Monday 22 October 2012

Y VÂN - "LÒNG MẸ" NHƯ MỘT . . . "QUỐC CA của TÌNH MẪU TỬ" (Du Tử Lê)




Du Tử Lê
Wednesday, October 10, 2012 2:27:52 PM

Tôi vẫn nghĩ, chỉ cần một tinh thần khách quan tối thiểu thì, không ai có thể phủ nhận sự phong phú đầy ý nghĩa của nền tân nhạc miền Nam 20 năm.

Cũng như thi ca, nền tân nhạc miền Nam, với lịch sử ngắn ngủi từ 1954 tới 1975, đã mang lại cho Việt Nam cả một kho tàng văn học, nghệ thuật rực rỡ. Sự giàu có rực rỡ ý nghĩa của bộ môn nghệ thuật này, không chỉ giới hạn ở thể loại tình ca mà, nó lan tỏa, tới mọi giai tầng xã hội. Mọi hạng tuổi. Mọi sinh hoạt xã hội. Tôi muốn nói, dòng tân nhạc ấy, đã ân cần đi tới từng thành phần. Hân hoan, hạnh phúc đáp ứng nhu cầu từng đám đông.

Không kể tình ca, ở thể loại còn lại nào, người ta cũng tìm thấy rất nhiều ca khúc có giá trị cao từ giai điệu tới ca từ. Từ những ca khúc dành cho thiếu nhi, thanh niên, tới những ca khúc viết về cho chiến tranh, người lính, thôn quê, nông dân...

Ngay những ca khúc có tính chất tuyên truyền, như vào khoảng đầu thập niên (19)60, vì nhu cầu, chính quyền miền Nam phát động một chiến dịch gọi là “Chiêu hồi,” dành mọi ưu tiên cho những sáng tác loại này. Tuy là loại nhạc được các nhạc sĩ viết theo nhu cầu, theo chiến dịch, nhưng trong số những sáng tác đó, người ta vẫn gặp được những ca khúc giá trị. Sâu nặng tình người. Thứ tình cảm được xây dựng trên yếu tính nhân-bản. Không kêu gọi máu đổ, thịt rơi. Không hô hào chém giết hoặc tận diệt kẻ thù!

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, dường như cuối thập niên (19)50 (?),tình cờ tôi nghe được một ca khúc nói tới mối tương quan đẹp đẽ giữa người lính và người nông dân, cùng nhiều địa danh hoàn toàn xa lạ với tôi thời ấy. Tới bây giờ, tôi vẫn không biết tên tác giả, cũng như tựa đề của ca khúc. Nhưng không hiểu vì đâu, một lời ca trong bài hát ấy, đã ở lại bền lâu trong tôi. Ðó là câu:

“Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Ðồng Tháp, Cà Mâu,
Ta người nông dân gia công, gắng sức tăng gia cho được mùa mong cầu...” (1)

Gần đây, khi lời hát này từ đáy sâu tiềm thức tôi trồi lên, dội đập bốn vách tường tâm trí, tôi đã nói với một vài bằng hữu của tôi rằng, giai điệu của ca khúc tươi vui, đẹp tới lãng mạn. Và, phần ca từ thì, chỉ một câu ngắn thôi, đã tả rõ, thật rõ cả một không gian thanh bình của miền Nam những năm cuối và, đầu thập niên (19)50, (19)60.
Nói cách khác, nền tân nhạc của miền Nam, không chỉ phong phú ở thể loại tình ca mà, giới thưởng ngoạn dù ở môi trường nào, giai đoạn nào, lứa tuổi, trình độ, giai tầng xã hội nào cũng vẫn tìm được cho mình một số ca khúc, để yêu thích. Ðể mãi nhớ. Như một thứ vốn liếng, tài sản tinh thần riêng. Tuồng những ca khúc ấy, được viết cho riêng họ vậy.

Nhưng, nếu phải đi tìm một ca khúc, gồm luôn cả tình ca, quê hương, chinh chiến, thảm họa ca... mà, khi bài hát vừa cất lên, dù người nghe lớn hay nhỏ tuổi, giầu sang, trí thức hay không, cũng có thể lầm thầm hát theo thì, trong số hàng ngàn ca khúc của miền Nam, có dễ chỉ vài ba bài đạt tới mức độ phổ cập cực lớn ấy. Trong số vài ba ca khúc hiếm hoi này, theo tôi, có ca khúc “Lòng mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân/Trần Tấn Hậu:

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa Thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Thương con thao thức bao đêm trường,
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày,
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.
Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm Mẹ hiền năm tháng triền miên.
(“Lòng Mẹ,” Y Vân, lời một, đầu tiên) (2)

Toàn vẹn phần ca từ là những lời cực kỳ đơn giản. Không chút cầu kỳ, bóng bẩy. So sánh hay liên tưởng trong toàn bộ lời ca, cũng là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường ngày của chúng ta...

Nhưng chính sự đơn giản, mộc mạc mà chân thật, nồng nàn đã soi rọi, đã phóng chiếu xác thực tình mẹ thương con. Cũng chính những hình ảnh được tác giả nêu ra để so sánh, là những hình ảnh đời thường mà, người nghe cảm nhận được một cách cụ thể tính hy sinh bao la, bất tận của người mẹ Việt Nam. Những người mẹ quên mình vất vả, cực nhọc, ngược xuôi một đời vì các con.

Tôi muốn ví ca từ trong ca khúc “Lòng Mẹ” của Y Vân tựa như những cục than hồng thương yêu, những ngọn lửa hy sinh một đời của người mẹ làm phỏng, cháy tâm hồn người nghe. Dù người kia vẫn còn hay đã mất mẹ.
(Phải chăng, nhờ những phỏng cháy tâm hồn từ tình mẹ thương con mà, không ít những đứa con đã nên người?)

Lại nữa, như tôi biết, tùy tâm trạng, khung cảnh, thời gian... khi bài hát được cất lên, nhiều người đã không ngăn được nước mắt. Những hạt lệ thương tâm, lặng lẽ chảy! Có thể đấy là những giọt lệ muộn màng của những đứa con từng vô tình trước những hy sinh vĩ đại của người mẹ. Nhưng dẫu sao thì, sự “đánh thức” mà ca khúc “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân, trong những trường hợp vừa kể, cũng vẫn là một “đánh thức” hiếm hoi nhiều tình, ý tiềm tàng trong ca khúc.

Lịch sử dòng tân nhạc của hai mươi năm văn học, nghệ thuật miền Nam, còn lưu truyền tới nay, có khá nhiều ca khúc nổi tiếng viết về tình mẹ. Nhưng, như đã nói, dường không một ca khúc nào, đạt tới mức phổ cập cùng khắp như “Lòng Mẹ.”

Từ đó, tôi muốn được gọi ca khúc “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân, như một “Quốc-ca-của-tình-mẫu- tử” vậy.

(Kỳ sau: Từ ca khúc “Lòng Mẹ” tới đời thường của nhạc sĩ Y Vân)

Chú thích:
(1) Vì không biết tên tác giả, tựa đề ca khúc, nên người viết không có dữ kiện để tra cứu. Do đó, có thể trích dẫn này có một số từ không đúng nguyên bản. Xin quý bạn đọc niệm tình thứ lỗi.
(2) Theo dactrung.com.


Du Tử Lê
Wednesday, October 17, 2012 2:44:51 PM

Về thời điểm ra đời của ca khúc “Lòng Mẹ” mà, cá nhân tôi muốn được gọi là “quốc ca của lòng từ mẫu,” đến nay, đã có tới ba ghi nhận khác nhau.

Nhạc sĩ Y Vân. (Tranh do con trai trưởng của nhạc sĩ Y Vân vẽ)

Trước hết, theo trang mạng Wikipedia/Bách khoa toàn thư mở, phần tiểu sử của cố nhạc sĩ Y Vân, có đoạn ghi nhận nguyên văn như sau:
“Năm 1952 (trước di cư 1954) ông (nhạc sĩ Y Vân) vào Nam, tại đây tiếp tục sáng tác, chơi nhạc và dạy nhạc, ngoài ra còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Những ca khúc nổi tiếng thời điểm này là: Lòng Mẹ, Hồn Quê, Ðò Nghèo,... ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu Cha cha cha, Disco như: Sài Gòn, Ảo Ảnh, Sáu Mươi Năm Cuộc Ðời, Thôi...”

Ðoạn văn trên mở ra một cánh cửa mơ hồ khá to lớn! Căn cứ vào mạch văn, không ít người suy diễn rằng, ca khúc “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân, đã được sáng tác vào năm 1952.

Nhưng trong bài viết nhan đề “Vài nét về cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân,” tác giả Nguyễn Việt viết:
“...Sau một buổi trình diễn với Phủ Tổng Ủy Di Cư về, Y Vân bị mưa ướt như chuột lột, quần áo dơ hết. Mới di cư còn nghèo, chỉ có một bộ đồ coi được nhất để trình diễn, Y Vân rất lo lắng vì ngay sáng hôm sau lại phải đi đàn nữa. Khuya hôm đó, mẹ ông đã đem bộ quần áo ra máy nước công cộng đầu hẻm giặt sạch rồi về nhà đốt than lên hơ cho chóng khô.”
“Sáng hôm sau, Y Vân đã nghiễm nhiên có được bộ quần áo sạchá mặc đi diễn. Ông cảm động lắm và cảm hứng viết nhạc phẩm đầu tay “Lòng Mẹ,” một bài hát đã đi vào lòng hằng triệu người dân nước Việt. Và đó là khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa nhất của Việt Nam...” (2)

Trên thực tế, Phủ Tổng Ủy Di Cư được chính quyền miền Nam thành lập vào năm 1954, với nhiệm vụ lo giúp đỡ thiết thực cho hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.

Tài liệu chính thức ghi nhận rằng:
“Sau khoảng một tháng, làn sóng di cư trở nên ồ ạt khiến chính phủ phải thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn. Phủ Tổng Ủy lần lượt do các ông Nguyễn Văn Thoại (từ ngày10.8.1954), GS Ngô Ngọc Ðối (từ ngày 21.8.1954), BS Phạm Văn Huyến (từ ngày 4.12.1954), ông Bùi Văn Lương (từ ngày17.5.1955) làm tổng ủy trưởng. Tới ngày 21 tháng 8. Mỗi ban ngành đều có đại diện của Phủ Tổng Ủy. Phủ Tổng Ủy có 3 nhiệm vụ: Cứu trợ và di chuyển; Kiểm soát và tiếp cư; Giúp đỡ định cư... (3)

Nếu tư liệu của tác giả Nguyễn Việt về ca khúc “Lòng Mẹ” của Y Vân là chính xác thì, thời điểm sáng tác của ca khúc phải nằm trong khoảng thời gian từ 1954, tới 1955. Bởi vì, sau đó, Phủ Tổng Ủy Di Cư không còn nữa.

Chưa hết, nhạc sĩ Y Vũ, em ruột của cố nhạc sĩ Y Vân, lại kể với phái viên báo Thanh Niên rằng:
“Cuối thập niên 1950, anh Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hằng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát chế độ cũ bắt vì tội phá lệnh giới nghiêm. Ðến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện đã khóc và viết ra ‘Lòng Mẹ,’” em trai của nhạc sĩ kể lại.
“Câu hát tha thiết: ‘Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ... Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương... ’ ’ Viết xong, anh hát cho mẹ nghe và bà đã khóc...” (4)

Giống như tác giả Nguyễn Việt, nhạc sĩ Y Vũ cũng không xác định rõ thời gian ra đời của ca khúc “Lòng Mẹ.” Nhưng khi ông nói đó là “cuối thập niên 1950...” thì, chắc chắn không phải là khoảng thời gian 1954-1955. Nó càng rất xa điểm mốc 1952 như tài liệu của Wikipedia, khiến nhiều người ngộ nhận (?).

Tuy nhiên, dù “Lòng Mẹ” ra đời ở thời điểm nào thì, căn cứ vào những tư liệu có được, (luôn cả lời kể của người em ruột, Y Vũ), tất cả đều cho thấy, nhạc sĩ Y Vân xuất thân từ một gia đình ngặt nghèo về vật chất. Ông sống với một bà mẹ đơn chiếc, tần tảo, ngược xuôi, một mình nuôi bầy con.

Ở điểm này, tác giả Nguyễn Việt, trong bài viết của mình cho hay, ông biết khá rõ về gia cảnh của cố nhạc sĩ Y Vân; cũng như nguồn gốc của bút hiệu “Y Vân.” Họ Nguyễn viết:
“Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Thanh Hóa. Thuở thiếu niên ông từng theo học nhạc với giáo sư-nhạc sĩ Tạ Phước, và đã tập tành sáng tác từ rất sớm nhưng không mấy thành công.
“Mồ côi cha, nhà nghèo, mấy mẹ con dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, Trần Tấn Hậu rất thương mẹ và các em.
“Lúc đó chàng nhạc sĩ nghèo chưa lấy nghệ danh Y Vân, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình. Có một người bạn thân giới thiệu anh đến dạy đàn cho một tiểu thư khuê các, nàng tên là Tường Vân. Rồi giữa họ hé nở một mối tình đằm thắm. Nhưng... tình đầu tan vỡ cũng là lẽ thường, huống chi chàng chỉ là anh ‘Trương Chi’ si tình khốn khổ, còn nàng lại là mộtá‘Mỵ Nương’ danh gia vọng tộc. Không thành duyên nhưng... thành danh, một loạt các ca khúc của Y Vân (có nghĩa là Yêu Vân) ra đời từ đó như: Ðò Nghèo, Ảo Ảnh, Nhạt Nắng... với phong cách tha thiết, trữ tình rất được công chúng yêu thích (...).
“Năm 1954, ông cùng 2 em và mẹ di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, lúc vừa 21 tuổi. Mẹ hiền buôn bán nuôi 3 con. Còn Y Vân thì đã thích nhạc từ nhỏ, học đàn, sáng tác, hòa âm từ trước năm 54 nên vào Nam đã có thể đi trình diễn giúp vui cho đồng bào di cư...” (5)

Tôi không biết có phải vì gia cảnh ngặt nghèo và, mối tình đầu sớm tan vỡ, đã là hai động lực lớn, thúc đẩy tài năng tiềm ẩn của Y Vân/Trần Tấn Hậu, sớm phát tiết và thăng hoa?

Nếu quan điểm này có phần đúng thì, chúng ta cũng nên cám ơn hai bất hạnh kia của họ Trần. Và trước khi từ trần ngày 28 tháng 11 năm 1992 tại Saigon, tôi tin, dù bản chất khiêm tốn, thâm tâm cố nhạc sĩ Y Vân cũng hài lòng, hãnh diện về những năm, tháng cơ cực của gia đình và, cá nhân ông - Qua những gì ông đã cống hiến cho kho tàng tân nhạc Việt Nam. Một cống hiến nghệ thuật lớn lao mà, không phải nhạc sĩ nào cũng có thể đạt được. Dù cho họ may mắn có hoàn cảnh sống đầy đủ, tốt đẹp hơn ông!

(Kỳ sau: “Y Vân, tình khúc như nhân chứng kỷ niệm”)

Chú thích:
(2), (3), (4), (5): Nguồn đd.




No comments:

Post a Comment

View My Stats