Sunday 7 October 2012

ĐỌC "THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG THÁI CỰC" - I (Nguyễn Quang)




Nguyễn Quang
Cập nhật lần cuối 04/10/2012

Thế kỉ XX quả là thái cực trong mọi lãnh vực. Thái cực trong sáng tạo và tàn phá. Trong hưng thịnh và suy đồi của đạo lí, trong tiến bộ của tri thức cũng như trong sự lan truyền của mông muội, trong sản xuất của cải cũng như trong bất công của sự phân phối...

ĐọcThời đại của những thái cực
Thế
kỉ XX ngắn (1914-1991)
của Eric J. HOBSBAWM1 - phần I

Nguyễn Quang

Quand la violence eut renouvelé le lit des hommes sur la terre
Un très vieil arbre, à sec de feuilles, reprit le fil de ses maximes...
Et un autre arbre de haut rang montait déjà des Indes souterraines
Avec sa feuille magnétique et son chargement de fruits nouveaux
Saint-John Perse0, Vents

01.01.01 : năm mới, thế kỉ mới, thiên kỉmới, đời ta sẽ không còn thấy lần thứ nhì. Thế mà tại sao khúc quanh lịch sử này lại diễn ra trong sự thờ ơ lạnh nhạt chung nhưvậy ? Lẽ ra người ta chờ đợi ai đó làm một bản tổng kết, vạch ra một viễn tượng, nêu lên những suy ngẫm lịch sử. Rốt cuộc hầu như chẳng có gì. Có lẽ đó là triệu chứng cho thấy thếkỉ cũ đã kết thúc một cách tầm thường, các nhà tư tưởng, các nhà khoa học, các nhà bác học dường như đã nhường chỗ cho những tướng quân, những tay mồm mép và cánh mãi võ Sơn Đông... Vậy mà... Nếu người viết bài này là một nhà báo (khổ một nỗi hắn không phải là nhà báo, các biên tập viên khác của Diễn Đàn cũng đều là những người viết nghiệp dư)có một chút can đảm (món này cũng khá hiếm trong ban biên tập2), hắn đã tổ chức ngay một bàn tròn thảo luận về thế kỉ XX vừa chấm dứt. Cũng không tốn sức gì cho lắm, vì hắn có thể dựa vào hai công trình tổng hợp mới xuất bản : Le passé d’une illusioncủa François Furet (1996) và L’âge des extrêmes của Eri c J. Hobsbawm (1994, bản dịch tiếng Pháp ra năm 1999). Cũng phải nói ngay : hai cuốn sách ra gần nhưcùng một lúc, nhưng khác hẳn nhau về thực chất. Cuốn sách của Furet là một luận văn chính trịvà ý thức hệ, phần lịch sửtrong đó chỉ được tóm tắt, tác giả nhấn mạnh ông không có ý viết một cuốn sử, mà chỉmuốn viết về lịch sử một ý tưởng, một ảo tưởng (chủnghĩa cộng sản). Còn tác phẩm của Hobsbawm thực sự là cuốn tổng sử Thế kỉ XX, huy động toàn bộcác lãnh vực liên quan tới sửhọc (kinh tế học, xã hội học, triết học...). Tại sao phải nhắc tới hai cuốn này ? Là bởi nước Pháp có một đặc sản là những cuộc luận chiến, mà cuộc luận chiến mới nhất có thể tóm tắt như sau : Hobsbawm là một trí thức phái tả, một nhà sử học mác-xít, tuy không “ chính thống ” nhưng vẫn không chịu“ hồi chánh ”, và cách lý giải thế kỉ XX của Hobsbawm lại không “ phải đạo ”,không chịu đi vào khuôn phépđang ngự trị ở Pháp từ khi chủnghĩa cộng sản sụp đổ (đúng hơn, phải nói từ ngày kỉ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, điều này chẳng mấy ai để ý) ; do đó ông đã bị tẩy chay và cuốn sách không tìm ra nhà xuất bản Pháp ngữ. Bỏ qua cuộc luận chiến này, chúng tôi muốn cùng độc giả “ giã từ thế kỉ ”bằng cách ngược dòng lịch sửtheo nhãn quan của Hobsbawm.

Buổi khai sinh thế kỉ

Đầu sách “ Thời đại của những Thái cực ” tự nó cũng đã rõ nghĩa. Thế kỉ XX quả là thái cực trong mọi lãnh vực. Thái cực trong sáng tạo và tàn phá. Trong hưng thịnh và suy đồi của đạo lí, trong tiến bộ của tri thức cũng như trong sự lan truyền của mông muội, trong sản xuất của cải cũng như trong bất công của sự phân phối... Chẳng cần có một ý niệm gì về triết lí lịch sử (đó là trường hợp của số đông thanh niên ngày nay –Hobsbawm than rằng “ họ sống trong một thứ hiện tại thường trực, không hề có một mối liên hệ hữu cơ nào với quá khứ chung của thời họ đang sống ”, tr. 21), khi nhìn lại diễn trình của thế kỉ XX, người ta không thể không bàng hoàng trước khoảng cách ngày càng to lớn giữa các thái cực. Nói nhìn lại cũng không đúng : thế kỉ XXI chẳng đang tiếp tục cái đà ấy hay sao ? Nói huỵch toẹt, nhân loại hiện nay, một nửa không mong muốn gì hơn là được diễm phúc moi móc thùng rác của nửa kia mà sống. Nhưng thôi, nguyền rủa mà làm gì...3.

Còn cái phụ đề “ Thế kỉ ngắn XX (1914-1991) ” có lẽ cầnđược giải thích. Cuốn sách này là đối ngẫu của công trình lớn về Thế kỉ dài XIX (mà Hobsbawm là một chuyên gia lừng danh) gồm ba phần : Thời đại của các cuộc Cách mạng(1789-1848), Thời đại của Tư bản(1848-1875) và Thời đại của những Đế quốc (1875-1914).

Shakespeare đã gọi Lịch sử là một vở tuồng đầy âm thanh và cuồng nộ, do một thằng điên viết ra và một thằng ngốc nói lắp. Âm thanh và cuồng nộ, thì Thế kỉ XX không thiếu. Còn phần cuối câu nói của Shakespeare, thì một nhà sử học mác-xít không thể tán thành. Ông phải tìm cho ra sự nhất quán nội tại của mỗi giai đoạn lịch sử, và nếu ta chấp nhận có sựnhất quán đó, thì thời kỳ“ trăm năm ” lịch sửkhông có lí do gì lại phải bắtđầu từ năm 01 của một cuốn lịch đã được quy định một cách võ đoán. Những niênđại mà Hobsbawm đã chọn làm cột mốc thế kỉ tự nó đã mang đầy đủ ý nghĩa : đối với ông, Thế kỉ XIX đã bắtđầu với Cách mạng Pháp, cuộc cách mạng đã quét sạch các vương quốc già nua của châu Âu và thể hiện những ý tưởng của trào lưu Khai Sáng ; và nó kết thúc ở đỉnh cao của Thờiđại của các đế quốc, khi cácđế quốc này sẽ đụng đầu nhau (và tiêu diệt nhau) trong cuộc Thếchiến lần thứ nhất. Mở đầu vào năm 1914, Thế kỉ ngắn XX kết thúc năm 1991, khi chế độ xôviết sụp đổ. Nhìn đại thể, có thể chia làm ba giai đoạn : giai đoạnđại hoạ, từ 1914 đến cuối Thếchiến lần thứ nhì, tiếp theo đó là một giai đoạn, khoảng 25-30 năm,đánh dấu bằng sự tăng trưởng kinh tế và những biến đổi xã hội phi thường, một thứ Thời đại Hoàng kim (ít nhất trong cảm nhận của một số người, khi thời kì này chấm dứt, vào đầu thập niên 70). Cuối cùng, giai đoạn thứ ba là thời kì của những bất trắc, khủng hoảng, và ít nhất đối với cả một bộ phận thế giới (Phi châu, Liên Xô và đế quốc xã hội chủ nghĩa), một thời kìđại hoạ.

Tóm lại, ý tưởng trung tâm là : Thếkỉ ngắn XX khai sinh trong cuộc Thế chiến lần thứ nhất. Luận điểm này không có gì mới, nhưng ở đây, nó được diễn giải tường tận : lò lửa 1914-18 đã tôi luyện nên thế kỉ sắt thép này. Cái nhìn hồi chiếu của nhà sửhọc mang lại một sự nhất quán cho cuộc bể dâu 31 năm : một “ thời kì đại hoạ ” của nền văn minh Tây phương (do đó, của nền văn minh nhân loại), một cuộcĐại khủng hoảng kinh tế nổ ra giữa hai cột mốc là hai cuộc Đại chiến thế giới, cuộc thứ nhì phát sinh từ cuộc thứ nhất. Thế chiến thứ nhất đã đẻ ra Cách mạng tháng 10 Nga, và Thế chiến thứ nhìđã lập ra trật tự lưỡng cực trên toàn cầu, do phe chiến thắng ápđặt – thế lưỡng cực này kéo dài đến năm 1991. Trong ý nghĩađó, có thể nói cuộc chiến tranh 1914-45 là cái “ tử cung ”,cái lò bát quái đẻ ra thếkỉ đẫm máu nhất của lịch sửnhân loại.

Ngay cả những người không tán thành luận điểm này cũng phải thừa nhận rằng 1914 là điểm đoạn tuyệt giữa hai thế kỉ. Cuối Thếkỉ dài XIX, thế giới sống dưới sự bá chủ của nền văn minh Tây phương, hay đúng hơn, một hình thái nhất định của nền văn minh Tây phương mà Hobsbawm mô tảnhư sau : “ về mặt kinh tế là tư bản chủ nghĩa, về bộ máy luật lệ và hiến pháp là tựdo, về hình ảnh của giai cấp thống trị là tư sản ; kiêu hãnh với những tiến bộ của khoa học, tri thức và giáo dục, với cả những tiến bộ vật chất và tinh thần ; tin tưởng sâu sắc vào vị trí trung tâm của Châu Âu, mẹ đẻ của các cuộc cách mạng, cũng như của khoa học, nghệ thuật và công nghiệp (...), chắc mẩm rằng hệ thống chính trị toàn cầu là do những quốc gia chính ở Châu Âu quy định ”(tr. 25). Vậy mà trận động đất 1914 đã đẩy châu Âu vào một cuộc đảo điên 30 năm triền miên “ hết tai hoạ này sang tai hoạ khác ”, đến độcó những lúc “ ngay cả những người bảo thủ thông minh nhất cũng chẳng dám đánh cuộc vào sựsống còn của nó ”. Có thể hiểu được sự âu lo linh cảm của ngoại trưởng Anh Edward Grey khi nước Anh tham chiến : “ Cả châu Âu đã tắt đèn. đời chúng ta sẽ không được thấyđèn sáng trở lại ”. Mô tả sự tăng tốc bạo liệt ấy của lịch sử, Hobsbawm đã hạ một câu sắc sảo : “ Chủ nghĩađế quốc hiện đại, ngày nữhoàng Victoria lâm chung, còn vững chãi và ngạo ngược như vậy, thếmà rốt cuộc lịch sử của nó cũng chẳng kéo dài hơn một kiếp người : chẳng hạn kiếp sống của Winston Churchill (1874-1965) ” (tr.26).

Đối với những người đã phải trải qua cả hai cuộc chiến, có thể cảm thấy chúng khác xa nhau. Thế chiến 1914 đúng là một cuộc chiến tranh đế quốc theo nghĩa đen : chiến tranh giữa đế quốc với nhau. Còn chiến tranh 1939 (và những cuộc chiến tranh “ nhỏ ” tiếp theo) có tính chất “ ý thức hệ ”,một hình thái hiện đại của chiến tranh tôn giáo. Nhưng với khoảng lùi lịch sử, có thể nói cảhai chẳng qua là một cuộc chiến tranh duy nhất bởi vì những người chiến thắng năm 1918 (mặc dầu họ đã toàn thắng) đã không áp đặtđược một trật tự quốc tếmới ổn định. Họ đã thất bại vì họ đã muốn loại ra khỏi cuộc chơi chính trị và kinh tế hai cường quốc : nước Đức là nước thua trận, bị hoà ước Versailles “ trừng phạt ”, do đó trở thành “ nạn nhân ”,và Liên Xô bị cô lập bằng một “ vành đai y tế ”.Sự ức chế Đức và sự tẩy chay Liên Xô đã đẩy hai nước này (vốn thù nghịch nhau về hệtư tưởng, xem phần dưới) xích lại gần nhau về mặt chính trị.Và đến đầu thập niên 30, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đưa chính quyền Đức và Nhật tới“ hình thái chính trị của chủ nghĩa quân phiệt và của phái cực hữu, quyết tâm phá vỡ thếnguyên trạng (...), thì một cuộc thếchiến mới trở thành một điều dễ tiên liệu, hơn thế nữa, gần như mọi người đều tiên đoán là nó sẽ bùng nổ ”(tr.60).

Không thể hiểu được sự bạo liệtcủa thế kỉ XX nếu ta quên rằng“ thời đại của những cuộc tàn sát ” đã bắt đầu chính từ năm 1914. 1914 đánh dấu một sự cắt đoạn triệt để,đến mức mà đối với thếhệ đã trưởng thành khi cuộc Thế chiến thứ nhất bắt đầu, trong tâm thức của họ, “ hai chữ ‘hoà bình’ nghĩa là‘trước 1914’ ; còn sau đó, gì thì gì cũng không xứng đángđược gọi tên bằng hai tiếngấy ” (tr. 45). Cuộc chiến tranh 1914-18 tiêu diệt một thế hệ (10 triệu người chết và tàn phế, 4 tới 5 triệu người tị nạn) đã vậy, đến cuộc chiến tranh 1939-45, với 54 triệu người chết và tàn tật, 40 triệu người tị nạn, thì sao ? Thế kỉ “ ngắn ” quả là thế kỉ khổng lồ về sự giết người : theo một ước tính gầnđây (Brzezinski, 1993), số người bị đồng loại giết chết, hoặc cốtình để cho chết, lên tới 187 triệu. Có thể tranh cãi về con số,về phương pháp tính toán, song có một điều không thể tranh cãi là sự suy thoái đạo lýgắn liền với thời đại tàn sát và nuôi dưỡng nó. Bảo rằng thế kỉ XIX là một thời kì tiến bộ về vật chất, trí tuệvà tinh thần, nghĩa là “ thăng tiến những giá trị của nền văn minh ” (tr. 33) chắc sẽ khiến nhiều“ nhà cách mạng ” phải cười gằn. Song như Hobsbawm đã nhắc lại, bản thân F. Engels, một nhà“ cách mạng có môn bài ”,đã kinh hoảng trước cuộc ám sát khủng bố đầu tiên của các phần tử Cộng hoà Ireland ởWesminster Hall : là người của thế kỉXIX, người đồng chí của K. Marx cho rằng không thể gây ra những hànhđộng chiến tranh nơi những người không chiến đấu. Song từ 1914 trở đi “ các cuộc chiến tranh có tính chất toàn diện đã biến thành ‘chiến tranh nhân dân’theo nghĩa đen của cụm từ này : thường dân và đời sống dân sự đã trở thành mục tiêu xác định, thậm chí chủ yếu, của chiến lược ” (tr. 79). Một thí dụ nữa : đầu thế kỉ XX, Châu Âu đã chính thức loại bỏ nạn tra tấn, vậy mà với chế độ nazi và từ sau năm 1945 nhất là trong các cuộc chiến tranh chống giải phóng (Việt Nam, Algérie), tra tấn đã trở thành “ tập tục ”tại ít nhất một phần ba các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc4 (Peters, 1985). Thành thử, theo Hobsbawm, thế kỉ XX đã trở thành quen thuộc với những cuộc tàn sátđại chúng, những cuộc di cư cưỡng bức, những thảm kịch vốn dĩ hiếm hoi, đến mức người ta đã phải tạo ra những cụm từ mới : “ vô quốc tịch ”, “ diệt chủng ”,“ trại tử thần ”,“ goulag ”... Nhân danh những giá trị đạo lí, nhà sử học đã tuyên án nghiêm khắc : “ Thếkỉ này đã dạy chúng ta, và còn tiếp tục dạy chúng ta, rằng những con người có thể tập sống trong những điều kiện ghê gớm, trên lí thuyết là không thểchịu đựng được, thì [đối với những thế hệ trẻ] không dễgì nhận thức được quy mô sựtái hồi của những gì mà cha ông ta ở thế kỉ XIX gọi là những tiêu chuẩn của sự dã man, một sựtái hồi khốn nỗi đang tăng tốc (...) Tai hoạ mà [cuộc chiến tranh 31 năm] gây ra cho loài người hiển nhiên là tai hoạ lớn nhất trong Lịch sử. Một khía cạnh không kém phần bi thảm của đại hoạ ấy, là nhân loại đã phải tập sống trong một thế giới mà giết chóc, tra tấn, lưu đầy hàng loạtđã trở thành câu chuyện thường ngày không làm ai ngạc nhiên ”(tr. 82).

Bóng đen Tháng Mười

Như đã nói, chiến tranh 1914 là một cuộc chiến tranh đế quốc. Đến năm 1918, một nửa số các đếquốc ấy (những đế quốc bại trận) không còn tồn tại, nửa kiađã mang trong mình những mầm mống chẳng bao lâu sẽ huỷ diệt chúng.“ Rõ ràng là thế giới cũ đã bị lên án. Xã hội cũ, nền kinh tế cũ, những chính thể cũ, nói như người Trung Hoa, đã‘đánh mất thiên mệnh’(...). Nhân dân các nước dường như chỉ đợi một dấu hiệu là sẽ vùng lên, để biến nhữngđau khổ vô lí của chiến tranh thành một cái gì tựa như cơnđau của sự sinh nở, sự quằn quại của một thế giới trong giờ thoát thai. Cuộc cách mạng Nga, hay nói đúng hơn, cuộc cách mạng bôn sê vích Tháng Mười 1917 là tiếng còi báo hiệu cho thế giới. Trong lịch sửthế kỉ XX, nó đã trở thành sự kiện trung tâm, tương đương với cách mạng 1789 trong lịch sử thếkỉ XIX. Quả thế, không phải ngẫu nhiên mà lịch sử Thế kỉ ngắn XX này trên thực tế đã trùng hợp với cuộc đời của Nhà nước thoát thai từ cách mạng Tháng Mười ” (tr. 86).

Đây không phải chỗ viết lại lịch sửcuộc cách mạng này, song cũng cần nói tại sao nó lại là cái mốcđánh dấu thế kỉ, là sựkiện trung tâm mà mọi người, những người tán thành cũng nhưnhững người chống lại, đều lấy đó làm quy chiếu. Năm 1914,“ ý niệm xã hội chủnghĩa ” đã trở nên thân quen, và trong phần đông các nước Âu Châu, sự tăng trưởng của giai cấp công nhân và sự phát triển của các đảng xã hội dường như đã mở ra khả năng thay thế chủ nghĩa tư bản. Mà đúng thế, “ mười ngày ”tháng Mười quả đã “ rung chuyển thế giới ” (John Reed, 1919), một cơn địa chấn long trời lở đất, mà những đợt dư chấn còn kéo dài tới cuối thế kỉ, với sự sụp đổ của một đếchế khác. “ Cuộc cách mạng bôn sê vích đã tạo sinh phong trào cách mạng có tổ chức mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại ”(tr. 87). Từ sau các cuộc chinh phục của Islam trong thế kỉ đầu tiên củađạo này, không có phong trào nào có thể sánh kịp sự bành trướng toàn cầu của nó. Chưađầy 30, 40 năm sau khi Lenin đặt chân xuống nhà ga Phần Lan ở Petrograd, khoảng một phần ba nhân loại (ở Châu Âu cũng như ở Châu Á) sống dưới chế độ “ mác xít - lê nin nít ”. Hơn thế nữa, mô hình xô viết còn đề ra một hệ thống đầy đủ (kinh tế, xã hội, chính trị, tổ chức) với tham vọng thay thế hệ thống tư bản chủ nghĩa, tự khẳng định làưu việt so với nó, và được Lịch sử trao cho “ sứ mệnh toàn thắng ”. Nói như Hobsbawm, lẽ ra Thế kỉ ngắn XX phải kết thúc“ dưới cái bóng khổng lồcủa Tháng Mười ”, trong một môi trường của sự đụng đầu (thực hay ảo, sẽ bàn ở dướiđây) giữa các thế lực của trật tự cũ và các thế lực của cuộc cách mạng xã hội.

Mọi người đều biết những nét lớn của lịch sử Liên Xô, nhưng có lẽ cũng nên nhắc lại những giaiđoạn chính của nó qua con mắt của Hobsbawm :

giai đoạn giành chính quyền : năm 1914, sức ép của cuộc chiến tranh toàn diện đãđẩy các quốc gia và các dân tộc tới tận cùng của các giới hạn, tới điểm đoạn tuyệt. Khâu yếu nhất là nước Nga sa hoàng đã bị cuộc cách mạng 1905-1906 làm quỵ gối. “ Cuộc cách mạng Tháng Ba 1917 nổ ra chẳng có gì bất ngờ và ngạc nhiên5, lật đổ chế độ quân chủNga và được toàn bộ công luận Tây phương hoan nghênh, ngoại trừ những phần tử phản động truyền thống thâm căn cố đếnhất ” (tr. 88). Điều bất ngờhơn là sự tàn rữa hoàn toàn của chế độ cũ. Hobsbawm nhấn mạnh,“ nước Nga chín mùi cách mạng xã hội tới mức quần chúng Petrograd đã đồng nhất sự truất phế Sa hoàng với sự đăng quang của tự do, bình đẳng phổ quát và sự kiến lập chế độ dân chủtrực tiếp (...). Thành thử, thay vì một nước Nga liberal và hiến chế,thiên về phương Tây, đã xuất hiện một tình huống cách mạng : một bên là một “ chính phủlâm thời ” bất lực, một bên là vô số những “ xô viết ”tự phát từ cơ sở ”(tr.93). Sau mấy tháng hỗn độn và bất lực, “ khi giờ [của các phần tử bôn sê vich] đãđiểm, thì vấn đề không còn là giành, mà là lượm chính quyền. Người ta kể rằng số người bị thương khi Eisenstein quay cuốn phim vĩ đại ‘Tháng Mười’ còn lớn hơn số người bị thương ngày 7.11.1917 khi chiếm Cung Mùa Đông. Không được ai bảo vệ, chính phủ lâm thời đã tan biến ”(tr.94).

- giai đoạn sống còn của Cách mạng : Hobsbawm không giấu giếm sự khâm phục của ông đối với Lenin6, nhà hành động và thiên tài chính trị, đã biết“ lèo lái cuộc nổi dậyđại chúng mà không ai kiểm soát nổi thành chính quyền bôn sê vích ” (tr. 92). Muốn hiểu tình thế ấy, tưởng cũng nên nhắc lại rằng, đầu năm 1917, vẫn lưu vong ở Thuỵ Sĩ, cũng chính Lenin này còn tự hỏi liệu đến khi nhắm mắt ông ta có được thấy cách mạng nổ ra không. Điều quan yếu là nắm được chính quyền rồi, những người bôn sê vích đã giữ vững được nó trong khi họphải đương đầu với biết bao nhiêu thù địch họp thành một liên minh vô cùng mạnh mẽ lạiđược thời cơ thuận lợi : hoàước Brest-Litovsk do đức áp đặt, sự phân hoá của lãnh thổ đếchế Nga, sự can thiệp vũ trang của các nước phương Tây, cuộc nội chiến giữa hai phe “ đỏ ”và “ trắng ”... đến cuối năm 1920, bôn sê vích đã giành toàn thắng, nhờ ba chủ bài chính :
trước hết, nhờ có “ mộtđảng cộng sản tổ chức tập trung, kỉ luật, với 600 000 đảng viên, một công cụ có sức mạnh vô song, gần như là một bộ máy nhà nước phôi thai ” (tr. 37). Hầu hết các chế độ cách mạng thế kỉ XX, dưới hình thức này hay hình thức khác, đều sẽ theo mô hình tổ chức này.

hai là, người bôn sê vích quyết chí bảo đảm sự nhất thống của nước Nga như là một quốc gia, “ do đó họ được sự ủng hộ đáng kể của những người ái quốc đối lập với họ về mặt chính trị, thí dụnhư sĩ quan thuộc quân đội Nga hoàng, nếu không có những sĩquan này thì không thể nào xây dựng được Hồng Quân. đối với họ, cũng như đối với nhà sử học khi xét lại lịch sử, thìở thời điểm 1917-18, vấn đềkhông phải là chọn giữa một nước Nga liberal và dân chủ, và một nước Nga không liberal, mà là phải chọn giữa nước Nga và hiểm hoạ sụpđổ ” (tr. 97).
ba là, cuộc cải cách ruộng đất, nhờ đó mà tới giờ phút quyết định, nông dân vùng đại Nga, “ hạt nhân cứng của Nhà nước cũng như của Hồng quân ”,đã đứng về phe bôn sê vích (sau này, nông dân sẽ bị thất vọng).

– “ chủ nghĩa xã hội trong một nước ” : như đã nói trên, Cách mạng đã thắng, nhưng đồng thời, nó đã thất bại. Nghĩa là, “ một cáchđầy đủ và cứng rắn hơn cả Cách mạng Pháp thời kì Jacobins, Cách mạng Tháng Mười Nga tựcoi mình là một sự kiện toàn cầu, chứ không chỉ thu hẹp vào nước Nga. Mục đích của nó không phải là mang lại tự do và chủ nghĩa xã hội cho nước Nga, mà là phát động cách mạng vô sản toàn cầu ” (tr. 88). Song, theo ý kiến chung, kể cả ý kiến của những người mác xít, nước Nga chưa hội đủ các điều kiện cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thậm chí, điều kiệnđể tiến hành một cuộc cách mạng tư sản liberal cũng chưa có đủnữa. Cờ đến tay thì phải phất, người bôn sê vích đã nắm chính quyền ở Nga, nhưng cách mạng chỉ có ý nghĩa nếu như nó trở thành cách mạng toàn cầu. Cuối năm 1917, điều này chẳng có gì là không tưởng vì cuộc chiến tranh toàn diện đã đẩy các nước tham chiến vào tình trạng cùng cực, đoạn tuyệt.“ Völkern, hört die Signale ”(Nhân dân các nước, hãy nghe tiếng còi hiệu !), bản tiếng Đức của điệp khúc bài Quốc tếca đã mở đầu như vậy. Liên tiếp trong hai năm tiếp theo Cách mạng Tháng Mười, một cao trào cách mạng đã diễn ra trên khắp hành tinh : ở Tây Ban Nha, ở Trung Quốc, ởMexico, ở những nước âu châu tan tành sau chiến tranh... Nhưng thất bại của cách mạng ở đức đã gióng hồi chuông báo tử cho những hi vọng của người bôn sê vích. Năm 1920, “ tình hình châu Âu còn xa mới trở thành ổn định, nhưng hiển nhiên ở Tây âu cách mạng bôn sê vích chưa chín muồi, mặc dầu từ đây ở Nga, chính quyền lê nin nít đã được củng cố ” (tr. 103). Ngôn ngữcác tuyên bố của Komintern (Quốc tếCộng sản) khi nói chiều này khi nói chiều kia, song “ cuối cùng thì quyền lợi của nhà nước Liên Xô đã áp đảo lợi ích cách mạng thế giới của QTCS, và tổ chức này đã bị Stalin biến thành một công cụ nội chính đơn thuần, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản Liên Xô (...). Cách mạng thế giới trở thành câu chuyện văn chương quá khứ, và trên thực tế, một cuộc cách mạng chỉ được chấp nhận nếu như : a) nó không mâu thuẫn với quyền lợi của Nhà nước xô viết, b) nếu người Liên Xô có thể trực tiếp kiểm soát được nó ” (tr. 106).

mặt trận chống phát xít: thế là trong thập niên 20, “ duy nhất có một nước, đất rộng mông mênh, lạc hậu, từ nay do cộng sản lãnh đạo, [tiến hành] công cuộc xây dựng một xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản ”(tr. 105). Trong khi đó, ngôi sao Cách mạng Tháng Mười vẫn rực rỡ trong tâm trí các nhóm xã hội cách mạng trên khắp thế giới. “ Và như thế, đối với thế hệ sau 1917, khuynh hướng bôn sê vích đã hoặc thâu nhập tất cả các truyền thống xã hội cách mạng khác, hoặc vứt chúng ra rìa các phong trào cấp tiến ” (tr. 109). Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 (không tácđộng tới Liên Xô vốn đã bị cô lập) càng củng cố uy tín của mô hình bôn sê vích, tăng phần tin tưởng vào tính ưu việt của nền kinh tế kế hoạch hoá. Tóm lại, trong tình hình suy sụp của thập niên 1930, không có học thuyết nào có thể đưa ra được một cách lý giải thế giới đồng thời vạch ra con đường thay đổi thế giới, hơn là chủ nghĩa Mác-Lê. Chính ở trong thời kì này (khoảng giữa hai thời điểm 1930 và 1940) Hobsbawm đã đặt một sự kiện bản lề của thế kỉ XX, tình huống chứa đựng một nghịch lí lịch sử : hai hệ thống thù địch, hệthống tư bản chủ nghĩa và hệthống cộng sản chủ nghĩa, vượt qua sự đối kháng để chung sứcđẩy lui nguy cơ phát xít (nếu nhưta bỏ trong ngoặc bản hiệp ước Đức-Xô7). Thậm chí có thể nói “ thành quả lâu bền nhất của Cách mạng Tháng Mười, mà mục tiêu là lậtđổ chế độ tư bản toàn cầu, là nó đã cứu mạngđịch thủ của nó ” (tr. 27).

chiến tranh lạnh : cuộc Thế chiến lần thứ nhì vừa kết thúc xong thì nhân loại lại đắm chìm ngay vào cái mà ta có thểgọi là Thế chiến lần thứ ba, dẫu cho đây là một thể loại chiến tranh khá đặc biệt. Cuộc chiến tranh lạnh, như người ta thường gọi,đã hoàn toàn chế ngự sân khấu quốc tế trong suốt nửa sau của Thế kỉ ngắn. Thoạt trông, cuộcđụng đầu dường như không thể tránh khỏi, giữa một bên là phe Liên Xô chiếm toàn bộ nửa phía đông của lục địa Âu Châu, và bên kia là phe Tây phương,đứng đầu là Hoa Kỳ mà hai cuộc chiến tranh thế giới đã biến thành cường quốc kinh tế và quân sự số 1. Song sự thật cũng không hoàn toàn giản đơn như vậy.đúng là Châu Âu đã trởthành một lục địa hoang tàn, vềmặt vật chất đã đành, mà còn cả về mặt con người8, phần đông các nhà quan sát đều tiên liệu một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề (kể cả ở Mỹ)như đã xảy ra khủng hoảng sau Thếchiến lần thứ nhất. Tương lai của chủ nghĩa tư bản và của xã hội liberal xem ra khá bấp bênh. Nhưngở bên phía bên kia, Liên Xô sau cuộc chiến cũng kiệt quệ : Liên Xôđã phải chịu phần hi sinh lớn nhất về nhân lực, nền kinh tế hoà bình của nó đã tan nát, và Liên Xô bắt đầu giải ngũ ngay từ năm 1946. Không phe nào có khảnăng và ý muốn can thiệp vào vùng ảnh hưởng trực tiếp của phe kia (biến cố Budapest năm 1956 và Praha năm 1968 đã chứng minh điều này). Còn ở những vùng mà hai phe tranh giành ảnh hưởng, đã nổ ra 3 cuộc giao tranh, nhưng đều không phải là giao chiến trực diện : Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan. Ngoài ra, nói gì thì nói, chiến tranh lạnh thực chất là hoà bình lạnh, một cuộc điđêm, một sự thoả thuận ngầm xuất phát từ cái thế “ cân bằng của sự khiếp sợ ”(ngay từ năm 1949, Liên Xô đã có vũ khí nguyên tử), một cái thếcân bằng đã căng chùng dây thần kinh của nhiều thế hệ9. Tóm lại, có thể nói 40 năm chiến tranh lạnh có thể chia làm 4 giai đoạn : (1) có tính bùng nổcao nhất là giai đoạn bắt đầu từ lúc công bố học thuyết “ đắpđê ” (containment, Truman 1947) cho tới kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1953) ; (2) tranh giành ảnh hưởng ở Thếgiới thứ Ba (đông Dương, Ai Cập, Cuba...) ; (3) giai đoạn “ hoà hoãn ”do Krushev khởi xướng (đầu thập niên 60) ; (4) giai đoạn “ đốiđầu ” trở lại, đầu thập niên 70 (kết thúc chiến tranh Việt Nam, khởi đầu chiến tranh Afghanistan...).

Lẽra chiến tranh lạnh phải chấm dứt ngay khi mà một trong hai siêu cường (Liên Xô) không còn sức theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang, nhưng nó chỉthật sự kết thúc khi mỗi siêu cường thừa nhận rằng siêu cường kia thực tâm muốn “ chung sống hoà bình ”. Trớ trêu của lịch sử là điều này đã xảy ra ở Reykjavik (1986) và Washington (1987), giữa một Tổng bí thư trẻ của Liên Xô, Mikhail S. Gorbatchev, một người thiết tha với công cuộc cải cách (nhưng ngay từ lúc đó đã bất lực,điều này về sau người ta mới hay), và một Tổng thống già của Mỹ, Ronald Reagan, gã cao bồi hồi xuân mà sự nghiệp chính trị được xây đắp trên cuộc “ thánh chiến ” chống “ đế quốc của ác quỷ ”.

sự “ nổ sụp ”: phải chăng sự kết thúc của chiến tranh lạnh đã dẫn tới sựcáo chung của hệ thống xô viết ? Tuy cách nhau 4 năm về thời gian, hai sựkiện này quả là liên hệ mật thiết với nhau. Đã có quá nhiều bình luận (kể cả trên mặt báo này) về những nguyên nhân chính trị, xã hội dẫn tới sự sụpđổ của “ chủ nghĩa xã hội hiện thực ”. Về những nguyên nhân kinh tế, ta hãy nghe Hobsbawm luận bàn :
Chủnghĩa xã hội xô viết tự mệnh danh là giải pháp thay thế cho hệthống tư bản toàn cầu. Vì chủnghĩa tư bản không sụp đổ và cũng không lộ ra những dấu hiệu cho thấy nó sẽ sụp đổ (...), nên viễn tượng của chủ nghĩa xã hội tuỳ thuộc vào khả năng của nó trong cuộc ganh đua với nền kinh tếtư bản quốc tế (...). [Thếmà] từ 1960 trở đi, rõ ràng chủ nghĩa xã hội ngày càng tụt hậu. Nó không còn sức cạnh tranh. Một khi cuộc thi đua diễn ra dưới hình thức một cuộc đụng đầu giữa hai siêu cường chính trị,quân sự và tư tưởng, thì thế yếu trở thành sự kiệt quệ.
Cảhai siêu cường đều nhấn ga gầm rú bộ máy kinh tế, đưa kinh tếvào cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt và vô cùng tốn kém, nhưng hệthống tư bản toàn cầu có thểhấp thu được món nợ 3 nghìn tỉ đô la của nước Mỹ (trướcđó, Mỹ là chủ nợ của thếgiới). Còn phía bên kia, kiếm đâu cho ra người nào, nước nào có thể giảm nhẹ áp lực của quỹvũ trang lên ngân sách Liên Xô, quỹ này chiếm một tỉ trọng cao so với Tổng sản lượng quốc gia [có lẽ khoảng 25 %, phía Mỹ là 7 %]. Do một sự trùng phùng vận hội lịch sử và chính trị, Mỹ gặp may là Nhật Bản và Cộng đồng Châu Âu đã phát triển mạnh mẽ : đến cuối thập niên 70, trọng lượng kinh tế của Nhật và Cộngđồng Châu Âu cộng lại đã hơn Mỹ 60 %. Ngược lại, các nướcđồng minh và lệ thuộc Liên Xô không thể đứng vững một mình (...). Về mặt công nghệ học, càng rõ ràng hơn nữa : sự ưu việt của phương Tây tăng trưởng với thời gian theo nhịp luỹ thừa. Tóm lại, chiến tranh lạnh là cuộc đọ sức không cân xứng, ngay từ khởi đầu.
Nhưng không phải vì đương đầu với chủ nghĩa tư bản và siêu cường của nó mà chủ nghĩa xã hội đã bị thư hoại. Sựthư hoại xuất phát từ sự kết hợp của hai yếu tố : yếu tố thứnhất là những khuyết tật nội tại ngày càng lộ liễu, ách tắc của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, yếu tố thứ hai là sự xâm nhập tăng tốc vào nền kinh tế xã hội chủnghĩa của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu, năng động hơn hẳn, tân tiến và chiếm thếthượng phong (...). Ngoại trừ trường hợp hai bên cùng nhau tự vẫn trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, [chiến tranh lạnh] bảo đảm sự sống sót cho đối thủ yếu thế. Gồng mình cố thủ đằng sau bức màn sắt, nền kinh tế kế hoạch hoá, dù thiếu hiệu quả và èo ọt đếnđâu, cũng vẫn sống được : nó có thể suy yếu đi dần dần, nhưng không có nguy cơ sụp đổngắn hạn. Chính sự tương tác của nền kinh tế Liên Xô với kinh tế tư bản thế giới từ thập niên 60 trở đi đã làm cho nó trở nên yểu mệnh (...). Nghịch lí của chiến tranh lạnh chính là ở đó : không phải sự đụng đầu, mà chính là sự hoà hoãn đã gây ra sự sụp đổ của nó ”.

Nguyễn Quang
(bản dịch của Kiến Văn)

Những phần sau : Từ Đại khủng hoảng đến Thời kì Hoàng kim, Thế giới thứ ba, Mạt kỉ.


(0) Người dịch thành thực xin lỗi những độc giả không đọc được tiếng Pháp. Trình độ Pháp văn và Việt ngữ của hắn không cho phép hắn liều lĩnh dịch mấy câu thơ của Saint-John Perse. Xin khất cho đến khi có bạn đọc vui lòng gửi cho một bản dịch hay. K.V.
(1) Editions Complexe - Le Monde Diplomatique, 1999, 810 trang.
(2) Bằng chứng là bạn đọc vẫn mỏi mắt chờ đợi bài điểm sách về chủ nghĩa cộng sản châu Á.
(3) Lời nguyền này thốt ra khi đọc trên báo : cầu thủ bóng rổMichael Jordan kí hợp đồng quảng cáo cho hãng Nike, mỗi năm được trảmột số tiền tương đương với 2 500 năm làm việc của một công nhân Indonesia (Nike có mở chi nhánh sản xuất ở đây). 2500 năm, nghĩa là lâu hơn cả tuổi đời của lịch Công nguyên, hay tính theo tín ngưỡng Phật giáo, 50 lần kiếp đầu thai.
(4) Toà án Tối cao Israel mới đây đã hợp pháp hoá việc tra tấn những người can tội khủng bố.
(5) Ngày 8 tháng 3-1917, cuộc biểu tình Ngày phụ nữ biến thành cuộc nổi dậy đòi bánh mì. Sau 4 ngày hỗn loạn, binh sĩ cô-dác quay sang ủng hộ người biểu tình, buộc Sa hoàng phải thoái vị.
(6) Có lẽ Hobsbawm sẽ không viết nhưvậy nếu ông được tham khảo những hồ sơ lưu trữ của Liên Xô, qua đó hiện ra một Lenin đôi khi nhỏ nhen, thù dai, luôn luôn khinh miệt các quyền tự do công cộng và tựdo riêng tư, và nhất là coi rẻmạng sống con người. Xem nghiên cứu của Nicolas Werth trong Sách đen của chủ nghĩa cộng sản.
(7) Hiệp ước Đức-Xô đã mởmắt cho nhiều trí thức về thực chất của chế độ Stalin. Có thể đọc Un testament espagnol (Một chúc thư Tây Ban Nha) của Arthur Koestler.
(8) Sau những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, nhiều trí thức tin là đã tới ngày tàn của nền văn minh Tây phương. Thí dụ : đầu đềcuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Virgil Goerghiu : Giờ thứ 25. Văn hào Primo Levi (cuối cùng đã tự vẫn) tuyên bố : “ Những ai đã sờ thấy đáy vực thẳm, đã trông thấy bộ mặt của con quỷGorgon [quỷ tóc rắn trong thần thoại Hi Lạp], thì đã chẳng trở về nữa rồi, mà nếu có trở về thì cũng á khẩu không nói nữa ”.
(9) Bài ca của Bob Dylan có câu “ It’s hard rain that gonna fall ”, nhạc sĩ tưởng rằng cuộc khủng hoảng tên lửa ởCuba sẽ gây ra cuộc chiến tranh tận thế.






No comments:

Post a Comment

View My Stats