Sunday, 14 October 2012

TRUNG NAM HẢI : ĐIỆN KREMLIN CỦA BẮC KINH (Thụy My RFI)




Chủ nhật, ngày 14 tháng mười năm 2012

(Marianne 6-12/10/2012) Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sống và chỉ đạo sau những bức tường cao ngất của công viên Trung Nam Hải, một loại Tử Cấm Thành khác.

Tân Hoa Môn, cổng vào Trung Nam Hải

Từ sáu mươi năm qua, dinh cơ này và các tòa nhà dựa lưng vào Tử Cấm Thành không còn được thể hiện trên bản đồ thủ đô Trung Quốc, và ngay cả tờ báo chính thức của Đảng là Nhân dân Nhật báo cũng nói rằng đây là “địa điểm bí mật nhất của Bắc Kinh”. Tuy vậy, cổng chính của Trung Nam Hải vẫn được giấu kín.

Nằm ở cuối đại lộ Trường An, phía tây quảng trường Thiên An Môn, Trung Nam Hải mang nét đẹp của một cung điện đời nhà Thanh, với hai khẩu hiệu cách mạng bằng chữ trắng trên nền đỏ: “Đảng Cộng sản vĩ đại muôn năm”, “Tư tưởng Mao Trạch Đông bất khả chiến bại muôn năm”. Những khách bộ hành quá tò mò được công an mặc thường phục nghiêm khắc mời đi nơi khác. Thật là quá đáng, bởi vì đó chỉ là một… cổng giả!

Chính là từ một cổng phụ mà các nhà lãnh đạo bước vào nơi chốn thiêng liêng nhất của quyền lực: một mê cung khổng lồ những ngôi nhà mái ngói xám, được điểm xuyết bằng những cung điện cổ kính. Thêm vào đó là những hành lang ngầm dưới lòng đất, dẫn đến Đại lễ đường Nhân dân ở ngay bên cạnh, nơi sắp diễn ra Đại hội Đảng.

Văn phòng làm việc bên trong Trung Nam Hải.

Trung Nam Hải là nơi sống và làm việc của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và gia đình. Các vị quốc khách cũng được đón tiếp tại đây. Với các hồ nước và công viên xanh ngắt, khung cảnh thật êm ả nếu khí trời không bị ô nhiễm. Tại Bắc Kinh, không khí khó thở đến nỗi phải thiết trí 200 máy lọc khí cho những con người đặc quyền ở Trung Nam Hải. Công ty sản xuất các máy lọc không khí này đã quảng cáo trên trang web của mình, trước khi chính quyền yêu cầu phải kín tiếng hơn…Còn về ăn uống, cư dân Trung Nam Hải được một trang trại đặc biệt ở ngoại ô Bắc Kinh cung ứng các loại thực phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn sinh thái.

Nơi đây không phải lúc nào cũng thanh bình. Chính xung quanh những bức tường Trung Nam Hải, mà năm 1967 hàng chục ngàn Hồng vệ binh đã biểu dương lực lượng, đòi Lưu Thiếu Kỳ phải ra đi – điểm khởi đầu của Đại cách mạng văn hóa. Sau đó đến năm 1989, trong vụ Thiên An Môn, các sinh viên biểu tình cố gắng đột nhập vào, nhưng chế độ đã gởi các xe tăng đến đàn áp. Rồi đến tháng 4/1999, mười ngàn đệ tử Pháp Luân Công đã vây quanh Trung Nam Hải để đòi hỏi được tự do hơn.

Bức tường bao quanh Trung Nam Hải.

Từ đó đến nay, an ninh đã được thắt chặt, và Trung Nam Hải trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm, với bức thành lũy nhẵn thín màu tía cao sáu mét, cũng dài như bức tường bao quanh Tử Cấm Thành. Những camera quan sát được lắp đặt mỗi 50 m, và công an liên tục tuần tra, hoặc đi bộ, hoặc bằng những chiếc Segway (phương tiện di chuyển hai bánh, có cần điều khiển bằng tay –ND).

Đương nhiên nơi đây cũng là mục tiêu của vô số tin đồn. Ông Vương, làm việc trong khu vực cho biết: “Người ta nói rằng có một đường xe điện ngầm bí mật từ đây chạy đến công viên Đồi Hương ở phía tây thành phố, nơi nghỉ đêm của một số lãnh đạo. Mỗi buổi sáng tôi cảm thấy đất rung chuyển dưới chân”.

Rốt cuộc, nguồn thông tin khả tín duy nhất có thể là Google Earth. Từ năm 2006, công cụ tìm kiếm của Mỹ đã cung cấp hình ảnh Trung Nam Hải chụp từ vệ tinh, rõ nét một cách xấc xược đối với các lãnh đạo Trung Quốc.

Khi các vị lãnh đạo cao cấp cảm thấy chán một Bắc Kinh náo nhiệt hay muốn tổ chức các cuộc họp không chính thức, họ đến Bắc Đới Hà, thành phố biển gần thủ đô nhất thuộc tỉnh Hà Bắc. Tất cả các nhà tư sản đỏ đều tìm mua nhà nghỉ tại đây, khu vực sang trọng mà các công ty nhà nước thường tổ chức các hội nghị. Và cũng là nơi mà theo tin đồn thì lãnh đạo thất sủng Bạc Hy Lai được cầm giữ từ mùa đông vừa qua.

Trung Quốc: Bầu cử nguyên thủ quốc gia bí mật nhất thế giới






No comments:

Post a Comment

View My Stats