Friday, 25 January 2013

BÀI HỌC CỦA LỊCH SỬ HAY LỚP BỤI MÙ ĐƯỢC TUNG LÊN TỪ ĐỐNG TRO TÀN QUÁ KHỨ? (William Truong)





Mỗi con người chúng ta hôm nay luôn chứa đựng một phần của lịch sử. Khi chúng ta trích dẫn một câu nói, một lời trong Kinh Thánh hay Kinh Phật là chúng ta đã sống vay mượn vào những giá trị cổ xưa mà chính giá trị đó còn sức sống trong thời đại chúng ta; khi chúng ta sử dụng những phương tiện khoa học hiện đại như computer, máy bay, xe hơi…thì chúnng ta cũng đang sử dụng những giá trị khoa học của lịch sử. Lịch sử chính là ký ức của đời sống mà nếu như không có nó thì con người phải làm lại từ đầu và chúng ta hôm nay phải quay lại thời ăn lông ở lỗ, cũng chính là sự hiểu biết được tích lũy qua bao thời đại hiện đang tồn tại trong đầu óc chúng ta. Vâng, lịch sự rất cần thiết cho con người, và bài học của lịch sử chính là giá trị không thể thiếu.

 Nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp Định Paris được ký kết, người ta nhắc lại lịch sử của ngày đó cùng những sự thật chính trị chưa được phơi bày âu cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là họ, những người đang cầm quyền VN-những con người trực tiếp kế thừa và thừa hưởng lịch sử ấy- đã học được gì từ lịch sử?

 Lịch sử VN thời cận đại từ những năm 1954 đến nay tựu trung lại là sự chia cắt đất nước. Vậy điều mà chúng ta cần học từ việc chia cắt đất nước là gì? Là tại sao đất nước bị chia cắt, hậu quả của nó thế nào và làm sao khắc phục?

Ngoài những lý do khách quan như hoàn cảnh lịch sử thế giới, thì lý do chủ quan của dân tộc VN là không có chung giá trị tinh thần. Bỡi thế cho nên phải nói cuộc chiến tranh Nam- Bắc Việt Nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Hậu quả là hy sinh xương máu dân tộc VN chỉ vì niềm tin mù quáng, mà hiện thực đã chứng minh là ý thức hệ CS là mù quáng-như mọi người đều biết; không riêng người VN mà cả thế giới đều biết.

Hậu quả khốn cùng hơn nữa là chia cắt tinh thần người Việt một cách sâu sắc từ những hành xử của “bên thắng cuộc” sau 30 tháng 4 năm 1975 mà bằng chứng hùng hồn cho sự chia cắt tình đoàn kết dân tộc đó là những lời kêu gọi “hòa hợp hòa giải dân tộc” cùng với nghị quyết 36 của đảng CS để thực hiện việc đó-nếu như đảng CS không thừa nhận sự mất đoàn kết đó thì kêu gọi “hòa hợp hòa giải” để làm gì?

 Thế nhưng đảng CSVN một lần nữa không chứng tỏ thiện chí dung hòa dân tộc và đã đặt CNCS lên trên tình đồng bào mà bằng chứng là những cuộc đàn áp người biểu tình chống TQ(ngoại bang)- Họ chống ngoại bang tại sao lại cho là chống đảng CS? Cùng với việc bắt nhốt và kêu án tù đối với những blogers, những nhà báo nêu lên quan điểm khác với đảng CS. Tính bất dung các ý thức hệ tôn giáo được thấy rõ sau 1975 là kỳ thị đối với người Thiên Chúa Giáo và sau này là các tổ chức tôn giáo khác. Nghĩa là một lần nữa đảng CS muốn đẩy người dân VN không cùng giá trị tinh thần với đảng CS đi đến chỗ đối đầu và quên hoặc cố tình quên đi căn nguyên của sự chia cắt trong lịch sử là Ý Thức Hệ.

 Để giải quyết căn nguyên sự chia cắt niềm tin, ý thức hệ trong lòng dân tộc cần đến sự bao dung mọi ý thức cá nhân tức là thực thi quyền tự do ngôn luận và lập hội trong một chế độ dân chủ, đa nguyên; chứ không phải đổ lỗi cho Mỹ hay Tây, Tàu gì khác vì bất kỳ một chính phủ nào cũng vì quyền lợi quốc gia của họ và đó là giá trị căn bản nhất của lòng yêu nước chứ không phải “Ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô “(Lê Duẩn).

 Một thể chế dân chủ, đa nguyên sẽ xóa đi mọi hiềm khích của các ý thức hệ khác nhau trên cơ sở tôn trọng luật pháp chính là sự bảo đảm lâu dài và bền vững cho tình đoàn kết dân tộc như mọi người đều thấy trong các quốc gia dân chủ trên thế giới. Và đó chính là bài học lịch sử hiện thực của cả 180 quốc gia đã dạy cho chúng ta chứ không phải là khẩu hiệu này hay nghị quyết nọ của đảng một đảng phái chính trị.








No comments:

Post a Comment

View My Stats