Thursday 25 October 2012

XUNG ĐỘT CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO SENKAKU/ĐIẾU NGƯ (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ tư, 24 Tháng 10 2012 19:40

Đằng sau xung đột chủ quyền trên quần đảo Sensaku-Điếu Ngư
Trong tháng 10-2012, những cuộc xuống đường chống Nhật Bản tại Trung Quốc tuy có giảm xuống nhưng chưa có triệu chứng lắng dịu. Hai phía Nhật Bản và Trung Quốc không ngừng tuyên bố chủ quyền và tăng cường tuần tra quanh quần đảo Sensaku-Điếu Ngư. Sự thật như thế nào?

Nguyên do xung đột
Sensaku (Nhật Bản) hay Điếu Ngư (Diaoyu, Trung Hoa) là một quần đảo nằm trong vùng biển Đông Hải (Thái Bình Dương), cách đảo Okinawa (Nhật) 400 km về phía tây và cách đảo Đài Loan 200 km về phía đông-bắc, gồm 5 đảo nhỏ (Uotsuri-jima, Kuba-jima, Kita-kojima, Minami-kojima, Taisho-jima) và 3 mõm đá với một diện tích tổng cộng là 7 km2.

Về hành chánh, Sensaku trực thuộc thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa (Nhật). Đối với Đài Loan, Điếu Ngư trực thuộc thành phố Toucheng, tỉnh Yilan. Đối với Trung Quốc, Điếu Ngư trực thuộc tỉnh Đài Loan.

Theo hiệp ước Shimonoseki (Mã Quan) chấm dứt chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895) năm 1895, nhà Thanh nhượng cho đế quốc Nhật đảo Đài Loan (trong đó có quần đảo Điếu Ngư), quần đảo Pescadores và bán đảo Liêu Đông, trong đó có hải cảng Lữ Thuận (Port Arthur)... Để tiện việc kiểm soát, Nhật chiếm hữu luôn quần đảo eo hẹp, nghèo nàn và đầy sỏi đá Sensaku, lúc đó vẫn còn là một vùng đất vô chủ (terra nullius). Năm 1896, Nhật hoàng cho phép kỹ nghệ gia Tatsushiro Koga đến đánh cá thu và khai thác phân và lông chim hải âu. Từ đó, một cách không chính thức, quần đảo này thuộc về dòng họ Koga.

Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Hoa Kỳ nắm quyền kiểm soát tất cả các đảo lớn nhỏ của Nhật, trong đó có việc tổ chức thăm dò tiềm năng quặng mỏ dưới thềm lục địa của những đảo này. Năm 1969, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết dưới thềm lục địa quần đảo Sensaku có nhiều trữ lượng dầu khí. Tranh chấp chủ quyền trở nên gay gắt khi Hoa Kỳ giao trả lại cho Nhật một số hải đảo năm 1971, trong đó có quần đảo Sensaku. Liền tức thì Đài Loan và Trung Quốc lên tiếng phản đối và tuyên bố sát nhập quần đảo này dưới tên Điếu Ngư (Diaoyu) vào Đài Loan, Nhật sát nhập quần đảo này vào địa phận tỉnh Ryukyu.

Từ thập niên 1970, Nhật Bản đang trở thành một cường quốc kinh tế hàng hải, quyết tâm bảo vệ Sensaku trở nên chính yếu vì vị trí chiến lược quan trọng của nó, đó là trục giao thông hàng hải năng động nhất thế giới và cũng là đường tiếp liệu hàng hóa sinh tử của nền kinh tế Nhật. Thêm vào đó, khu vực quanh quần đảo này có rất nhiều cá thu, món ăn ưa thích nhất của người Nhật. Bảo vệ quần đảo Sensaku là bảo vệ nền kinh tế Nhật.

Trong những năm 1972 và 1988, vì điều kiện tài chánh eo hẹp, gia đình Koga bán lại cho gia đình Kunioki Kurihara bốn đảo Uotsuri-jima, Kuba-jima, Kita-kojima và Minami-kojima, vì đảo thứ năm Taisho-jima thuộc chính phủ Nhật. Năm 2002, gia đình Kurihara cho chính phủ Nhật thuê lại bốn đảo. Mười năm sau, ngày 17-4-2012 gia đình Kurihara tuyên bố bán lại các hòn đảo cho tỉnh Tokyo và ngày 11-9-2012 chính phủ Nhật thay mặt Tokyo đứng mua lại với giá 26 triệu USD. Hay tin này, Bắc Kinh lên tiếng phản đối và tổ chức những cuộc xuống đường chống Nhật trong các tỉnh lớn dọc bờ biển Nam Hoa, nơi có nhiều hãng xưởng của Nhật. Từ sau ngày đó, đụng độ giữa các tàu thuyền tuần tra và đánh cá của ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan quanh quần đảo tranh chấp xảy ra liên tục.

Hình ảnh dân chúng Trung Quốc nổi giận xuống đường la lối, đốt cờ và đập phá các cửa hàng, hãng xưởng của Nhật và những lời đe dọa của các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc khiến dư luận lo ngại, có lúc người ta tưởng sẽ xảy ra chiến tranh vì tàu chiến của Nhật và Trung Quốc lờn vờn quanh quần đảo khiến Hoa Kỳ cử hai hàng không mẫu hạm và nhiều tàu chiến của hạm đội 7 đến gần khu vực tranh chấp.

Trong thực tế, Đài Loan và Trung Quốc chưa bao giờ làm chủ trực tiếp quần đảo này. Phía Trung Quốc chỉ ra những bằng chứng có từ thời nhà Minh, qua tác phẩm Cuộc du hành của Lưu Châu (Lew Chew), và năm 1893 thái hậu Từ Hi (nhà Thanh) tặng những đào này cho thương gia Sheng Xuanhuai.

Trong những va chạm quanh quần đảo Sensaku, chính quyền Nhật Bản tỏ ra không nhân nhượng trước những hành vi thách thức của ngư dân và các đội hải giám Trung Quốc. Các tàu tuần dương của Nhật đã không ngần ngại bắt giữ hay xịt vòi rồng vào các tàu thuyền Trung Quốc và Đài Loan đến gần, trong khi máy bay tuần tiểu Nhật không ngừng bay quanh quần đảo để bảo vệ.

Tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Sensaku-Điếu Ngư có xứng đáng để gây ồn ào trên chính trường quốc tế và dư luận Trung Quốc không? Chắc chắn là không, vì tranh chấp này không phải mới đây.

Dựa vào tuyên bố của chính phủ Nhật mua lại quần đảo Sensaku để kích đông dân chúng nổi lên chống Nhật và đe dọa dùng vũ lực nếu cần để đòi lại chủ quyền, lý cớ này không thuyết phục. Bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ là nhiệm vụ của mọi chính quyền, bất kể chủ quyền thuộc tư nhân hay nhà nước. Những cuộc đụng độ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã xảy ra từ thập niên 1970, đặc biệt nghiêm trọng vào những năm 2004-2007 và 2010-2011, nhiều ngư dân Trung Quốc, Đài Loan và doanh nhân Nhật Bản bị bắt.

Xúi giục dân chúng Trung Quốc xuống đường chống Nhật và tẩy chay những cuộc gặp gỡ song phương lại càng không thuyết phục. Trung Quốc cần doanh nhân Nhật Bản hơn là ngược lại, nếu tẩy chay vốn đầu tư Nhật Bản thì kinh tế Trung Quốc sẽ mất đi tính sáng tạo và công nhân Trung Quốc mất cơ hội tiếp nhận kỹ thuật công nghiệp cao, thất nghiệp sẽ gia tăng vì doanh nhân Nhật sẽ bỏ sang nơi khác đầu tư. Nói chung Trung Quốc không có lợi gì khi cắt đứt quan hệ kinh tế và giao thương với Nhật Bản.

Đe dọa sử dụng vũ lực lại càng không đứng vững vì ai cũng biết Trung Quốc tuy có nhiều tàu chiến nhưng hải quân của Trung Quốc nhưng chưa đủ khả năng gây ra và kéo dài chiến tranh. Hơn nữa, về quốc phòng sau lưng Nhật là Mỹ. Tàu ngầm tấn công Trung Quốc tuy khá nhiều nhưng chỉ là các loại tàu ngầm cũ với bản quyền của Nga, dễ bị phát hiện và tiêu diệt bởi kỹ thuật tấn công bằng vệ tinh và điện tử. Về không quân, Trung Quốc chưa có hệ thống phòng thủ hữu hiệu trước các loại máy bay tấn công tàng hình, đặc biệt là hệ thống nghe ngóng và nhiễu xạ thông tin của Nhật.

Thật ra, làm rùm beng tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Sensaku-Điếu Ngư, Bắc Kinh muốn che giấu những khó khăn lớn đang gặp phải và chưa có biện pháp giải quyết.

Muốn che giấu những khó khăn lớn đang xảy ra trong nước

Chỉ còn vài ngày nữa là đến đại hội toàn quốc thứ 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 8-11-2012. Chưa bao giờ, ban lãnh đạo đảng cộng sản lo lắng như hiện nay: phân bố nhân sự trong ban lãnh đạo thế hệ thứ năm vẫn chưa ngã ngũ. Trên nguyên tắc, Tập Cận Bình, Bạc Hy Lai, Vu Chính Thanh, Lý Khắc Cường, Lưu Thiên Đông, Lý Nguyên Triều, Vương Kỳ Sơn và Uông Dương sẽ được cử vào những chức vụ chủ tịch nước, tổng bí thư đảng và quân ủy trung ương, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, v.v. Trong thực tế, tranh chấp giữa các phe phái Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, hay đúng hơn giữa các phe Bắc Kinh và Thượng Hải trầm trọng hơn nhiều. Bạc Hy Lai, phe Thượng Hải, bị loại về tội bao che Vương Lập Quân; Lưu Thiên Đông và Uông Dương thuộc phe Bắc Kinh bị loại vì lạm quyền. Bù lại các ông Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ thuộc phe Thượng Hải được đưa vào thay. Trường hợp ông Tập Cận Bình còn là nghi vấn vì lý do sức khỏe. Hướng dư luận vào tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư để ban lãnh đạo cũ củng cố đoàn kết nội bộ và chuyển giao quyền hành cho ban lãnh đạo mới đảng cộng sản là trọng tâm hàng đầu của đảng cộng sản.

Về kinh tế, chỉ số tăng trưởng dự trù cho năm 2012 giảm xuống còn 7,2%. Hậu quả của sự sút giảm này sẽ rất tai hại, khó có thể lường trước. Sau hơn 30 năm hy sinh và cố gắng, mức sống của dân chúng Trung Quốc có cao hơn trước, lợi tức đầu người trung bình 5 000 USD/năm, nhưng 120 triệu người hiện nay, đa số là nông dân, sống dưới mức nghèo khổ (1 USD/ngày), đó là chưa kể gần 200 triệu người thất nghiệp lang thang, hơn 100 triệu người quá tuổi lao động và 15 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm tìm không ra việc làm. Khối hơn 400 triệu người này đang là một đe dọa lớn vì có thể xuống đường bất cứ lúc nào để đòi quyền sống. Kích động lòng yêu nước của họ là một cách kéo dài thời gian để không nổi lên chống chính quyền đòi quyền sống, vì ai cũng sợ bị tố cáo không yêu nước.

Khó khăn mà Bắc Kinh lo âu nhất là loạn sứ quân về tài chánh. Để kích thích và duy trì tăng trưởng, các tỉnh đua nhau lập đề án vay mượn để phát triển bất chấp khả năng hoàn trả. Theo báo cáo của Diễn đàn tài chánh quốc tế tổ chức tại Bắc Kinh giữa tháng 9 vừa qua, tổng số tiền vay mượn để đầu tư 2 500 tỷ USD, cao hơn tổng số đầu tư quốc gia gấp 10 lần. Lạm phát phi mã sẽ là điều không tránh khỏi nếu ngân hàng trung ương cứ in tiền cho vay bất kể khả năng hoàn trả. Cũng nên biết hiện nay, tổng số nợ xấu (tức nợ không thể đòi, hay đúng hơn nợ mất trắng) của các ngân hàng Trung Quốc lên đến gần 100 tỷ USD năm 2012, năm 2011 là 60 tỷ USD, tính tổng cộng trong suốt 30 năm qua khoảng 2 000 tỷ USD. Tình trạng chảy máu tái chánh đang diễn ra với tốc độ ánh sáng, ngày càng đông tư sản đỏ Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài, dưới hình thức đầu tư, để thoát thân.

Nói chung, dân chúng Trung Quốc và dư luận thế giới chờ đợi rất nhiều vào ban lãnh đạo mới của đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 sắp tới. Những ồn ào về chủ quyền trên quần đảo Sensaku-Điếu Ngư chỉ là những đòn hỏa mù để Bắc Kinh kéo dài thời gian chuyển giao quyền hành.

Vấn đề của chính quyền Trung Quốc hiện nay là phải cải tổ lại toàn bộ nền tảng sinh hoạt của xã hội. Phát triển với hai tốc độ khác nhau không thể kéo dài lâu vì nó sẽ tạo ra xung đột xã hội trầm trọng, dẫn đến tan vỡ quốc gia vì hố sâu giàu nghèo quá lớn.

Nguyễn Văn Huy





No comments:

Post a Comment

View My Stats