuổi, thì gặp Võ Văn Kiệt đi dự Đại hội Đảng II, năm 1951.

Hai tâm hồn Nam bộ phóng khoáng mà cô đơn giữa núi rừng Việt Bắc hoang vu gặp nhau, kết quả là thằng con Phan Thanh Nam ra đời. Hơn năm sau, ông Kiệt phải về Nam. Trung ương Đảng giao thằng con trai ông Kiệt cho ông Cái ở Tổng cục Lương thực. Tổng cục Lương thực nhưng có lẽ vì thiếu lương thực không nuôi nổi cháu bé sơ sinh, thằng bé phải nằm lại bơ vơ bên bờ suối. Người làng Tăng Xá, xã Tuy Lập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ lượm được mang về.

Bà Trần Kim Anh, vợ chính thức của ông Kiệt, và hai đứa con thơ, trúng bom, cùng chết mất tích trên sông Sài Gòn (lưu ý rằng bà Kim Anh là con gái một địa chủ ở miền Tây, không là Đảng viên, không nằm vùng, không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào của chồng, không có chính kiến chính trị). Võ Dũng con trai duy nhất còn lại cùa ông Kiệt và bà Anh, đi tập kết nghe tin mẹ và em chết, quyết về Nam để trả thù cho mẹ, chưa kịp trả thù, thì hy sinh khi đang bò qua hàng rào kẽm gai trinh sát.

Cũng khoảng thời gian đó, Phan Thanh Nam, vượt Trường sơn vào Nam tìm người cha ruột.
Gia đình ông Kiệt gần như xoá sổ. Bạn đọc nhận ra sự khốc liêt và tàn bạo của chiến tranh. Cái giá phải trả của mỗi gia đình Việt Nam nói chung, và gia đình ông Kiệt nói riêng là quá đắt. Chúng ta có quyền chất vấn ai đã đưa đẩy chúng ta đến cảnh nồi da sáo thịt này. Có cần thiết một cuộc chiến huynh đệ tương tàn như vậy hay không. Có con đường nào để thống nhất Việt Nam mà không cần đến súng đạn hay không.

Người đọc cũng bắt gặp cảnh các đồng chí đối xử với nhau rất nhẫn tâm qua hình ảnh bà Trần Thị Đức Thịnh, vợ ông Bách. Khi ông Bách thất sủng, bà Thịnh bị đẩy ra vỉa hè giữ xe gắn máy. Bà phải trùm khăn để không ai thấy mặt, đi rửa chén, áp tải xe chở sắt qua đêm để lấy tiền nuôi chồng con. Trung ương đã quỵt tiền lương của ông Bách. Cay đắng thay là ông Bách lại không biết, cứ tưởng vợ vẫn được Đảng trọng dụng, và Trung ương vẫn trả lương cho mình.

Hy Vọng
Quyền Bính giống nhữ một cỗ máy CT scan. Nó chỉ cung cấp những lát cắt hình ảnh của khối u trong cơ thể. Để nhận biết những hình ảnh này là tế bào dữ hay lành, tùy thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm người đọc. Tác giả Huy Đức đã không làm thay cho chúng ta việc đó. Hình như đó là dụng ý. Anh không “định hướng” bạn đọc như báo chí của Đảng đang làm.

Chữ “Hết” ở trang cuối của Quyền Bính đã hiện ra, nhưng tôi vẫn không tin vào mắt mình. Cảm ơn Huy Đức đã cho chúng ta một cơ hội ôn lại và suy ngẫm về những biến cố đã xảy ra trong đời mình. Cảm ơn anh về sự lao động nghiêm túc, kiên cường và công phu. Anh là người mở đường cho sự thực trở về, bất chấp sự che đậy, ngụy tạo của những người nắm quyền bính.

Nhà báo lão thành Bùi Tín nói Bên Thắng Cuộc đã đưa ra 1/3 sự thực. Nếu vậy, Việt Nam cần thêm hai người như Huy Đức nữa, thì sự thực sẽ được trả về đúng vị trí của nó. Chúng ta có quyền hy vọng.
19 tháng Giêng 2013
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt





No comments:

Post a Comment

View My Stats