Thứ năm, ngày 18 tháng mười năm 2012
Sau hình ảnh “nghẹn ngào” giống như
một clip Hot nhất năm 2012 của ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng
thì cụm từ “Đồng chí X” của chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong phát biểu vừa
được phát trong phần tin thời sự kênh VTV1, Đài Truyền hình Trung ương với các
cử tri quận Nhất tại Sài gòn được coi là câu chuyện “Cà phê” gây được sự quan
tâm nhiều nhất của dư luận.
"Cả Trung ương không ai phản đối
(về) cái khuyết điểm của Bộ chính trị và cá nhân đồng chí đó. Không ai phản
đối. Chúng tôi theo dõi trong suốt thời gian Hội nghị không ai phản đối
cả". Chỉ có cân nhắc tình hình hiện nay, cân nhắc lợi hại thì quyết nghị
là không thi hành kỷ luật. Như vậy không có nghĩa là Bộ Chính trị không có lỗi,
không phải là cá nhân đồng chí ‘X’ không có lỗi.”
Cách dùng cụm từ “đồng chí X” của ông
Tư Sang đã trở thành một chủ đề thời sự sôi nổi hài hước trên các trang mạng.
Trước đây khi đưa tin về việc tầu
Trung quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt nam, truyền thông “mậu dịch quốc
doanh” đã dùng từ “tầu lạ” để tránh né việc gọi đích danh tầu Trung quốc đâm
chìm tàu cá của ngư dân Việt nam.
Việc dùng từ “tầu lạ” của truyền
thông quốc doanh bị cư dân mạng “ném đá” không tiếc tay vì thái độ đớn hèn của
các chính trị gia Trần Ích Tắc trước “nước lạ”.
Trong một hoàn cảnh khác hẳn, ông chủ
tịch nước Trương Tấn Sang (thường được dân chúng gọi tắt là “anh Tư” hoặc “anh
4”) đã sử dụng cụm từ “đồng chí X” để ám chỉ một đồng chí trong 14 vị ủy viên
bộ chính trị mới đây được ban chấp hành trung ương đảng cộng sản đem ra “phê”
và bắt “tự phê”. Cũng như nói “nước lạ” ai cũng hiểu là nói về Trung quốc và
ông Trương Tấn Sang nói “đồng chí X” ai cũng hiểu ông đang ám chỉ thủ tướng
đương nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Việc phải dùng lối nói “lái” như vậy
cho thấy ông Trương Tấn Sang cũng rất dè chừng “đồng chí X” và vẫn phải thủ
thế, tính đến trường hợp bị “đồng chí X” phản công thắng lợi.
Ông Tư có thể ám chỉ “giai ngìn
cân”-theo cách gọi của chị Beo là “đồng chí X’ hay thế nào cũng được vì đó là
việc của ông nhưng nhân dân quan tâm chuyện khác.
Việc ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú
Trọng nghẹn ngào khi nhận lỗi của bộ chính trị và ban chấp hành trung ương đảng
cộng sản trước nhân dân trong diễn văn bế mạc hội nghi TW 6 cho thấy sự lưỡng
lự, hoang mang của đảng trước áp lực của nhân dân đang đòi hỏi dân chủ và công
bằng xã hội.
Đảng nhận thức được sự nguy hiểm đe
dọa chế độ nếu để ông Dũng ở ngoài vòng kiểm soát của đảng như thời gian qua
nhưng cũng nguy hiểm không kém cho chế độ khi đảng dứt khoát loại bỏ ông Dũng.
Việc ném chuột rất có thể làm vỡ bình
khi con chuột quá to mà cái bình lại rất mỏng manh. Đảng chọn giải pháp là
“suỵt suỵt” dọa con chuột thay vì cầm hòn gạch ném chuột. Giải pháp này có thể
an toàn cho đảng trong thời gian ngắn chứ không thể là cách làm hay cho đất
nước.
Người ta đồn đoán về sự can thiệp từ Trung
quốc đến tiến trình và kết quả của hội nghị TW6 như là một điều không thể tránh
khỏi. Cuộc “chơi chợ Nam ninh” với cuộc tiếp xúc không mang đủ nghi thức ngoại
giao cấp nhà nước của “đồng chí X” với ông Tập Cận Bình trước phiên họp TW6 như
là một sự báo hiệu “cầu viện binh” phương Bắc cho trận chiến quyền lực trong
đảng đã rất gắt gao.
Sự thất vọng bao trùm về kết quả hội
nghị TW6 của nhân dân cùng với số đông đảng viên cho thấy một điều rõ rệt là
ông Dũng đã mất chức thủ tướng một cách vĩnh viễn trong con mắt của dân chúng
cho dù nhiệm kỳ hai của ông vẫn còn ba năm nữa mới kết thúc. Chính sự mất uy
tín này tăng thêm khả năng thất bại trong công tác điều hành chính sách của
chính phủ trong những năm tiếp theo của ông Dũng nếu ông còn tại vị.
Người ta nhớ lại hồi mới lên nhậm
chức thủ tướng năm 2006, ông Dũng tuyên bố còn “bạo miệng” hơn cả vua chém gió
Đinh La Thăng: “Nếu không chống được tham nhũng tôi sẽ xin từ chức ngay” cùng
với những hứa hẹn hấp dẫn về các chính sách phát triển kinh tế. Lúc đó uy tín
của ông Dũng còn khá nguyên vẹn với tình hình kinh tế trong nước và Thế giới
đang có nhiều dấu hiệu sáng sủa. Với nhiều lợi thế như vậy mà ông Dũng đã biến
các cơ hội vàng trở thành thảm họa cho nền kinh tế nhà nước với hàng loạt các
sai phạm của các tập đoàn kinh tế như Vinashin, Vinaline…và sự hỗn loạn trong
công tác tài chính ngân hàng. Lạm phát, suy thoái kinh tế, đổ vỡ chứng khoán và
khả năng vỡ bong bóng bất động sản kéo theo sự đổ vỡ của hệ thống nhân hàng là
có thực. Con thuyền bục đáy với người lèo lái đã bị “què tay” lại còn mất đi sự
ủng hộ của các “đồng chí” và hết thảy nhân dân chắc chắn không thể đem lại một
tương lai tốt cho con thuyền Việt nam trước cơn sóng dữ.
Đảng đang cố gắng giành quyền kiểm
soát công việc của chính phủ bằng việc thành lập ban kinh tế và giành lại ủy
ban chống tham nhũng từ tay ông Dũng cũng như các dấu hiệu gần đây cho thấy
đảng cũng đã kiểm soát khá tốt các kênh truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên hành động vừa dọa dẫm,
khống chế vừa mơn trớn dỗ dành “con chuột” để giữ cho cái “bình quý” khỏi vỡ
nát xem ra là một việc khó hơn dùng cây gỗ mục chống trời nếu đảng vẫn tiếp tục
coi tập hợp các lực lượng tiến bộ xã hội là các “thế lực thù địch”.
Chẳng có “các thế lực thù địch” nào
cả ngoài các thế lực lợi ích nhóm đã và sẽ làm sụp đổ chế độ như đã từng làm
sụp đổ cả Liên bang Xô viết trước đây.
Mai Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment