Tiến sỹ Ralf Berhorst
Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của
Mao Trạch Đông” do GEO EPOCHE xuất bản
Trang này hiện đang bao gồm các chương sau đây:
Tên cướp đỏ: 1921 – 1931: lần thăng tiến của Mao
Con người chuyên quyền kia: Tưởng Giới Thạch
Cuộc chạy trốn qua núi: 1934 – 1935: “Vạn lý Trường
chinh”
Địa ngục Nam Kinh: Cuộc thảm sát tại Nam Kinh
Trận đấu tay đôi vì Trung Quốc: 1946 – 1949: nội chiến
Khởi hành vào một kỷ nguyên mới: 1940 – 1954: cải tạo Xã hội Chủ nghĩa
Cuộc chiến chống Mỹ: 1950 – 1953: Chiến tranh Triều Tiên
Cuộc chạy trốn qua núi
1934 – 1935: “Vạn lý Trường chinh”
Ulrike Rückert
Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông” do GEO
EPOCHE xuất bản
Cuộc tổng tấn công của những người Quốc Dân Đảng trong tháng 10 năm 1934
bắt buộc Hồng Quân phải bỏ chạy. Một cuộc phiêu lưu vô định kéo dài mười hai
tháng trời bắt đầu mà hàng chục ngàn người đã chết trong lúc đó. Những người
sống sót sẽ quyết định tương lai. Người dẫn đầu họ: Mao Trạch Đông.
Đây là lịch sử của một chuyến lưu lạc lập nên một huyền
thoại. Một hành trình dài hơn 8000 km xuyên qua một vài vùng đi lại khó khăn
nhất của Trái Đất: cuộc trốn chạy của 80.000 người Cộng sản trước những người
truy nã họ, quân đội của Tưởng Giới Thạch.
Những người lính của Hồng Quân hành quân cả một năm trời
và trung bình chỉ sau 200 kilômét mới nghỉ một ngày. Họ đi bộ theo một hình
vòng cung khổng lồ xuyên qua Trung Quốc, qua 18 dãy núi, 24 con sông lớn, chiếm
62 thành phố, đáng 300 trận và bước vào những vùng mà không một quân đội Trung
Quốc nào đặt chân đến đó từ nhiều thế hệ qua.
Vũ khí, đạn dược, lương thực, quần áo, máy móc – và toàn bộ hồ sơ lưu trữ
của Đảng: tất cả mọi thứ đấy đều phải được mang theo vào lúc ban đầu của cuộc
Trườn Chinh. Nhưng rồi phu khuân vác đào ngũ, ngựa thồ chết dần. Chẳng bao lâu
sau đấy, những người lính đói ăn. Hàng ngàn người trong số họ chết vì kiệt quệ,
lạnh giá và nhiễm bệnh. Ảnh: GEO EPOCHE
Những ai đương đầu với tất cả những nguy hiểm đó, người
đấy bị hành hạ bởi chứng vàng da, sốt, đói. Và trong mười người chỉ có một
người đến được đích.
Những người sống sót sau này góp phần của họ vào trong
một thiên anh hùng ca mà vẫn còn có ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay: một truyện
kể về những người anh hùng và những kẻ đê tiện, thảm họa và chiến thắng, người
thắng và kẻ thua – cả trong hàng ngũ của chính họ.
Chỉ một người trong số họ sẽ chiến thắng vào lúc cuối:
Mao Trạch Đông.
Trong khi đấy thì vào lúc bắt đầu cuộc hành quân ông ấy
là người yếu nhất trong tất cả các đối thủ.
VÀO NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 1934, KHI MAO bước ra khỏi nhà của ông ấy trong thành phố Vu Đô, gương mặt của ông ấy
nhợt nhạt, cơ thể gầy ốm. Trong những tháng trước đó, ông bị sốt rét, ông vẫn
còn cảm nhận được căn bệnh đó.
Nhưng nếu bây giờ không khởi hành thì ông có nguy cơ rơi
vào tay kẻ thù đáng sợ nhất của ông ấy: Tưởng Giới Thạch. Thêm vào đó, ông sẽ
mất liên lạc với nhóm dẫn đầu đã ra đi.
Từ tre, dây thừng và một mảnh vải bạt, ông tự tạo cho
mình một cái cáng, phòng trường hợp ngất xỉu dọc đường. Một trong những người
cận vệ sau này sẽ nhớ lại rằng Mao chỉ mang theo hai tấm chăn, một khăn trải
giường, một tấm vải dầu, một cái áo choàng, một cái ô đã hỏng và một bó sách.
Người vợ đang mang thai, Hạ Tử Trân, đã đi trước. Mao để đứa con trai hai tuổi
tên Tiêu lại cho người em trai.
Từ nhiều ngày qua, các đơn vị của Hồng Quân đã kéo ngang
qua thành phố nhỏ nhà trong Xô viết Giang Tây – vùng đất tròn 50.000 kilômét
vuông ở miền Đông Nam Trung Quốc do người Cộng sản thống trị từ 1929.
Nhưng không chỉ có quân nhân là đang trên đường đi: hơn
5000 phu khuân vác mang theo gạo, vũ khí, thiết bị kỹ thuật và thuốc men, hồ sơ
lưu trữ của Đảng, máy in và máy may. Thêm vào đó là hậu cảnh của nhà hát tuyên
truyền, một máy chiếu X-quang đã được tháo rời ra, một thư viện cũng như kho
báu quốc gia: hàng tấn vàng và bạc.
Nhân viên hành chính của Xô viết, cán bộ, nhân viên của
Ngân hàng Nhà nước – tất cả họ đã nhận chỉ thị hãy sẵn sàng lên đường trong
vòng vài ngày.
Vì giới lãnh đạo chắc chắn một điều: người Cộng sản sẽ
không thể nào giữ được vùng đất của mình lâu hơn nữa trước quân đội của Tưởng
Giới Thạch.
Bây giờ tất cả phải được tiến hành nhanh chóng. Nhiều
người chỉ còn một vài ngày để chuẩn bị cho cuộc hành trình.
Binh lính của Hồng Quân tụ họp lại trên bãi cỏ cạnh bờ
của một con sông gần Vu Đô. Nhóm người của đội tuyên truyền hát những bài ca
cách mạng, dép rơm nhưng cả giày cũng được phân phát cho những người lính, quân
phục và nón tre. Mỗi người nhận khẩu phần gạo cho hai tuần.
Nhà nước Xô viết, cái mà Mao 40 tuổi đã đấu tranh để có
nó, bị giải tán. Ông nhìn lỗi lầm cho việc này ở ba người đã hất ông ra khỏi
quyền lực.
BA NĂM TRƯỚC ĐÓ, Mao, nguyên thủ của nước Cộng hòa
Xô viết Trung hoa vừa mới được thành lập, còn có thể cảm nhận mình như là người
cầm quyền độc nhất. Vì trong một loạt các lãnh thổ do người Cộng sản kiểm soát
ở nhiều miền đất Trung Quốc thì vùng do ông lãnh đạo trong tỉnh Giang Tây là
vùng lớn nhất và quan trọng nhất. Việc ông đứng dưới quyền của Trung ương Đảng
ở Thượng Hải hầu như không mang ý nghĩa gì: khi có một mệnh lệnh nào đến mà ông
không đồng ý với nó thì ông cứ phớt lờ nó càng lâu càng tốt.
Cùng với thủ lĩnh quân đội Chu Đức to khỏe của mình, Mao
có uy tín rất lớn trong giới nông dân và nắm chặt lấy vùng Giang Tây trong tay
mình. Ông đã xây dựng nhà nước Xô viết đó. Bằng khủng bố, bạo lực nhưng cũng cả
bằng sức thu hút của mình, ông nắm giữ lấy quốc gia Cộng sản nhỏ bé đó.
Đội Hồng Quân của Mao Trạch Đông tiến hành một cuộc chiến
tranh phòng thủ không khoan nhượng chống lại quân đội Tưởng Giới Thạch. Và
thỉnh thoảng cũng chiến thắng: Mao dẫn dụ quân lính của Tưởng Giới Thạch tiến
sâu vào trong vùng Xô viết để phục kích tiêu diệt họ.
Thế nhưng giới lãnh đạo Đảng ở Thượng Hải đòi hỏi nhiều
hơn nữa. Quân đội Cộng sản cuối cùng cũng phải tấn công các thành phố lớn, để
thúc đẩy cuộc cách mạng ở đó. Mao cố xoa dịu. Ông biết quân đội của mình yếu
đến đâu. Chiến thuật của ông là chỉ tấn công kẻ địch ở nơi có thể gây tổn
thương cho nó.
Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông phải đặt mình dưới một
người đến Giang Tây vào cuối năm 1931: thành viên Bộ Chính trị Chu Ân Lai 33
tuổi.
Người con của một gia đình viên chức có học là hình ảnh
trái ngược lại của Mao: ông ấy đã sống ở Paris và Berlin, được cho là một người
theo Chủ nghĩa Thế giới. Khiếu tổ chức của ông ấy, và tài không gây thù kết oán
với bất cứ người nào, được đánh giá cao trong ĐCS. Chính bản thân Chu lại tuân
theo tất cả các chỉ thị hết sức nghiêm ngặt.
Khác với Mao, ông không bao giờ biểu lộ tham vọng giật
lấy quyền lực cao nhất. Ông ấy là người thứ nhì toàn hảo – chỉ là ông ấy chưa
tìm thấy được người thứ nhất của mình.
Chu ở trong vùng Xô viết càng lâu thì lại càng có thiện
cảm với Mao và chiến lược của ông ấy. Nhưng ông ấy quá là cán bộ để mà công
khai chống lại ý muốn của giới lãnh đạo.
Trong một hội nghị vào tháng 10 năm 1932, giới này muốn
bắt buộc người đứng đầu chính phủ bướng bỉnh kia phải tuân lời. Đại diện của họ
khiển trách Mao là “biếng nhác”, lúc nào cũng chờ đợi kẻ địch tấn công. Thêm
vào đó, họ buộc tội ông không tôn trọng Trung ương ở Thượng Hải. Những người
đồng chí cũng phê bình Chu Ân Lai – người này để cho Mao bị đẩy ra khỏi ban
lãnh đạo quân đội của Cộng hòa Xô viết.
Tháng 1 năm 1932, toàn bộ giới lãnh đạo ĐCS chạy trốn về
Giang Tây: tổ chức Đảng ở Thượng Hải và trong các thành phố khác sụp đổ, cán bộ
bị lộ, bị bắt, bị hành quyết.
Những người mới đến chẳng coi Mao, người tự xưng là lãnh
tụ của nông dân, ra gì. Ông và người bạn chiến đấu Chu Ân Lai của ông ấy, người
ta cho rằng họ đã châm chọc như thế, chẳng khác gì những tên cướp được ca ngợi.
Mao phải giao lại chức vụ đứng đầu chính phủ, ông chỉ còn lại danh hiệu “Chủ
tịch Ủy ban Điều hành trung ương của Cộng hòa Xô viết Trung Hoa” – nhưng không
còn có quyền lực thật sự gắn liền với nó nữa.
Bây giờ, bên cạnh Chu Ân Lai, thống trị trong Thụy Kim,
thủ đô của Cộng hòa Xô viết, là bí thư Đảng Bác Cổ.
Bác Cổ, một con người trẻ 26 tuổi, hơi vụng về, là học
trò Stalin gương mẫu. Ông có chức vụ đấy là nhờ vào sự tận tâm với Quốc tế Cộng
sản – tổ chức do Liên bang Xô viết chiếm thế thống trị, cái có nhiệm vụ điều
khiển các đảng Cộng sản trong các nước khác.
Cũng như nhiều cán bộ Trung Quốc, ông ấy đã học ở Moscow;
ông ấy biết các học thuyết của Marx và Lenin, nhưng ông hầu như chẳng hiểu gì
về chiến lược quân sự cả.
Vì thế mà Bác Cổ tin vào một cố vấn quân sự do Quốc tế
Cộng sản gửi đến, người Cộng sản Đức Otto Braun 34 tuổi, người mà ông ấy trên
thực tế đã đưa lên làm chỉ huy Hồng Quân – bên cạnh Chu Ân Lai.
Với chiều cao 1,80 mét, Braun hầu như cao hơn tất cả mọi
người ở Giang Tây. Mặc dù ông có thanh thế rất lớn do là người của Moscow gửi
sang, nhưng con người quê ở Thượng Bayern là một người ngoài cuộc: ông không
nói được một từ của thổ ngữ tiếng Trung địa phương, sống trong một căn nhà cô
lập giữa những cánh đồng lúa.
Ông dựa trên những chiến dịch hành quân cổ điển như đã
học được tại Học viện Quân sự ở Moscow, với những hoạt động được điều phối chặt
chẽ và kỷ luật tuyệt đối của từng người một. Thế nhưng trong mùa Xuân 1934,
Hồng Quân dưới sự lãnh đạo của Bác Cổ và Braun đã chịu nhiều chiến bại đau đớn
và mất những vùng đất rộng lớn.
Nhiều người – trước hết là Mao – đã nhanh chóng tìm thấy
kẻ có lỗi cho thảm họa đấy: người Đức kiêu căng đấy, không có khả năng thích hợp
với các tình thế ở địa phương.
Thật sự thì các tổn thất đó bắt nguồn từ một chiến lược
mới của Tưởng Giới Thạch: thay vì tiếp tục trực tiếp tấn công lãnh thổ Xô viết,
ông siết vòng vây ngày một chặt lại. Chúng hình thành từ hàng nghìn lô cốt nhỏ
bằng bê tông với tường dầy cho tới sáu mét mà trong đó một phần có đủ chỗ ẩn
nấp cho cả một tiểu đoàn.
Trước kia, Hồng Quân có thể dẫn dụ những người tấn công
vào các nơi đã phục kích sẵn. Thế nhưng bây giờ mặt trận cứ nhích dần lên mà
không chận lại được. Quân đội Tưởng yểm trợ những cuộc tiến công của họ bằng
hỏa lực pháo bin từ trong các lô cốt, và họ rút lui ngay lập tức vào trong sự
bảo vệ của chúng khi Hồng Quân tấn công.
Trong mùa hè năm 1934, Xô viết Giang Tây đã teo lại còn
khoảng phân nửa của vùng đất ban đầu. Chu Ân Lai, Bác Cổ và Otto Braun bây giờ
không còn nhìn thấy giải pháp nào khác hơn là tháo chạy. Có lẽ ba người này đưa
ra quyết định một mình. Mao chỉ được báo cho biết. Toàn thể bộ máy phải đi
theo, cái cần thiết để nhanh chóng xây dựng một nhà nước ở nơi khác: hành
chính, ngân hàng nhà nước kể cả máy in tiền, báo Đảng, cơ xưởng và nhà máy sản
xuất đạn – tất cả các thiết bị không dễ dàng thay thế được.
Tất cả đều diễn ra trong vòng bí mật nghiêm ngặt; mỗi một
người chỉ biết những gì chính mình cần phải làm.
Những ai không nhất thiết được cần đến đều phải ở lại:
trẻ con, hầu hết phụ nữ, người già, cán bộ làng và khoảng 20.000 người bị
thương. Cũng như tròn 10.000 người lính có nhiệm vụ đóng giả sự hiện diện của
một đạo quân ở mặt trận. Tất cả họ đều bị phó mặc cho sự trả thù của Quốc Dân
Đảng.
80.000 người kia phải phá vỡ các vòng vây và thành lập
một căn cứ mới ở đâu đó – có thể là cùng với các đạo quân Cộng sản khác cũng đã
tháo chạy khỏi các căn cứ của họ.
Một kế hoạch điên rồ. Vì đoàn người kéo dài ra đến tròn
30 kilômét. Nhiều người phu phải khuân vác quá nặng, những người mang vác nặng
nhất hầu như không thể đi hơn 20 kilômét trong một ngày.
Khi cuối cùng rồi Mao cũng lên đường vào ngày 18 tháng 10
thì nhóm tiên phong đã đi trước từ nhiều ngày. Trong ánh hoàng hôn, ông đến một
được một trong năm chiếc cầu phao mà công binh đã xây dựng một phần từ tre và
cánh cửa. Ông vượt con sông đang lặng lẽ chảy đi. Và chờ cho đến giờ của mình.
Vào lúc đầu, Hồng Quân chỉ hành quân về đêm, khi họ không
bị máy bay ném bom, trong ánh sáng của những cây đuốc, lên núi, xuống núi,
xuyên qua rừng rậm. Họ phải vượt qua bốn vòng vây công sự của Quốc Dân Đảng.
Trong những ngày đầu tiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Tưởng đã phát hiện ra
cuộc tháo chạy của họ.
Cuộc Trường Chinh chỉ là một chuỗi dài của nhục nhã, chiến bại và tổn thất.
Nhưng Mao đã biến nó trở thành huyền thoại. Ảnh: GEO EPOCHE
Vì vào lúc ban đầu những người đang hành quân không gặp
nhiều kháng cự: lãnh đạo của họ đã chọn một vùng không có quân đội của chính
phủ trung ương đóng ở đó, mà hầu như chỉ có quân lính của các thống đốc tỉnh –
những viên tư lệnh hoạt động phần lớn là độc lập, thích để cho những người Cộng
sản kéo qua càng nhanh càng tốt hơn là ủng hộ Tưởng Giới Thạch. Vì ai kìm giữ
Hồng Quân ở trên lãnh thổ của mình thì lại cung cấp lý do cho Quốc Dân Đảng gửi
quân đội của họ vào tỉnh đấy.
Nhưng tính nhẫn nại của các warlord này có giới hạn:
trong lúc vượt qua vòng vây thứ nhì, có một người tấn công hậu quân của Hồng
Quân. Chậm nhất là bây giờ thì nhiều người lính hoảng sợ, những người mới đây
bị những người Cộng sản ép buộc phải phục vụ trong quân đội và vẫn còn chưa
biết được mục đích của mình. Ngày càng có nhiều người biến mất vào trong bụi
rậm.
Thế nhưng ai trở về Giang Tây là rơi vào trong địa ngục.
Vì chỉ vài tuần sau khi Hồng Quân rút đi, chiến binh của Quốc Dân Đảng đã tràn
vào vùng Xô viết. Ai rơi vào tay họ đều bị giết chết, thường là bị tra tấn
trước đó. Người Quốc Dân Đảng phóng hỏa đốt trụi nhiều làng để hun khói các du
kích quân đang ẩn nấp, “những kẻ cộng tác với địch” có nguy hiểm bị cưỡng bức
lao động một cách dã man, phụ nữ bị hãm hiếp. Trong số những Hồng Quân bị bỏ
lại chỉ có một vài trăm người là sống sót.
Khi Tưởng phát hiện ra rằng lực lượng chính của ĐCS đã
rời vùng đấy, ông cho quân đội đuổi theo.
Vào cuối tháng 11, Hồng Quân đến được sông Tương. Mặc dù
quân địch đã vào vị trí chiến đấu, công binh vẫn xây được cầu phao tại nhiều
nơi.
Khi địch thủ tấn công, người ta đã phải trả giá đắt cho
việc giới lãnh đạo ĐCS cương quyết gói ghém cả một nhà nước trong những thùng
hàng: các đơn vị thiện chiến nhất phải bảo vệ nơi vượt sông chống lại những
cuộc công kích bốn ngày liền, cho tới khi đoàn vận tãi chậm chạp đấy cùng với
giới lãnh đạo cuối cùng cũng đến tới bờ sông.
Nhưng hỗn loạn đã xảy ra ở đấy sau những cuộc tấn công:
súng lớn, máy móc và thiết bị mà người ta đã cực nhọc mang theo bị quẳng lại
hay rơi xuống nước. Nhiều ngàn người chết.
Qua đó, người Cộng sản đã mất hơn phân nửa chiến binh của
họ chỉ sau sáu tuần kể từ lúc lên đường. Cộng thêm vào số những người đã hy
sinh ở sông Tương là nạn nhân của các trận đánh dọc đường, những người bị
thương (chỉ sĩ quan cao cấp mới được cáng theo), những người kiệt sức rơi lại
sau, những người lạc đường, mất liên lạc. Và những người đào ngũ – hẳn là hơn
10.000 người lính cũng như hầu hết 5000 phu khuân vác đã bỏ trốn.
Tổng cộng, Hồng Quân đã thu nhỏ lại còn khoảng 40.000
người.
Thêm vào đó, đường đi về phía Bắc đã bị khóa lại, vì
Tưởng Giới Thạch và người cầm quyền của tỉnh Hồ Nam đang chờ ở đấy với 100.000
người lính. Hy vọng hợp nhất với một đạo quân Cộng sản thứ nhì bây giờ là điều
không thể.
Otto Braun (1900 – 1974), một người Cộng sản Đức, được Moscow gửi sang ĐCS
Trung Quốc làm cố vấn quân sự. Ảnh: GEO EPOCHE
Tinh thần của quân lính buồn chán ảm đạm. Cả giới lãnh
đạo cũng chán nản: theo một tường thuật, Bác Cổ thường đùa nghịch với khẩu súng
lục của mình, dí nó vào đầu và rồi giả vờ bóp cò. Và Otto Braun bị cho rằng đã
đánh mất tính chuyên quyền của ông ấy.
Và tuy vậy: Hồng Quân đã đạt được mục đích đầu tiên của
họ và đã thoát được vòng vây. Nhưng bây giờ phải làm gì?
Trong khoảng khắc của sự mất phương hướng này, Mao nhìn
thấy thời cơ của mình đã đến. Trong cuộc hành trình cho tới lúc này, ông đi qua
đoàn quân, nghe ngóng đây đó một ít, nói chuyện với người này và người khác.
Ông tạo liên kết mới và đã lôi kéo hai thành viên của giới lãnh đạo Đảng cũng
như nhiều chỉ huy và bí thư cấp cao về phía mình, những người mà ông quen biết
từ thời còn cùng nhau đánh du kích.
Bây giờ, trong các hội nghị của giới lãnh đạo Đảng và
quân đội, ông không còn nhẫn nhịn nữa. Khi Bác Cổ và Otto Braun đề nghị cứ chờ
cho tới khi tìm được một lối thoát về phía Bắc thì ông lại đề nghị thay vì vậy
tiếp tục đi về hướng Tây, vào tỉnh Quý Châu. Người ta cho rằng quân đội của
viên tư lệnh ở đấy chỉ là một nhóm vô kỷ luật của những người nghiện thuốc
phiện, vì thế mà chắc là sẽ không có kháng cự.
Và thật sự: cả Chu Ân Lai cũng tán đồng ý kiến của Mao.
Điều này đã mang lại quyết định. Sau hai năm bị khinh thường, lần đầu tiên Mao
lại cùng bàn thảo tại một câu hỏi mang tính quyết định.
Nhưng cuộc thanh toán vẫn còn ở phía trước.
NHƯ MAO ĐỀ NGHỊ, Hồng Quân đi qua Quý Châu trong
những tuần cuối cùng của năm 1934. Trong mỗi một thị trấn, các nhóm tuyên
truyền tỏa ra, dán áp phích lên hàng rào, vẽ khẩu hiệu có chữ to lên tường:
“Chỉ Chủ nghĩa Cộng sản mới có thể cứu thoát được Trung Quốc” và “Đả đảo Tưởng
Giới Thạch”. Cán bộ hỏi tìm nông dân giàu có và những người buôn thuốc phiện,
rồi nhân danh Cách mạng tịch thu toàn bộ tài sản của họ.
Đầu tháng 1 năm 1935, Hồng Quân chiếm Tuân Nghĩa mà không
cần phải chiến đấu, nơi ngự trị của người đang cầm quyền tại địa phương trong miền
Bắc của Quý Châu, thêm vào đó là nhiều thành phố lân cận. Ở đây còn có nhà với
đèn điện nữa.
Giới lãnh đạo tuyên bố sẽ thành lập một căn cứ Cộng sản
mới ở đây. Ngay lập tức các cán bộ bắt đầu làm việc, tổ chức các cuộc mít tinh,
khuyến dụ người tình nguyện, thành lập các ủy ban cách mạng.
Hồng Quân chọn tòa nhà đẹp nhất thành phố để làm trụ sở
chính của họ: ngôi biệt thự của một thương gia giàu có. Ở đấy, giới lãnh đạo
Đảng và quân đội đã họp lại vào tối ngày 15 tháng 1 năm 1935.
Vào lúc ban đầu của cuộc hành quân, chính ủy Chu Ân Lai
(trái) là một trong những người có quyền lực nhiều nhất. Thế nhưng trong vòng
mười hai tháng kế tiếp theo sau đó, Mao đã thắng thế. Ảnh: GEO EPOCHE
20 người đàn ông ngồi trên những chiếc ghế mây quanh một
cái bàn gỗ nặng nề trong ánh sáng của một cây đèn dầu, được sưởi ấm bởi một cái
lò nhỏ bằng sắt.
Các sự kiện vừa qua cần phải được thảo luận: các hoạt
động thất bại chống cuộc bao vây của Tưởng Giới Thạch, nhiệm vụ của vùng Giang
Tây – và cả thảm họa ở sông Tương.
Mao đã tổ chức cuộc hội nghị nhờ sự giúp đỡ của những
người đồng minh thân cận nhất của ông ấy và đã chuẩn bị tất cả để nó diễn ra
theo ý của ông.
Bác Cổ là người đầu tiên phát biểu và lý giải chiến bại ở
Giang Tây với quân đội chiếm ưu thế của Tưởng Giới Thạch cũng như với các công
sự. Liệu cả giới lãnh đạo ĐCS cũng thất bại hay không, ông ấy không nói về việc
đó.
Kế tiếp theo, Chu Ân Lai cất tiếng nói. Về nguyên tắc ông
đồng ý với Bác Cổ, nhưng rồi lại nêu ra các sai lầm chiến thuật của năm vừa rồi
– những cái tất nhiên là ông cũng đều cùng chịu trách nhiệm cho tất cả. Chu có
thể tự phê bình mình như thế. Vì ông đã thỏa thuận từ lâu với Mao và những
người liên kết với ông ấy rằng cần phải quy lỗi chính về cho ai: Otto Braun và
Bác Cổ.
Chính Mao đảm nhận điều đấy: cả hai người đều đã không
tuân theo các quy tắc tiến hành chiến tranh cơ động mà lại chọn một chiến thuật
phòng ngự sai lầm dẫn đến mất vùng đất Xô viết. Mao nói càng lâu, một người
phiên dịch sau này sẽ nhớ lại, thì Braun hút càng nhiều thuốc lá, người ngồi ở
cạnh bàn như một bị cáo – nhưng ông ấy không bao giờ mất sự tự chủ.
Đa số người tham dự đồng quan điểm với Mao. Ông được nhận
vào trong giới lãnh đạo Đảng cao nhất và được bổ nhiệm làm trợ tá cho Chu,
người chịu trách nhiệm cao nhất về mặt quân sự.
Bộ ba Chu, Bác và Braun thế là bị phá vỡ, Mao thăng tiến
trong hệ thống cấp bậc của Đảng và lại tham gia lãnh đạo về mặt quân sự. Braun
và Bác tiếp tục đi cho tới hết cuộc hành trình – nhưng chấp nhận bị đẩy lùi ra
sau.
Đối với Mao, việc ông bị tước quyền lực cả một thời gian
dài bây giờ lại trở thành ưu thế của ông ấy: ông có thể bác bỏ tất cả mọi lỗi
lầm về phía mình.
Hội nghị vẫn còn diễn ra khi nhận được báo cáo có quân
đội đang tiến đến: 100.000 quân lính của Tưởng Giới Thạch. Vào ngày 20 tháng 1
Hồng Quân rời thành phố.
Những người Cộng sản bây giờ cách xa mục đích của họ hơn
bao giờ hết: ý tưởng xây dựng một căn cứ tạm thời trong Tuân Nghĩa, có lẽ là
còn cả một Xô viết mới nữa, đã trở thành ảo tưởng. Đồng thời, từ Trùng Khánh
chỉ cách đó 200 kilômét về phía Bắc, Tưởng Giới Thạch huy động ngày càng nhiều
lực lượng để chận đường đi của họ. Ở Giang Tây và ở sông Tương, ông đã không
thể tiêu diệt được Hồng Quân, ông muốn nắm bắt lấy cơ hội kế tiếp – ở đây trong
Quý Châu – bằng mọi giá.
Giới lãnh đạo Đảng bây giờ dự định vượt qua con sông lớn
của Trung Quốc, Trường Giang, chảy xuyên qua đất nước này từ Tây sang Đông. Cho
tới nay, họ di chuyển ở phía Nam của con sông hướng về nguồn – thế nhưng họ
biết rằng có một đạo quân cộng sản đang ở đâu đấy trên phía Bắc, trong tỉnh Tứ
Xuyên, đạo quân mà đã chạy trốn khỏi vùng Xô viết của họ từ năm 1932.
Vào ngày 19 tháng 10 năm 1935, Hồng Quân đến căn cứ Cộng sản ở miền Bắc của
tỉnh Thiểm Tây – cuộc Trường Chinh chấm dứt. Nhà ở trong hang động che chở gió
và bụi cho những người lính. Ảnh: GEO EPOCHE
Trên thực tế, Mao đã nắm lấy quyền chỉ huy, Chu để cho
ông ấy làm. Quân đội bây giờ hành quân thành từng đơn vị nhỏ, tách rời khỏi
nhau.
Mao cho rằng các trung đoàn đang truy đuổi theo ông là
không mạnh lắm. Theo lệnh của ông, một phần lực lượng quay trở lại và tấn công.
Mãi đến lúc đấy, người lãnh đạo quân đội mới nhận ra rằng ông ấy đã gặp phải
một con số lớn những người lính được huấn luyện tốt và có kỷ luật. Trận đánh
kéo dài một ngày liền, trước khi Mao bỏ chạy.
Đó là trận đánh đầu tiên của ông ấy kể từ khi lấy lại
được quyền chỉ huy, và nó chấm dứt với hàng nghìn người chết. Kế hoạch vừa mới
được đưa ra, vượt Trường Giang, lại bị hủy bỏ.
Nhưng ngay sau đó, người Cộng sản đấy đã đạt được một
chiến thắng – và quyền lực chỉ huy của ông ấy tiếp tục được củng cố. Suốt hai
tháng trời, Hồng Quân đi theo một vũ điệu điên rồ: Mao gửi họ đi trên những
đường chữ chi, đường tròn và đường cong vòng vèo qua Quý Châu và tỉnh Vân Nam
giáp ranh ở phía Tây.
Đó là một điển hình cho chiến thuật quân sự của ông ấy,
cái dựa trên việc đánh lừa và làm cho đối phương bối rối, dấu kín các ý định
của mình trước quân địch và thao túng nó. Suốt đời mình, ông ấy sẽ tự hào khoe
khoang thành tích này. Nhưng đối với những người mà ông ấy đẩy qua lại trên sân
chơi của ông ấy thì đó là một cơn ác mộng.
Vì những nơi vượt Trường Giang đều bị đối phương chận lại
ở phía Bắc nên nhiều tuần liền ông đã tìm một con đường để đưa người của mình
qua được quân đội của các tỉnh và của Quốc Dân Đảng, liên tục thúc giục họ đi
qua những ngọn núi gồ ghề, rừng rậm và thung lũng đầy sương mù.
Trong thời gian này, Hạ Tử Trân vợ Mao sinh hạ một đứa
con, ở đâu đấy trong một ngôi nhà tạm bợ. Bà ấy không được phép giữ nó, vì đấy
sẽ là một gánh nặng cho quân đội. Người em chồng đã đưa đứa bé cho người duy
nhất đã có thể tìm thấy ở gần đấy: một người đàn bà già cả và mù lòa. Mao chẳng
buồn nhìn con gái của mình đến một lần.
Hồng Quân, thường hành quân về đêm, ngụy trang về ban
ngày với cây cỏ. Lúc trời đẹp thường có máy bay ném bom bay đến và, còn tồi tệ
hơn nữa, máy bay tầm thấp, những cái lơ lững hầu như không tiếng động quanh
sườn núi và bắn họ bằng súng máy.
Mệt mỏi và trở nên lãnh đạm sau nhiều tuần, người của Mao
thường chỉ còn nằm xuống tại chỗ thay vì tìm chỗ ẩn náu trong lúc bị không
kích. Sau một lần bị ném bom, 18 mảnh bom đã xé nát lưng của Hạ Tử Trân. Bà ấy
được mang theo trên một cái cáng, nhưng các y tá không thể làm gì nhiều hơn là
đưa thuốc phiện cho bà ấy (sau này, bà ấy được bay sang Liên bang Xô viết để
điều trị).
Ở đây không thiếu thuốc phiện. Trong nhiều vùng của Quý
Châu, thuốc phiện được trồng nhiều hơn là lúa và rau cải. Hồng Quân tịch thu
rất nhiều thuốc phiện, trả tiền cho những người phu khuân vác bằng thuốc phiện
và đổi nó để lấy thức ăn. Họ không được phép lấy bất cứ vật gì từ những người
nông dân bình thường mà không trả tiền, người ta rất chú ý đến điều đấy. Quân
đội cần phải quảng cáo cho Chủ nghĩa Cộng sản và không được làm xấu hình ảnh
của nó.
Nhưng thường thì người nông dân không có sự lựa chọn. Khi
hàng nghìn người lính đói ăn đi vào một ngôi làng với vài chục căn nhà thì vườn
tược và kho thóc chẳng mấy chốc đều trống trải. Một miéng bạc thì giúp ích được
gì khi khắp nơi đều đã bi ăn sạch cả rồi? Hay đấy còn là một tờ tiền giấy của
Ngân hàng Xô viết nữa?
Cuối tháng 3 năm 1935, Mao cho rằng thời điểm để rời miền
Bắc của Quý Châu đã đến. Với những cuộc hành quân giả vờ trước đấy, ông cố để
cho Tưởng tin rằng Hồng Quân vẫn còn tìm kiếm lối qua Trường Giang từ đây.
Hiện giờ mục đích là vượt qua con sông này ở xa dưới phía
Nam, nơi nó còn là một con sông chảy xiết trên núi, tìm đường đi của nó từ Cao
nguyên Tây tạng. Để làm việc đấy, Mao cho quân đội đầu tiên hành quân về phía
Nam và giả vờ tấn công vào tỉnh lỵ Quý Dương, nơi đích thân Tưởng đóng trong
tổng hành dinh của ông ấy ở đấy để “tiêu diệt những tên cướp”. Hoảng loạn xảy
ra. Tưởng gọi quân đội của tỉnh Vân Nam láng giềng đến hỗ trợ.
Đó chính là mục đích của Mao: Vân Nam bây giờ không còn
được canh giữ nữa, con đường tiến về phía Tây bị bỏ ngỏ. Để Tưởng không đoán ra
được kế hoạch, Hồng Quân đi thành nhiều nhóm tỏa ra thành hình cánh quạt và
thường hay quay lại hướng đối nghịch. Mao đã “đánh lừa được” Tưởng, một sĩ quan
Quốc Dân Đảng sau này sẽ nói như thế.
Vào ngày 29 tháng 4, những người Cộng sản đầu tiên đến
được bờ sông. Người dân địa phương dùng vài chiếc thuyền lớn chở quân lính sang
bên kia sông, phải cần đến chín ngày.
Lần vượt Trường Giang sau này thuộc vào trong những hân
hoan chiến thắng to lớn nhất của Hồng Quân. Vì người Cộng sản đã thành công
trong việc mà Tưởng cố ngăn chận: họ thoát được về hướng Bắc. Từ lúc bắt đầu
cuộc trường chinh, họ chưa từng bao giờ có nhiều tự do trong di chuyển như thế
này. Nhưng những câu hỏi gây bất an lại tái xuất hiện: Mao tuy đã tạm thời cứu
thoát được Hồng Quân – nhưng ông ấy có một kế hoạch cho tương lai không? Người
ta có thể thật sự tin tưởng rằng ông ấy sẽ tìm được một cứ địa mới hay không?
Phần lớn những người lính đều cách xa quê hương của họ
hơn 1000 kilômét, trong một tỉnh xa lạ mà họ không hiểu được tiếng địa phương
của nó,
Trong một lò rèn trước thành phố Hội Lý, những người lãnh
đạo Đảng và quân đội thảo luận về tình hình. Họ đã đi từ bảy tháng nay, và quân
đội đã teo lại chỉ còn một phần tư của lực lượng ban đầu. Từ Tuân Nghĩa họ lại
mất phân nửa thêm một lần nữa, gần 20.000 người, trong các cuộc chiến đấu nhưng
trước hết là vì kiệt sức.
Người lãnh tụ quân đội 27 tuổi Lâm Bưu – một viên chỉ huy
ít nói và gan dạ, chuyên gia cho những đòn nhử, phục kích và tấn công sườn –
nổi giận vì trò chơi mèo và chuột chết người mà Mao dùng quân đội để chơi nó.
Ông ấy yêu cầu giới hạn quyền chỉ huy của Mao,
Mao mắng nhiếc ông ấy: “Mày chỉ là một thằng bé!” Không
ai phản đối. Tuy nhiều người hiện diện có cùng quan điểm với Lâm, nhưng Chu Ân
Lai và những người đồng chí khác bằng mọi giá không muốn có một cuộc khủng
hoảng lãnh đạo. Khi Mao đưa ra các ý định của ông ấy về con đường tiếp tục của
Hồng Quân, tất cả mọi người đều đồng ý.
Ông ấy đã nhắm tới mục đích kế tiếp: tiếp tục đi về hướng
Bắc qua vùng núi ở rìa cao nguyên Tây Tạng, càng nhanh càng tốt. Lại có một con
sông là vật cản quyết định: lần này là sông Đại Độ, con sông mà chỉ có thể vượt
qua được ở một vài nơi. Họ cách nó khoảng 300 kilômét – đường chim bay.
Vào ngày 24 tháng 5 Hồng Quân đến được con sông này, thế
nhưng cuộc vượt sông bằng thuyền theo dự định tiến triển quá khó khăn. Mao chỉ
còn một khả năng: họ phải đến cây cầu Lô Định, nơi một con đường mua bán cũ dẫn
qua con sông đang hung dữ chảy xiết. Đó là một cây cầu treo lớn bằng dây xích
sắt to, dài 100 mét và có nhà ở hai bên cầu.
Việc Đệ nhất Quân đoàn của Hồng Quân chiến đấu mở đường ở
đây đã khiến cho nó trở thành cây cầu nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Trong lịch sử anh hùng của Đảng Cộng sản, một nhóm nhỏ
hồng binh vừa đu trên dây trần trụi của cây cầu đã mất đi những tấm ván lót vừa
bắn súng xung quanh mình trong lúc đó, không ngần ngừ lao vào một biển lửa ở
đầu bên kia và rồi lại xuất hiện ra từ đó mà chỉ bị cháy sém tóc và chân mày,
để rồi cuối cùng chiến thắng kẻ thù đông hơn nhiều trong cuộc đấu tay đôi.
Điều chắc chắn chỉ là đã không diễn ra như thế. Tuy quân
lính của một viên tư lệnh từ Tứ Xuyên thật sự là đã cố cản đường họ – chắc hẳn
là bằng cách đã lấy một phần ván lót bỏ đi. Trận đánh tuy vậy kéo dài không
lâu.
Nhưng cả trong tình trạng đã được sửa chữa lại thì những
người nào đấy trong đoàn đang hành quân cũng không thể nào vượt qua được cây
cầu này: như người ta nói rằng chỉ huy Lâm Bưu phải được ba người dẫn qua vì
ông ấy bị choáng váng; nhiều người khác phải bò qua.
Ở bên kia cầu đường lại lên núi cao. Vào giữa tháng 6, họ
vượt một con đèo trên độ cao 4000 mét. Cuộc hành quân qua băng tuyết trở thành
một trải nghiệm gây chấn thương tinh thần cho nhiều người. Đã từ lâu họ không
còn sức lực nữa, giày và áo bông chần đã mòn cũ, hay họ đã quẳng chúng đi khi
còn ở miền Nam nóng ấm.
Làm sao mà họ biết được những gì chờ họ ở phía trước. Bây
giờ, họ phải cực nhọc đi trong tuyết dầy với những cái áo choàng mỏng bằng bông
vải và giẻ quấn quanh chân. Nhiều người lính mắc chứng bệnh độ cao, có người
ngồi xuống để nghỉ ngơi rồi không bao giờ đứng dậy nữa. Y tá phân phát một loại
nước sắc ra từ gừng và ớt, cái được cho là trợ giúp được một ít. Mao, mang bệnh
sốt rét, yếu đến mức phải cho người khiêng trên cáng qua đèo.
Vào ngày 12 tháng 6 năm 1935, những người đầu tiên bắt
đầu xuống thung lũng – và nghe tiếng súng bắn, đó là ủy ban chào mửng của Đệ tứ
Quân đoàn. Niềm vui mừng rất lớn. Thế rồi quân lính của cả hai quân đoàn tiến
đến gần nhau và ngạc nhiên.
Người thì bị sốc khi nhìn thấy những hình dáng gầy gò, dơ
bẩn, mắt tụt sâu vào trong hố, ăn mặc rách rưới, có người còn mặc cả quần lụa
đã sờn hay áo hoa của phụ nữ. Người khác thì ngạc nhiên về những bộ quân phục
không thể chê vào đâu được và những gương mặt cạo râu nhẵn nhụi. Đó là một quý
ông!
Trương Quốc Đào, lãnh đạo của Đệ tứ Quân đoàn, đón chào
những người khách như một chủ trại đón chào họ hàng nghèo của mình. Con người
37 tuổi đó cũng là thành viên thành lập Đảng Cộng sản như Mao, nhưng là thành
viên của Bộ Chính trị lâu hơn rất nhiều. Ông ấy chỉ huy một căn cứ với một đạo
quân tròn 70.000 người.
Trên thực tế, ông ấy là người làm chủ tình hình. Và vì
ông ấy cũng thèm muốn quyền lực và cũng vô lương tâm như Mao nên ông ấy đã
giành được quyền tổng chỉ huy quân sự của cả hai quân đoàn.
Kế tiếp theo sau đấy, ông ấy tranh cãi với Mao và Chu về
việc một Xô viết mới cần phải được thành lập ở đâu.
Mặc dù quân đội của Trương mang vẻ có tính chiến đấu cao
nhưng vài tháng trước đó họ đã phải rời bỏ vùng đất của họ trong miền Bắc Tứ
Xuyên dưới áp lực của Quốc Dân Đảng –cũng như ba năm trước đó đã phải bỏ lại
một căn cứ khác nằm về phía Đông.
Bây giờ, họ kiểm soát một vùng đất rộng lớn ở đây trên
cao nguyên giáp rìa phía Tây của Tứ Xuyên. Nhưng dân cư, phần lớn là người Tây
Tạng, thường trốn trong rừng và giới hạn chỉ tiếp xúc với những người Cộng sản
qua những cuộc tập kích. Làng mạc thường bị bỏ trống, nhà cửa đóng kín và lương
thực dự trữ được cất dấu. Chỉ lúa mạch chưa chín là còn trên những cánh đồng,
và thỉnh thoảng, những nhóm được cử đi săn mới bắt được một con bò Tây Tạng hay
một con cừu.
Mặc dù vậy, Trương muốn củng cố căn cứ của ông ở đây
trong khi Mao khăng khăng đòi cả hai đạo quân phải tiếp tục đi về phương Bắc.
Cuối cùng, giới lãnh đạo Đảng – mà trong đó những người
quanh Mao và Chu vẫn còn thống trị – quyết định khởi hành. Nhưng để thề thốt sự
thống nhất, người ta tạo thành hai đoàn hành quân đi rời nhau nhưng được trộn
lẫn từ cả hai đạo quân.
Hồng Quân đã lưu lại tổng hành dinh Diên An của họ hơn mười năm trời. Vùng
đất cằn cỗi đấy với những hang động của nó là noi trốn tránh quan trọng nhất
của những người Cộng sản, ngay cả trong cuộc chiến đấu chống người Nhật xâm
lược. Ảnh: GEO EPOCHE
Vào cuối tháng 8, đoàn của Mao với phần lớn quân lực từ
Giang Tây cũng như nhóm lãnh đạo Đảng đi qua một vùng cao nguyên rộng lớn ở
phía Bắc mà hầu như chẳng có một con đường mòn rõ ràng nào dẫn qua đó – và sau
này đã trở thành biểu tượng cho ý chí chịu đựng của những người đang hành quân.
Vì dưới cỏ cao là những lỗ bùn mà người và la chìm vào trong đó. Hầu như không
thể phân biệt đất cứng với đầm lầy sền sệt, và ngoài một vài loại dâu thì những
người lính không tìm được gì để ăn cả.
Họ đi qua vùng đất cỏ đó bảy ngày. Khi họ lại đặt chân
lên mặt đất cứng, nhóm quân này nhận được tin báo qua vô tuyến: Trương với đoàn
quân của ông ấy đang đứng trước một con sông không thể vượt qua được và phải
quay trở lại. Và ông ấy ra lệnh cho nhóm khi cũng phải trở về.
Nhưng Mao và nhóm lãnh đạo Đảng không hề nghĩ đến việc
đấy. Mâu thuẫn tiếp tục gia tăng cả tuần sau đấy, cho tới khi những người lãnh
đạo Đệ nhất quân đoàn – đã từng khởi hành ở Giang Tây – theo lời đề nghị của
Mao đưa ra một quyết định bí mật: họ muốn bỏ lại tất cả các đơn vị của Đệ tứ
quân đoàn, những đơn vị cùng hành quân trong đoàn của họ, và khởi hành đi lên
hướng Bắc mà không có họ.
Vào sáng sớm ngày 11 tháng 9, Mao và những người trung
thành với ông ấy lặng lẽ rút đi. Nhưng ông không có khả năng liên lạc với 4000
người của Đệ nhất quân đoàn đang hành quân trong đoàn của Trương,
Khoảng khắc của lần quyết định cắt đứt với Trương và tạo
nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh giữa hai đạo quân là giờ phút đen tối nhất
trong cuộc đời của ông ấy, Mao sau này sẽ thuật lại như thế.
Tuy trận đánh huynh đệ tương tàn đã không xảy ra nhưng
vẫn có một sự chia cắt nguy hiểm trong Đảng. Vì Trương bổ nhiệm một chính phủ
Xô viết riêng và thành lập một Trung ương Đảng riêng.
Tuy vậy cố gắng chiếm đoạt một căn cứ mới trong tỉnh Tứ
Xuyên của ông ấy thất bại: quân đội của Trương mất một nửa lực lượng, phần còn
lại tiếp tục đi lên cao nguyên.
Khi một chuyến đi tiếp theo về hướng Tây chấm dứt với một
thảm họa, Trương không còn lựa chọn nào khác hơn là tìm đến với Mao.
Người này ra vẻ rộng lượng, vì ông ấy biết con người kia
không còn là mối nguy hiểm cho ông nữa (Trương sẽ thất vọng rời bỏ ĐCS trong
mùa Xuân 1938 và chạy sang với Quốc Dân Đảng).
Thời gian này, Mao quyết định khởi hành đi đến một mục
đích mới ở miền Bắc của tỉnh Thiểm Tây. Ở đó, những người Cộng sản địa phương –
độc lập với các khu vực Xô viết ở miền Nam và hầu như không được giới lãnh đạo
Đảng chú ý tới – đã thành lập một căn cứ riêng vài năm trước đó dưới chân Vạn
lý Trường thành, với khoảng nửa triệu dân.
Ngay sau khi Mao cắt đứt với Trương Quốc Đào lại có thêm
một đạo quân nữa đến Thiểm Tây: lực lượng này vào lúc ban đầu đã ở lại trong
vùng Xô viết của Đệ tứ Quân đoàn, nhưng rồi cũng lên đường hành quân.
Có lẽ Mao biết họ đến được Thiểm Tây qua thông tin trong
một tờ nhật báo của Quốc Dân Đảng. Bây giờ, ông dẫn đầu một đạo quân nhỏ – chưa
tới 8000 người – qua vùng núi Dân Sơn, sông Vị và qua tỉnh Cam Túc, nơi họ phải
chống lại các kỵ binh Hồi giáo.
Và rồi cuối cùng, vào ngày 19 tháng 10 năm 1935, họ đã
đến đích. Ủy ban làng với cờ đỏ chào mửng những người mới đến. Cuộc chạy trốn
đã chấm dứt cho quân đội Mao sau gần đúng một năm.
ĐOẠN ĐƯỜNG NÀO mà họ đã đi qua, ngày nay không
ai có thể nói chính xác điều đấy được. Theo Mao, đấy là 20.000 lý, khoảng
12.500 kilômét. Nhưng nên hiểu con số đấy như một hình tượng, vì người Trung
Quốc thường dùng lý không phải như một đơn vị có tiêu chuẩn mà là như một đơn
vị “theo cảm nhận”. Các ước lượng thấp nhất xuất phát từ khoảng 8000 kilômét.
Cuối cùng thì điều đấy không đóng vai trò nào cả. Những
người tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh này đã không dự định trước thành tích
đấy, họ hành quân và cứ tiếp tục hành quân, phải chịu đựng đau đớn, đói khát và
sợ hãi. Vạn lý Trường chinh có ý nghĩa gì đối với họ, điều đấy thì những con số
đó không thể nào thể hiện được.
Bây giờ, từ những ngọn đồi xanh tươi của Giang Tây với
những cánh đồng ruộng và ao hồ nuôi cá, họ bị đẩy vào trong một vùng đất khô
cằn màu vàng xám. Vực sâu chia cắt các cao nguyên không có cây cối, bụi ở khắp
mọi nơi.
Làng mạc là những hang động mà con người đã đào sâu vào
trong các sườn núi hoàng thổ. Bão cát từ sa mạc Gobi, hạn hán và ngập lụt thay
nhau hoành hành ở vùng này, thu hoạch thấp và nạn đói không phải là hiếm.
Khi Mao đến Thiểm Tây, vùng Xô viết này hoàn toàn không
an toàn. Các đường giao thông và thành phố quan trọng đều bị quân đội Quốc Dân
Đảng kiểm soát. Và tuy vậy, nơi khô cằn này là chốn trú ẩn của những người Cộng
sản cho đến hơn mười năm.
Tuy về mặt hình thức mãi đến năm 1943 Mao mới được bầu
lên đứng đầu Đảng, nhưng đã từ lâu, quyền hành thống trị của ông ấy không còn
được tranh chấp nữa. Tổng bí thư của ĐCS từ tháng 2 năm 1935 là Trương Văn
Thiên, người mà ngay từ lúc rời khỏi Giang Tây đã thuộc vào trong số những
người đồng minh ít ỏi của ông ấy.
Sức thu hút của Mao bắt nguồn từ huyền thoại của cuộc Vạn
lý Trường chinh. Ngay sau khi đến Thiểm Tây, ông đã tiếp tục xây đắp thêm cho
nó.
“Vạn lý Trường chinh là một chiến dịch mà lịch sử chưa
từng biết đến”, ông ấy nói trong tháng 12 năm 1935. “Vạn lý Trường chinh là một
bản tuyên ngôn, thông báo với cả thế giới rằng Hồng Quân bao gồm những người
anh hùng, trong khi đế quốc và tay sai của chúng – tức Tưởng Giới Thạch và đồng
bọn – chỉ là vô dụng. Vạn lý Trường chinh là một nhóm tuyên truyền giải thích
cho nhân dân biết rằng chỉ có con đường của Hồng Quân mới là con đường giải
phóng cho họ. Vạn lý Trường chinh là một cỗ máy gieo, đã gieo vô số hạt giống
đã nẩy mầm, kết trái và trong tương lai sẽ mang lại một mùa thu hoạch.”
Từ những cựu chiến binh của cuộc hành quân bắt buộc đấy
đã xuất hiện một giới tinh hoa quyết định vận mệnh của Trung Quốc trong vòng
sáu thập niên tiếp theo sau đó. Những người sống sót trở thành bộ trưởng, chủ
tịch nước, tổng bí thư và thống chế. Và tạo uy quyền của họ từ thời gian một
năm đấy.
Mao và Chu gắn bó chặt chẽ với nhau nhất qua các trải
nghiệm đấy. Cho tới ngay trước khi qua đời năm 1976, họ sẽ cùng nhau thống trị
nước Trung Hoa Cộng sản: người con trai nhà nông nổi loạn đó và người bạn thực
dụng của ông ta.
Ca kịch, thơ và phim sẽ ca ngợi các huyền thoại của Hồng
Quân bất bại và sự sáng suốt của Mao chủ tịch – và biến cuộc Vạn lý Trường
chinh trở thành một huyền thoại cách mạng to lớn, chỉ có thể so sánh được với
lần chiếm ngục Bastille trong năm 1789 hay lần tấn công vào Cung điện mùa Đông
năm 1917.
Đối với nhiều thế hệ người Trung Quốc, con đường đi của Đệ
tứ Quân đoàn sẽ trở thành một sự khích lệ liên tục để sẵn sàng chịu đựng và
vươn đến thành tích.
“Khi bạn thấy điều gì đó khó khăn”, người ta sẽ nói với
họ như vậy, “thì hãy nghĩ đến cuộc Vạn lý Trường chinh.”
Ulrike Rückert
Phan Ba dịch
Giới thiệu tài liệu: Benjamin Yang, “From
Revolution to Politics. Chinese Communists on the Long March”, Westview: tác
phẩm kinh điển, mô tả lại những cuộc tranh giành quyền lực và tách huyền thoại
ra khỏi sự kiện lịch sử. Ed Jocelyn và Andrew McEwen, “The Long March”,
Constable: du ký của hai nhà báo người Anh đã đi theo con đường chạy trốn của
những người Cộng sản
No comments:
Post a Comment