Tuesday 15 January 2013

"CÁC NGƯƠI CHỚ QUÊN. . ." (Nguyễn Hồng Tâm)




Nguyễn Hồng Tâm
151-2013

Bài viết về cuộc trò chuyện của Thượng tướng Nguyễn Chí Vĩnh với báo Tuổi trẻ trước thềm năm mới 2013 với nhan đề “Không ai quên lợi ích Quốc gia ,dân tộc “ báo mạng đã bình luận quá nhiều rồi ! Nói thẳng ra đó là sự ngụy biện cho vị thế hèn kém của Nhà nước Việt Nam trước sự chèn ép xâm lấn biển đảo ngày càng trắng trợn của Chính quyền Bắc Kinh hiện nay.

Cái tính ngụy biện lên đến cực điểm là mục nói về “ý thức hệ”, Thượng tướng nói rằng: “Di sản quý báu hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc là sự tương đồng của ý thức hệ”. Nôm na có thể hiểu ra rằng : Quan hệ của Hai nhà nước Trung- Việt hiện vẫn là quan hệ của những người cộng sản, cùng chung lý tưởng là “đồng chí”, là 16 chữ vàng v.v…Mà đã là hướng về lý tưởng cộng sản thì tâm điểm là quyền lợi giai cấp, biên giới quốc gia so với quyền lợi giai cấp không là cái đinh gì cả ! Tôi không dám tranh luận về những vấn đề cội nguồn của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và ý nghĩa thực tiến của nó. Nhưng trong cái thực tế của mối quan hệ Trung-Việt và cái gọi là cùng chung một di sản quý báu –“ý thức hệ”,tôi xin có vài lời bàn như sau:

Năm 1969, lúc đó tôi 12 tuổi học lớp 5, dù còn nhỏ tuổi nhưng cũng như bao đội viên TNTP khác cùng thế hệ, tôi cũng đã nhận biết thế nào là “phe ta” và “phe địch”, CNXH và CNCS tốt đẹp ra sao. Chính vì vậy mà đọc di chúc Bác Hồ tôi vẫn cứ vấn vương hoài với đoạn: “Tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”. Tại sao đều xây trên nền tảng là Chủ nghĩa Mac-Lê Nin mà sao họ cứ bất hòa cứ mất đoàn kết hoài, thế thì “phe ta” bao giờ mới thắng được? Rồi khi bình bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu đến hai câu thơ : “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” thì thầy giáo có “nói nhỏ” tức là nghe thôi, đừng có ghi : đó là sự so sánh giữa Bác Hồ của chúng ta với Mao Trạch Đông.

Thầy giải thích :ở Trung Quốc, tượng Mao dựng đầy đường, huy hiệu Mao các cỡ nhiều vô kể, đến nỗi tràn sang cả vùng ven biên giới nước mình, trẻ con mình chơi trò đánh đáo, lấy Mao to đè lên Mao nhỏ …Tức là thầy phê phán chủ nghĩa sùng bái cá nhân bên đó. Và từ đó , chúng tôi không còn hát bài “ Việt Nam- Trung Hoa núi liền núi ,sông liền sông” nữa. 1972, khi Ních Xơn sang thăm Bắc Kinh,ông nội tôi mở lén nghe đài BBC và…người lớn (tuy ở nông thôn) biết hết, bàn tán về sự phản bội của Bắc Kinh về sự khinh bạc của họ đối với Việt Nam.

Vào đại học, dạy môn Triết chúng tôi là một thầy giáo rất hay, đến bây giờ những bài học về Duy vật biện chứng tôi còn nhớ được rất nhiều, như các cặp phạm trù, như” cái chung nằm trong cái riêng’ , như “hình thức và nội dung” v.v…Khi giảng về Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn , thầy có nói về quan điểm sai lầm của Trung Quốc là mâu thuần đối kháng liên tục, triệt tiêu nhau mãi cho đến khi còn lại ….mỗi mình Mao ! Chúng tôi biết thêm về hồng vệ binh công cụ đàn áp của CCVS Trung Quốc trong Đại cách mạng văn hóa, biết thêm về những cuộc hành xác kinh khủng đối với đội ngũ trí thức bên họ, biết thêm về những chiến dịch kiểu như diệt chim sẻ. Thầy nói đó là sự ấu trĩ, duy lý trí…Thế mà một lần thăm thầy tại một khu tập thể giáo viên tồi tàn, thầy tâm sự: “Tôi dạy về chủ ngĩa Mác –Lê Nin nhưng tôi lại thấy rất …mơ hồ”.

Nhưng nói gì thì nói chứ không thể phủ nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc, chúng tôi biết trang bị của các anh bộ đôi lúc bấy giờ từ đầu đến chân là của ai chứ? Chúng tôi biết trong cuộc sống hàng ngày, cái kim sợi chỉ là của ai chứ ! Và có lẽ mọi người Việt Nam, từ nguyên thủ quốc gia cho đến dân thường , vẫn chỉ nghĩ những mâu thuẫn, bất hòa trong “phe ta” chỉ là tạm thời thôi, chưa ai nghĩ đến một chữ “ngờ”.

Sang năm 1975, mọi hoạt động học tập và lao động của chúng tôi hòa chung với không khí chiến thắng của dân tộc. Chúng tôi đã có cảm xúc vỡ òa sung sướng khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Tôi nhớ như in, những lời của thầy hiệu phó trong một buổi sinh hoạt chính trị của toàn khoa: “Lần này là độc lập chắc chắn ! Hòa bình vĩnh viễn!” Và chúng tôi cũng như toàn thể người dân Việt Nam lúc đó đều có niềm tin như thế ! Một niềm tin gần như tuyệt đối vào ánh hào quang của chiến thắng của Đảng, của lý tưởng.

Nhưng, tiếp theo như thế nào? Tôi có thể trích đoạn trong bài thơ “Tản mản thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo :
“ Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ,
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu có nghĩ một lần
Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần nổ súng
Trái tim đau rỏ máu dọc biên thùy “

Bài thơ này chắc không vừa lòng các vị lãnh đạo Đảng qua nhiều thế hệ. Nhưng Nhà thơ đã nói lên nỗi lòng của chúng tôi –một thế hệ phải đau đớn để nhìn ra những điều mình đã ngộ nhận. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra ngay sau ngày Việt Nam thống nhất. Mà do ai gây ra? Đó là những người cùng “ý thứ hệ” sau trở thành “ bọn diệt chủng Khơ me đỏ”. Đứng sau chúng là ai? Đó là những kẻ sau này phát động Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 . Ông Đặng Tiểu Bình không biết thuộc “ý thưc hệ” nào mà đòi dạy cho các đồng chí mình ở Việt Nam “một bài học”! Rồi đã trải qua hơn 10 năm sau, đất nước không bao giờ ngừng tiếng súng, Nghĩa trang Liệt sĩ lại dày thêm trên khắp miền đất nước hình chữ S này.

Giờ thì tôi thấm một điều: Mọi chủ thuyết, tôn giáo đều hướng về cái chân, cái thiện. Kể cả cái khái niệm Nhà nước “vì dân, do dân” đâu phải là mới đâu phải là đặc sản của một “ý thức hệ” nào !

Trong Bốn ngàn năm lịch sử Việt Nam, Những thắng lợi của các cuộc đấu tranh giành và giữ nước đều mang đậm dấu ấn tư tưởng vì dân của các vị lãnh tụ. Trong đó tiêu biểu là vua Trần Nhân Tông. Nhân chuyện học sử tôi có đố con gái tôi : Nước ta ai từ Sư trở thành Vua và ai từ Vua trở thành Sư. Con tôi trả lời đó là Lý Công Uẩn(Lý Thái Tổ) và Trần Nhân Tông. Tôi hỏi thêm: Con thích vị nào hơn thì nó trả lời là thích vua Trần Nhân Tông hơn.

Đương nhiên so sánh như thế là khập khễnh nhưng cái quyền yêu ghét nó là vậy. Nói về Trần Nhân Tông, ngoài sự nổi bật là vị vua gắn liền với chiến công hiển hách của dân tộc chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông , người ta còn biết đến đó là vị vua nhân từ, hết mực vì dân, yêu hòa bình. Thương dân, yêu hòa bình nên phải chịu nén, chịu nhún trước sự nghênh ngang của sứ giặc. Rất đắn đo trước thế giặc mạnh vì chỉ sợ dân đen phải chịu cảnh chết chóc hung tàn. Là vua với quyền lực tối thượng, nhưng ông coi việc chống giặc ngoại xâm là việc đại sự của muôn dân nên mới có hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than để cùng dân và tướng sĩ bàn việc giữ nước.

Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm,Trần Nhân Tông là người tiêu biểu cho chính sách hòa hợp dân tộc kết hợp với chính sách ngoại giao đúng đắn để xây dựng và gìn giữ đất nước trong bình yên.Nhưng là người đã từng nếm mật nằm gai cùng tướng sĩ và nhân dân kháng chiến, hai lần buộc lòng phải bỏ Thăng Long chạy giặc ,chứng kiến cảnh hoang tàn của quê hương và nỗi cùng cực đau thương của người dân trong chiến tranh,Nhà vua hiểu thấm thía và không bao giờ quên được cái dã tâm của bọn giặc Phương Bắc.

Kết thúc bài này, tôi muốn nhắc lại di chúc của vị vua Trần nổi tiếng Nhân Nghĩa này :
“Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ tự cho mình cái quyền nói một đường, làm một nẻo. Vả lại, phải xem đây là mưu của người Trung Quốc. Chỉ người Trung Quốc mới nghĩ ra các thứ mẹo vặt ấy. Loại trừ những điều nhân nghĩa ra, thì các nhà cai trị Trung Hoa không việc gì mà họ không làm. Từ những việc kinh thiên động địa đến việc tán tận lương tâm, miễn sao họ có lợi. Cũng nên nhớ, đây còn là quốc sách truyền thống của người Hoa Hạ từ ngày họ mới lập nước tới nay. Các ngươi có nhớ, hồi đánh giặc Thát ta chỉ ngại cái đám mưu sĩ người Tống, hàng nhà Nguyên, lẫn vào trong đó. Cho tới khi trừ được bọn Lý Hằng, Lý Quán rồi ta mới yên tâm đánh bọn Thoát Hoan, Tích Lệ Cơ Ngọc. Bọn người Thát trước sau gì rồi cũng không nuốt nổi Trung Hoa. Cho nên cái họa lâu dài của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp, không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lần lần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn: –Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác–. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó, như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.

Đã bảy trăm năm trôi qua rồi mà tôi thấy đó như chính là lời nhắc nhở nghiêm khắc trước những lời ngụy biện kiểu như : “ Không ai quên lợi ích Quốc gia và dân tộc…” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vĩnh.

Tác giả gửi quechoa.vn

--------------------------------

Lời bình : 

Không biết tác giả nghĩ sao về ông Hồ Chí Minh? Ông HCM có biết câu nói của vua Trần Nhân Tông không? Tôi tưởng hậu duệ của ông HCM hiện nay đi đúng con đường của ông ngày trước đó chứ, vì giấc mơ tột đỉnh của ông là “thế giới đại đồng” cơ mà !


No comments:

Post a Comment

View My Stats