Thursday 3 January 2013

GÓP Ý VỚI NHÀ BÁO NGUYỄN ĐỨC HIỂN về "BÊN THẮNG CUỘC" (Trương Đình Trung - Dân Luận)




Trương Đình Trung
Thứ Năm, 03/01/2013

Theo tôi, quyển Bên Thắng Cuộc (BTC) không phải là môt quyển sách lịch sử. Huy Đức đã không có chủ ý tự biến mình thành một sử gia. Quyển sách, tuy nói về một giai đoạn lịch sử, được viết theo phong cách một phóng sự trường thiên của một nhà báo. Tác giả đã viết với tư cách đó về một giai đoạn lịch sử, nhưng theo góc độ nhận định của bản thân, không chịu gò bó trong lối nhìn chính thức của chế độ hiện thời.

Tôi không đồng ý với một số điểm của Nguyễn Đức Hiển nêu ra trong bài báo trên Pháp Luật TP Hồ Chí Minh:

1. Nỗ lực chống Pháp không chỉ là của riêng của đảng CSVN, mà là của chung của mọi người Việt Nam thuộc nhiều khuynh hướng chính trị. Trong cuộc đấu tranh ấy, đảng CSVN đã luôn cố giành độc quyền lãnh đạo, tìm cách thủ tiêu, loại trừ những chính đảng khác, những chính khách khác, không cùng chính kiến với mình. Vì lý do đó, những chính đảng và những người Việt Nam không chấp nhận chủ trương CS đã phải tìm cách củng cố một Miền Nam riêng cho những người-Việt-Nam-không-CS. Chính điều này, đến lượt nó, nêu rõ sự khác biệt giữa hai cuộc chiến tranh: Cuộc Kháng Chiến chống Pháp từ 1946-1954, và Cuộc Nội Chiến Nam-Bắc từ 1960-1975. Khi cố gắng xoá mờ sự khác biệt giữa hai cuộc chiến đó, Hiển đã chỉ lặp lại luận điệu xuyên tạc lịch sử đã có từ lâu của đảng CSVN mà thôi; luận điệu đó cố tình đồng nhất giữa đảng CSVN và toàn dân tộc VN, phủ nhận một sự thật lịch sử là đã từ lâu có hàng triệu triệu người VN, khi đã biết rõ bản chất của CS, đã không chấp nhận chủ nghĩa ấy và muốn xây dựng VN theo chế độ nhân bản và dân tộc hơn. Và sự sụp đổ của hệ thống các nước CS từ năm 1991 cho đến nay chứng tỏ hùng hồn rằng những người VN không CS, tức những người quốc gia, đã có lựa chọn đúng đắn về chế độ chính trị. Việc "Đổi Mới" và thực chất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay lại càng là bằng chứng khác, hùng hồn hơn, về sự lưạ chọn đúng đắn đó.

2. Đề cập đến vấn đề tù cải tạo trong sách BTC, Nguyễn Đức Hiển đem sự ngược đãi của nhà tù VNCH đối với các tù chính trị VC ra bào chữa cho chính sách tập trung "cải tạo" vô nhân đạo của nhà cầm quyền CS,sau 1975. Làm như vậy, Hiển đã phạm hai sai lầm:

- Lấy cớ người kia làm điều xấu, rôi mình làm xấu theo là nguỵ biện. Cứ cho rằng chế độ tù của VNCH đối với VC là độc ác và tàn bạo đi. Nhưng không lẽ điều đó đủ biện minh cho sự hành xử vô nhân đạo của nhà cầm quyền CS, sau 1975, đối với sĩ quan và viên chức Miền Nam?

- Nhà tù của VNCH đối với các cán bộ VC nằm trong bối cảnh khi cuộc chiến đang diễn ra, hai bên đang đánh nhau chí tử. Trong lúc đó, các trại "cải tạo" của nhà cầm quyền CS đối với sĩ quan MN nằm trong khung cảnh khi chiến tranh đã kết thúc, quân đội miền Nam đã đầu hàng hoàn toàn, không còn kháng cự nữa. Như vậy việc đem hai điều đó ra so sánh là sai, không những về lý luận mà cả về đạo đức.

Đã gần 40 năm qua rồi kể từ khi kết thúc chiến tranh, người VN ở khắp nơi nên nỗ lực thoát ra khỏi các định kiến, tạo ra do sự tuyên truyền xuyên tạc, thành tâm nhìn vào những sai lầm đã qua, nỗ lực đến với nhau trong tinh thần hoà giải, đoàn kết toàn dân tộc, rủ bỏ những gì ngoại lai đã gây ra vô số tổn hại vật chất-tinh thần cho Đất Nước, đoàn kết nhau lại để đối đầu với hiểm hoạ ngàn đời phương Bắc đang sừng sững trước mắt.

Có thể không đồng ý với Huy Đức, nhưng nên để cho tiếng nói của Huy Đức được cất lên tự do, mà không nên cấm đoán. Nếu muốn những tiếng nói như của Huy Đức không rơi vào phiến diện, không chính xác thì hay nhất là những ai không đồng ý với anh ta, như Nguyễn Đức Hiển chẳng hạn, cũng cần phải tỏ ra khách quan và công minh trong nhận định về lịch sử của mình một cách tương xứng.

---------------------------------------

1-1-2013






No comments:

Post a Comment

View My Stats