Tuesday, 1 January 2013

CỨU NGƯỜI . . . BỊ MẤT MẠNG, CÒN AI DÁM LÀM "LỤC VÂN TIÊN"? (Khánh Tường)




Khánh Tường  (kienthuc.net)
Cập nhật lúc 19:36 01/01/2013 (GMT+7)

(Kienthuc.net.vn) – Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, hành vi giúp người khác bị vạ lây chỉ là một sự cố nhưng giữa cái an toàn và hiểm nguy…, nhiều người đã chọn phương án không quan tâm.

Khi một số người chưa hết ám ảnh vị trí 13 thế giới về vô cảm mà hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố đầu tháng 12 thì nhiều người dân TP HCM lại chứng kiến một cảnh tượng đau lòng xảy ra vào những ngày cuối cùng của năm 2012. Nạn nhân là Phạm Đức Linh (27 tuổi, quê tỉnh Long An), sinh viên năm cuối trường đại học Giao thông vận tải TP HCM bị sát hại dã man sáng 25/12 sau khi cứu giúp đôi nam nữ gặp tai nạn giao thông. Sự việc trớ trêu này khiến nhiều người lo ngại rằng, khi trật tự an ninh ngày càng bị đảo lôn, con người sẽ càng trở nên vô cảm để bảo toàn tính mạng?

“Tôi đọc báo thấy tin này mà rùng mình vì sự dã man, vô nhân tính của nhóm côn đồ kia. Hành động đó cho thấy, chúng đã mất hết tính người, không phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác. Thật buồn, sự việc đau lòng này lại xảy ra vào đúng thời điểm cả nước đang háo hức chờ đón năm mới với những điều tốt lành. Nếu những hành vi giết người tương tự còn tái diễn, e rằng người đi đường sẽ ngày càng thờ ơ với người bị nạn vì họ sợ tính mạng bản thân bị đe dọa”, anh Nguyễn Tiến Hưng (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) lo ngại.

Đồng quan điểm, chị Trần Hương Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, những người chứng kiến cảnh nam sinh viên bị giết hại sẽ còn bị ám ảnh bởi cảnh tượng đó một thời gian dài. Nguy hại hơn, khi gặp người bị nạn, họ sẽ phải đắn đo, “ngó trước ngó sau” trước khi quyết định cứu giúp.

“Không ít người đã phàn nàn rằng, họ gặp phiền hà khi cứu giúp người gặp nạn, giờ lại có người chết oan thì còn ai giám làm Lục Văn Tiên nữa?”, chị Giang chia sẻ.

Trao đổi với Kiến Thức, phó giáo sư – tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, giảng viên trường Đại học Sư phạm TP HCM cũng cho rằng, cái chết của sinh viên Phạm Đức Linh khi giúp đỡ người bị nạn là một trong những sự việc đau lòng.
“Nó minh chứng cho hành vi thiếu tính nhân văn cũng như sự hạn chế về nhận thức hướng đến những giá trị đạo đức, giá trị làm người của một nhóm ít người trong xã hội. Ở một góc độ khác, nó minh chứng cho sự nổi loạn về hành vi, sự thiếu chuẩn mực trong hành xử… Khi con người làm tổn thương hay làm người khác bị mất mát, lại có thể kéo theo những người vô tội hay thậm chí đó là những cá nhân biết tương thân , tương trợ… Hành vi ấy thật đáng lên án!”, tiến sĩ Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, không phải bao giờ hành vi giúp người khác cũng bị vạ lây hay bị tai nạn… Đó chỉ là một sự cố hay một hoàn cảnh thiếu may mắn… Những hành vi nhân ái luôn được tôn vinh, lan tỏa…

“Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng giữa cái thật và giả, giữa cái an toàn và hiểm nguy… nhiều người đã chọn phương án không quan tâm. Đó cũng chính là thái độ cân nhắc tiêu cực của không ít người khi niềm tin về cái thiện, về sự nhân ái của con người có phần bị ảnh hưởng. Cũng chưa thể kết luận đó là sự vô cảm nhưng rõ ràng, con người đã nảy sinh nhu cầu tự vệ một cách chính đáng dù rằng đôi lúc không hoàn toàn hợp lý”, ông Sơn phân tích thêm.

Từ đó, ông Sơn cho rằng, chính nhu cầu tự vệ thôi thúc người ta cứ lờ đi, đừng quan tâm… Nhu cầu ấy xuất phát tự thân bằng nhận thức dần chuyển sang thái độ và khi hành vi, biểu hiện hành vi xuất hiện thì hành động vô cảm dường như đã xác lập.

TIN BÀI LIÊN QUAN






No comments:

Post a Comment

View My Stats