Friday, 19 October 2012

DÂN MẠNG TRUNG QUỐC SO SÁNH SỰ TƯƠNG PHẢN GIỮA HAI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ MỸ - TRUNG (William Ide - VOA)




William Ide   -   VOA
19.10.2012

Trong lúc chỉ còn vài tuần là tới ngày bầu cử tổng thống Mỹ, các trang mạng tin tức và các trang vi blog ở Trung Quốc đang theo dõi sát những diễn tiến trong chiến dịch bầu cử. Họ cho đăng nhiều bài viết sắc sảo về cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, đặc biệt là khi Trung Quốc trở thành mục tiêu chỉ trích của cả hai ứng cử viên. Theo tường thuật của thông tín viên William Ide của đài VOA tại Bắc Kinh, sự tường thuật cặn kẽ này tương phản với sự kiện là có rất ít những hoạt động tường thuật có thực chất về cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo ở Trung Quốc, cũng diễn ra vào đầu tháng 11.

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Barack Obama và đối thủ của ông thuộc đảng Cộng hòa Mitt Romney kết thúc cuộc tranh luận thứ nhì hồi tối thứ 3, những người sử dụng internet ở Trung Quốc đã có thể đọc bài dịch của những phát biểu của hai ứng cử viên này và những lời bình phẩm về các phát biểu đó.

Trên mạng Weibo của Trung Quốc, một trang mạng như Twitter, dân mạng chẳng những chia sẻ với nhau những lời khen về tài tranh luận của các ứng cử viên mà còn suy diễn về ý nghĩa của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc.

Một người dùng Weibo, ông Châu Bồi Nguyên, nói rằng việc Trung Quốc trở thành mục tiêu chỉ trích không hẳn là xấu, vì sự chú tâm đó phản ánh sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông Tạ Đào, cựu Phó viện trưởng Viện Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng trong lúc nhiều nhà quan sát tình hình Hoa Kỳ ở Trung Quốc theo dõi các cuộc tranh luận chính trị để tìm kiếm những dấu hiệu về sự thay đổi chính sách của Mỹ, có nhiều người khác vì tò mò mà xem cho biết. Ông nói:

"Một số người chỉ xem vì họ tò mò muốn biết những ứng cử viên đó đang làm gì. Những người khác thì muốn biết những gì được mang ra tranh luận."

Hầu hết các cơ quan truyền thông có sự hỗ trợ của nhà nước tường thuật rằng Trung Quốc đang bị dùng làm vật tế thần trong các cuộc tranh luận và tố cáo hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đua nhau bài xích Trung Quốc.

Diễn đàn Cường quốc, do tờ Nhân dân Nhật báo điều hành, ghi nhận rằng trong 20 lần các ứng cử viên đề cập tới Trung Quốc lần nào cũng có dính dáng tới tình hình kinh tế nước Mỹ.

Trong lúc truyền thông nhà nước tỏ ý bất bình về việc này, các nhà bình luận trên mạng đã nêu lên những sự tương phản về hai hệ thống chính trị của Mỹ và của Trung Quốc.

Một số người viết vi blog nêu lên câu hỏi là cho tới khi nào thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới tổ chức những cuộc tranh luận trên truyền hình để trình bày các chính sách và chủ trương của mình.

Ngày đó vẫn còn xa lắm, theo nhận định của Giáo sư Trình Lập của Đại học Thành phố Hồng Kông:
"Đó là đường lối của hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo và dường như cũng là đường lối của các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường."

Trung Quốc chỉ còn vài tuần là tới ngày khai mạc Đại hội Đảng để tiến hành cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo, nhưng không giống như ở Mỹ, có rất ít sự bất định về vấn đề người nào sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Sau Đại hội 18, chức vụ có nhiều quyền lực nhất là Tổng bí thư Đảng cầm chắc sẽ lọt vào tay ông Tập Cận Bình, và người lên thay Thủ tướng Ôn Gia Bảo có phần chắc sẽ là ông Lý Khắc Cường. Tuy nhiên, công chúng ở Trung Quốc vẫn chưa được biết về các chủ trương của hai nhân vật này và vấn đề những người nào sẽ trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Trên cùng các trang mạng vi blog ở Trung Quốc mà dân mạng dùng để chia sẻ ý kiến về các ứng cử viên tổng thống Mỹ, nhân viên kiểm duyệt của chính phủ đã ngăn chận những từ khóa như “đảng Cộng Sản Trung Quốc” hay “Đại hội 18”.

Giáo sư Trình Lập nói rằng tuy hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng tranh luận với nhau về các chính sách, nhưng nội dung của các cuộc thảo luận hầu hết là được giữ kín:
"Những gì mà chúng tôi có thể nhìn thấy là các ấn phẩm, những bài viết có tính chất học thuật với nội dung ủng hộ hoặc hô hào cho những xu thế khác nhau về đường hướng cải cách. Vì vậy cho nên chúng tôi dựa vào đó để suy đoán đó là những vấn đề đang được thảo luận trong giới lãnh đạo hàng đầu và những sự điều chỉnh mà họ sẽ phải quyết định."

Những trang mạng tường thuật về cuộc bầu cử ở Mỹ có phần chắc sẽ thu hút thêm nhiều người xem vào tuần tới. Trong cuộc tranh luận diễn ra ở Florida vào ngày 22 tháng 10, ông Obama và ông Romney sẽ trình bày những ý nghĩ của họ về Trung Quốc trong một phần có chủ đề là “Sự Trỗi dậy của Trung Quốc và Thế giới Ngày mai.”




No comments:

Post a Comment

View My Stats