Wednesday, 10 October 2012

ĐỌC TIỂU THUYẾT "MƯA TRÊN TÂN SƠN NHẤT" của NGUYỄN MẠNH HOÀNG CƯƠNG (Ngọc Lan / Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
Monday, October 08, 2012 3:53:57 PM

WESTMINSTER (NV) - Sau khi gấp lại trang sách cuối, tôi vẫn không phải dùng đến miếng khăn giấy Kleenex mà tác giả Nguyễn Mạnh Hoàng Cương đặt sẵn trong cuốn tiểu thuyết “Mưa trên Tân Sơn Nhất” “để quý độc giả dùng khi đọc truyện” (chữ của tác giả). Nhưng để có thể kéo tôi đọc được đến trang cuối cùng của quyển truyện dài 500 trang này, dù có những trang đọc lướt, thì đó phải là một quyển truyện có sức thu hút sự tò mò của người đọc theo nhiều nghĩa.

Bìa tiểu thuyết “Mưa Trên Tân Sơn Nhất” của tác giả Nguyễn Mạnh Hoàng Cương. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

***

“Mưa Trên Tân Sơn Nhất” là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Nguyễn Mạnh Hoàng Cương, người bắt đầu sáng tác thơ nhạc từ những năm đầu thập niên 90, và hiện là một thông dịch viên hữu thệ (certified Court Interpreter) trong các tòa án liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ.

“Mưa Trên Tân Sơn Nhất” gồm 30 chương với gần 500 trang, là câu chuyện trải dài hơn một nửa thế kỷ, in bóng dáng của nhiều cuộc chiến từ trước Thế Chiến Thứ Hai, đến chiến tranh Pháp-Việt, chiến tranh Mỹ-Việt và cả cuộc chiến ở Iraq năm 2004. Lồng trong đó, là những mảnh đời yêu thương, thù hận, oái ăm, ngang trái của ba thế hệ nhân vật bị cuốn theo cơn cuồng phong của các trận chiến.

Theo lời tác giả ghi lại nơi những trang đầu, “Mưa Trên Tân Sơn Nhất” là “ao ước” của tác giả trong việc “viết lại cái nhìn của riêng mình về cuộc chiến và sự kết cục vô lý” trong hình thức một tác phẩm “bao gồm lịch sử lồng trong một mối tình và một nhân sinh quan, triết lý về cuộc đời”. Bởi theo người thông dịch viên hữu thệ này, thì “Tuy đã có nhiều sản phẩm văn chương, nghệ thuật của người ngoại quốc về tình yêu trong bối cảnh Việt Nam giữa một chiến binh và một cô gái Việt, nhưng thực sự, chúng ta vẫn chưa thấy văn nghệ phẩm nào 'tới' theo đúng nghĩa chúng ta mong đợi.”

Ðiều không “tới”, theo Nguyễn Mạnh Hoàng Cương là do “tất cả còn thiếu thốn về ba khía cạnh chính: Tình yêu, định mệnh và trên hết là chính nghĩa của cuộc chiến cho tự do, độc lập của miền Nam Việt Nam”.

Nhìn ra những điều chưa “tới” thể hiện qua những văn nghệ phẩm như Miss Sagon, Heaven and Earth, Platoon, Apocalypse Now... tác giả “hy vọng tác phẩm này sẽ nói lên được ba khía cạnh quan trọng đó. Triết lý về cuộc đời, định mệnh và chính nghĩa được lồng trong một mối tình tay ba tuy éo le, nhưng nó chứng tỏ được thiện tâm thiện tính của mỗi con người.”

Ðiều đầu tiên tác giả lưu ý người đọc là tuy đây là một tiểu thuyết hoàn toàn do ông tưởng tượng, dựa trên những dữ kiện lịch sử có thật, nhưng tất cả cấu tạo những nhân vật chính trong truyện đều ít nhiều có thật và liên hệ đến cuộc đời ông.

Bốn nhân vật chính trong truyện gồm có thiếu tá không quân James Saito, cô tiếp viên hàng không Bạch Mai, Bác Sĩ Chung, và ông Long, bố nuôi của Mai. Trong đó, nếu nhân vật James Saito được xây dựng dựa theo chân dung một người bạn Mỹ gốc Nhật mà tác giả quen biết khi mới đến Mỹ năm 1966, hay nhân vật ông Long được viết lên để tưởng niệm một người bạn của tác giả, đại úy y sĩ Ðặng Tuấn Long, TQLC-QÐVNCH, mất sau tháng 4, 1975, thì nhân vật Emily Bạch Mai và Chung hoàn toàn là sản phẩm của tưởng tượng.

***

“Mưa Trên Tân Sơn Nhất” mở đầu bằng chương “Cuộc điện đàm từ Pairs”, trong đó cựu thiếu tá không quân Hoa Kỳ James Saito nhận được cuộc điện thoại báo tin Emily Bạch Mai, mẹ của con gái ông, đang bị ung thư giai đoạn cuối, mong chờ gặp mặt ông ở Sài Gòn. Từ đó, toàn bộ câu chuyện được mở ra theo hồi ức của James Saito.

James Saito, là người mang hai dòng máu Nhật-Mỹ, quen Phạm Bạch Tuyết Mai, người mang hai dòng máu Ðức-Việt, trong một cuộc đón tiếp phái đoàn của Thượng Viện Hoa Kỳ tại phi trường Tân Sơn Nhất. Hai người đã cùng che chung một chiếc dù dưới cơn mưa bóng mây trong cuộc gặp gỡ này. Và cũng trong ngày đầu quen biết, James đã bảo vệ Mai trong một cuộc tấn công của đặc công Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn. Những lần gặp gỡ khi tình cờ, khi cố ý đã làm nảy nở trong họ một tình cảm yêu thương, mặc dù Mai đã có một vị hôn phu, một sinh viên y khoa sắp ra trường, tên Chung.

Chung yêu Mai bằng tình yêu chân thành nhưng anh lại là người hoạt động nằm vùng cho cộng sản, như một lẽ bắt buộc do cha anh “cũng là một chiến sĩ cách mạng kiên cường mà anh cần noi theo”. Chung đã bị đặt trong sự lựa chọn giữa tình yêu và lý tưởng chính trị. Trong nhân vật này, luôn có sự dằn xé trong tâm thức, dù con đường anh chọn là lý tưởng chính trị, vì anh “là người có lý tưởng”.

“Mưa Trên Tân Sơn Nhất” - quyển sách độc nhất có kèm theo kleenex dùng khi đọc truyện. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhưng, dưới ngòi bút của tác giả, cho dù ở những hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả các nhân vật trong truyện đều cư xử đúng theo thiện tâm, thiện tính của họ. Và triết lý cuối cùng mà tác giả muốn đưa ra trong câu chuyện là “Hãy sống lạc quan, hy vọng, dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào, và tất cả các đạo giáo đều dạy chúng ta làm người tốt.”

Chung và Mai, sau cùng vẫn là những người bạn thân thiết của nhau, dù trong sâu thẳm họ vẫn dành cho nhau tình cảm của mối tình đầu trong sáng. Chung đã ở bên Mai trong những ngày cuối đời của cô, trong sự tìm kiếm và mong chờ James sẽ kịp trở về nhìn thấy Mai lần cuối.

Tác giả đã chọn một hình ảnh khá lãng mạn khi mở đầu cũng như kết thúc cuộc gặp gỡ giữa Mai và James. Ðó là hình ảnh của bầu trời trong cơn mưa. Có điều, nếu cơn mưa bóng mây của hơn 40 năm về trước níu họ lại gần với nhau, thì “cơn mưa nặng hạt bất chợt đổ xuống một cách hung bạo” khi James trở về, khụy xuống trước ngôi mộ của Mai, đã đẩy anh xa Mai đến một cõi.

***

Tiến sĩ giáo dục Phạm Xuân Dương cho rằng, “Mưa Trên Tân Sơn Nhất là một chuyện tình đẫm lệ, một Lan và Ðiệp, một Romeo và Juliet, một Giã từ võ khí của Việt Nam” và truyện có “nhiều chi tiết thật chưa từng được nói đến, như chuyện của Tướng Phú sau Ðiện Biên Phủ...”

Nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh cũng thừa nhận “Tác giả Mưa Trên Tân Sơn Nhất đã dùng rất nhiều chứng liệu lịch sử”. Và “Ðây là truyện kể trong nhiều truyện kể. Nó vẽ ra những hoàn cảnh lịch sử khác nhau và những nhân vật đã có nét biểu tượng cho thời kỳ họ đang sống. Nối tiếp những sự kiện lịch sử, tác giả có tham vọng muốn phác họa lại một thời đại rất đặc biệt của lịch sử nhân loại.”

Trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi không dám nói những chi tiết liên quan đến các sự kiện lịch sử được nêu ra trong tiểu thuyết này đúng, sai hay được hư cấu đến mức độ nào. Tôi chỉ có thể nói rằng ngòi bút viết tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Hoàng Cương lôi cuốn được người đọc.

Nếu bỏ qua những chi tiết quá riêng tư có thể khiến độc giả tò mò quan tâm hơn là quan tâm đến nội dung cuốn tiểu thuyết như “Trong gần mười năm qua, từ năm 2000, vì muốn cho một đứa bé 5 tuổi không được nhận bố, (không biết mẹ thật của mình là ai) tình thương của một người cha, tôi phải trải qua những gian dối, lừa đảo, những bội bạc vô nhân động trời, cũng vô lý không kém” hay nêu ra dữ kiện mà lại không biết mình nêu có đúng không bằng cách tự đánh dấu hỏi khi viết tác giả có “cháu gái là học sinh trung học Việt Nam đầu tiên (?)trong một vài (?) học sinh Việt Nam từ trước đến giờ đã có số điểm toàn hảo kỳ thi ACT vào đại học Mỹ 2005...” Thì có lẽ “Mưa trên Tân Sơn Nhất” sẽ khiến độc giả tập trung vào nội dung hơn.

***

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats