Fri, 01/18/2013 - 00:28 — songchi
Báo Dân Trí có bài “Thanh niên Việt đang
đọc gì” nói về tình trạng văn hóa đọc đang xuống cấp một cách thê thảm
trong giới trẻ VN.
Thật ra, việc đại đa số giới trẻ VN lười
đọc sách hoặc chỉ đọc những thứ dễ đọc như truyện tranh, truyện tình cảm nhẹ
nhàng của các tác giả VN, TQ thuộc thế hệ 7X, 8X, hay các tác phẩm theo trào
lưu, như trong bài báo đề cập, là một thực tế không mới.
Rất ít em bỏ thời giờ để đọc say mê những
cuốn tiểu thuyết kinh điển hoặc tiểu thuyết đương đại có giá trị của những tác
giả lớn trong làng văn VN và thế giới, mặc dù có khá nhiều tác phẩm của những
tác giả như vậy đã được dịch sang tiếng Việt. Ví dụ, các nhà văn Nga Leo
Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky, Anton Chekhov, Alexei Tolstoy, Ivan Turgenev…, các
nhà văn Pháp Victor Hugo, Honoré de Balzac, Stendhal…, các nhà văn Mỹ Ernest
Hemingway, Jack London, Toni Morisson, Harper Lee…, các nhà văn Đức Heinrich
Böll, Hermann Hesse, Günter Grass…, các nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe, Murakami
Haruki…, hay Gabriel Garcia Marquez-nhà văn Colombia, Orhan Pamuk-nhà văn Thổ
Nhĩ Kỳ, Paulo Coelho-nhà văn Brazil, Mo Yan tức Mạc Ngôn-nhà văn người Trung
Quốc v.v và v.v….
Một số người thường đổ lỗi rằng thời đại
bây giờ có nhiều thứ hấp dẫn hơn như trò chơi điện tử, internet với những trò
chat chit, các trang mạng xã hội…nên giới trẻ lười đọc sách/đọc truyện hơn các
thế hệ ông bà, bố mẹ. Tôi không nghĩ như vậy. Ở các nước dân chủ phát triển
trên thế giới mà tôi đã từng có dịp đi qua hoặc ngay ở Na Uy nơi tôi đang sống,
tôi vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh mọi người trong đó có các bạn trẻ mê mải đọc
truyện trên metro, xe lửa, trong phòng chờ máy bay hay khi ngồi một mình trong
quán café. Việc giới trẻ nhìn chung lười đọc sách, không những thế, văn hóa đọc
đang xuống cấp một cách thê thảm ở VN, có nguyên nhân của nó.
Nguyên nhân thứ nhất là do môn văn ở bậc
trung học chỉ giới thiệu văn học VN (trong đó, phần nặng nhất, chiếm nhiều thời
gian nhất là văn học cách mạng VN, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa VN), nếu
có giới thiệu văn học nước ngoài thì cũng rất ít và chỉ giới thiệu trích đoạn
của một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn, thơ.
Về mảng văn học cách mạng VN, văn học hiện
thực xã hội chủ nghĩa VN, người viết bài này không có ý kiến là hay hay dở,
nhưng rõ ràng phần lớn những tác phẩm ấy không còn phù hợp với tâm tình, suy
nghĩ của các em bây giờ nên các em không cảm thấy hứng thú. Lại thêm chương
trình học thường chỉ giới thiệu trích đoạn, phương pháp dạy theo kiểu
giảng-chép-học thuộc lòng làm học sinh đâm lười suy nghĩ và lâu dần hết hào
hứng với môn Văn và tác phẩm văn học nói chung.
Đối với văn học nước ngoài, học sinh trung
học ở VN không hề được làm quen với những tuyệt tác của những tác giả lớn, cổ
điển và đương đại của thế giới, như một số tác giả đã kể trên và các tác giả
như Mark Twain (tác phẩm The Adventures of Tom Sawyer, Adventures of
Huckleberry Finn),Charles Dickens (The Adventures of Oliver Twist, David
Copperfield), John Steinbeck (Of Mice and Men, The Grapes of Wrath, East
of Eden), J. D. Salinger (The Catcher in the Rye), F. Scott
Fitzgerald (The Great Gatsby), George Orwell (Animal Farm, Nineteen
Eighty-Four), Chinua Achebe (Things Fall Apart), Jane Austen (Sense
and Sensibility, Pride and Prejudice)… Đây là những tác giả mà trong chương
trình bậc trung học môn English-American Literature ở các nước, học sinh thường
được giới thiệu. Những tác phẩm tuyệt vời của họ sẽ khiến cho học sinh say mê
văn học, từ đó có thói quen đọc sách.
Trong khi đó, học sinh VN, vốn đã không
được làm quen với việc đọc những tác phẩm thuộc loại phải suy nghĩ ngay từ khi
học trung học, nếu trong gia đình người lớn cũng không thích đọc sách và khuyến
khích con em đọc sách, chọn sách hay mà đọc thì các em lười đọc là điều dễ hiểu.
Nếu đi vào các hiệu sách thuộc loại lớn
nhất, tại hai thành phố lớn nhất VN là Sài Gòn, Hà Nội, chúng ta có thể thấy
nếu so với thời bao cấp, sách các loại nói chung và sách văn học nói riêng bây
giờ được in ấn đẹp đẽ, các đầu sách văn học trong nước cho đến nước ngoài được
xuất bản tương đối nhiều, đủ loại thượng vàng hạ cám. Giữa một rừng sách hỗn
độn đó, các bạn trẻ sẽ khó tự mình chọn được sách hay, có giá trị nếu như không
phải là dân thích đọc sách, biết đọc sách, và sẽ bập vào những tác phẩm, tác
giả có tính trào lưu.
Chẳng hạn, có một thời ở VN hàng loạt tác
phẩm của nhà văn Pháp Marc Levy được dịch và khi Marc Levy được mời sang VN
nhân Ngày hội đọc sách Pháp 2008, chứng kiến sự hồ hởi xúc động của đông đảo
bạn đọc trẻ, bản thân nhà văn cũng ngạc nhiên. Vì thật ra Marc Levy không hề
được đánh giá cao ở Pháp và trên thế giới, mặc dù những cuốn tiểu thuyết tình
cảm lãng mạn của ông thường thuộc loại best-seller.
Do vậy, nếu các tờ báo lớn giữ được đều đặn
mục điểm sách, giới thiệu những tác phẩm văn học chất lượng, bởi những cây bút
phê bình có giá trị thì cũng giúp cho các bạn trẻ dễ định hướng khi chọn sách
giữa một rừng sách, hoặc hào hứng muốn tìm mua cuốn sách hay vừa được giới
thiệu.
Cuối cùng là giá một cuốn tiểu thuyết,
tuyển tập truyện ngắn hay sách phê bình, nghiên cứu ở VN, khoảng vài ba trăm
ngàn đồng, có khi nhiều hơn, tính theo túi tiền của phần đông các bạn trẻ là
không rẻ. Có thể có những em yêu thích văn học, muốn đọc sách nhưng lại không
đủ tiền để mỗi tháng rinh về nhà vài ba cuốn. Các thư viện ở VN lại cập nhật
rất chậm sách mới. Đó là ngay ở hai thành phố lớn nhất nước, và tại những thư
viện lớn, còn cỡ thư viện quận hay đi về các thành phố nhỏ, tỉnh lẻ thì thư
viện càng nghèo nàn, hẩm hiu.
Nhưng suy cho cùng, trong một xã hội mà cái
gì cũng đang xuống cấp, cái gì cũng có “vấn đề” thì việc giới trẻ lười đọc sách
hoặc chỉ đọc những loại sách dễ đọc, không có giá trị về mặt văn chương, tư
tưởng, thậm chí sách tào lao nhảm nhí có hại đi nữa, cũng chỉ là…chuyện bình
thường!!!
No comments:
Post a Comment