26/09/2012 by vnhrc.
Ngày 21 tháng 9 năm 2012, Tòa án thành phố HCM đã xét xử
các thành viên của CLB Nhà Báo Tự Do gồm Nguyễn Văn Hải (blogger Hải điếu cày),
Phan Thanh Hải (blogger Anhbasaigon), Tạ Phong Tần (blogger Công lý và Sự
Thật). Mức án dành cho những nỗ lực để thực hiện quyền tự do của họ là hết sức
nặng nề, tổng cộng 26 năm tù, và 11 năm quản chế.
Ngày 26 tháng 9 năm 2012, Tòa án TC cũng đã xét xử phúc
thẩm 4 thanh niên Công giáo tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tòa phúc thẩm đã
tuyên y án đối với Đậu Văn Dương 42 tháng tù, Trần Hữu Đức 39 tháng tù, Chu
Mạnh Sơn giảm từ 36 tháng xuống 30 tháng.
Nhận xét và
đánh giá về hai phiên tòa nói trên:
Bên trong Tòa án:
- Việc xét xử không tuân theo trình tự được qui định
trong bộ luật TTHS: Luật sư bào chữa đã phản bác các luận cứ buộc tội của Viện
kiểm sát, nhưng Viện kiểm sát đã không tranh luận với luật sư như qui định của
luật; Luật sư yêu cầu đối chất giữa bị cáo và nhân chứng, Tòa án đã không tuân
thủ qui định của pháp luật là cho hai bên đối chất. Bộ luật TTHS cho phép bị
cáo được trình bày mọi vấn đề liên quan đến việc họ bị truy tố để bào chữa cho
mình và thời gian dành cho bị cáo là không bị hạn chế. Nhưng Tòa án đã không đã
không tuân thủ pháp luật, tòa án đã không cho các bị cáo được trình bày mọi vấn
đề, và không cho họ có đủ thời gian để tự bào chữa cho mình. Trong tòa phúc
thẩm tại tỉnh Nghệ An, có 3 luật sư, nhưng một luật sư không kịp bào chữa cho
thân chủ của mình do Tòa án thông báo hết giờ. Luật TTHS không hạn chế thời
gian xét xử.
- Rõ ràng, việc mở phiên tòa không phải để xét xử những
người bị truy tố, mà chỉ là để đọc một bản án đã được quyết định trước. Các cơ
quan tư pháp đã không tôn trọng pháp luật và không tôn trọng quyền của bị cáo
cũng như của luật sư.
Bên ngoài Tòa án:
Các lực lượng cảnh sát, an ninh, dân phòng bất chấp pháp
luật, họ tiến hành bắt giữ và đánh đập những người tới tham dự phiên tòa. Con
trai của blogger Hải điếu cày bị lột áo ngay tại đồn cảnh sát. Mẹ của bị cáo
Trần Hữu Đức bị đánh chảy máu trán.
Những thành viên của CLB Nhà Báo Tự Do và các thanh niên
Công giáo chỉ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được Hiến pháp
Việt Nam qui định. Được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thừa
nhận và Việt Nam đã ký kết và là thành viên.
Họ đã được chính phủ các nước như: Hoa Kỳ, EU,… cùng với
các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả
tự do họ. Nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hết lòng ủng hộ chọ họ.
Bất chấp những nỗ
lực và mong đợi của cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam ở trong cũng như
ngoài nước. Chính phủ Việt Nam đã quyết định dành cho họ bản án nặng nề.
Tại sao như vậy?
Thứ nhất, sau khi Việt Nam được gia nhập vào WTO vào cuối năm
2006, từ đó đến nay chính phủ Việt Nam liên tục bắt giữ và cầm tù những người
hoạt động dân chủ và bảo vệ nhân quyền. Hiện nay, chính quyền vẫn còn cầm tù
khoảng hơn 200 tù chính trị và tôn giáo. Công đồng quốc tế đã liên tục lên
tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền căn bản và không thể bị tước
bỏ của công dân Việt Nam. Nhưng trong khi đó cộng đồng quốc tế vẫn dành cho
chính phủ Việt Nam những ưu ái trong quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao.
quân sự, và viện trợ. Chính phủ Việt Nam đã không bị cộng đồng quốc tế trừng
phạt do những vi phạm nhân quyền. Điều này đã khiến cho chính phủ Việt Nam coi
thường những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, những tổ chức, cá nhân hoạt động dân chủ và bảo vệ nhân
quyền ở trong nước không được sự giúp đỡ và hỗ trợ đầy đủ từ cộng đồng quốc tế.
Do vậy phong trào dân chủ và bảo vệ nhân quyền trong nước đã không thể phát
triển và lớn mạnh đủ để làm đối trọng với chính quyền.
Thứ ba, trong lúc này chính phủ của
đảng cộng sản Việt nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế,
tham nhũng, tranh chấp chính trị nội bộ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Do vậy, họ
rất lo sợ phong trào dân chủ và bảo vệ nhân quyền phát triển mạnh mẽ sẽ dẫn đến
thay đổi về chính trị. Để bảo vệ quyền lực tuyệt đối của đảng cộng sản, nên
chính quyền đã dành cho những người hoạt động dân chủ và bảo vệ nhân quyền bản
án năng nề với mục đích dăn đe những người khác.
Cộng đồng quốc tế và cộng đồng người
Việt ở hải ngoại phải làm gì để ủng hộ phong trào dân chủ ở trong nước?
- Chính phủ các nước phải gắn viện trợ, gắn việc tăng
cường quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng với việc cải thiện tình trạng
nhân quyền hiện nay ở Việt Nam.
- Chính phủ các nước thông qua các tổ chức NGO của nước
mình để hỗ trợ và giúp đỡ cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động dân chủ và
bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
- Cộng đồng người Việt ở hải ngoại thực hiện việc vận
động chính phủ nơi mình đang cư trú thực hiện hai mục tiêu trên. Và tham gia
đóng góp tài chính để ủng hộ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động dân chủ và bảo
vệ nhân quyền ở trong nước.
Nếu nhân dân Việt Nam ở trong nước được cộng đồng quốc tế
và cộng đồng người Việt ở hải ngoại giúp đỡ và ủng hộ với 3 mục tiêu trên. Chắn
chắn nhân dân Việt Nam sẽ sớm được hưởng các quyền căn bản và không thể bị tước
đoạt của con người. Điều này sẽ đặt nền tảng vững chắc để xây dựng một nước
Việt Nam công bằng, dân chủ và văn minh. Đem lại lợi ích cho tất cả các thể hệ
người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng chung
của khu vực Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới.
@VNHRC
BÀI LIÊN QUAN :
No comments:
Post a Comment