Wednesday 10 October 2012

CỰU KÝ GIẢ VIỆT NAM CỘNG HÒA HỘI NGỘ (Hà Giang / Người Việt)




Hà Giang/Người Việt
Tuesday, October 09, 2012 5:06:30 PM

Mỗi cuối tuần Little Saigon và những vùng phụ cận có trung bình khoảng 30 buổi họp mặt, dạ tiệc lớn nhỏ của nhiều tổ chức và hội đoàn người Mỹ gốc Việt, đa số đều được giới báo chí phổ biến, đưa tin rộng rãi.

Cụ Thái Lân, 88 tuổi, cựu tổng thư ký nhật báo Chính Luận, cụng ly với bạn bè làng báo trong buổi họp mặt tại nhà hàng Brodard Chateau một buổi tối Thứ Bẩy cuối Tháng Chín. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bữa tiệc thân mật trên lầu của nhà hàng Brodard, vào một tối Thứ Bẩy cách đây không lâu, tuy không ai đưa tin, không có thông báo, nhưng được nhiều người cho rằng là một buổi họp mặt rất đặc biệt, hiếm quý, quy tụ những tên tuổi lớn, thuộc nhiều thế hệ của làng báo chí Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từ thập niên 1960s.

Thập niên sáu mươi! Ðã hơn năm mươi năm rồi à? Có người giật mình hỏi.

Ðúng thế! Ðã hơn nửa thế kỷ. Quanh phòng, những khuôn mặt thân thiết một thời nhìn nhau. Những mái đầu giờ đã bạc, nhưng ánh mắt, nụ cười, đâu đó còn thấp thoáng nét cố hữu của từng người, từng cá tính. Nhìn kỹ hơn mường tượng còn thấy được trước mắt một bài viết đầy “chất lửa,” một cái tít động trời nào đó.

Giới thiệu mục đích buổi họp mặt, ký giả Lê Phú Nhuận cho biết một hôm chuyện trò, ông và ký giả Lê Thiệp chợt nhận ra là mình “có phần thờ ơ với các đàn anh trong làng báo” rồi hỏi nhau “tại sao mình không có một buổi gặp mặt nhỉ?” Thế thôi, rồi sau một vài cuộc điện thoại trao đổi, bữa tiệc thành hình.

“Chẳng có mục đích gì to lớn cả, chỉ gặp nhau, nhậu một bữa tỏ lòng tri ân.” Ông Lê Thiệp khẳng định.

Nhậu một bữa tỏ lòng tri ân. Một người trong cử tọa lập lại câu nói, biểu đồng tình.

“Cụng ly đi!” Một người khác đề nghị.

Thực khách ở mọi bàn giơ cao ly. Chút rượu vang đỏ làm mềm môi và làm kỷ niệm thêm chập chùng.

Nhưng không chỉ nhậu, giữa những lời thăm hỏi, những ánh mắt bao xúc động, ba khuôn mặt được xem là những bậc trưởng thượng đáng kính nhất trong làng báo được vinh danh. Cụ Thái Lân, 88 tuổi, cựu tổng thư ký nhật báo Chính Luận, cụ Thanh Thương Hoàng, trên 80 tuổi, cựu trưởng ban phóng viên báo Chính Luận, chủ tịch Nghiệp Ðoàn Ký Giả VNCH, và nhà văn Trần Phong Vũ. Mỗi người được trao tặng một vòng hoa tím, do chính người thân mình choàng vào cổ.

Chủ nhiệm nhật báo Người Việt Phan Huy Ðạt (trái) tâm sự với cụ Thái Lân, một bậc đàn anh trong làng báo. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhận tấm tình của thân hữu bằng cảm xúc ngập giọng, cụ Thái Lân tâm sự bằng lối nói của riêng mình:
“Tôi chỉ là một người nhà nông, ngỡ ngàng cảm động quá! Tưởng hôm nay chỉ đến gặp bạn bè, ăn một bữa cơm, không ngờ nhà hàng to tát, khung cảnh sang trọng quá, lại gặp nhiều tên tuổi lớn trong làng báo. Vinh hạnh thật quá nặng, không gánh nổi.”

“Cụ Thái Lân thì lúc nào cũng khiêm cung thế đấy. Cứ lúc nào cũng chỉ nhận mình là một ông nhà nông, chẳng biết làm báo làm chí gì, cứ làm đại, nhưng không ai chăm chút tờ báo kỹ hơn cụ, hay hơn cụ.” Một người nói.

Bữa cơm thân mật thêm ấm cúng với những lời phát biểu, đúng ra là những lời tâm sự, của những người có mặt.

Nhà văn Lê Thiệp nhắc lại sự sụp đổ của nền Ðệ Nhất VNCH, năm 1963, đẩy ông và bạn bè, lúc bấy giờ ở tuổi mới lớn, vào những “thay đổi lớn lao” của thời cuộc, và đưa ông vào làng báo.

“Làng báo, tại sao lại gọi là làng báo nhỉ? Nhìn quanh, tôi chẳng thấy lũy tre xanh, cũng chẳng thấy con đê đầu làng, chẳng hiểu hai chữ làng báo ở đâu mà có.” Ông nói.

Làng, một tên gọi thật thân thiết, gần gũi. Chẳng ai có câu trả lời, và có lẽ câu trả lời cũng không mấy quan trọng, vì dường như ai cũng thấy rằng nếu không gọi là “làng báo” thì chẳng có chữ nào nói về sinh hoạt của giới truyền thông hay hơn chữ làng cả.

Cụ Thái Lân tâm sự với một người thân rằng xưa kia nhặt sạn ở Chính Luận, giờ đây thú vui của cụ là đọc báo Việt Ngữ ở hải ngoại để “nhặt sạn.” Chợt ước ao hôm nào được xem hộp sạn của cụ. Chắc nặng lắm.

Ký giả Lê Phú Nhuận bảo yêu nghề thì yêu nghề thật, nhưng đã “dọa người con trai” khiến cậu đổi ý không muốn học Journalism nữa:
“Tôi bảo cháu nó, nếu con có đủ năng lực để làm một công việc cần mình suy nghĩ 24 tiếng một ngày, thì cứ theo đuổi ngành báo. Nghề báo đòi hỏi con lúc nào cũng phải theo dõi, phải để ý, phải bén nhạy, để không thiếu tin, sai tin và nhất là để lỡ một biến cố nào đó.”

Ký giả Vũ Ánh, một thời miệt mài với tờ Chính Luận, nói với các cụ Thái Lân, Thanh Thương Hoàng, và những bậc đàn anh có mặt:
“Những gì quý vị để lại nhiều lắm, lớn lắm, đàn em không thể không chịu ảnh hưởng. Các cụ là những đại thụ để cho cành nhỏ có chỗ trèo lên, vươn ra.”

Nói đến đại thụ và cành nhỏ, tối hôm đó, giới báo được chia thành nhiều thế hệ. Bên cạnh những Thái Lân, Thanh Thương Hoàng của thập niên 1960s là những mái đầu tóc đen còn lác đác như của Lê Thiệp, Ngọc Hoài Phương, Vũ Ánh, Nguyễn Tuyển, Phan Huy Ðạt. Có thế hệ chỉ làm báo ở Việt Nam, có thế hệ bắc cầu, cầm bút từ Việt Nam qua đến bên này. Ban biên tập của nhật báo Người Việt hiện thời, mà đại diện là chủ bút Phạm Phú Thiện Giao, được xem là thế hệ trẻ nhất, chỉ làm báo ở hải ngoại.

Chủ nhiệm nhật báo Người Việt, ông Phan Huy Ðạt cho biết làm báo tiếng Việt ở nước ngoài “có những đặc biệt của nó,” và hân hoan khoe là đã tuyển được một loạt phóng viên trẻ, chẳng hạn như nữ phóng viên Thiên An, ở tuổi 25, thế hệ tiếp nối bước chân các bậc tiền bối.

Phát biểu cảm tưởng, Phạm Phú Thiện Giao nói:
“Ðược ngồi chung một phòng với những cây cổ thụ trong làng báo là một điều vinh hạnh. Và vinh hạnh có nghĩa là trên con đường báo chí, luôn nhớ lại những hình ảnh cha chú để học hỏi và động viên chính mình.”

Một phút xúc động bất ngờ xẩy ra khi hai tờ báo Chính Luận cũ được bọc trong bao nylon do ký giả Ngành Mai, người có công cất giấu và giữ gìn cả một di sản lớn của báo Chính Luận, mang đến, được mọi người bu quanh.
Mọi người chăm chú lật xem từng dòng, đọc từng chữ, thậm chí có người mở bao nylon để lật từng trang báo, khiến “chủ nhân” Ngành Mai nhấp nhỏm, chỉ sợ tờ báo quý bị hư hại.

Ký giả Lê Phú Nhuận (phải) đưa cho đồng nghiệp, cụ Thanh Thương Hoàng, cựu trưởng ban phóng viên báo Chính Luận (trái), và cụ Thái Lân nhìn lại số báo Chính Luận in năm 1964. Ký giả Lê Thiệp điều khiển chương trình đứng phía sau. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Cụ Thái Lân chìm sâu trong kỷ niệm khi được mời đứng trước một số báo Chính Luận phát hành năm 1964. Một tựa đỏ hai hàng chạy ngang suốt tờ báo, có lẽ khiến chính bản thân cụ, giờ đây nhìn lại cũng phải giật mình:
“Chận đứng tình trạng lòng người ly tán, cứu vãn thế nước bấp bênh
PHẢI THAY NGƯỜI TRỊ NƯỚC, PHẢI ÐỔI CÁCH AN DÂN?”

Chắc chắn thực hiện được số báo đó, cụ và ban biên tập đã phải tốn biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, và chắc chắn là tâm huyết.

Vì không có tâm huyết thì người làm báo không cầm bút mà chỉ là người đi kiếm cơm.

Ðêm đã khuya, tiệc tàn rồi, nhưng chưa ai muốn về. Bịn rịn, lưu luyến mãi cho đến giờ nhà hàng đóng cửa.
Biết còn có dịp nào gặp lại được đủ từng ấy khuôn mặt?

–––-
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats