Nguyễn Tường Thiết
MỜI ĐỌC BÁO PHONG HÓA, NGÀY NAY
Thư Viện Người Việt, sau khi đã đưa
các tờ báo Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân lên, hôm nay lại tiếp tục giới thiệu
hai tờ PHONG HÓA và NGÀY NAY của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, xuất bản tại Hà Nội
trong thập niên 1930. Đây là hai tờ báo quan trọng đã làm thay đổi bộ mặt của
báo chí Việt Nam, đưa nghề báo của nước nhà đến chỗ trưởng thành. Quý vị có thể
bấm đường nối trên trang Diễn Đàn Thế Kỷ để vào xem Thư Viện Người Việt.
------------------------
Tôi nghe nói đến báo Phong Hóa & Ngày Nay của nhóm Tự Lực
Văn Đoàn rất nhiều lần. Nhưng thực sự nhìn thấy tận mắt tờ báo thì chỉ hai lần
trong đời. Hai lần ấy mỗi lần nhớ đến lại mang tôi về kỷ niệm với cha tôi, nhà
văn Nhất Linh.
Khi tôi sinh ra đời cuối năm 1940 thì báo Ngày Nay vừa b ịnhà
cầm quyền Pháp đóng cửa hẳn (số báo chót 224 phát hành ngày 07-09-1940). Cha
tôi năm ấy thôi làm báo. Ông bước sang một giai đoạn khác của đời ông. Trước đó
vào năm 1939 cha tôi lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính và
hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trở thành công khai.
Trong thập niên 1940-50 cha tôi bận rộn với những hoạt động
chính trị, ông bôn ba nhiều năm bên Trung Hoa. Cuối năm 1950 từ Hương Cảng trở
về Hà Nội ông tuyên bố không làm chính trị nữa để trở về với văn hóa, như ông đã
từng làm trong suốt thập niên trước, trong đó có đến 8 năm ông là người điều
khiển hai tờ báo Phong Hoá & Ngày Nay (khởi đầu với báo Phong Hóa số 14
phát hành ngày 22-09-1932) và cầm đầu nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Trởvề Hà Nội cha tôi ở căn nhà 15 phố Hàng Bè khoảng nửa năm,
trước khi ông quyết định vào Nam sinh sống vào tháng 4 năm 1951. Trong thời
gian sống với cha tôi ở Hà Nội lần đầu tiên tôi được đọc những số báo Phong Hóa
và Ngày Nay. Đó không phải là những số báo rời mà báo đã được đóng thành tập.
Tập có bìa da màu xanh dương, chữ mạ vàng trên bìa. Tôi không biết mỗi tập có
bao nhiêu số báo, chỉ biết là mỗi tập rất dầy và nặng. Báo PH&NN lại có khổ
lớn (hình như khổ bằng nửa tờ nhật trình), nên với một đứa bé 10 tuổi tôi không
thể cầm đọc mà phải bê lên đặt trên đùi. Tôi mê mải đọc hết số này qua số khác,
nhưng không đọc kỹ mà chỉ lướt xem những bức tranh hí hoạ và đọc những mẩu
chuyện vui cười. Bây giờ tôi không thể nhớ rõ nội dung và hình thức hai tờ báo
Phong Hoá và Ngày Nay ra sao, nhưng có hai điều ghi sâu trong ký ức tôi: đó là
tờ báo có rất nhiều tranh vẽ, hình như trang nào cũng có tranh. Thứ hai là có
nhiều số báo Ngày Nay giấy báo rất xấu, mầu ngà ngà và hôi mùi dầu. Mùi ấy hình
như còn vương trong khứu giác tôi mỗi lần tôi nhớ đến. Sau này các anh tôi cho
biết là thời gian cuối thập niên 30 xẩy ra thế chiến thứ II giấy báo rất khan
kiếm, nhiều số báo Ngày Nay phải in bằng giấy dầu.
Một bữa tôi đang mải mê đọc, cha tôi đi ngang qua. Có lẽ ông
thấy hình ảnh thằng con ông ngồi bó gối đọc báo có vẻ ngộ nghĩnh: tập báo to và
nặng đặt trên đùi thằng bé thì che kín cả người nó. Ông cúi xuống đặt tay trên
vai tôi nhìn vào trang báo, hỏi tôi:
–Con đọc gì vậy?
Tôi đáp:
–Con chỉ thích xem hình Lý Toét, Xã Xệ và đọc chuyện vui cười
thôi.
Vào trong Nam không hiểu sao tôi không thấy trong nhà có những
tập báo ấy. Chúng biến đâu mất tôi không biết. Đến năm 1958 khi cha tôi cho ra
đời giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, ông cần có một số tài liệu liên quan
đến sự thành lập báo Phong Hóa 26 năm về trước, chính ông cũng không biết tìm
đâu ra. Cuối cùng cha tôi đành phải sai anh Thạch tôi vào trong thư viện Quốc
Gia để sao lục. Anh Thạch rủ tôi đi cùng. Năm ấy tôi học lớp Đệ Tứ trường Chu
Văn An, mà thư viện lại ở ngay cạnh trường. Từ nhà chúng tôi ở chợ An Đông, hai
anh em cuốc bộ theo đường Hồng Bàng, chừng gần cây số thì rẽ tay mặt vào đường
Trần Bình Trọng, đi một quãng ngắn thì rẽ trái trên một cái ngõ cạnh một sân
banh, dẫn đến cửa sau của trường Chu Văn An (lúc ấy trường Chu Văn An còn mượn
tạm cơ sở của trường Petrus Ký). Một thư viện khá lớn hai từng quét vôi vàng
nằm khuất dưới bóng rợp một cây phượng đại thụ. Vì có mảnh giấy viết vài lời
giới thiệu của cha tôi, ông quản thủ thư viện tiếp chúng tôi rất niềm nở và
dành hẳn một phòng riêng cho hai anh em tôi nghiên cứu.
Thế là lần thứ hai và cũng là lần cuối tôi được sờ lên những
trang giấy của báo Phong Hóa và Ngày Nay. Cha tôi có trí nhớ thật tốt. Ông
không biết đích xác những tài liệu ông cần nằm trong số báo nào, nhưng ông nhớ
là ở trong số báo kỷ niệm 3 năm ngày ông thành lập báo Phong Hóa.
Tìm được những tài liệu cha tôi cần, chúng tôi phải cặm cụi chép
tay, vì chúng tôi không được phép mượn báo mang về nhà, và vì hồi đó thư viện
chưa có máy photocopy.
Ba bài bài viết chúng tôi chép tay và được cha tôi cho in trên
giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay số 5 trang 174 có tựa đề: “Nói về sự thành lập báo
Phong Hóa” của Nhất Linh, bài “Bên đường dừng bước” của Tứ Ly (Hoàng Đạo) và
bài “Nói chuyện cũ” của Nhất Linh. Riêng bài nói về sự thành lập báo Phong Hoá
thật ra nguyên thủy có tựa là Lời Nói Đầu, ký tên Phong Hóa, nguyên văn như sau:
LỜI
NÓI ĐẦU
Chúng tôi ra số báo này để kỷ niệm ngày báo ra, vì hai năm trước
đây chúng tôi đãng trí, nên quên mất việc đó.
Đã ba năm cùng các bạn cùng đi một con đường, tất là có những kỷ
niệm chung, mỗi bước đường lại một nhiều thêm. Vậy bây giờ cùng các bạn dừng
chân trông trởlại để nhắc đến những cảnh đã gặp và nhân tiện ngỏ cùng các bạn
hay những chuyện riêng trong nhà báo và trong nghề báo, những chuyện thân mật
mà người ta thường chỉ kể cho nhau nghe trong những lúc nhàn rỗi, nghỉ ngơi.
Phải là những lúc đó, những câu chuyện trong số báo này kể ra mới hợp thời và
không có vẻcầu kỳ.
HAI
THỜI KỲ
Những lý tưởng nó sai khiến chúng tôi, những ý muốn của chúng
tôi trong khi làm báo, Tứ Ly đã có bài bầy tỏ ở dưới đây.
Có một điều ai cũng nhận thấy là vào thời kỳ báo Phong Hóa ra
đời (kể từ số 14 trở đi, lúc Tự Lực VănĐoàn bắt đầu chủ trương báo Phong Hóa),
trong làng báo có một khuynh hướng mới về mặt nhà nghề: tờ báo đểquần chúng xem
và tờ báo mong sống vì độc giả.
Thời kỳ những báo vào loại báo Nam Phong đã tàn. Hay còn nữa thì
những thứ báo đó cũng chỉ để cho một hạng ngườiđọc riêng không có ảnh hưởng lớn
lao đến quần chúng. Những báo của buổi đời mới không thể là những tờ báo khảo
cổ hay sống dựa vào những tài liệu cũ được nữa. Những tờ báo mới phải căn cứ
vào hiện trạng, phải săn sóc đến dư luận, đến thời sự, phải là những bức tranh
hoạt động của xã hội trước mắt. Nhà viết báo không thể cắm đầu lục lọi trong
kho sách cũ, hoặc bó gối trong phòng viết những bài luận vềtriết lý vừa khô
khan, vừa khó hiểu, nhà viết báo bây giờ phải làm thế nào cho ai ai cũng hiểu
được mình và viết về những vấn đề có liên can đến một số đông người. Nghĩa là
phải làm theo những người viết báo bên Âu Mỹ.
ĐỘC
LẬP
Báo Phong Hóa về mặt trong còn có một sự mới khác hẳn các báo
trong nước xưa nay. Lệ thường thì tờ báo hoặc là của riêng một hội, một đảng (ở
nước ta ít khi thấy), hoặc là của riêng một người. Người bỏ tiền ra bao giờ
cũng nhận lấy chức giám đốc dẫu rằng không có một cái tài nhỏ mọn gì về nghề
làm báo. Ông giám đốc chủ nhân đó bỏ tiền ra thuê một ông chủbút và ít nhiều
ông trợ bút. Các nhà văn sĩ vì thếnên luôn luôn xung đột với những nhà tư bản
có quyền sai khiến mình mà không có đủ tài để mình phục. Tờbáo ít khi có tôn
chỉ chuyên nhất, vì toà soạn thay đổi luôn mà ông giám đốc thì không đủ tài trí
bắt họtheo mình.
Báo Phong Hóa - khác hẳn - không phải là của riêng một người
nào.
Báo Phong Hóa là của chung của hết thẩy những người viết báo
Phong Hóa. Không có ông chủ, người làm công, không có những cuộc xung đột giữa
các nhà văn sĩ, các nhà tư bản. Những người giúp việc báo Phong Hóa là những
nhà văn độc lập, mà tờ Phong Hoá vì thế là một tờbáo độc lập, không phải theo
mệnh lệnh của một đảng nào hay một nhà tư bản nào.
Mỗi người mỗi tháng chỉ cần một số tiền đủ sống, còn tiền lãi,
nếu có, sẽ là của chung và sẽ dùng vào những công cuộc chung phải làm sau này.
*
–Trời muốn trở rét...
Hôm nay là ngày đầu mùa Thu của miền tây bắc.
Từ phòng viết trong nhà tôi nhìn qua cửa sổ: cây phong sau nhà
tôi mấy nhánh lá xanh đã bắt đầu chuyển sang màu vàng đỏ. Tôi nhìn lên tờ lịch.
Ngày 22 tháng 9 năm 2012.
Ngày này, 80 năm trước, cha tôi – một thanh niên 26 tuổi – cùng
với hai người em trai và hai người bạn tâm giao cho ra đời tờ tuần báo Phong
Hóa số 14 hoàn toàn đổi khác, mở đầu một kỷ nguyên mới cho làng báo chí Việt
Nam. Kể từ đó Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ và sau này thêm
Thế Lữ, Xuân Diệu làm nên “thất tinh”của Tự Lực Văn Đoàn.
Trong tám năm từ năm 1932 đến năm 1940 với 190 số báo Phong Hoá
và 224 số báo Ngày Nay nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã đểlại cho làng báo Việt Nam một
gia tài đồ sộ. Nhưng những số báo ấy từ tám mươi năm qua vẫn nằm im lìm trong
kho tối của các thư viện lớn trên thế giới, chờngày mục nát. Chúng không được
ai biết tới, ngoại trừmột số rất ít các nhà nghiên cứu lâu lâu mới vào thưviện
tìm đọc để viết bài nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn. Một hậu duệ trực tiếp của
TLVĐ như tôi mà trong đời chỉ có hai dịp được tận mắt nhìn thấy Phong Hoá và
Ngày Nay thì tôi tin rằng tất cả những người khác trạc tuổi tôi hoặc nhỏ hơn
không mấy ai có được cơ may nhìn thấy tờ báo này một lần trongđời.
Nhưng may mắn là có nhiều người còn nặng tình với nền văn hoá
Việt Nam nói chung và riêng với di sản văn hoá của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Từhơn một năm nay một nhóm người âm thầm sưu tập, chụp lại và
scan tất cả những số báo Phong Hoá và Ngày Nay. Họ mang tâm trí và sức lực thực
hiện việc “SỐ HÓA”và phát hành trên mạng để tất cả mọi người Việt Nam ở trong
cũng như ngoài nước tìm đọc dễ dàng, đúng như lời tâm nguyện sau đây của nhóm
thực hiện:
“Phong Hoá và Ngày Nay: Một di sản chung của tất cả mọi người
dân Việt chúng ta.
Bởi vì, có lẽ chúng ta khó lòng tìm được một văn đoàn tài giỏi,
làm việc hăng say thể hiện sâu sắc tình yêu nước, yêu dân, yêu tiếng Việt, lại
có đủ thời cơthực hiện được một công trình văn hoá xứng đáng nhưthế nữa.”
Phạm Thảo Nguyên và Nguyễn Trọng Hiền
Tháng trước anh Nguyễn Trọng Hiền (con của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường) trao tặng tôi một cái USB (tôi không biết tiếng Việt gọi là cái gì) nhưng cho biết là trong USB này chứa đựng toàn bộ 190 số báo Phong Hoá và 224 số Ngày Nay.
Tôi nhìn cái UBS này: nó chỉ bé bằng đầu ngón tay nhưng chứa
đựng cả một kho tàng báo chí đồ sộ. Thật là kỳ diệu!
Tôi gắn USB vào máy vi tính và trong khoảnh khắc trên màn ảnh
hiện rõ những trang báo xưa, mỗi trang báo lại đưa tôi về kỷ niệm của thời thơ
ấu.
Tôi nhớ đến hình ảnh Nhất Linh cúi xuống nhìn qua vai đứa con út
của ông để đọc những trang báo Phong Hóa một thủa nào ở Hà Nội. Tôi nhớ đến
hình ảnh Nhất Linh vất vả đi tìm một tài liệu của chính ông viết vềsự thành lập
báo Phong Hóa khi ông chủ trương giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn.
Tôi tưởng tượng nếu cha tôi còn ở bên cạnh tôi ngày hôm nay, ông
sẽ kinh ngạc biết mấy khi thấy đứa con út của ông chỉ cho xem trên màn máy vi
tính trang thứ hai của tờPhong Hóa số 154 ra ngày 22 tháng 9 năm 1935, rồi tôi
in rađưa ông trang báo có bài ông viết 77 năm trước. Tất cảxẩy ra trong vòng
một phút đồng hồ.
Và chúng tôi sẽ cùng cười vang nhớ đến 54 năm trước ởSài Gòn cha
tôi đã phải mất mấy ngày tìm kiếm và sai hai anh em tôi đến thư viện quốc gia
cặm cụi ngồi chép bài “Nói về sự thành lập báo Phong Hóa” của ông.
Nguyễn Tường Thiết
No comments:
Post a Comment