04/10/2012 by vnhrc.
Quyền tham gia quản lý đất nước là quyền chính trị quan trọng nhất của công
dân.
Để bảo đảm cho công dân có quyền làm chủ nhà nước, làm
chủ xã hội, Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định
trong điều 53 như sau:
“Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội,
tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ
quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.”
Và điều 54 qui định:
“Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã
hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ
mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều
có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.”
Điều 25 của Công ước quốc tế về các quyền
dân sự và chính trị nêu rõ:
“Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào…và không
có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: a) Tham gia
điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện
do họ tự do lựa chọn; b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân
thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo cho cử
tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình; c) Được tiếp cận với các chức vụ công
ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng.”
Như vậy nội hàm của Quyền tham gia quản lý đất nước như sau: Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam
nữ, thành phần xã hội, đảng phái, tổ chức chính trị, quan điểm chính trị, tín
ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú. Tóm lại là
mọi công dân không có bất kỳ sự phân biệt nào, không có bất kỳ sự hạn chế nào
đề có quyền đóng góp ý kiến vào việc xác định các chính sách để xây dựng và
phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội, đối
ngoại của đất nước. Nhân dân có quyền tham gia xây dựng pháp luật, tham gia
giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, kiến nghị với
cơ quan nhà nước, tham gia biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý.
Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý, lãnh đạo đất
nước một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện mà họ được tự do lựa chọn trong
việc tham gia ứng cử hay bầu cử của một cuộc bầu cử tự do, dân chủ và công
bằng.
Qua các qui định của Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị, đã ghi nhận và bảo vệ quyền của mọi công
dân được tham gia vào mọi hoạt động quản lý nhà nước, quyền bầu cử, ứng cử và
quyền tham gia lãnh đạo trong các cơ quan công quyền. Nó khẳng định nền tảng của
việc quản lý nhà nước phải dựa trên sự đồng thuận của nhân dân. Điều 2 công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị khẳng định rõ ràng rằng cho dù theo
thể chế chính trị nào thì các quốc gia thành viên phải thông qua các biện pháp
pháp lý và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo cho mọi công dân được hưởng
các quyền này. Điều 3 Hiến
pháp cũng qui định: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về
mọi mặt của nhân dân,…”
Quyền tham gia quản lý đất nước là một khái niệm rộng liên quan đến việc
thực hiện quyền lực chính trị, cụ thể là thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh của quản lý hành chính và việc xây dựng,
thực hiện chính sách ở cấp độ quốc tế, quốc gia, khu vực và địa phương. Công
dân có thể trực tiếp tham gia quản lý và lãnh đạo nhà nước và xã hội khi thực
hiện quyền lực với tư cách là thành viên của các cơ quan lập pháp hay nắm giữ
các chức vụ hành pháp; thông qua việc trưng cầu dân ý hay quá trình bầu cử
khác; thông qua việc tham gia vào các hội đồng dân cử có thẩm quyền quyết định
các vấn đề của địa phương hoặc các vấn đề của một cộng đồng cụ thể; hoặc tham
gia vào các cơ quan được thành lập để đại diện cho công dân trong việc tham vấn
với chính phủ. Công dân cũng có thể tham gia gián tiếp vào hoạt động quản lý
nhà nước thông qua việc tự do lựa chọn các đại diện của mình trong các cơ quan
dân cử , và tranh luận, đối thoại công khai với các đại diện do mình bầu ra
hoặc thông qua các cơ chế khác do công dân tự tổ chức.
Quyền tham gia quản lý đất nước thông qua quyền bỏ phiếu
tại các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý chỉ phải chịu sư hạn chế hợp lý như quy
định về độ tuổi tối thiểu được quyền bầu cử và ứng cử. Những hạn chế về quyền
bầu cử được coi là không hợp lý nếu như chúng được đặt ra dựa trên tình trạng
khuyết tật về thể chất hay những đòi hỏi về tài sản, giáo dục, khả năng biết
đọc, biết viết, vị thế thành viên của các đảng phái…
Những trở ngại khi công dân Việt Nam thực hiện quyền tham
gia quản lý đất nước:
Trở ngại nằm ở điều 4 Hiến pháp năm
1992. Điều 4 qui định: “ Đảng cộng sản Việt Nam, …, là lực lượng lãnh đạo nhà
nước và xã hội.”
Dựa vào qui định này, đảng cộng sản Việt
Nam chỉ với hơn 3 triệu đảng viên đã áp đặt sự lãnh đạo tuyệt đối lên toàn bộ
nhà nước và xã hội Việt Nam kể từ khi đất nước được độc lập. Đảng cộng sản đã
xây dựng hệ thống chính trị, hệ thống tư pháp, các tổ chức chính trị xã hội, xã
hội nghề nghiệp, quân đội, … dưới sự
lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản.
Hơn 84 triệu công dân Việt Nam không phải là đảng viên đảng cộng sản đã bị
tước đoạt mất quyền và cơ hội tham gia lãnh đạo và quản lý đất nước. Có biết bao nhiêu công dân Việt Nam đầy tài năng, và tấm lòng nhiệt huyết
với đất nước đã và đang bị mất quyền và cơ hội lãnh đạo và quản lý đất nước.
Mặc dù Hiến pháp và Công ước quốc tế qui định họ có quyền và cơ hội ngang nhau
với các công dân theo đảng cộng sản. Sự bất công này đã làm cho đất nước Việt
Nam lạc hậu và kém phát triển hàng thập kỷ so với các nước trong khu vực và
hàng trăm năm so với các cường quốc trên thế giới.
Để tất cả gần 90
triệu công dân Việt Nam đều được bình đẳng như qui định tại điều 52 Hiến pháp,
và có được quyền cũng như cơ hội tham gia quản lý đất nước như qui định tại
điều 53, 54 Hiến pháp và điều 25 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính
trị. Quốc hội Việt Nam cần phải sửa đổi hoặc hủy bỏ điều 4 Hiến pháp Việt Nam
năm 1992. Đó là nền tảng và là bước khởi đầu để xây dựng một nước Việt Nam dân
chủ, công bằng và văn minh.
@VNHRC
CÁC BÀI KHÁC :
No comments:
Post a Comment