Thursday, 25 October 2012

TRIẾT LÝ TỰ DO, CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT & ĐỘC TÀI CỘNG SẢN (Hùng Tâm / Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, October 24, 2012 4:37:40 PM

Những ngã rẽ bất ngờ của một chữ tự do

Tiếp theo kỳ trước, về nội dung của chữ “liberal” hay “liberalism,” kỳ này “Hồ Sơ Người-Việt” đi sâu hơn vào cội nguồn của chữ tự do để nói về những biến chứng tai hại của chủ nghĩa tự do hay các lý luận khai thác chữ tự do, trong đó có các chế độ độc tài và chủ nghĩa “libertarian” rất đặc thù tại Hoa Kỳ.

Triết lý tự do
Cùng một khái niệm tự do khi bổ dọc theo lằn ranh kinh tế và luân lý, người ta có thể phân biệt hai cánh tả và hữu tại Hoa Kỳ - chúng ta đã thấy qua chuyện này trong hồ sơ tuần trước.

Cánh hữu chủ trương bảo vệ quyền tự do của công dân đối lập với nhà nước và muốn thu hẹp vai trò của chính quyền để mở rộng không gian sinh hoạt của người dân và vì vậy mới đòi quyền tự do kinh tế, muốn giảm thuế và giản lược bộ máy hành chánh công quyền. Cánh tả thì nhân danh một thứ tự do khác, không chỉ là tự do được quyền làm việc này việc kia, mà còn là tự do tiêu cực, là không để bị áp chế vì sự nghèo đói. Vì vậy họ đòi hỏi công bằng xã hội và hạn chế tự do thị trường, đôi khi còn đối lập với chủ nghĩa tư bản.

Từ cách suy diễn khác nhau của triết lý tự do, nhưng xẻ ngang trên trục kinh tế và xã hội, người ta thấy ra hai vế đối lập của phát triển kinh tế và công bằng xã hội.

Phe hữu đề cao phát triển và muốn sản xuất ngày càng nhiều của cải tài sản để chất lên cỗ xe kinh tế quốc gia. Cánh tả thì coi trọng công bằng xã hội nên muốn tái phân phối lợi tức từ cỗ xe đó cho người nghèo, gọi đấy là “redistribution.” Trong cuộc tranh cử năm nay, khác biệt này gây tranh luận gay gắt vì kinh tế không phát triển, cỗ xe tài sản gần cạn, lợi tức trung bình của người dân sa sút trong khi số người nghèo phải lãnh phiếu lương thực lên tới mức kỷ lục là 47 triệu.

Khi đã có tranh luận là phải nói đến sự cường điệu. Phe hữu thực dụng thì bị đả kích là chỉ để ý đến kinh tế và bảo vệ quyền lợi của nhà giàu và rơi vào chế độ cai trị của trọc phú - plutocracy. Cánh tả lý tưởng thì bị phê phán là vô trách nhiệm khi sử dụng công quỹ và tăng chi bừa phứa để lập nên một nhà nước phúc lợi hay vú em (welfare state) nhờ chế độ bao cấp.

Chi tiết rắc rối mà ít được đa số chú ý là khi khai triển hai hướng lý luận này đến tận cùng, một cách cực đoan, thì chúng ta gặp chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, hai biến chứng tai hại của cùng một khái niệm tự do. “Hồ Sơ Người-Việt” sẽ đề cập đến sự gặp gỡ bất ngờ đó ở phần cuối.

Chủ nghĩa tự do trong ngoại giao và ngoại thương
Trong lãnh vực đối ngoại, triết lý chính trị gọi là chủ nghĩa tự do cũng dẫn đến hai ngã rẽ.

Thời Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản, vì lý tưởng dân chủ và nhân quyền cánh tả có lập trường chống Cộng rất mạnh chẳng kém gì cánh hữu, (xin hãy nhớ đến các Tổng Thống Dân Chủ John Kennedy hay Jimmy Carter, hoặc trước đó, Woodrow Wilson và Harry Truman).

Ngày nay, với trường hợp Trung Quốc, người ta cũng chứng kiến điều tương tự. Nhân danh tự do cá nhân, cánh tả tấn công Bắc Kinh tội kiểm duyệt thông tin, vi phạm nhân quyền hoặc bóc lột sức lao động của phụ nữ, thiếu nhi và tù nhân. Ðặc biệt quan tâm đến khía cạnh môi sinh, cánh tả cũng đả kích Trung Quốc về tội gây ô nhiễm môi trường.

Nhân danh tự do kinh tế và quy luật thị trường, cánh hữu đả kích Trung Quốc hạn chế tự do, kể cả tự do tín ngưỡng, kiểm soát hối đoái và quản lý kinh tế bằng hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Cũng từ cánh hữu, chủ trương bảo vệ luân lý và chống phá thai thì phê phán chánh sách kiểm soát dân số, triệt sản, phá thai và sát hại thai nhi phái nữ. Ngoài ra, vì quan tâm đến quyền lợi an ninh của nước Mỹ, cánh hữu thường báo động về mối nguy bành trướng của Trung Quốc.

Nếu gác qua một bên loại lý luận có vẻ tuyên truyền trong mùa bầu cử thì thật ra hai phe tả hữu chẳng có quá nhiều dị biệt và đều lấy chủ nghĩa tự do làm nền tảng tư tưởng.

Trường hợp thứ hai là khác biệt về ngoại thương hay mậu dịch và chúng ta nên chú ý đến từ ngữ, sự dị biệt giữa “free trade” (tự do mậu dịch) và “fair trade” (mậu dịch công bằng).

Nhân danh tự do thị trường, cánh hữu đề cao tự do ngoại thương như một động lực của phát triển và chủ trương là nhà nước và các nước không can thiệp vào hối suất, giảm thiểu thuế suất đánh trên hàng hóa giao dịch và không đặt ra chế độ hạn ngạch hay quota. Ða số cánh tả cũng chủ trương tự do mậu dịch trên lý thuyết, nhưng còn đòi hỏi sự công bằng để bảo vệ quyền lợi của công nhân viên Hoa Kỳ và họ gọi đó là “fair trade.”

Vì vậy, chính quyền George W. Bush đã thương thuyết và ký kết thỏa ước tự do mậu dịch với Nam Hàn, Colombia hay Peru từ năm 2007 theo thủ tục “fast track” - thủ tục nhanh gọn để Quốc Hội phê chuẩn trọn gói mà khỏi phải xin chấp nhuận từng khoản. Nhưng các thỏa ước đó bị Quốc Hội chặn trong nhiều năm do áp lực bảo hộ mậu dịch (protectionism) bên cánh tả và hiệp định với Nam Hàn đã phải tu chính lại rồi mới được phê chuẩn năm ngoái.
Trên đại thể thì đã rắc rối như vậy, thực tế còn phức tạp hơn.

Phe cực đoan bên cánh hữu lại nhân danh quyền lợi và thể thống quốc gia lẫn chủ nghĩa tự cô lập (isolationism - nước Mỹ ưu tiên lo cho dân Mỹ và không can thiệp vào chuyện thế giới) mà ngăn chặn tự do mậu dịch và nhiều hoạt động có tính chất quốc tế, kể cả viện trợ cho các nước nghèo hoặc góp tiền cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Bên cánh tả, phe cực đoan đề cao chế độ bảo hộ mậu dịch để bảo vệ công nhân và nghiệp đoàn và đòi các nước giao thương với Hoa Kỳ phải áp dụng tiêu chuẩn tương tự như Hoa Kỳ về môi sinh hay quyền lợi lao động.

Rốt cuộc thì các đạo luật về tự do ngoại thương chỉ được Quốc Hội phê chuẩn với lá phiếu của đa số trung dung trong cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Thí dụ là Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA thành hình năm 1992 thời ông Bill Clinton, hoặc các hiệp định tự do mậu dịch với Nam Hàn hay Colombia mới được Quốc Hội phê chuẩn năm ngoái là nhờ lá phiếu Cộng Hòa nay đã chiếm đa số trong Hạ Viện sau cuộc bầu cử năm 2010.

Tự do là quyền chọn lựa
“Hồ Sơ Người-Việt” tránh đi vào nhiều chi tiết quá trừu tượng về triết lý của tự do hay chủ nghĩa tự do mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng từ xuất xứ là Âu Châu, khái niệm này đã trở thành phổ quát trên thế giới nhưng lại mang nội dung khác biệt do cái quyền chọn lựa của từng người về yếu tố quan trọng nhất trong tự do.

Khởi đi từ Âu Châu, khái niệm tự do đã trước hết bị/được lồng vào các vấn đề đặc thù Âu Châu, trong đó có vai trò của giáo quyền, sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản và sự hiện hữu của chế độ cộng sản. Vì thế, tự do được hiểu trong tinh thần tích cực bảo vệ tự do cá nhân về cả hai mặt tôn giáo (tự do đối với giáo quyền) và kinh tế (tự do đối lập với chế độ kinh tế chỉ huy của cộng sản). Ý nghĩa đó trở thành phổ biến nhất trên toàn cầu nên các đảng phái hay khuynh hướng mang tên Tự Do đều thuộc cánh hữu hoặc trung hữu, như tại Anh, tại Úc hay tại Nhật.
Ngược lại, tại Hoa Kỳ thì thế lực có thể đe dọa tự do của người dân lại không là chế độ cộng sản mà là tư bản, hoặc sự quá đáng của thị trường. Vì vậy, khuynh hướng có tinh thần giới hạn chủ nghĩa tư bản và quy luật thị trường mới tự xưng là tự do, liberal. Khi đọc hay phiên dịch các bản tin có những từ như tự do hay chủ nghĩa tự do, chúng ta nên thận trọng xét đến nội dung của nhận thức hoặc vấn đề tại từng nước để tránh hiểu sai. Thí dụ như lý luận “kinh tế tự do” Âu Châu lại gần với quan điểm bảo thủ của đảng Cộng Hòa tại Hoa Kỳ và xu hướng gọi là tự do của đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ lại gần với các đảng Xã Hội hay Lao Ðộng Âu Châu.

Ðể tổng kết cho dễ nhớ thì xin quý độc giả mường tượng ra một đồ biểu hình quả trám có bốn góc như sau:
Bên tay phải là vị trí của đa số đảng viên Cộng Hòa với chủ trương bảo thủ về luân lý và tự do về kinh tế, càng ở về bên phải thì càng bảo thủ. Bên trái là vị trí của đa số đảng viên Dân Chủ với chủ trương tự do về luân lý nhưng can thiệp về kinh tế, càng ở bên trái thì càng can thiệp mạnh. Ở giữa, vùng có dấu thập là khuynh hướng trung dung, nơi tiếp cận và hợp tác của hai đảng trong các quyết định căn bản nhất và được đa số tả hữu chấp nhận nhờ sự đổi chác và tương nhượng.

Trong mọi cuộc tranh cử, các ứng cử viên đều chuyển dịch lập trường từ ngoài vào trong, từ quan điểm thiên tả hay hữu khuynh nhất để tranh thủ thành phần cử tri nòng cốt của mình. Khi đảm bảo được hậu thuẫn đó rồi để có triển vọng đắc cử ở vòng sơ bộ, họ nghĩ đến giai đoạn kế tiếp là cầm quyền. Muốn cầm quyền thì phải có hậu thuẫn của đa số chứ không chỉ từ thành phần trung kiên của mình. Khi ấy, các ứng cử viên mới bày tỏ tinh thần hòa hoãn và lập trường trung dung hơn. Họ ngả dần vào giữa, phía Dân Chủ về bên phải, và Cộng Hòa về bên trái.

Cũng trên đồ biểu này, góc dưới là các khuynh hướng cực đoan giảm thiểu tự do. Từ cánh hữu xuống là các chế độ phát xít, có một chút tự do kinh tế nhưng toàn trị về tư tưởng. Từ cánh tả xuống là các chế độ cộng sản hoặc cộng sản tự xưng danh xã hội chủ nghĩa, cũng có cái thế đối lập với tôn giáo để giải phóng con người, nhưng thật ra kiểm soát về cả kinh tế lẫn tư tưởng.

Ở góc trên mới là thành phần độc đáo nhất: đó là khuynh hướng tự do tuyệt đối mà Hoa Kỳ gọi là “libertarian.”

“Libertarian” là gì?
Chúng ta có thể gọi đó là “chủ nghĩa tự do tuyệt đối” hoặc “vô vi” vì trào lưu chính trị này chủ trương là nhà nước phải ít can thiệp, là người dân phải có tối đa quyền tự do về cả luân lý, xã hội lẫn kinh tế. Xu hướng này bảo vệ mọi quyền tự do của xã hội.

Hôn nhân đồng tính, phá thai, tự do thông tin hay nghệ thuật hoặc hút cần sa, v.v... là loại dân quyền thiêng liêng của cá nhân mà nhà nước không được ngăn cấm. Trong tinh thần đó, họ gần với cánh tả phóng túng của đảng Dân Chủ.

Xu hướng này cũng đòi giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền vào kinh tế. Bộ máy nhà nước phải tinh giản, ngân sách chiếm tỷ trọng tối thiểu với thuế suất đồng hạng càng thấp càng tốt. Trong tinh thần đó, phe “libertarian” lại gần với xu hướng tự do kinh tế bên đảng Cộng Hòa.

Nhưng độc đáo nhất là tinh thần bất can thiệp trên cả địa hạt quốc tế.

Triết lý “libertarian” chống lại các hiệp định tự do mậu dịch, các liên minh quốc tế và đòi quyền tự do cư trú cho di dân từ bên ngoài vào. Họ có sắc thái chủ hòa hay phản chiến như cánh cực tả trong đảng Dân Chủ và đến độ tự cô lập như cánh cực hữu đảng Cộng Hòa. Họ cho là Hoa Kỳ không nên can thiệp vào chuyện quốc tế, chỉ bất đắc dĩ khai chiến khi quyền lợi sinh tử bị đe dọa, chứ không có quyền áp đặt tư tưởng tự do hay dân chủ của mình cho xứ khác! Và Hoa Kỳ cũng không thể bị quốc tế ràng buộc vào những cam kết vô ích.

Sau hai đảng lớn là Cộng Hòa và Dân Chủ, chính đảng thứ ba có ảnh hưởng nhất và đang bành trướng mạnh chính là đảng “Libertarian.” Nhiều phần tử trong phong trào Tea Party thấy gần gũi với đảng này và đả kích đảng Cộng Hòa là xa dần lý tưởng tự do của nước Mỹ mà cùng đảng Dân Chủ góp phần bành trướng vai trò của chính quyền với sưu cao thuế nặng và gây bội chi ngân sách!

Kết luận ở đây là gì?
Tự do cũng có ý nghĩa là quyền chọn lựa và sự đòi hỏi phải tôn trọng quan điểm của người khác. Ðây là điều không trừu tượng vô ích mà là cần thiết. Trước khi nói đến dân chủ hay tự do, ta phải nói đến một điều kiện khác, đó là sự khiêm tốn chấp nhận ý kiến người khác.

Xã hội cởi mở là xã hội không có chân lý độc tôn. Sự cởi mở là điều kiện không thể thiếu để có dân chủ. Hoa Kỳ là một xã hội cởi mở vì là nơi mà người ta có quyền tự do tranh luận về mọi chuyện, kể cả về nội dung của tự do. Từ thực tế đó, khái niệm tự do vào đến Hoa Kỳ đã bị đảo lộn và có những ý nghĩa trái ngược với quan niệm phổ biến của thế giới, xuất phát từ Âu Châu.

Ðã vậy, chủ nghĩa tự do hay “liberal” như triết lý chính trị của cánh tả và chủ nghĩa tự do bảo thủ của cánh hữu còn bị thách đố bởi một chủ nghĩa tự do tuyệt đối hơn, chủ nghĩa “libertarian.”

Hoa Kỳ không là quốc gia đơn giản!


Đọc thêm :








No comments:

Post a Comment

View My Stats