Saturday, 20 October 2012

HOA KỲ THỂ HIỆN SỨC MẠNH HẢI QUÂN TẠI BIỂN ĐÔNG (Associated Press)




20-10-2012

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam – Hoa Kỳ gởi hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến tuần tra, nhỡn nhơ qua vùng biển Nam Hải hôm thứ Bảy ngày 20 tháng Mười, như muốn trình làng sức mạnh của mình ở vùng biển đang nhanh chóng trở thành điểm trọng tâm của sự kình địch mang tính chiến lược với Bắc Kinh.

Cuộc tuần tra của hàng không mẫu hạm (HKMH) USS Washington có thể làm Trung Quốc nổi cáu, là nước vốn đang tranh chấp lãnh hải với Việt Nam, Phi Luật Tân và các chính phủ khác về sự sở hữu chủ của những quần đảo trong vùng.

Điều này cũng sẽ có thể làm cho các nước nhỏ vốn lo lắng về tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc an tâm hơn khi thấy sự ủng hộ của Hoa Thạnh Đốn, vì Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trong việc cho mình có chủ quyền ở vùng biển Nam Hải khi sức mạnh kinh tế và quân sự của họ ngày càng tăng. Hoa Kỳ đang xây dựng mối quan hệ quân sự và kinh tế gần gũi hơn với Việt Nam và các nước khác trong vùng như là một phần của điểm “then chốt” xa vùng Trung Đông xa xôi đến Á châu.

Trung Quốc cũng đang có sự tranh chấp quyết liệt không ngờ với Nhật Bản, là một đồng minh của Hoa Kỳ về chủ quyền của những quần đảo nằm gần Biển Đông Hải (East China Sea). Hôm thứ Sáu, Bắc Kinh tiến hành cuộc thao diễn quân sự gần những quần đảo này để chứng tỏ khả năng bảo vệ tính chủ quyền của mình.

Trung Quốc cho hầu hết biển Nam Hải thuộc về chủ quyền của họ, cũng là nơi mà Hoa Kỳ nói là họ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm sự tự do giao thông hàng hải huyết mạch đi qua vùng này. Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước Á châu khác cũng cho mình có chủ quyền phần nào trong vùng biển này.

Hải quân Hoa Kỳ thường tuần tra vùng Á châu – Thái Bình Dương này, và cuộc hải hành của HKMH George Washington ngoài khơi Việt Nam là lần thứ nhì trong hai năm qua.

Chiếc HKMH thứ nhì, USS John C. Stennis, cũng đang hoạt động trong vùng biển tây Thái Bình Dương, theo Bộ Tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho hay.

“Trung Quốc sẽ chấp nhận điều này như một sự bày tỏ khác của Hoa Kỳ cho thấy họ muốn duy trì sự thống trị trong vùng,” một nhà nghiên cứu thâm niên của Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii ông Denny Roy nói. “Hoa Kỳ cũng muốn gởi một thông điệp ra cho vùng là Hoa Kỳ đang có mặt ở đây và sẽ ở đây dài dài... và Hoa Kỳ muốn bảo đảm luật quốc tế được tôn trọng.”

Việt Nam hoan hỉ tiếp nhận sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ là một nước từng là cựu thù của Việt Nam như là một đối lực với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Việt Nam đã phản ứng giận dữ đối với những động thái gần đây nhất của Trung Quốc khi họ thành lập một đơn vị quân sự đồn trú trên một trong những đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam cho mình có chủ quyền. Hoa Kỳ cũng đã chỉ trích Bắc Kinh về chuyện này.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tính chủ quyền của Việt Nam và tự chế để không có những hành động sai trái tương tự,” Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong tháng này.

Trong lúc hầu hết các nhà phân tích tin rằng sự chạm trán quân sự ở vùng biển là khó xảy ra, nhưng họ nói là căng thẳng trong vùng biển này có khả năng gia tăng khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định tính chủ quyền của mình và xây dựng sức mạnh hải quân.

© DCVOnline



---------------------------------------------------



Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước
21/10/2012

Trên USS George Washington Siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington đã đến khu vực Biển Đông có nhiều tranh chấp hôm thứ Bảy trong một chương trình nhằm thể hiện sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ. Vùng biển này hiện đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm đối đầu chiến lược giữa Washington với Bắc Kinh.

Một số an ninh và các quan chức chính phủ Việt Nam đã được chuyển lên thăm chiến hạm năng lượng hạt nhân USS George Washington, nhấn mạnh lại mối quan hệ quân sự đang phát triển giữa hai cựu thù. Một số ít nhà báo cũng được mời tham dự chương trình ở vùng biển giàu dầu mỏ này – đồng thời cũng là nơi có nhiều đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác.

Mục đích của chuyến thăm là nhằm trấn an Việt Nam và Philippines, tái khẳng định lại sự hỗ trợ của Mỹ trong khu vực nhưng điều này có thể làm phía Trung Quốc bực bội. Trung Quốc trong thời gian qua đã gia tăng sức mạnh hải quân và kinh tế, dẫn đến một loạt các tuyên bố nhấn mạnh chủ quyền của họ tại khu vực này.

Hoa Kỳ đang xây dựng các liên minh kinh tế và quân sự với Việt Nam cùng với một số các quốc gia khác trong khu vực trong chiến lược “trục châu Á”, chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Đây là chiến lược của Hoa Kỳ nhằm chống lại những ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong thời gian qua.

Các quan chức Việt Nam đã chụp ảnh máy bay chiến đấu F-18 cất và hạ cánh trên boong tàu dài 1000 feet – (305-mét), gặp gỡ thuyền trưởng và tham quan chiến hạm, nơi có hơn 5.000 thủy thủ trên tàu.

USS George Washington được điều động đến đây chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh tổ chức diễn tập quân sự gần quần đảo ở Biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra các vụ tranh chấp với Hoa Kỳ cùng đồng minh Nhật Bản. Sự kiện này đã gây ra nhiều căng thẳng trong những ngày gần đây.

Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nơi mà Hoa Kỳ nói rằng họ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải và các tuyền đường biển quan trọng. Việt Nam, Philippines và các quốc gia châu Á khác cũng nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền tại đây. Các tranh chấp kéo dài trong nhiều thập niên qua nhưng ít thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cho đến thập niên 1990 khi các cuộc điều tra cho thấy khu vực này có lượng dự trữ dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên khá lớn. Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã đưa các tranh chấp lên thành một quy mô lớn mạnh hơn.

Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên tuần tra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung và đào tạo với các đồng minh trong khu vực chiến lược này. Đây là chuyến thăm lần thứ ba của USS George Washington đến ngoài khơi bờ biển Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thì một tàu sân bay thứ hai, USS John C. Stennis, cũng đã tiến hành các hoạt động trong khu vực Tây Thái Bình Dương trong thời gian gần đây.

Hạm trưởng Gregory Fenton cho biết nhiệm vụ chính nhắm vào mục đích cải thiện quan hệ với Việt Nam và đảm bảo quyền tự do lưu chuyển của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Trung Quốc đã tăng cường quân sự trong những năm gần đây, bao gồm cả việc hạ thủy một chiến hạm hồi năm ngoái và phát triển nhanh chóng các tên lửa đạn đạo cũng như khả năng chiến tranh trên không gian mạng. Điều này có khả năng hạn chế những hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không công khai đứng bất kỳ về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

“Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để các quốc gia trong khu vực tự tìm ra biện pháp giải quyết những căng thẳng của họ. Vai trò của chúng tôi cho đến nay là đảm bảo tự do đi lại trong vùng biển quốc tế”, ông Fenton nói trong một cuộc phỏng vấn.

Mặc dù các quốc gia đã cam kết giải quyết những rạn nứt một cách ôn hòa, tuy nhiên, bạo lực đã từng nổ ra trong quá khứ – bao gồm cả cuộc chiến hồi năm 1988 khi Trung Quốc và Việt Nam đụng độ ở quần đảo Trường Sa làm chết 64 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng. Nhiều người lo ngại các tranh chấp này có thể trở thành một cuộc xung đột vũ trang tại châu Á.

Việt Nam đã vui mừng chấp nhận sự giúp đỡ của nước cựu thù Hoa Kỳ nhằm chống lại sự ảnh hưởng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, tuy nhiên, họ cũng cố gắng để duy trì tốt mối quan hệ với phương Bắc.

Gần đây, chính quyền Hà Nội đã phản ứng giận dữ đối với động thái của Bắc Kinh trong việc thiết lập một đơn vị đồn trú trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ cũng chỉ trích hành động của Bắc Kinh nhưng đã gặp phải nhiều phản bác từ phía Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ xem việc Hoa Kỳ điều động siêu hàng không mẫu hạm đến đây như một biểu hiện mong muốn tiếp tục duy trì sự thống trị trong khu vực”, ông Denny Roy, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nói. Hoa Kỳ cũng muốn gửi một thông điệp tới các nước trong khu vực rằng họ đến đây với một chiến lược lâu dài … và họ muốn tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế”.

Trong khi hầu hết các nhà phân tích tin rằng cuộc đối đầu quân sự ở vùng biển này rất khó xảy ra trong thời gian tới đây, nhưng họ nói rằng căng thẳng có khả năng sẽ gia tăng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục tuyên bố chủ quyền và xây dựng lực lượng hải quân trong khu vực Biển Đông.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC


TIN LIÊN QUAN :

US aircraft carrier cruises disputed Asian seas : Tàu sân bay Mỹ tuần tra trên vùng biển tranh chấp ở châu Á (AP).








No comments:

Post a Comment

View My Stats