Wednesday, 23 January 2013

HIẾN PHÁP LÀ NỀN TẢNG, CÒN NỀN TẢNG CỦA HIẾN PHÁP ? (TS Nguyễn Sỹ Phương)




TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
24-1-2013


Thế giới hiện đại coi hiến pháp là nền tảng pháp lý cho mọi nhà nước tồn tại và vận hành, bất kể là nhà nước gì, hiển nhiên như bất cứ ngôi nhà nào cũng phải có nền móng. Tới lượt nền móng lại được xây dựng trên nền tảng địa chất nào đó; hiến pháp nước nào cũng vậy, được xây dựng trên những nền tảng nguyên lý nhất định quyết định bản chất hiến pháp đó, được khoa học pháp lý dùng làm tiêu thức phân loại ngót 200 quốc gia trên thế giới đặc trưng bởi hiến pháp quốc gia họ. Ở các quốc gia Hồi giáo như Afghanistan, Iran, Mauretanien, Sudan, Pakistan…, hiến pháp đều dựa trên nền tảng kinh Koran. Điển hình như Hiến pháp Iran năm 1979, sửa toàn diện lần cuối năm 1989, gồm 177 điều, mở đầu: “Hiến pháp Cộng hoà Hồi giáo Iran phấn đấu tạo dựng các định chế văn hoá, xã hội, chính trị và kinh tế Iran theo các nguyên tắc cơ bản và quy ước đạo Hồi; nó phù hợp với tâm nguyện của cộng đồng Hồi giáo”. Bản chất hiến pháp chính là bản chất mối quan hệ qua lại giữa nhà nước và người dân do nó điều chỉnh; ở các quốc gia Hồi giáo trên, mối quan hệ đó thừa nhận ba chủ thể, với vai trò lãnh đạo tinh thần của giáo chủ, nhà nước nhân danh Hồi giáo quyết định trực tiếp mọi hoạt động văn hoá xã hội chính trị kinh tế, và người dân có bổn phận chấp hành, được bảo đảm bằng tín điều Hồi giáo, kinh Koran. Chính trị học phân loại những nhà nước quyết định trực tiếp mọi mặt hoạt động của người dân thuộc toàn trị, luôn phải phục tùng mệnh lệnh của một hoặc một nhóm người đứng đầu là độc tài; từ đó các quốc gia Hồi giáo trên bị tạp chí The Economist xếp chỉ số thứ hạng dân chủ dưới mức trung bình, đa phần thuộc nhóm chính thể chuyên chế.

Khác các quốc gia trên, nền tảng Hiến pháp Mỹ chỉ thừa nhận hai chủ thể, theo nguyên lý, người dân chứ không phải một hay một nhóm người hay bất cứ nhân danh gì, là chủ nhân nhà nước, có toàn quyền định đoạt nó, chứ không phải ngược lại; đảng phái, tôn giáo, tổ chức dân sự đều nằm trong phạm trù nhân dân chứ không phải trên hay ngoài nhân dân càng không phải nhà nước; được Đại hội Đại biểu 13 tiểu bang đưa vào tuyên ngôn độc lập trước đó: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo những quyền đó, chính phủ lập ra được trao quyền lực chính đáng dựa trên ý chí nhân dân; bất cứ lúc nào nếu chính quyền phá vỡ những mục tiêu trên, nhân dân đều có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc, tổ chức thực thi tốt nhất nhằm phục vụ cho hạnh phúc người dân”. Nguyên lý trên được Hiến pháp Mỹ khẳng định tiếp ở lời mở đầu: “Nhằm hoàn thiện Hợp Chúng Quốc, thực hiện quyền bình đẳng, bảo đảm ổn định xã hội, quan tâm bảo vệ đất nước, thúc đẩy lợi ích chung, gìn giữ tự do cho chính mình và thế hệ con cháu mai sau, nhân dân Mỹ lập nên bản Hiến pháp này cho nhà nước Hoa Kỳ”. Tức người dân định ra hiến pháp trao quyền lực cho nhà nước thực thi ý chí họ, chứ không phải để cai trị mình – một dấu hiệu bản chất của hiến pháp dân chủ. Hệ dẫn, phúc quyết được chính trị học coi là một dấu hiệu bắt buộc của một nhà nước dân chủ, bảo đảm tính chính danh cho nó, chứ nhà nước không phải vua chuá nghiễm nhiên có quyền lực; được Hiến pháp ta năm 1946 quy định thành văn, hoặc nhiều quốc gia khác mặc định, nghĩa là tự động thực hiện không cần viết vào hiến pháp; cũng giải thích cho thực tế, tại sao Hiến pháp mới Ai Cập trưng cầu dân ý vừa qua bị biểu tình chống kịch liệt, bởi thiên về Hồi giáo, gây lép vế cho những tôn giáo khác; tức không xuất phát từ ý chí toàn bộ tầng lớp nhân dân.

Nguyên lý dân chủ trên có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia, như Hiến pháp Liên bang Nga 1993 được thể hiện ở câu mở đầu: “Nhằm khẳng định tự do và quyền con người, ổn định và hoà hợp, gìn giữ thống nhất đất nước, xuất phát từ những nguyên tắc bình đẳng, tự chủ của người dân, tự hào với các bậc tiền nhân đã trao chúng ta tình yêu và ý thức đối với tổ quốc, tin tưởng vào bình đẳng bác ái, giữ vững chủ quyền đất nước, quyết tâm bảo vệ nền tảng dân chủ, phấn đấu vì một nước Nga hạnh phúc nở hoa, với trách nhiệm trước quê hương, mọi thế hệ, là một phần của cộng đồng thế giới, nhân dân đa sắc tộc Liên bang Nga số phận chung đã liên kết nhau trên cùng mảnh đất làm ra bản Hiến pháp này cho nhà nước Nga”.

Rút bài học từ trang sử đen tối nhất gây ra bởi chế độ Phát xít nhân danh ưu việt đưa dân tộc Đức lên vị trí thượng đẳng thống trị thế giới, nguyên lý dân chủ trên được Hiến pháp Đức năm 1946 thể hiện chi tiết tại Điều 20: “(1) Cộng hoà Liên bang Đức là nhà nước dân chủ và xã hội. (2) Tất cả quyền lực nhà nước đều từ nhân dân. Nó được nhân dân thực thi thông qua bầu cử và trưng cầu dân ý, và bằng các cơ quan chuyên về lập pháp hành pháp và tư pháp. (3) Lập pháp chịu ràng buộc bởi hiến pháp, hành pháp và tư pháp bởi luật và các chuẩn mực luật định. (4) Bất cứ ai có hành vi vi phạm những nguyên tắc trên, mọi người Đức đều có quyền chống lại, nếu các biện pháp khác đều không thể”. Ở đây nguyên lý dân chủ đã được biến thành quy phạm, tức những “chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự, đong đo đếm được”, như tại điểm (1): nhà nước họ là nhà nước dân chủ và xã hội; tại điểm (2), người dân bầu cử và phúc quyết; tại điểm (3): mọi cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép; tại điểm (4): nếu xảy ra vi phạm những nguyên tắc trên người dân có quyền chống lại, một khi cơ quan nhà nước không, hoặc không thể giải quyết.

Phạm trù nhà nước “dân chủ và xã hội” quy định tại điểm (1), tương tự như phạm trù nhà nước “xã hội chủ nghĩa”, hay nhà nước “cộng hoà hồi giáo”, được dùng chủ yếu trong khoa học chính trị, chỉ có thể phân biệt thông qua nhận thức về nội hàm và ngoại diên của chúng. Mà đã là nhận thức thì mang tính chủ quan, không phải những quy phạm “thước đo chuẩn mực cân đong đo đếm được” dùng trong các văn bản luật. Để khắc phục bất cập đó, Toà án Hiến pháp họ có chức năng giải thích Hiến pháp, lượng hoá phạm trù, khái niệm, thành những quy phạm, buộc cơ quan quyền lực nhà nước không thể làm theo nhận thức chủ quan của mình chệch ra khỏi phạm trù dân chủ, xã hội (sẽ được bàn đến trong chuyên đề Toà án Hiến pháp). Điểm (4) hàm chứa nguyên lý: người dân là chủ nhân được quyền làm tất cả đối với nhà nước (trừ những điều luật pháp cấm); họ có quyền can thiệp từ những hành xử thường nhật của chính quyền cho tới loại bỏ nó như Hiến pháp Mỹ ghi nhận. Cách thập niên trước, lúc tệ nạn bán thuốc lá lậu lan tràn Đông Đức mới tái thống nhất, tại Leipzig một đội cảnh sát chặn hai đầu một cầu vượt dưới là đường ô tô chạy ken kín, nhằm bắt gọn mấy người Việt bán thuốc lá lậu cho khách qua cầu trên đó, lập tức bị dân chúng đi đường quây cảnh sát lại giải toả cho nạn nhân, đòi đưa cảnh sát ra toà, bởi hành vi cảnh sát có thể dẫn tới bức tử họ liều chết nhảy xuống đường. Năm 2011, dưới áp lực của dân chúng truyền thông phản đối kịch liệt đòi miễn nhiệm, bị Quốc hội điều trần, Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Niedersachsen đã phải cho đón trở lại Đức một gia đình người Việt hai con đã sống ở Đức 20 năm bị trục xuất về nước vốn đúng luật được toà phán quyết; chỉ vì người dân cho rằng cơ quan nhà nước (kể cả toà án) đã hành xử vô nhân đạo không phù hợp bản chất dân chủ nhà nước họ được hiến định. Nói nhà nước của dân do dân vì dân được hiến định phải có giá trị trên thực tế như vậy.

Thụy Điển là Vương quốc được xếp hạng dân chủ số 1 thế giới, mặc dù trong mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân thừa nhận chủ thể thứ ba là vua truyền ngôi nhưng chỉ dưới dạng biểu tượng quốc gia; nguyên lý “tất cả quyền lực nhà nước đều từ nhân dân” được hiến pháp họ quy phạm hoá chi tiết hơn nữa tại điều 1: “Quyền lực người dân Thụy Điển được hình thành từ tập hợp các ý kiến biểu đạt tự do, quyền biểu quyết ngang nhau, nhà nước trung ương và cơ quan hành chính điạ phương phải biến thành hiện thực”. Chứ không phải cầm quyền muốn làm gì thì làm, cho dù với động cơ mang lại hạnh phúc cho người dân tốt đẹp tới mấy. Tại điều 2, mục đích vì dân của nhà nước, cũng được quy phạm hoá: “Cuộc sống văn hoá, kinh tế, việc riêng của mỗi một người (chứ không phải nhân dân chung chung – ND) là mục đích cao nhất trong hành xử hàng ngày của cơ quan nhà nước”; giải thích cho thực tế ở họ bất cứ quyết định nào của chính quyền đối với bất kỳ người dân nào đều phải ghi rõ người dân có quyền chống lại, hướng dẫn thủ tục thậm chí trợ cấp cả chi phí khiếu kiện đi lại luật sư nếu không đủ tài chính; chính quyền phải giải quyết trong thời hạn luật định, qúa hạn hoặc sai sẽ bị chế tài. Nói tuân thủ hiến pháp, không có nghĩa nhắm vào nhân dân mà nhằm vào nhà nước khi thực thi quyền lực như vậy.

Cũng thừa nhận 3 chủ thể, ở Đan Mạch gồm vua, nhà nước và nhân dân, nhưng nước họ đạt chỉ số thứ hạng dân chủ cao thứ 5 thế giới chính nhờ phân định vai trò độc lập trong bộ máy nhà nước, để bảo đảm người dân thực sự là chủ nhân đất nước; điều §3 Hiến pháp năm 1953, quy định: “Quốc hội cùng Vua giữ vai trò lập pháp”, “Vua giữ chức năng hành pháp” nhưng “toà án đảm bảo chức năng tư pháp độc lập”. Chức năng hành pháp lại được Điều §13 phân định “Vua không thể truy cứu trách nhiệm, bất khả xâm phạm”, nhưng “các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm đối với điều hành của chính phủ bằng một bộ luật”. Nghĩa là bất cứ quan chức nào sai phạm đều bị chế tài, không thể đổ cho Vua.

Hiến pháp Liên Xô 1977 sửa lần cuối năm 1990 được xây dựng dựa trên nền tảng “nguyên lý Chủ nghĩa Xã hội”, “học thuyết chủ nghĩa cộng sản”, với 3 chủ thể phù hợp nguyên lý đó, khái quát trong lời mở đầu: “Cách mạng tháng 10 đã tạo dựng được nền chuyên chính vô sản, lập ra nhà nước kiểu mới Xô Viết là công cụ chính bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đội tiên phong của nhân dân”. “Các nước Cộng hoà Liên Xô huy động lực lượng và khả năng nhân dân xây dựng nó”.

Nền tảng nguyên lý trên cũng được phản ảnh trong phần mở đầu Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, sửa đổi ngày 14.3.2004, cũng với 3 chủ thể: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được dẫn dắt bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, học thuyết Đăng Tiểu Bình, và thuyết Ba Đại diện, quần chúng nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiếp tục giữ vững chuyên chính vô sản, trên con đường Xã hội Chủ nghĩa… biến Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ và hạnh phúc”.

Nền tảng Hiến pháp nước ta năm 1946, có thể so sánh với Hiến pháp Hoa kỳ, khi bản Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 làm nền tảng cho nó, được mở đầu trích từ Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Mối quan hệ giữa nhà nước có chức năng thực thi quyền lực dân trao theo ý chí họ, và người dân có quyền loại bỏ chính quyền cũ, lập mới trong nền tảng Hiến pháp Mỹ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích đơn giản mộc mạc cho người dân dễ hiểu, khi bàn về nó: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”. Vấn đề chỉ còn nằm ở cơ chế nào để thực hiện nguyên lý đó, chính là nhiệm vụ các điều khoản trong hiến pháp phải giải quyết, chứ không thể trông chờ vào nhận thức đạo đức cá nhân người hành xử.

So với Hiến pháp gốc 1992 có 12 chương, 147 điều, Dự thảo sửa đổi ở ta hiện nay chỉ còn 11 chương, 124 điều; giảm 1 chương, bớt 23 điều, trong đó sửa 99 điều, bổ sung mới 11 điều và chỉ giữ lại nguyên vẹn 14 điều, tức còn lại chưa tới 10% hành văn hiến pháp cũ, nghĩa là sửa đổi toàn diện, có ý nghĩa như thay mới. Vì vậy, tính chất và lý do sửa đổi hoàn toàn khác với sửa một vài điều như Hiến pháp Mỹ hay Đức do họ nếu không sửa, luật ban hành liên quan sẽ bị bác bỏ, vốn ở ta chưa bao giờ xảy ra, để phải sửa như họ. Một bản hiến pháp chỉ được coi là thay mới một khi thay đổi nền tảng nguyên lý đẻ ra nó, nếu không hoặc các điều khoản sửa đổi sẽ xa rời nền tảng nguyên lý cũ, hoặc chứng tỏ nền tảng cũ bất định, các điều khoản xây dựng trên nó sửa thế nào cũng được. Và cũng chỉ khi xác định được nguyên lý nền tảng, lấy nó làm thước đo mới có thể đánh giá 124 điều khoản xây dựng từ đó là đúng hay sai, nếu không hoặc như “đẽo cày giữa đường” hoặc như “thầy bói xem voi”.

Vậy Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ta hiện nay dựa trên nền tảng nguyên lý nào? Nguyên lý đó đã thực đúng xuất phát từ ý chí nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân? Thuộc dạng hiến pháp quốc gia nào nêu trên, hay hoàn toàn khác biệt họ, hay đã chắt lọc được mọi tinh túy từ họ ? Bởi nhân loại ngày nay sống trong thời đại hội nhập toàn cầu lấy thế giới làm thước đo; Việt Nam quan hệ với mọi quốc gia trên thế giới luôn giao thoa với hiến pháp họ; chưa nói “một bộ phận không thể tách rời dân tộc Việt Nam” chiếm tới 1/20 người Việt, lưu trú khắp thế giới do hiến pháp các quốc gia khác điều chỉnh; đồng nghĩa con người Việt Nam sống với nhiều hiến pháp khác nhau, chứ không phải một! Có thể phân tích 124 điều khoản Dự thảo để xác định trở lại nền tảng nguyên lý xây dựng nên nó, trả lời cho các câu hỏi trên.

N. S. P.

(Bài gốc của tác giả, đã đăng trên tạp chí Tia sáng)

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.





No comments:

Post a Comment

View My Stats