Lê Phan
Friday,
January 04, 2013 5:20:04 PM
Cũng
những cuộc họp thượng đỉnh kéo dài thâu đêm, cũng những thỏa thuận đạt được vào
lúc quá nửa đêm, Âu Châu đang nhìn qua bờ Ðại Tây Dương và thấy chính trị Hoa
Kỳ cũng chẳng khác gì chính trị của họ.
Trong
suốt ba năm vừa qua, phải nói là các lãnh tụ Hoa Kỳ đã nhìn vào lề lối Âu Châu
giải quyết cuộc khủng hoảng đồng Euro một cách khinh khi. Từ Tòa Bạch Ốc đến
Ðiện Capitol, người ta tỏ ra không thể hiểu nổi tại sao các chính trị gia Âu
Châu lại thiếu khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế đến thế. Họ không hiểu
tại sao các chính trị gia Âu Châu ghiền giải pháp giờ chót và ngắn hạn. Và họ
bày tỏ ngạc nhiên tại sao các lãnh tụ lão thành của những quốc gia lâu đời lại
không thể nào đồng ý nổi cho một chiến lược lâu dài cho đồng tiền chung Âu
Châu.
Ở
Âu Châu này không ai chối cãi là những lời chỉ trích đó sai. Nhưng nhìn sang
bên kia bờ đại dương, Âu Châu nghĩ Hoa Kỳ nên sờ lên gáy. Nền kinh tế Hoa Kỳ
không đến nỗi tệ hại như ở Âu Châu, nhưng sự thất bại của các chính trị gia,
tiêu biểu là dàn xếp quá giờ thứ 11 để tránh cái thảm họa được gọi là “fiscal
cliff”, đã cho thấy vấn đề của Washington cũng chẳng mấy khác vấn đề của khu
vực đồng Euro. Ðiều mỉa mai hơn nữa là cũng như Âu Châu, cái gọi là cuộc khủng
hoảng này thực ra là tự tạo, chẳng ai làm cho mình mà tự mình gây nên vấn đề
cho mình.
Hoa Kỳ đang giống Âu
Châu ở nhiều điểm.
Trước
hết là không làm sao vượt ra khỏi được những giải pháp vá víu. Cuộc khủng hoảng
đồng Euro đã ngày càng trầm trọng chỉ vì các chính trị gia Âu Châu liên tục
không làm sao giải quyết được những điểm yếu kém về cơ cấu của đồng tiền chung.
Thay vì vậy họ đưa ra liên tiếp một loạt những giải pháp tạm bợ, thường được
điều đình đến quá nửa đêm. Vấn đề của Hoa Kỳ không phải như vậy. Thay vì đối
diện với một cuộc khủng hoảng nợ tức thời, như nhiều quốc gia Âu Châu đang gặp
phải, Hoa Kỳ cần giải quyết một lỗ hổng dài hạn giữa lợi tức thâu từ thuế và
những hứa hẹn công chi, đặt biệt là trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe, trong khi
đừng bóp nghẹt nền kinh tế quá mức trong ngắn hạn. Nhưng các chính trị gia nay
cũng như ở Âu Châu, đã trở thành ghiền cái trò “để lại hậu xét”.
Thỏa
thuận lần này, đạt được sau những phiên họp “thượng đỉnh” liên miên vào đêm
Giao Thừa Dương lịch, thông qua bởi Thượng Viện vào những giờ đầu tiên của Năm
Mới và bởi Hạ Viện sau đó trong ngày, đã giúp tránh được viễn ảnh đáng sợ của
một cuộc suy thoái thứ nhì. Và cũng như các cuộc họp thượng đỉnh để giải quyết
các cuộc khủng hoảng ở Âu Châu, nó đã tạm thời tránh được thảm họa: Thay vì rút
ra khỏi nền kinh tế đã cạn kiệt nếu rơi xuống vực thẳm 5% thì con số đó nay sẽ
là một sự xiết chặt tài chánh trên 1% vào năm 2013. Thị trường mừng hú.
Nhưng
được bao lâu? Họ chỉ hoãn chứ nào có chấm dứt việc tự động cắt giảm trong hai
tháng, vào đúng lúc mà Quốc Hội sẽ cũng phải bỏ phiếu nâng trần nợ nếu Bộ Tài
Chánh có tiền để trả nợ. Như vậy chúng ta sẽ lại chứng kiến thêm nữa những màn
đu dây mà chính Tổng Thống Barack Obama cũng đã phải bảo “làm mọi người sợ hết
hồn”.
Dĩ
nhiên cũng như ở Âu Châu, cái băng keo tạm kéo dài hai tháng đó không giải
quyết được tí gì cả. Nếu nhìn qua bất cứ một lăng kính nào khác ngoài thời hạn
hai tháng thì đó chỉ là một sự thất bại tệ hại. Dàn xếp sau cùng thu được ít
thuế hơn là đề nghị của Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner đưa ra trong khi điều
đình. Và nó không bao gồm bất cứ một cải tổ nào về vấn đề an sinh mà Tổng Thống
Obama đã có lúc chuẩn bị tính đến.
Lý
do của kết quả đáng buồn này là vì ảnh hưởng quá mức của những nhóm quyền lực,
một sự việc vẫn thường xuyên xảy ra ở Âu Châu. Sự việc là Âu Châu không làm sao
vượt lên nổi khỏi quyền lợi hạn hẹp của mỗi quốc gia, dầu cho là qua việc ai
chi tiền cứu nguy hay ai kiểm soát ngân hàng, đã làm cho họ không làm sao có
được những thỏa thuận dung hòa cần thiết để bảo đảm cho tương lai của đồng tiền
chung. Các vị trong hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở Hoa Kỳ có vẻ cũng chứng tỏ
không thể nào đạt được một thỏa thuận bao quát, cả hai đều bị thúc đẩy bởi các
nhóm cực đoan và quá tập trung vào việc đạt nhượng bộ từ phe bên kia để có thể
hợp tác bền vững nhằm bảo đảm tương lai ngân sách cho quốc gia.
Còn
một điểm tương đồng nữa là việc các chính trị gia đã không làm sao thành thực
được với cử tri. Cũng như Thủ Tướng Angela Merkel và Tổng Thống Francois
Holland tránh không dám nói thực với người Ðức và người Pháp về những điều gì
cần làm để cứu nguy cho đồng tiền chung, cả ông Obama lẫn các lãnh tụ Cộng Hòa
đã không đủ can đảm để nói với người Mỹ về những gì cần phải làm để giải quyết
cái mớ bòng bong ngân sách hiện nay. Bên Dân Chủ giả vờ cho là không cần có
thay đổi gì cho Medicare hay Social Security. Giải pháp của bên Cộng Hòa cũng
nực cười không kém, luôn bao gồm những cắt giảm công chi không được nói rõ là
cắt từ đâu, và họ coi tăng thuế là xã hội chủ nghĩa. Mỗi bên chỉ thích lên án
phe bên kia, củng cố cho sự phân cực vốn đã ngăn cản tiến bộ.
Những
người lạc quan dĩ nhiên bảo là Hoa Kỳ sẽ khó mà phải đối diện với một cuộc
khủng hoảng nợ kiểu Âu Châu trong tương lai gần, nhưng ngọn lửa chậm tự nó cũng
là một vấn đề. Một trong những ảnh hưởng phụ của cuộc khủng hoảng ở Âu Châu là
nó bắt các quốc gia trong và ngay cả ngoài khu vực đồng Euro tăng tuổi về hưu
và không hứa hẹn quá mức về hưu bổng hay y tế. Nhưng về lâu về dài thì vấn đề
sẽ bùng lên. Ấy là chưa kể ngân sách quốc phòng. Với Medicare, Social Security
và Quốc Phòng chiếm gần hết ngân sách, không cắt giảm những khoản này mà nhất
định đòi cắt phần còn lại thì thật khó hiểu.
Ðiều
đáng buồn nhất của thỏa thuận tuần này là có vẻ như hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ
không thấy ảnh hưởng tai hại của tranh chấp nhỏ mọn đảng phái cho đất nước họ.
An ninh quốc gia không phải chỉ nằm ở số xe tăng, tàu thủy, phi cơ hay hỏa tiễn
mà một quốc gia sở hữu. Chính vì không làm sao giải quyết nổi cuộc khủng hoảng
đồng Euro, vị thế của Âu Châu trên trường thế giới đã xuống đến đất đen. Câu
hỏi được đặt ra là tại sao các quốc gia khác tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hoa
Kỳ, khi Hoa Kỳ có vẻ không có đủ khả năng để giải quyết bất cứ một vấn đề nào
trong nước? Và trong khi các nền dân chủ Tây phương, từ Âu Châu đến Hoa Kỳ tê
liệt, Trung Quốc đang có những quyết định để tiến tới.
Nguy
hiểm lắm thay.
No comments:
Post a Comment