Friday 11 January 2013

BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG & HAI CHỮ LIÊM SỈ (Kami)




Fri, 01/11/2013 - 03:31 — Kami

Cái tin nghệ sỹ Kim Chi khi từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng Việt Nam với lời tuyên bố "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm" đã và đang gây sự thu hút trong dư luận xã hội.

Thực ra việc nghệ sỹ Kim Chi từ chối làm hồ sơ khen thưởng của Thủ tướng Dũng không phải là trường hợp cá biệt, mà nó là phản ứng chung của một bộ phận không nhỏ các công chức nhà nước đã không chịu nhận bằng khen của Thủ tướng thông qua sự từ chối với nhiều lý do khác nhau. Trung tuần tháng 11, trong bài viết "Xem QH chất vấn: Thủ tướng sao thì Bộ trưởng như vậy!" tôi đã đề cập tới hiện tượng này. Đó là chuyện một anh bạn của tôi, một cán bộ lãnh đạo, người được cơ quan bầu chọn nằm trong danh sách làm hồ sơ khen thưởng của Thủ tướng, nhưng anh ta khăng khăng từ chối. Với lý do "chính thống" mà anh ta từ chối là vì cảm thấy nhiều đồng chí khác xứng đáng hơn tôi (!?). Nhưng thật ra đó là một cách từ chối khéo kiểu văn vở, trái lại khi nói chuyện với bạn bè thân thiết thì anh ta nói thẳng "Thằng ấy làm gì có đủ tư cách để khen tôi!". Lời nói này xuất phát từ một người đang giữ chức Tổng Biên tập một tờ báo khá lớn của truyền thông nhà nước, nói về một người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, chứ không phải từ phát ngôn của các thế lực thù địch như mọi người tưởng.

Cho dù anh bạn tôi không đủ sự dũng cảm như nghệ sỹ Kim Chi, để tuyên bố công khai cảnh báo cho dư luận xã hội thức tỉnh. Nhưng thiết nghĩ điều này sẽ khiến mọi người chúng ta, nhất là ông Thủ tướng Dũng cần phải nghiêm túc suy nghĩ về những phản ứng này dưới góc độ đạo đức làm người. Nên nhớ, đây là phản ứng của những trí thức cộng sản chính hiệu, như lời nghệ sỹ Kim Chi nói. Đó là phản ứng của những người thuộc thế hệ các trí thức trưởng thành từ trong chiến tranh, thế hệ của những người “không sợ chết với bom đạn”, nhưng họ còn có lòng tự trọng để phân biệt cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm. Đặc biệt là sự dũng cảm dám lên tiếng và biết sống ngay thẳng, sống cho tử tế của họ.

Thế hệ chúng tôi may mắn hơn, là không phải đi theo đảng từ năm 12 tuổi như ông Thủ tướng, nhưng bù lại thì được người lớn dạy cho hai chữ Liêm, Sỉ từ khi còn bé trong những bài học về luân lý. Còn nhớ, trong những bài học luân lý ấy mà cho đến giờ tôi còn nhớ như in. Chữ Liêm là nói về tính cách phân minh ngay thẳng của con người, nghĩa là không lấy của bất nghĩa, không làm việc trái với đạo đức, lương tâm của con người. Còn chữ Sỉ là tự mình phải biết hổ thẹn, phải biết khó chịu, nhục nhã trong lòng khi làm những việc vô đạo đức, không công minh. Liêm và sỉ nên hiểu đó là đặc tính của người tốt, người ngay thẳng. Vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm, thì những người như thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những người giữ bậc đứng đầu việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà sẽ phải suy bại, nước tất sẽ phải nguy vong. Trên thực tế, sự thật về kinh tế, xã hội, đạo đức con người của Việt nam hôm nay có phải đã nguy vong hay không thì mỗi người chúng ta đã có câu trả lời cụ thể. Nhưng căn nguyên sâu xa của nó, cũng chỉ là vấn đề đã có quá nhiều người lãnh đạo đất nước hiện nay thiếu liêm sỉ, điều đó đã dẫn tới việc người dân không hài lòng. Mà biểu hiện là thói dối trá nói một đằng, nhưng lại làm một kiểu. Cụ thể như, Hiến pháp ghi nhà nước của nhân dân, mọi công dân có quyền bình đẳng như nhau, công dân có quyền lập hội rõ ràng và sửa đổi Hiến pháp phải thông qua sự phúc quyết của nhân dân. Vậy mà tự dưng lại tự ý bổ xung cho vào Hiến pháp cái Điều 4, xác nhận quyền độc tôn chính trị của đảng CSVN? Một việc làm trái cả tình, cả lý cũng chỉ vì "bỏ Điều 4 là tự sát" như thế xin hỏi những người lãnh đạo đảng và nhà nước họ có liêm sỉ hay không?

Đúng như nhận xét của nghệ sĩ Kim Chi khi cho rằng “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.". Đó là biểu hiện của nghệ sĩ Kim Chi, một người có lòng tự trọng và có liêm sỉ. Tuy rằng số những người dũng cảm, dám công khai biểu lộ ý kiến như nghệ sĩ Kim Chi Chính còn quá ít, nhưng trên thực tế những người có suy nghĩ như nghệ sĩ Kim Chi là hết sức đông đảo. Hiển nhiên, việc một kẻ vô liêm sỉ tặng bằ khen cho người có liêm sỉ là điều trái với luân thường đạo lý, không thể chấp nhận được. Nhưng điều đáng buồn cái nghịch lý này lại là một điều hiển nhiên, được công khai hiện hữu trong đời sống xã hội ở Việt nam, một xã hội đểu cáng mà bây giờ quay đi đâu cũng không ghìm được cơn mửa như lời của nhà thơ Bùi Minh Quốc tâm sự.

Đây là một vấn đề không đơn giản, thiết nghĩ mọi người đặc biệt là các quan chức lãnh đạo cần nghiêm túc suy nghĩ. Muốn làm lãnh đạo để chăn dân thì tối thiểu các vị phải thể hiện là một tấm gương về mọi mặt, đặc biệt là gương sáng về đạo đức. Trước hết hãy học để biết hai chữ Liêm - Sỉ và vận dụng nó trong công việc hàng ngày. Chỉ cái đó thôi nó cũng dạy cho các vị biết có một cách hành xử đúng nghĩa trong công việc để mà "cái gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, còn cái gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh". Chỉ cần có thế, khi ấy có lẽ các vị sẽ đủ tư cách khen người khác và sẽ không còn cái cảnh người dân không muốn trong nhà có chữ ký của các ông, những kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Và chắc chắn khi ấy, những người làm cho đất nước giàu, nhân dân sung sướng thì sẽ được quý trọng, và ngược lại những ai không làm được điều đó thì đương nhiên nhân dân sẽ không thích, không quý trọng.
Ngày 08 tháng 1 năm 2013
© Kami

————————

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.








No comments:

Post a Comment

View My Stats