Thursday, 18 October 2012

KẾT LUẬN KHÔNG MỚI & NHỮNG QUAN NGẠI CŨ VỀ LUẬT ĐẤT ĐAI (Quỳnh Chi - RFA)




Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-10-18

Hội nghị 6 khóa XI của Ban Chấp hành TW ĐCSVN tiếp tục khẳng định “quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu”. Có ý kiến cho rằng việc này sẽ không giải quyết được tình trạng bế tắc trong vấn đề đất đai.

Vẫn sở hữu toàn dân

Phát biểu bế mạc Hội nghị TW 6 lần này, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng chuyển tải thông điệp từ Trung ương ĐCSVN về việc tiếp tục khẳng định quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai. Tuy không quá nổi bật như vấn đề “phê và tự phê” của ĐCSVN nhưng kết luận này cũng là một trong những điểm gây chú ý từ Hội nghị.

Đây không phải là điểm mới trong chính sách của đảng đang đóng vai trò lãnh đạo Việt Nam; cho nên những người quan tâm đến tình hình đất nước cũng tiếp tục bày tỏ những quan ngại cũ đã được nói nhiều lần.

Chia sẻ với đài RFA ngay sau khi Hội nghị kết thúc, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Theo tôi biết thì cho đến bây giờ chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn là phát huy sở hữu toàn dân, sở hữu Nhà nước về đất đai chứ chưa công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Đây là một lỗ hổng để xảy ra tình trạng tham nhũng trong vấn đề ruộng đất, gây bức xúc cho người dân biểu hiện qua các cuộc biểu tình hoặc xô xát nghiêm trọng.

Dấu chấm hết của chế độ đa hữu về đất đai được đặt ra khi hiến pháp 1980 xuất hiện khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: Tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hồi tháng 9, TS luật Phạm Duy Nghĩa thẳng thắn thuật lại lời của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc rằng khi thông qua hiến pháp 1980, thời điểm đó có nhiều đại biểu Quốc hội nghĩ rằng, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nghĩa là mỗi người có một mảnh đất. Sau hơn 30 năm ngày tuyên bố quốc hữu hóa đất đai, khái niệm này vẫn còn bị đánh giá là “mù mờ’.

Luật gia Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội, cho biết:
Sở hữu toàn dân là một khái niệm “tù mù”. Toàn dân là ai? Cuối cùng thì “người ta” lại cụ thể là “dưới sự quản lý của Nhà nước”. Cụm từ “quản lý Nhà nước” cũng “tù mù” cho nên “người ta” mới nói Nhà nước là ai? Là Chính phủ, là ủy ban nhân dân các cấp. Ủy ban nhân dân các cấp thì người chịu trách nhiệm đứng đầu là ai? Là thủ tướng, là bộ trưởng, là chủ tịch, là bí thư. Theo kiểu suy ra như thế thì không khéo quyền quản lý Nhà nước và sở hữu (đất đai) rớt vào tay những người đó. Đó chính nguyên nhân của tham nhũng.

Trong những năm gần đây, có đến khoảng 60 ngàn vụ khiếu hiện liên quan đến thu hồi đất đai và đền bù không thỏa đáng. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 – 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại tố cáo, trong đó có khoảng 70% là liên quan đến đất đai.

Giữa tháng 9 vừa qua, tại buổi họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, khiếu nại của công dân về đất đai ngày càng nghiêm trọng, trong đó khiếu nại đúng tới 67,3%.

Luật đất đai 2003 qui định giá đất được xác định “sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường”. Tin tức cho biết dự thảo luật đất đai sửa đổi sẽ qui định giá đất “sát với giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, như một cách tăng thêm vai trò của Nhà nước mà theo phát biểu của ông Bùi Sĩ Dũng, Vụ phó Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong một cuộc đối thoại gần đây với doanh nghiệp là nhằm để Nhà nước thực sự nắm quyền định giá đất, hay nhằm xác lập quyền sở hữu đất thực sự.

Ông Trần Quốc Thuận tiếp tục nói lên quan ngại của mình:
Mà trong cái cách dùng từ “người ta” bảo rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, dưới sự quản lý của Nhà nước và do Đảng lãnh đạo. Cái “đuôi – Đảng lãnh đạo cũng tù mù lắm. Đảng đó cụ thể là Bộ Chính trị, là Ban Bí thư, là Thường vụ… cuối cùng là cũng có một người. Cho nên nó “tù mù”. Những khái niệm “tù mù” đó phải được chấm dứt.

Đi ngược thông lệ quốc tế

Ông Trần Quốc Thuận nhắc lại rằng khi tham gia làm cách mạng, lực lượng chủ lực là nông dân và khẩu hiệu thu hút hàng triệu nông dân thời đó chính là “Người cày có ruộng”. Nhưng sự việc đã khác đi, ông Trần Quốc Thuận cho biết:
Nhưng bây giờ người cày trên miếng ruộng của người khác chứ không phải của mình. Đó là điều bất hạnh cho những người đi theo tham gia xây dựng cuộc kháng chiến này. Cho nên tôi nghĩ là có lẽ nên suy nghĩ lại cái điều đó một cách tới nơi. Có nghĩa là phải có sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước. Đó là một thông lệ quốc tế không thể đi ngược lại. Đó chính là chìa khóa. Đất nước có nhiều thứ phải làm nhưng đó là một trong những thứ gây ra tham nhũng hay khiếu nại đến 70-80% (liên quan đến đất đai).

TS Phạm Duy Nghĩa trong cuộc hội thảo hồi tháng 9 cũng khẳng định khái niệm sở hữu toàn dân không có nền tảng chắc chắn, và nhấn mạnh rằng bước ngoặt trong quản lý đất đai chính là quay về với thiết chế truyền thống, với chế độ đa sở hữu.

Một trong những mục tiêu của việc qui hoạch sử dụng đất được tiếp tục khẳng định tại hội nghị TW 6 khóa XI là nhằm đảm bản đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đây là một trong những điểm mấu chốt khiến nhiều người tin rằng chế độ công hữu đất đai sẽ đảm bảo phát triển đất nước.

Bình luận về việc này, ông Lê Hiếu Đằng cho biết:
Những người trí thức đóng góp cho việc sửa đổi hiến pháp đều đề nghị rằng cần có sở hữa tư nhân, tập thể và Nhà nước.Việc này không ngăn cản gì về phục vụ quốc phòng hay mục tiêu phúc lợi chung. Khi cần vẫn có thể trưng mua.

Tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cho tới thời điểm này, các chuyên gia cho rằng sẽ không có sự đột phá nào cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Điều này cũng có nghĩa là cách giải quyết các bế tắc trong đất đai sẽ khó có sự đột phá nào.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.





No comments:

Post a Comment

View My Stats