Tạp ghi Quỳnh Giao
Friday,
October 19, 2012 1:47:17 PM
Tháng vừa qua có nhiều cái tang cho giới văn học nghệ thuật. Ðầu
tiên là nam danh ca Andy Williams của Hoa Kỳ vào cuối Tháng Chín, rồi chúng ta
mất nhà thơ bị cầm tù Nguyễn Chí Thiện và gần đây là nhạc sĩ Trần Trịnh.
Không
là người chuyên viết “điếu tang”, người viết chỉ có vài ghi nhận về nhạc sĩ
Trần Trịnh cùng một số ít tác giả khác của nền tân nhạc Việt Nam trước năm
1975.
Như
nhiều lần Quỳnh Giao đã viết, cho đến nay tân nhạc Việt chỉ có khoảng 70 năm mà
thôi.
Trong
mấy chục năm của thuở ban đầu, các nhạc sĩ của chúng ta có nhiều khuynh hướng
sáng tác và mỗi người một cá tính riêng. Nhưng rất hiếm thành phần soạn ra các
tác phẩm nghệ thuật, loại nhạc kén người hòa âm, người hát và kén người thưởng
ngoạn. Ðứng đầu nhóm là Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Nguyễn Văn Quỳ, một vài bài
của Văn Cao (như Thiên Thai, hay Trương Chi) hay của Phạm Duy (như Chiều Về
Trên Sông, Ðường Chiều Lá Rụng), Cung Tiến (trừ mấy bài đầu tay như Thu Vàng và
Hoài Cảm). Trong số nhạc sĩ xuất hiện về sau thì có Lê Văn Khoa và Hoàng Quốc
Bảo.
Họ
sáng tác cho giới tri âm, có hiểu biết về âm nhạc và nhạc thuật. Họ không nhắm
vào đa số nên dù ca khúc đạt cao điểm về nghệ thuật mà lại hiếm người thưởng
thức vì ít người phổ biến.
Ngược
với nhóm nhạc sĩ khó tính ấy, một số đông đảo các tác giả đã viết cho nhiều
thành phần thính giả hơn. Nhạc của họ cũng giá trị về nghệ thuật, nhưng trình
bày không quá khó, dễ nghe và được nhiều người biết hơn. Nếu kể từ ngày đầu thì
chúng ta có tác phẩm của Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm
Oánh, Võ Ðức Thu, Phạm Ðình Chương Lương Ngọc Châu, Tô Vũ, Hoàng Giác, Hoàng
Quý, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Thiện Tơ, Văn Chung, Ðặng Thế Phong, Hoàng Trọng.
Sau 1954 chúng ta có Văn Phụng, Nhật Bằng, Nguyễn Hiền, Ðan Thọ, Xuân Lôi, Xuân
Tiên, Châu Kỳ, Y Vân, Tuấn Khanh, Minh Kỳ, Phó Quốc Thăng, Phó Quốc Lân, Anh
Hoa, Thanh Bình, Anh Bằng, Hoàng Lang, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trần Trịnh,
Nhật Ngân, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trần
Thiện Thanh, Anh Việt Thu, Trầm Tử Thiêng và sau này là Ðức Huy, Trúc Hồ, v.v.
Người
viết chỉ đơn cử thôi chứ không thể ghi hết ra đây, nên xin độc giả thứ lỗi nếu
còn thiếu sót nhiều tên tuổi. Chỉ lưu ý độc giả là mình kể về những nhạc sĩ của
miền Nam sau 1954 mà thôi.
Sau
1954, không khí sáng tác trong Nam mở ra nhiều chân trời mới, với các nhạc sĩ
tham gia đông đảo và lại có phương tiện phổ biến rộng lớn hơn từ đài phát
thanh. Ra khỏi thời “cải cách”, tân nhạc Việt Nam cũng hết thu vào thành phố mà
lan tỏa khắp nơi nhờ làn sóng điện. Chúng ta khó quên được thời kỳ hưng phấn
ấy, nó cũng trùng với nền Ðệ Nhất Cộng Hòa.
Nhưng
chỉ mươi năm sau Genève 54, chiến tranh bùng nổ và một thế hệ khác lại lên
đường bảo vệ miền Nam tự do. Nhiều thanh niên được động viên ra chiến trường và
trong quân đội cũng có các nhà văn, nhạc sĩ. Ðã có người lính thì phải có em
gái hậu phương. Rồi thôn quê thiếu an ninh khiến nhiều người rời tỉnh đi vào
thành phố, họ đem theo tâm tư, cảm nghĩ và cả sự thưởng thức âm nhạc rất bình
dân, có âm hưởng chân quê mà nhiều người trong thành phố cứ gọi là “Nhạc Sến”!
Y như các đài phát thanh trước đó chục năm, phong trào sản xuất đĩa nhạc, băng
nhạc cũng góp phần phổ biến các tác phẩm này trong quần chúng.
Bây
giờ, mấy chục năm sau mà nghe lại, chúng ta vẫn thấy thương yêu gần gũi với
loại nhạc ấy, và phải nói là còn ưa thích hơn những sáng tác thời nay!
Thực
ra, nghệ sĩ nào cũng có thể muốn hai điều hơi trái ngược.
Là
phải có tác phẩm cao sang về nghệ thuật mà cũng muốn có tác phẩm phổ thông cho
đám đông và thành công về thương mại. Loại nhạc quá cao sang về nghệ thuật
thường khó nuôi nổi tác giả nếu người nhạc sĩ không có một nghề khác. Loại nhạc
kia thì đã từ làn sóng điện tràn ngập mọi khu phố cho mọi người cùng thưởng
thức và được nhiều nghệ sĩ khai thác hơn. Nét chung của các ca khúc này là theo
tiết điệu Boléro dễ nghe dễ hát, trên âm giai Thứ khá lâm ly ủ dột.
Có
lẽ đứng đầu loại nhạc này là Trúc Phương. Anh nổi tiếng như cồn. Từ đầu sân đến
cuối ngõ, radio và trẻ con đều hát theo “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa
đêm...” Thấy sự thành công của loại nhạc này, nhiều nhạc sĩ cũng sáng tác theo.
Trong đài phát thanh, đám nghệ sĩ chúng tôi không gọi là “Nhạc Sến” như giới
thính giả mà gọi là nhạc thương mại vì sức bán của các ca khúc này.
Những
nhạc sĩ như Mạnh Phát, Hoài Linh, Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Trần Thiện Thanh, Duy Khánh,
Dzũng Chinh, Anh Thy, Thanh Sơn, Châu Kỳ, v.v. đều có sáng tác đứng đầu danh
mục bán chạy.
Tuy
nhiên, dù viết loại nhạc phổ thông này để mà sống, các nhạc sĩ không “bỏ” loại
sáng tác nghệ thuật kia. Khi viết “Biệt Kinh Kỳ”, Minh Kỳ vẫn có “Nha Trang” hay
“Giòng Thời Gian”. Tuấn Khanh vẫn soạn “Chiếc Lá Cuối Cùng”, hay “Mộng Ðêm
Xuân” cùng với bài “Quán Nửa Khuya”. Trần Thiện Thanh vẫn viết “Chân Trời Tím”,
“Người Yêu Tôi Khóc” khi đã ăn khách với những ca khúc như “Rừng Lá Thấp” hay
“Hoa Trinh Nữ”...
Riêng
có hai nhạc sĩ lại phân thân, là soạn ca khúc nghệ thuật với tên tuổi chính và
viết ca khúc thương mại với biệt hiệu mới! Ðó là Trần Trịnh và Nhật Ngân.
Trần
Trịnh đã có những sáng tác bất hủ như “Lệ Ðá” hay “Những Nụ Gai Mòn”, với lời
từ rất đẹp của nhà thơ Hà Huyền Chi. Anh cũng có bài “Tiếng Hát Nửa Vời” thật
cao sang và thanh thoát.
Ở
ngoài đời và trong nhà Nhật Ngân là cậu họ của người viết, theo cách gọi của
người Mỹ là “second cousin” đấy. Cậu Ngân có những tuyệt tác như “Tôi Ðưa Em
Sang Sông”, “Hai Màu Tóc Ðợi” hay “Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về”, v.v. Thế rồi khi cùng
làm việc trong Cục Tâm Lý Chiến, Trần Trịnh cùng Nhật Ngân ráp lại, người soạn
nhạc, người viết lời, và người thứ ba là Lâm Ðệ làm công việc thu thanh và phát
hành. Cả ba lấy tên chung là Trịnh Lâm Ngân.
Bộ
ba này có những nhạc phẩm rất thành công, như Cảm Ơn, Mùa Xuân Của Mẹ, Mùa
Phượng Tím, Người Tình và Quê Hương, Xuân Này Con Không Về, Yêu Một Mình, và
nhất là “Qua Cơn Mê”...
Nhạc
sĩ Nhật Ngân tạ thế vào Tháng Giêng năm nay. Chưa đầy một năm, đến lượt Trần
Trịnh cũng giã từ chúng ta vào Tháng Mười. Một năm có quá nhiều mất mát...
No comments:
Post a Comment